Tin tức y tế

Giảo cổ lam là gì? Tác dụng của giảo cổ lam đối với sức khỏe

27/07/2023

Có lẽ đối với nhiều người, giảo cổ lam vẫn là cái tên còn khá xa lạ. Trên thực tế, giảo cổ lam là loại dược liệu tốt không thua kém gì đông trùng hạ thảo hay nhân sâm. Giảo cổ lam có tác dụng bảo vệ gan, tim mạch và ngăn ngừa khối u phát triển. Trong bài viết dưới đây, Hoàn Mỹ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn giảo cổ lam là gì và đặc điểm cũng như công dụng của giảo cổ lam.

Xem thêm

Giảo cổ lam là gì? Đặc điểm của giảo cổ lam

Giảo cổ lam có tên khoa học là Gynostemma pentaphyllum. Ngoài ra giảo cổ lam còn được gọi bằng nhiều tên khác như phúc ẩm thảo (ở Nhật Bản), cỏ trường thọ (ở Trung Quốc), dền toòng, cây trường sinh, ngũ diệp sâm hay cổ yếm.

Đặc điểm của giảo cổ lam

Theo tìm hiểu của các chuyên gia, cây giảo cổ lam mọc hoang chủ yếu ở những khu rừng thưa, khí hậu lạnh và có độ ẩm thấp, ví dụ như Trung Quốc, Triều Tiên hoặc Nhật Bản. Ở nước ta, cây này được tìm thấy nhiều ở khu vực vùng núi đá vôi thuộc tỉnh Hoà Bình, vùng núi Fansipan thuộc tỉnh Sapa.

Về đặc điểm, giảo cổ lam là loại dây leo, thân thảo, có tua cuốn mọc ra dùng để leo. Hoa thường có màu trắng và mọc thành từng cụm. Các cánh hoa không dính mà xòe ra giống như hình ngôi sao. Khi chín, quả có kích thước từ 5 – 9 mm.

Mặt dưới của lá có màu xanh nhạt, mặt trên đậm màu hơn và bề mặt sần sùi. Hình dáng của lá xòe ra như các ngón tay trên bàn tay. Tuỳ vào số lượng của lá trên mỗi cành mà giảo cổ lam được chia thành 3 loại: 

  • Loại 3 lá: Loại này thường mọc nhiều ở phần to nhất của thân dây leo. Vì không thơm, có vị nhạt khi pha trà và không mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt nên loại 3 lá ít khi được sử dụng để làm thảo dược.
  • Loại 5 lá: Đây là loại lá được dùng nhiều nhất. Bởi lẽ, không chỉ có nhiều công dụng tốt mà nó còn có mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng, khi uống có hậu vị ngọt thanh. Loại 5 lá thường chỉ mọc ở vùng núi đá vôi ở độ cao khoảng 1000m so với mực nước biển.
  • Loại 7 lá: Loại này chủ yếu mọc dại, không có mùi thơm và đặc biệt là rất đắng. Do đó nó rất khó uống và hiếm được sử dụng.

Thành phần hợp chất và các dạng điều chế

Thành phần hợp chất nổi bật nhất của giảo cổ lam là flavonoid và saponin có tác dụng tăng cường sức đề kháng của cơ thể và cải thiện sức khỏe. Thậm chí, saponin trong vị thuốc này còn nhiều hơn cả trong nhân sâm như hồng sâm, đẳng sâm. Ngoài ra, thành phần của nó còn chứa nhiều khoáng chất như sắt, kẽ, selen, phốt pho, mangan… kích thích tuần hoàn máu.

Giảo cổ lam được bào chế với rất nhiều dạng cho bạn lựa chọn như dạng rượu thuốc, chiết xuất dạng bột hoặc dạng trà. Trong đó, 2 dạng phổ biến, dễ bảo quản và được nhiều người sử dụng là dạng bột và dạng trà. Bạn có thể mua trà giảo cổ lam tại các hiệu thuốc Đông Y hoặc Tây Y trên toàn quốc.

