Tin tức y tế

Đặc điểm của cây duối và công dụng chữa một số loại bệnh

27/07/2023

Cây duối là loài cây quen thuộc, thường được người dân dùng làm hàng rào bao quanh nhà cửa. Bên cạnh công dụng trên, duối còn là cây thuốc quý có nhiều hoạt tính tốt cho sức khỏe. Trong Đông y, loại cây này cũng là thành phần quan trọng trong các bài thuốc chữa phù thũng, tiểu đục, sâu răng. Với bài viết dưới đây, Hoàn Mỹ sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các công dụng và cách sử dụng loại cây này hiệu quả nhất. 

>>> Xem thêm:

Cây duối là gì? Đặc điểm cây duối 

Cây duối (Streblus asper Lour) là loại cây thuộc họ dâu tằm. Chúng còn được gọi bằng những cái tên khác như cây duối cảnh, cây duối da, cây duối nhám, cây hoàng anh, cây may xói (dân tộc Tày sử dụng)… Người dân thường dùng cây duối làm hàng rào bao quanh nhà cửa, vừa bảo vệ nơi ở vừa giúp sân vườn đẹp hơn. Các thành phần của loại cây này mang những đặc điểm sau: 

  • Duối là loại cây thân gỗ, chúng có thể mọc cao khoảng 4 – 8 m, càng cây đâm chéo tạo thành bụi cứng. 
  • Lá có hình bầu dục, dài từ 3 – 7 cm và rộng 1,5 – 2,6 cm. Lá duối thường cứng và phần mép có răng cưa. 
  • Hoa cái nhỏ, dạng hình cầu, màu xanh lục và mọc đơn lẻ. Trong khi đó hoa đực mọc thành cụm và có màu vàng.
  • Quả có dạng hình cầu, kích thước nhỏ, gần bằng đầu ngón út. Khi chín, quả chuyển màu vàng có vị ngọt.
Quả duối nhỏ, hình cầu, khi chín có màu vàng
Quả duối nhỏ có màu vàng (Nguồn: Internet)

Bên cạnh công dụng làm “hàng rào” quen thuộc, cây duối còn là vị thuốc Nam hữu dụng. Các bộ phận như rễ, thân, vỏ và lá duối thường được sử dụng để điều chế thuốc điều trị một số căn bệnh. Nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu về dược tính của loại cây này, kết quả cho thấy trong các bộ phận của cây duối chứa khá nhiều thành phần hóa học quan trọng như: 

  • Acid oleanolic 
  • β – sitosterol
  • Botulin
  • N – triacontane
  • Tetracontane – 3 – on
  • Stigmasterol
  • Glycosid trợ tim
  • Lupeol

Công dụng của cây duối đối với sức khỏe 

Một số tác dụng phổ biến của cây duối có thể kể đến như cầm máu, chữa chướng bụng, giải độc,… Ngoài ra, còn có nhiều lợi ích khác tốt cho sức khỏe như:

Trợ tim

Một nghiên cứu chỉ ra rằng, vỏ cây duối có chứa các đặc tính hóa học và dược lý có khả năng hỗ trợ hoạt động tim mạch. Phần vỏ cây duối là bộ phận tập trung nhiều loại glycosid trợ tim, trong đó strebloside có thể so sánh với digitoxin (một loại thuốc trị suy tim). Nhóm chất này có tác động tích cực lên hoạt động co bóp của cơ tim.

Cây duối có tác động tích cực đối với hoạt động tim mạch
Cây duối có tác động tích cực đối với hoạt động tim mạch (Nguồn: Internet)

Hỗ trợ ngăn ngừa ung thư

Nhiều nghiên cứu đã báo cáo về hoạt tính chống Ung thư của cây duối. Khả năng gây độc tế bào KB (dòng tế bào ung thư biểu mô) được tìm thấy trong các chiết xuất từ vỏ cây duối. Hai loại glycoside tim gây độc tế bào bao gồm mansonin và strebloside đã được phân lập và chúng đều thể hiện hoạt tính đáng kể trong hệ thống nuôi cấy tế bào KB.

