Tin tức y tế

Đau bụng trên rốn: Nguyên nhân và cách điều trị

19/09/2023

Đau bụng trên rốn là triệu chứng thường gặp ở nhiều người, gây khó chịu cho người bệnh. Đây là triệu chứng mà người bệnh cần cẩn trọng và điều trị kịp thời. Hoàn Mỹ sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về nguyên nhân, cách điều trị triệu chứng trên.

Bài viết cùng chủ đề:

Đau bụng trên rốn là gì?

Đau bụng trên rốn là triệu chứng thường gặp ở vùng bụng giữa, nằm giữa xương sườn và rốn. Đau bụng trên rốn xảy ra do tổn thương ở các cơ quan trong bụng như dạ dày, gan, lách, tụy, túi mật, ống dẫn mật,…

Tuy nhiên, nếu bạn đau bụng cùng với khó thở và tức ngực, bạn cần cẩn trọng vì đây có thể là dấu hiệu của các vấn đề ở tim và phổi. Khi phát hiện tình trạng này, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời

>>> Xem thêm:

Đau bụng trên rốn là gì
Đau bụng trên rốn là triệu chứng thường gặp ở vùng bụng giữa, nằm giữa xương sườn và rốn (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân bệnh lý gây đau bụng trên rốn

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra đau bụng trên rốn, tùy thuộc vào vị trí, mức độ và thời gian của cơn đau.

Khó tiêu

Đau bụng trên rốn thường có nguyên nhân phổ biến là do khó tiêu gây ra. Đây là triệu chứng thường gặp khi bạn có quá nhiều axit trong dạ dày hoặc ăn những thực phẩm chứa nhiều axit như thịt đỏ, bánh mì, phô mai và các thực phẩm từ sữa, trái cây họ cam quýt, cà chua,… Bạn sẽ cảm thấy khó chịu hoặc đau ở các bộ phận của đường tiêu hóa trên như thực quản, dạ dày, tá tràng, hoặc thậm chí là ngực.

Người bệnh có thể dùng các loại thuốc không kê đơn, hoặc điều chỉnh chế độ ăn uống để giảm cơn đau. Tuy nhiên, nếu triệu chứng xảy ra thường xuyên, hoặc đau dữ dội, bạn nên đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và điều trị triệt để, tránh để bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn.

>>> Có thể bạn quan tâm: 

Chướng hơi

Chướng hơi là hiện tượng có nhiều khí trong đường tiêu hóa gây đau bụng trên rốn. Khí có thể thoát ra ngoài qua miệng hoặc hậu môn. Chướng hơi có thể gây ra các dấu hiệu như:

  • Đau bụng theo cơn.
  • Bụng căng, tức.
  • Cảm giác có thứ gì đó di chuyển bên trong bụng.
  • Ợ hơi hoặc xì hơi.
  • Tiêu chảy hoặc táo bón.

Chướng hơi thường không quá nghiêm trọng, bạn có thể làm giảm cơn đau bằng cách nghỉ ngơi, uống thuốc không kê đơn. Tuy nhiên, nếu bạn có các triệu chứng khác như sốt, nôn liên tục hay đau dữ dội… bạn nên đi khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Đau dạ dày

Đau dạ dày là triệu chứng của các bệnh lý liên quan đến dạ dày, như viêm loét dạ dày, viêm dạ dày cấp tính hoặc mãn tính, polyp dạ dày, Ung thư dạ dày. Đau dạ dày có thể gây ra cảm giác đau âm ỉ hoặc nhói trong vùng trên rốn.

Viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa là bệnh lý nhiễm trùng ở ruột thừa. Khi bị viêm ruột thừa, bệnh nhân sẽ thấy đau bụng trên rốn âm ỉ. Khi nhiễm trùng nặng hơn, cơn đau sẽ chuyển sang bụng dưới bên phải. Viêm ruột thừa là tình trạng cần phải đi cấp cứu ngay lập tức. Phương pháp điều trị phổ biến là phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa để ngăn chặn nhiễm trùng.

Sỏi mật

Sỏi mật là tình trạng hình thành các viên sỏi ở bên trong túi mật. Nguyên nhân này có thể gây ra cảm giác đau nhói hoặc đau liên tục trong vùng trên rốn, sau đó lan ra vùng dưới bên phải của bụng, lưng hoặc vai. Sỏi mật xảy ra do sự tích tụ quá nhiều Cholesterol hoặc bilirubin trong mật.

>>> Đọc thêm: Polyp túi mật là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Tắc ruột

Tắc ruột là bệnh lý ruột bị ngăn cản sự lưu thông của hơi và dịch tiêu hoá, gây khó tiêu và khó hấp thụ thức ăn. Khi bị tắc ruột, bạn sẽ thấy đau bụng trên rốn gần xương ức, bụng co thắt rất đau và có các dấu hiệu khác như:

  • Bụng đầy hơi
  • Cảm giác không thèm ăn
  • Nôn hoặc buồn nôn
  • Táo bón hoặc tiêu chảy
  • Bụng sưng phù

Triệu chứng tắc ruột còn phụ thuộc vào chỗ ruột bị tắc. Nếu ruột bị tắc một phần bạn sẽ tiêu chảy, nếu ruột bị tắc hoàn toàn sẽ dẫn đến táo bón. Nếu ruột bị thủng sẽ xuất hiện triệu chứng Sốt cao. Tắc ruột là tình trạng nguy hiểm, bạn cần được thăm khám ngay để tránh nhiễm trùng hoặc thủng ruột.

