Kiến ba khoang thường xuất hiện vào mùa mưa hoặc sau các đợt thời tiết nóng ẩm. Nếu bị kiến ba khoang cắn mà không biết cách xử lý, da của bạn sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Trong bài viết này, cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu dấu hiệu khi bị kiến ba khoang cắn, cách chữa trị và phòng ngừa hiệu quả nhất.
>>> Tìm hiểu thêm:
- Viêm da cơ địa: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị
- Viêm da mủ là gì? Có nguy hiểm không? Dấu hiệu, cách điều trị
- Nguyên nhân xuất hiện vết bầm tím trên da và cách xử lý
Thông tin về kiến ba khoang
Kiến ba khoang có hình dáng thon dài và dẹt, kích thước nhỏ (khoảng từ 0.7-1cm), thân có các khoang đen và vàng xen kẽ. Chúng thường hay bị nhầm lẫn với kiến lửa, tuy nhiên kiến ba khoang không có màu sắc sặc sỡ và không có vòi nọc độc.
Kiến ba khoang có khả năng tiết ra một loại dịch chứa độc tố được gọi là pederin. Mặc dù độc tính này mạnh gấp 12-15 lần so với rắn hổ mang (theo nghiên cứu của Cục Y Tế Dự Phòng), nhưng do nồng độ ít và chỉ tiếp xúc ngoài da nên không đủ để gây tử vong cho người.
Môi trường ẩm ướt là điều kiện thích hợp cho kiến ba khoang sinh sôi và phát triển, chẳng hạn như ao hồ, đồng ruộng, đầm lầy, bờ sông,…Kiến ba khoang cũng có thể bị thu hút bởi nguồn ánh sáng nhân tạo như tháp đèn, bóng đèn huỳnh quang. Từ đó, chúng dễ dàng bay vào nhà và dính vào quần áo, chăn màn,… Nếu không cẩn thận sẽ bị kiến ba khoang cắn gây ra tình trạng viêm da ở người.
>>> Xem thêm:
- Viêm da tiết bã: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
- Nổi mề đay là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh
Dấu hiệu nhận biết khi bị kiến ba khoang cắn
Khi bị kiến ba khoang cắn, vùng da bị tổn thương sẽ xuất hiện những vết đỏ nóng rát, châm chích và ngứa ngáy. Chúng sẽ tiếp tục phát triển thành các chùm mụn nước và mụn mủ, gây sưng tấy và tạo thành các mảng đóng vảy. Nếu người bệnh gãi vết thương và sờ vào các vùng da lành, nó sẽ ngày càng lây lan rộng hơn trên cơ thể. Các triệu chứng này thường kéo dài từ vài ngày cho đến vài tuần và tự khỏi.
Tuy nhiên, trong trường hợp vết thương trở nên nghiêm trọng, các dấu hiệu sẽ không hề thuyên giảm. Ngược lại, người bệnh còn có thể xuất hiện thêm các triệu chứng như Sốt và sưng hạch. Khi đó, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Viêm da do bị kiến ba khoang cắn có nhiều triệu chứng giống với bệnh zona thần kinh. Tuy nhiên, tác nhân gây hại của zona thần kinh chính là do virus. Vì vậy, người bệnh cần phân biệt và nắm rõ các triệu chứng khi bị kiến ba khoang đốt để đưa ra phương hướng xử lý kịp thời và phù hợp.
Cách để phân biệt sự khác nhau giữa zona thần kinh và kiến ba khoang cắn: Khi bị zona thần kinh thì mụn nước thường sẽ mọc thành cùm và khu trú, còn đối với việc bị kiến ba khoang cắn thì sẽ cảm thấy nóng rát ở cùng da bị cắn trước, sau đó thì xuất hiện những vết đỏ rát và những tổn thương da đi theo thành từng vệt.