>>> Tìm hiểu thêm:

Cây thuốc giảo cổ lam mọc ở vùng rừng thưa, khí hậu lạnh
Giảo cổ lam được chia thành nhiều loại khác nhau dựa theo số lượng lá (Nguồn: Internet)

Công dụng nổi bật đối với sức khỏe của giảo cổ lam

Giúp ổn định đường huyết

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, giảo cổ lam có chứa hơn 100 loại hợp chất saponin mang lại hiệu quả trong quá trình ổn định đường huyết. Đồng thời, nó còn ngăn ngừa nguy cơ xơ vữa động mạch, tham gia vào quá trình lưu thông máu, cải thiện và ngăn ngừa biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường type 2.

Tạp chí Dinh dưỡng và Chuyển hóa Hindawi của Nhật phát hành vào năm 2012 đã làm thí nghiệm với 25 bệnh nhân đái tháo đường type 2. Bệnh tình của họ được kiểm soát khi uống gliclazid kết hợp với giảo cổ lam. Trước đó vào năm 2005, trường đại học Sydney (Australia) cũng công bố kết quả nghiên cứu cho thấy công dụng của nó trong việc giảm 85% triglycerid, giảm 35% Cholesterol xấu, 44% Cholesterol toàn phần. 

Vào năm 1999, tạp chí Dược liệu đã viết về nghiên cứu của GS. Phạm Thanh Kỳ. Nếu dùng liên tục trong 30 ngày, mức Cholesterol toàn phần giảm tới 71%. Việc uống 6g mỗi ngày và kéo dài trong 8 tuần sẽ cải thiện độ nhạy của chất insulin, chỉ số C-peptid và HbA1C, làm giảm lượng đường trong máu lúc đói còn khoảng 3 mmol/L, từ đó giúp ổn định đường huyết.

Giảo cổ lam giúp ổn định đường huyết
Chỉ số đường huyết được ổn định (Nguồn: Internet)

Điều trị huyết áp cao, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Giảo cổ lam có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh cao huyết áp và cải thiện tuần hoàn máu. Khi đi vào cơ thể, nó còn kích thích sản sinh oxit nitric để giảm cơn đau tim, kiểm soát huyết áp và phòng ngừa biến chứng của bệnh tim mạch. Ngoài ra, uống nước giảo cổ lam có thể điều trị bệnh đau đầu hay đau nửa đầu do Thiếu máu lên não, kích thích tuần hoàn máu lên não.

Các tác dụng này đã được Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ) chứng minh bằng cuộc thử nghiệm với 223 bệnh nhân bị cao huyết áp. Những người này được chia ngẫu nhiên thành 3 nhóm và đều sử dụng thuốc hạ huyết áp indapamid, nhân sâm cùng giảo cổ lam. Kết quả là chỉ số huyết áp của nhóm sử dụng thảo dược này giảm 82%, nhóm uống thuốc là 93% và nhóm dùng nhân sâm là 41%.

>>> Tham khảo thêm: Huyết áp bình thường là bao nhiêu? Chỉ số huyết áp theo độ tuổi?

Loại dược liệu này có hỗ trợ tốt cho máu và tim mạch
Loại dược liệu này có hỗ trợ tốt cho máu và tim mạch (Nguồn: Internet)

Giảo cổ lam ngăn ngừa ung thư

Một công dụng khác của loại dược liệu này là ngăn ngừa bệnh Ung thư hình thành bằng cách tiêu diệt tế bào mầm bệnh. Hợp chất saponin có trong thành phần sẽ ngăn chặn tế bào ung thư vú, ung thư phổi, ung thư tử cung, ung thư đại tràng.

Tỷ lệ mắc bệnh ung thư được giảm nhờ sử dụng cây giảo cổ lam
Tỷ lệ mắc bệnh Ung thư được giảm nhờ sử dụng cây trường sinh (Nguồn: Internet)

Tác dụng bảo vệ gan

Giảo cổ lam có thể làm giảm cơn đau và khó chịu do bệnh gan gây ra nhờ những hợp chất quý trong thành phần. Đồng thời, các chất này còn đóng vai trò bảo vệ gan, tái tạo tế bào gan giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Một nghiên cứu thực hiện trên 56 người bị gan nhiễm mỡ đã chỉ ra rằng, chỉ số men gan cao, điểm gan nhiễm mỡ và chỉ số BMI được giảm tương đối nhiều khi sử dụng 80ml dược liệu liên tục trong 6 tháng.