Methanol và hexan được tìm thấy trong thành phần hóa học của cây duối có khả năng gây độc tế bào cao đối với các tế bào Ung thư bạch cầu. Hoạt tính chống ung thư cao của chloroform trong thí nghiệm các dòng tế bào ung thư gan cũng đã được xác nhận cho thấy khả năng hỗ trợ trong điều trị Ung thư ở cây duối là đáng kể.

Vỏ duối có hoạt tính chống tế bào KB - dòng tế bào ung thư biểu mô
Vỏ duối có hoạt tính chống tế bào KB – dòng tế bào Ung thư biểu mô (Nguồn: Internet)

Kháng khuẩn

Các nghiên cứu khác nhau đã được thực hiện để xác định khả năng kháng khuẩn của lá duối. Chiết xuất ethanol từ cành và lá của cây duối đã được chứng minh là có tác dụng ức chế sự phát triển các vi khuẩn có hại ở vùng mũi họng mà không ảnh hưởng đến các vi khuẩn có lợi khác.

Chiết xuất từ lá duối có hoạt tính kháng khuẩn
Chiết xuất từ lá duối có hoạt tính kháng khuẩn (Nguồn: Internet)

Chống dị ứng

Chiết suất từ lá cây duối có khả năng chống viêm và điều trị các triệu chứng sốc phản về như khó thở, thở khò khè hoặc giảm huyết áp, viêm đỏ, sưng ngứa. Trong các mô hình nghiên cứu về khả năng chống sốc phản vệ thụ động qua da (anti-passive cutaneous anaphylaxis/ PCA) và hoạt động ổn định tế bào mast thử nghiệm ở chuột, chiết xuất của cây duối cho thấy có 60 – 74% hoạt tính chống dị ứng.

>>> Xem thêm: Tam thất có tác dụng gì? Lợi ích của tam thất đối với sức khỏe

Chống Sốt rét

Thành phần dược tính có trong chiết xuất từ vỏ, thân cây duối đã được chứng minh có tác dụng chống bệnh Sốt rét. Năm 1991, hai nhà nghiên cứu Das và Beuria đã tiến hành nghiên cứu đặc tính chống sốt rét từ chiết xuất cây duối đối với bệnh sốt rét trên chuột. Thí nghiệm thực hiện đưa chiết xuất vỏ, thân duối vào trong màng bụng của vật thí nghiệm. Kết quả cho thấy có xảy ra kích thích phản ứng miễn dịch của vật chủ chống lại Plasmodium berghei – ký sinh gây bệnh sốt rét ở chuột.

Một số bài thuốc dân gian dùng cây duối

Cây duối là vị thuốc thường được dân ta sử dụng để điều trị bệnh phù thũng, tiểu đục, gãy xương, sâu răng. Dưới đây là một số bài thuốc có sử dụng vị thuốc này mà bạn có thể tham khảo.

Lưu ý: Bạn cần cân nhắc trước khi làm theo hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có ý định sử dụng các bài thuốc dân gian dưới đây điều trị tại nhà.

Chữa phù thũng

  • Nguyên liệu: Lá duối, vỏ bưởi, vỏ quýt và cây bố rừng mỗi vị 12g; củ sả và vỏ tỏi mỗi vị 10g. 
  • Cách thực hiện: Lá duối và vỏ bưởi đem sao vàng hạ thổ. Thang thuốc trên sắc với 600ml nước. Đun chúng với lửa đều tới khi lượng nước còn khoảng 200ml thì ngưng. Sau cùng, bạn chắt riêng phần nước để uống trong ngày. Bạn nên đun hai lần nước đối với một thang thuốc trên. 
Bài thuốc chữa phù thũng từ cây ruối
Bài thuốc chữa phù thũng từ cây duối (Nguồn: Internet)

Tiểu đục

  • Nguyên liệu: 20g vỏ rễ duối, 20g cỏ nhọ nồi, 20g rễ cây nhót rừng, 30g râu ngô, 30g, bạch mao căn và 30g bông mã đề.
  • Cách thực hiện: Vỏ rễ cây nhót rừng và rễ duối đem sao vàng hạ thổ. Tiếp đó, bạn trộn chúng cùng với phần nguyên liệu còn lại và sắc lấy nước thuốc uống. Chia nhỏ thuốc thành 3 phần và uống hết trong một ngày.