>>> Tìm hiểu thêm:
- Giời leo: Nguyên nhân & cách điều trị bệnh triệt để, hiệu quả
- Nguyên nhân gây bệnh thủy đậu và cách điều trị
- Viêm mao mạch dị ứng: Triệu chứng, cách điều trị
Cách xử lý khi bị kiến ba khoang đốt
Kiến ba khoang cắn không chỉ gây khó chịu mà còn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng nếu không được xử lý đúng cách. Để giúp bạn đối mặt với tình huống này, hãy tuân thủ các bước sau đây:
- Diệt kiến ba khoang đúng cách: Khi nhận thấy kiến ba khoang cắn, hãy loại bỏ kiến ra khỏi cơ thể bằng cách phủi thật nhẹ nhàng hoặc sử dụng một miếng giấy, mảnh vải để hạn chế tay tiếp xúc với chất độc.
- Sát khuẩn: Dùng dung dịch cồn 70 độ hoặc chất sát khuẩn khác để lau sạch vết thương. Nếu không có sẵn cồn hoặc betadin, người bệnh có thể rửa vết thương liên tục với xà bông dưới vòi nước sạch.
- Không gãi hoặc chà sát vết thương: Dù cảm thấy ngứa ngáy nhưng hành động gãi vết thương có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và gây tổn thương diện rộng trên da. Nếu lỡ chạm vào vết thương, bạn nên rửa sạch tay ngay lập tức.
Cách điều trị khi bị kiến ba khoang cắn
Người bị kiến ba khoang cắn có thể tham khảo thêm việc sử dụng thuốc uống hoặc thuốc bôi để làm các giảm triệu chứng và giúp vết thương mau lành hơn.
Sử dụng thuốc bôi
- Sau khi đã rửa sạch và sát trùng vết thương, người bệnh có thể bôi các loại dung dịch như hồ nước, milian, jarish,… có tác dụng kháng khuẩn và làm dịu da.
- Đối với những vết thương có mủ, bệnh nhân có thể sử dụng thêm thuốc xanh methylen. Đây là một loại thuốc lành tính được sử dụng rộng rãi trong việc tiêu diệt vi khuẩn, giải độc và điều trị một vài căn bệnh viêm da phổ biến.
- Người bệnh cũng có thể dùng kem bôi da (thuốc mỡ) có chứa steroid giúp giảm viêm và đẩy nhanh quá trình hồi phục. Tuy nhiên, việc sử dụng loại thuốc này cần được tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, đề phòng trường hợp sử dụng quá liều hoặc trong một thời gian dài gây nguy hại cho da.
Sử dụng thuốc uống
- Nếu người bệnh cảm thấy ngứa ngáy khó chịu, có thể sử dụng thuốc uống Histamin H1. Loại thuốc này thường được sử dụng để giảm phản ứng viêm với chất độc pederin do kiến ba khoang gây ra.
- Ngoài ra, nếu xuất hiện các triệu chứng đau đầu, sốt, buồn nôn, người bệnh nên uống thuốc chống viêm không steroid và thuốc giảm đau.
- Đối với những trường hợp nặng hoặc bị dị ứng trầm trọng, bệnh nhân có thể sử dụng Corticosteroid giúp giảm bớt các triệu chứng và sưng tấy. Thuốc kháng sinh cũng có thể được kê đơn để dự phòng nhằm giảm nguy cơ nhiễm trùng do trầy xước da.
Lưu ý: Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ và thực hiện đúng theo hướng dẫn.
>>> Tìm hiểu thêm:
- Bệnh hắc lào: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa
- Ghẻ nước: Nguyên nhân, biểu hiện, cách trị dứt điểm
Cách phòng ngừa kiến ba khoang
Dưới đây là những biện pháp hữu ích giúp giảm nguy cơ bị kiến ba khoang cắn và ngăn chúng xâm nhập vào không gian sống của bạn:
- Mắc màn khi đi ngủ: Tạo thói quen treo màn khi đi ngủ để ngăn kiến ba khoang bay vào. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng cửa lưới chống côn trùng cho phòng ngủ của mình.
- Chú ý đến ánh sáng trong nhà: Kiến ba khoang đặc biệt thích ánh sáng nhân tạo, vì vậy hãy tắt đèn khi không cần thiết. Thay thế bóng đèn huỳnh quang bằng những loại bóng đèn màu vàng, đèn sợi đốt để tránh thu hút chúng.