Ngoài ra, có một cuộc thí nghiệm khác cũng khẳng định, đây là loại thảo dược giúp hạn chế quá trình tích tụ lipid do quá trình oxy hoá và axit béo tự do gây ra. Từ đó, nó sẽ hạn chế tình trạng tế bào gan nguyên phát bị chết khi bệnh nhân mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Phúc ẩm thảo có khả năng bảo vệ gan
Nhiều cuộc nghiên cứu đã chứng minh khả năng bảo vệ gan của phúc ẩm thảo (Nguồn: Internet)

Giảo cổ lam giúp tăng cường sức khỏe

Các chất như flavonoid, acid amin hay vitamin trong giảo cổ lam có khả năng chống oxy hoá, tăng cường hệ miễn dịch, giảm mệt mỏi và căng thẳng rất tốt. Bên cạnh đó, chất Flavonoid cũng giúp chống độc, bảo vệ và làm giảm tỷ lệ tổn thương gan. Hợp chất saponin khi đi vào cơ thể sẽ tham gia trực tiếp vào quá trình cải thiện sức đề kháng, từ đó tăng cường sức khỏe.

Một số công dụng nổi bật khác là trị chứng mất ngủ, an thần, hỗ trợ quá trình đốt mỡ thừa, cải thiện chứng biếng ăn dẫn đến sụt cân. Việc duy trì uống loại dược liệu này đều đặn và đúng liều lượng sẽ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. 

Uống trà giảo cổ lam giúp tăng cường sức đề kháng
Giới quý tộc, người có điều kiện thường bồi bổ cơ thể bằng giảo cổ lam (Nguồn: Internet)

Phòng ngừa hình thành khối u

Vào tháng 5/2011, PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền và GS.TS Phạm Thanh Kỳ đã chứng minh công dụng ngăn chặn sự hình thành và phát triển khối u của loại thảo dược này. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Dược học cho biết 7 hoạt chất saponin và chất Gypenosid VN 01 – 07 có thể tiêu diệt tế bào ung thư, phòng ngừa việc hình thành các khối u. Hơn nữa, theo bách khoa toàn thư về dược phẩm trực tuyến, gypenosid còn ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể.

Giảo cổ lam 5 lá chống hình thành khối u
Một công dụng khác của giảo cổ lam là chống hình thành khối u (Nguồn: Internet)

Giúp hạ mỡ máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch 

Các chất có trong giảo cổ lam còn được chứng minh là rất tốt cho bệnh nhân có dấu hiệu xơ vữa động mạch, đang đối mặt với bệnh mỡ trong máu. Chúng sẽ làm lưu thông máu, giảm lượng Cholesterol cũng như hạn chế nguy cơ mắc bệnh tai biến và đột quỵ.

Nhờ thành phần chứa hơn 100 saponin nên nó còn có thể ngăn ngừa bệnh bệnh mạch vành, Xơ vữa động mạch do tình trạng rối loạn mỡ máu gây ra. Năm 1999, tạp chí Dược liệu đã đăng tải nghiên cứu của GS. Phạm Thanh Kỳ về khả năng giảm mỡ máu của giảo cổ lam. Mức Cholesterol toàn phần của những người sử dụng thảo dược trong 30 ngày liên tục được giảm 71% so với những người không uống.

>>> Có thể bạn quan tâm: TOP 10+ loại thuốc chống đột quỵ tốt nhất hiện nay

Hình ảnh cây giảo cổ lam đang ra hoa
Cận cảnh cành giảo cổ lam đang ra hoa (Nguồn: Internet)

Những điều cần lưu ý khi sử dụng giảo cổ lam

Chính vì mang đến nhiều công dụng hữu hiệu nên nhiều người thường dùng nước giảo cổ lam thay cho nước lọc uống hàng ngày. Tuy nhiên, đây không phải là điều phù hợp với mọi thể trạng hay mọi độ tuổi. Khi sử dụng loại thảo dược này, bạn cần lưu ý những điều sau để không gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khoẻ: 