Bó gãy xương

  • Nguyên liệu: Vỏ duối, chuối tiêu, dây tơ hồng và thanh táo. Mỗi nguyên liệu chuẩn bị với liều lượng bằng nhau. 
  • Cách thực hiện: Toàn bộ nguyên liệu đã chuẩn bị đem giã nát. Lấy nguyên liệu đã giã nát đắp lên vị trí bị gãy, sau đó dùng băng gạc cố định lại phần thương. 
Dùng vỏ duối giã nát đắp lên vị trí bị gãy xương sau đó băng bó lại bằng băng gạc có tác dụng điều trị gãy xương
Dùng vỏ duối giã nát đắp lên vị trí bị gãy xương sau đó băng bó lại bằng băng gạc có tác dụng điều trị gãy xương (Nguồn: Internet)

Sâu răng

  • Nguyên liệu: Vỏ cây duối tươi và rượu đặc.
  • Cách thực hiện: Lấy vỏ duối tươi ngâm với rượu đặc trong 10 ngày hoặc lâu hơn. Sau 10 ngày, bạn dùng bông gòn hoặc tăm bông có ngấm rượu thuốc trên chấm vào vị trí răng sâu và bị đau. Thực hiện đều đặn mỗi ngày sẽ làm dịu và chấm dứt các cơn đau răng. 

Liều lượng và cách dùng cây duối

  • Liều lượng sử dụng: Trung bình mỗi ngày, bạn chỉ nên dùng khoảng 12 – 20g rễ/vỏ/lá duối. 
  • Cách dùng: Có hai cách sử dụng vị thuốc này:

– Bạn có thể sử dụng riêng lẻ rễ, vỏ, lá duối dùng để ngâm rượu thuốc chữa đau răng hoặc thuốc đắp ngoài da.

– Kết hợp chúng cùng với một số loại thảo dược khác để sắc lấy thuốc uống hoặc đắp ngoài da.

*Trên đây là liều dùng mà người bệnh có thể tham khảo. Tuy nhiên, tuỳ vào từng trường hợp mà Bác sĩ có thể đưa ra liều dùng khác nhau. Do đó, trước khi sử dụng hãy tham khảo ý kiến của các Bác sĩ chuyên môn.

Bạn có thể sử dụng cây ruối riêng lẻ hoặc kết hợp với một số loại thảo dược khác
Bạn có thể sử dụng cây duối riêng lẻ hoặc kết hợp với một số loại thảo dược khác (Nguồn: Internet)

Lưu ý khi sử dụng cây duối 

Để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả cao khi sử dụng cây duối, bạn nên chú ý một số điểm sau đây: 

  • Các bài thuốc sử dụng các bộ phận từ loại cây này có thể gây ra một số tác dụng phụ như tiêu chảy, kích ứng da hoặc phát ban…
  • Trong quá trình sử dụng các bài thuốc từ cây duối, nếu thấy dấu hiệu bất thường, hãy ngưng thuốc ngay lập tức với tới cơ sở y tế để được tư vấn. 
  • Vị thuốc từ cây duối có thể phản ứng với một số loại thuốc, dược liệu gây ra tác dụng phụ và làm giảm hiệu quả khi sử dụng. Nếu bạn đang trong quá trình dùng thuốc điều trị bệnh, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ về việc có nên dùng thêm bài thuốc có chứa cây duối hay không. 
  • Phụ nữ đang mang thai và cho con bú không nên sử dụng cây duối. Trẻ nhỏ và người già nên hạn chế sử dụng. Nếu có mong muốn sử dụng, bạn nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ, chuyên gia hoặc thầy thuốc Đông y. 
Nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ, chuyên gia trước khi sử dụng các bài thuốc từ cây ruối 
Nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ, chuyên gia trước khi sử dụng các bài thuốc từ cây duối (Nguồn: Internet)

Hy vọng qua bài viết trên, bạn đọc đã hiểu rõ hơn công dụng hữu ích của cây duối và trang bị thêm cho mình thông tin về loại cây này. Hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Đừng quên truy cập Tin tức y tế để cập nhật thêm nhiều kiến thức y học quan trọng khác. Liên hệ ngay với chúng tôi qua HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn khám chữa bệnh miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.