- Vệ sinh môi trường sống: Luôn giữ cho nhà cửa sạch sẽ và thông thoáng. Loại bỏ các nguồn thức ăn bẩn, nước thải gây ẩm ướt dễ dàng thu hút kiến ba khoang. Xịt thuốc diệt côn trùng định kỳ để giảm sự xuất hiện của kiến ba khoang trong và ngoài nhà.
- Giặt sạch chăn, màn và khăn tắm: Đảm bảo giặt sạch và kiểm tra kỹ các vật dụng này trước khi sử dụng để loại bỏ tình trạng ẩn náu của kiến ba khoang.
- Sử dụng thiết bị bảo hộ: Khi làm việc ngoài trời hoặc những nơi có nhiều kiến ba khoang, hãy đảm bảo mang đồ bảo hộ hoặc áo dài tay, đội mũ, đi ủng để bảo vệ da khỏi sự xâm nhập của côn trùng gây bệnh.
Cách xử lý khi bị kiến ba khoang đốt
Khi bị kiến ba khoang cắn, có một số lưu ý cần tuân thủ như sau:
- Đầu tiên, không nên tùy tiện sử dụng thuốc hoặc các mẹo dân gian như đắp lá lên vết thương. Điều này rất quan trọng, bởi vì có một vài trường hợp sử dụng quá nhiều loại thuốc kháng virus như Acyclovir đã làm cho vết thương nặng hơn, khó chữa trị.
- Thứ hai, tuyệt đối không được gãi vết thương. Hành động gãi có thể làm cho vết loét sâu hơn, cũng như mang vi khuẩn từ tay vào vết thương. Khi đó sẽ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng nặng và làm vỡ dịch, đồng thời lây độc tố sang phần da lành.
- Cuối cùng, cần theo dõi tình trạng vết thương và nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào, cần đến trung tâm y tế để được xử lý ngay lập tức. Việc điều trị đúng cách và kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa các vấn đề nghiêm trọng sau khi bị kiến ba khoang đốt.
>>> Xem thêm:
- Da bị nổi mẩn đỏ: Nguyên nhân do đâu? Cách điều trị
- Bệnh tổ đỉa: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa
Câu hỏi thường gặp
Khi bị kiến ba khoang cắn bạn cần kiêng các loại thức ăn dễ gây Dị ứng cho da như tôm, cua, ốc, … vì những vết thương do kiến ba khoang cắn thường đau rát và ngứa ngáy nên phải hạn chế các loại hải sản. Bên cạnh đó, các loại bánh kẹo và thực phẩm chứa nhiều đường cũng nên hạn chế ăn vì nó sẽ khiến cho vết thương trở nên nghiêm trọng hơn.
Kiến ba khoang cắn sẽ không lây từ người này sang người kia nhưng có thể lây lan khắp cơ thể nếu người bị kiến cắn gãi vào vết thương và khiến cho độc tố bị lây qua vùng da lành.
Khi bị kiến ba khoang đốt thì bạn vẫn có thể tắm bình thường. Tuy nhiên bạn cần phải vệ sinh sạch sẽ vết cắn bằng nước muối trước và hết sức cẩn thận khi tắm để tránh những tác động mạnh khiến cho vết thương lâu lành hơn. Sau khi tắm bạn có thể bôi thuốc để cải thiện tình trạng viêm da.
Bị kiến ba khoang cắn thì nguy cơ để lại sẹo rất cao nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Khi bị kiến cắn thì tình trạng mụn nước và mụn mủ sẽ xuất hiện, đồng thời vùng da bị cắn sẽ trở nên nóng rát, ngứa ngáy và khó chịu, nên đây là nguyên nhân dẫn đến sẹo.
Bài viết trên vừa cung cấp những thông tin quan trọng liên quan đến việc bị kiến ba khoang cắn. Mặc dù nó gây ra triệu chứng khó chịu nhưng nhận biết và xử lý đúng cách sẽ giúp vết thương nhanh lành hơn. Đồng thời, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp bạn tránh tình trạng bị kiến ba khoang đốt và bảo vệ sức khỏe của da một cách tốt nhất.Để cập nhật thông tin y tế mới nhất, hãy truy cập mục Tin tức y tế. Nếu bạn quan tâm đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, vui lòng liên hệ qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn TẠI ĐÂY để được hỗ trợ miễn phí và nhanh chóng.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.