  • Không uống trà làm từ giảo cổ lam vào buổi tối vì một số chất trong thành phần làm tăng hưng phấn, tăng nhịp tim, kích thích hệ thần kinh nên rất khó ngủ.
  • Mỗi ngày không dùng quá nhiều (khuyến cáo không vượt quá 20g/ngày). Mỗi lần dùng chỉ kéo dài 4 tháng.
  • Thời gian sử dụng thích hợp là trước khi ăn bữa chính khoảng 30 phút. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng vào buổi sáng để tăng độ tập trung, giúp tinh thần minh mẫn. 
  • Uống trà hoặc thuốc giảo cổ lam trong ngày, không để lại qua đêm. Nếu muốn để đến ngày hôm sau, bạn cần bảo quản kín trong tủ lạnh đồng thời nấu sôi lại trước khi dùng.
  • Một số tác dụng phụ có thể gặp là ù tai, chóng mặt, buồn nôn, đi ngoài tiêu chảy, tăng nhu động ruột.
  • Bạn có thể kết hợp giảo cổ lam với cây dạ đen, cà gai leo uống sau khi ăn.

Những ai không nên sử dụng giảo cổ lam?

Những đối tượng được khuyến cáo nên hạn chế sử dụng giảo cổ lam là:

  • Phụ nữ đang có thai hoặc cho con bú vì có nguy cơ cản trở quá trình phát triển bình thường của thai nhi hoặc thậm chí nặng hơn là khiến trẻ bị dị tật bẩm sinh.
  • Bệnh nhân sỏi thận, hội chứng thận hư, mắc hội chứng máu khó đông, đang sử dụng thuốc chống đông máu.
  • Người bị viêm khớp dạng thấp, mắc bệnh Lupus hệ thống, đa xơ cứng.
  • Người có huyết áp thấp.
  • Người đang chuẩn bị làm phẫu thuật. Bạn cần ngưng sử dụng giảo cổ lam trước lịch trình phẫu thuật ít nhất 2 tuần.
  • Người đang uống thuốc đường huyết, đang sử dụng insulin, thực phẩm chức năng, thuốc kháng sinh… Nếu sử dụng cần được bác sĩ kê đơn.

Uống giảo cổ lam hằng ngày có tốt không?

Bạn có thể uống nước hoặc trà từ giảo cổ lam hàng ngày với liều lượng phù hợp để cải thiện sức khỏe của cơ thể. Thói quen uống giảo cổ lam hàng ngày giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch để chống lại tác nhân gây hại, cải thiện tuần hoàn, chống suy nhược cơ thể, nâng cao hiệu suất làm việc cũng như ngăn ngừa quá trình lão hoá. 

Đặc biệt, đối với người bị đái tháo đường, khó ngủ thì việc uống thảo dược với liều lượng hợp lý theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ giúp ăn ngon, ngủ sâu và ngăn ngừa biến chứng của bệnh. Khi sử dụng loại thảo dược này trong một khoảng thời gian nhất định, bạn sẽ ít bị lệ thuộc vào thuốc tân dược có nhiều tác dụng phụ như tăng men gan, liệt cơ…

Uống giảo cổ lam hàng ngày có tốt không
Uống giảo cổ lam hàng ngày với liều lượng phù hợp không gây nguy hiểm (Nguồn: Internet)

Hy vọng rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về công dụng của giảo cổ lam cũng như lưu ý khi sử dụng loại dược liệu này. Để được khám bệnh miễn phí, bạn vui lòng đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY hoặc liên hệ ngay số HOTLINE của Hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc. Ngoài ra, đừng quên truy cập mục Tin tức y tế để nhanh chóng cập nhật thêm nhiều kiến thức y học thường thức bổ ích khác.

Câu hỏi liên quan:

Cây giảo cổ lam có độc không?

Theo nghiên cứu của các giáo sư hàng đầu trong và ngoài nước, thành phần của giảo cổ lam lành tính và không có độc.

Uống nhiều giảo cổ lam có sao không?

Việc uống quá nhiều giảo cổ lam hoặc uống không theo liều lượng chỉ định sẽ dễ phá huỷ đường, tăng mức độ tiết insulin, từ đó làm cơ thể mệt mỏi do hạ đường huyết đột ngột.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.