Tin tức y tế

Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ hốc mắt và thần kinh thị giác

02/08/2023

Chụp Cộng hưởng từ hốc mắt và thần kinh thị giác là một kỹ thuật hiện đại, được áp dụng rộng rãi trong chẩn đoán bệnh lý nhãn cầu, hậu nhãn cầu, các tổn thương dây thần kinh thị giác. Kỹ thuật này có độ phân giải cao để phân biệt các cấu trúc bệnh lý với các cấu trúc bình thường như dây thị, các cơ vận nhãn.

Những đối tượng nên hoặc không nên chụp cộng hưởng từ? (Nguồn: Internet)

Chỉ định

  • Các u của nhãn cầu như u nguyên bào võng mạc, u sắc tố, u máu, lymphoma…
  • Các u hậu nhãn cầu như schwannoma thần kinh thị, meningioma… 
  • U tuyến lệ.
  • Viêm thị thần kinh.
  • Áp xe trong hốc mắt.
  • Bất thường mạch máu hốc mắt: Dị dạng động tĩnh mạch, dò động mạch cảnh – xoang hang, dị dạng tĩnh mạch, giãn tĩnh mạch ổ mắt, dị dạng bạch huyết…
  • Theo dõi sau điều trị nội khoa và sau nút mạch, phẫu thuật.

Chống chỉ định 

  • Người bệnh có trong người máy tạo nhịp tim (chống chỉ định tuyệt đối).
  • Trong người có kim loại có từ tính (chống chỉ định tương đối).
  • Người bệnh không có khả năng nằm yên.
  • Hội chứng sợ không gian hẹp.

Ưu điểm và nhược điểm 

Ưu điểm: 

  • Cộng hưởng từ có độ phân giải mô mềm cao, giúp phân biệt các cấu trúc bình thường và giữa cấu trúc bình thường với cấu trúc bất thường của hốc mắt. 
  • Xác định chính xác vị trí và bản chất, mức độ xâm lấn của tổn thương. 
  • Người bệnh không phải chịu một lượng tia xạ có hại. 

Nhược điểm: 

  • Những người bệnh có dụng cụ kim loại, từ tính trong cơ thể sẽ không thể sử dụng phương pháp này. 
  • Ngoài ra, chụp Cộng hưởng từ hốc mắt và thần kinh thị giác có hạn chế trong việc đánh giá tổn thương xương.

Những lưu ý và quy trình thực hiện 

  • Nhân viên y tế chuẩn bị về trang thiết bị, thuốc, giải thích cho người bệnh để phối hợp tốt trong quá trình chụp.
  • Người bệnh không cần nhịn ăn, cần thông báo tiền sử bệnh tật cho nhân viên y tế, đặc biệt các dụng cụ nhân tạo trong cơ thể. Sau đó người bệnh sẽ tháo các dụng cụ kim loại và thay trang phục của phòng chụp Cộng hưởng từ.
  • Người bệnh được nằm ngửa trên bàn chụp và di chuyển bàn chụp vào từ trường của máy.
  • Tiến hành chụp định vị
  • Lựa chọn các chuỗi xung chẩn đoán phù hợp với mục đích thăm khám. Chụp các chuỗi xung thông thường: T1, T2, FLAIR cho tất cả đối tượng. Hướng cắt bao gồm cắt ngang, đứng ngang và đứng dọc. Các xung này đều để chế độ xóa mỡ
  • Thăm khám hốc mắt luôn đi kèm thực hiện thăm khám nội sọ do có nhiều bệnh lý nội sọ liên quan đến bệnh lý hốc mắt (ví dụ tăng áp lực nội sọ, u màng não vùng xoang hang, u tuyến yên…).
  • Chụp tiêm thuốc: Bơm thuốc đối quang từ, chụp bằng xung T1 xóa mỡ theo 3 mặt phẳng dành cho hốc mắt (theo trục của dây thần kinh thị).
  • Thời gian chụp Cộng hường từ hốc mắt – thần kinh thị giác từ 30 phút đến 1 tiếng.

Với dòng máy Cộng hưởng từ 1.5 Tesla của Cộng hòa Liên bang Đức có từ lực cao, cho phép khảo sát bệnh lý nhiều cơ quan mà các máy Cộng hưởng từ khác không khảo sát được, người bệnh khi đến với Bệnh viện Quốc tế Vinh có thể an tâm về tầm soát và điều trị bệnh lý nói chung và các bệnh về mắt nói riêng. 

Bác sĩ Nội trú Nguyễn Hữu Thuyết – Khoa Chẩn đoán hình ảnh

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.