Đau bụng thai kỳ

Đau bụng trên rốn là hiện tượng có thể xảy ra trong thời gian thai kỳ. Nguyên nhân là do thai nhi phát triển và gây áp lực lên các cơ quan vùng bụng trên hoặc do cơ và dây chằng bị kéo căng.

Tuy nhiên, nếu bạn đau bụng trên rốn liên tục hoặc đau bất thường và rất đau. Đây có thể là dấu hiệu của những vấn đề nghiêm trọng, báo hiệu những biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ, bạn cần khám và điều trị sớm.

>>> Tìm hiểu thêm: 22 Dấu hiệu mang thai sớm nhất sau tuần đầu quan hệ

Nguyên nhân khác

Triệu chứng đau bụng quặn từng cơn trên rốn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Bệnh tụy: Cơn đau sẽ xảy khi bạn đang bị viêm tụy hoặc Ung thư tụy. Cơn đau thường ở vùng giữa hoặc bên trái bụng và lan ra sau lưng, đau tăng lên khi ho, nằm ngửa hoặc ăn quá no.
  • Lách to (cường lách): Người bệnh có thể bị đau bụng nếu như có lách to do nhiễm trùng gan hoặc xơ gan. Lách to thường gây đau ở vùng bụng trên rốn bên trái.
  • Bệnh gan: Người bệnh có thể bị đau bụng trên rốn nếu gặp phải bệnh viêm gan do thuốc kháng sinh, chất độc, rượu bia, virus hoặc Ung thư gan.
  • Bệnh thận và đường tiết niệu trên: Triệu chứng đau bụng xảy ra khi người bệnh mắc phải bệnh viêm thận hoặc sỏi thận. Cơn đau thường ở vùng lưng và lan dần ra phía trước.
  • Viêm phúc mạc: Người bệnh có thể bị đau bụng trên rốn nếu có dấu hiệu của bệnh viêm phúc mạc do nhiễm khuẩn trong ổ bụng hoặc Thiếu máu mạc treo.
  • Bệnh tim và phổi: Người bệnh có thể gặp phải triệu chứng đau bụng khi người bệnh gặp phải bệnh về thuyên tắc phổi, viêm phổi, nhồi máu cơ tim, viêm màng ngoài tim.

>>> Xem thêm: Viêm gan có dẫn đến xơ gan không?

Những nguyên nhân dẫn đến đau bụng quặn từng cơn
Nguyên nhân gây ra đau bụng trên rốn có thể tùy thuộc vào vị trí, mức độ và thời gian của cơn đau (Nguồn: Internet)

Đau bụng trên rốn có nguy hiểm không?

Đau bụng trên rốn có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau từ những bệnh nhẹ đến những bệnh gây nguy hiểm tính mạng, bạn cần được điều trị kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm. Đau bụng trên rốn làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, làm giảm năng suất làm việc, gây khó chịu và lo lắng cho người bệnh.

Chẩn đoán đau bụng trên rốn

Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra đau bụng trên rốn, người bệnh cần được khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ chẩn đoán theo các bước sau:

  • Hỏi kỹ về lịch sử bệnh, triệu chứng và các yếu tố liên quan của người bệnh.
  • Thăm khám toàn thân, đặc biệt là khám vùng bụng để xác định vị trí, mức độ và tính chất của cơn đau.
  • Xét nghiệm máu, nước tiểu, phân để phát hiện các dấu hiệu viêm nhiễm, nhiễm khuẩn, thiếu máu, hoặc các chỉ số khác liên quan.
  • Chụp X-quang, siêu âm, nội soi, CT scan hoặc MRI để hình ảnh hóa các cơ quan trong bụng và phát hiện các bất thường.
Chẩn đoán nguyên nhân đau bụng
Người bệnh cần được khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán chính xác (Nguồn: Internet)

Cách xử trí khi bị đau bụng vị trí trên rốn

Khi bị đau bụng trên rốn, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp sau để giảm cơn đau tại nhà và hỗ trợ điều trị:

  • Chườm ấm: Bạn có thể chườm ấm vùng bụng trong 15 – 20 phút  giúp thư giãn cơ bụng hoặc hỗ trợ tiêu hóa và táo bón.
  • Gừng: Gừng là một loại thuốc dân gian, có tác dụng chữa đau bụng tự nhiên. Gừng có thể giúp giảm buồn nôn, táo bón. Bạn có thể uống trà gừng hoặc thêm gừng vào thức ăn.
  • Uống đủ nước: Người bệnh cần uống đủ nước để cải thiện tình trạng Mất nước và hạn chế gây đau bụng. Bạn nên uống nước nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều trong một lần.
  • Quế: Quế là một loại gia vị có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, tăng cường hệ miễn dịch và chống oxy hóa. Quế có thể giúp điều trị các chứng viêm và rối loạn tiêu hóa, như chướng bụng, đầy hơi,…
  • Tắm nước ấm: Bạn có thể tắm nước ấm để giúp giảm stress và đau dạ dày.
  • Bạc hà: bạc hà cũng là một loại thuốc dân gian, có tác dụng làm dịu đường tiêu hóa. Bạc hà sẽ giúp giảm chướng bụng, đầy hơi và buồn nôn.
Cách xử trí khi bị đau bụng: chườm ấm, uống đủ nước
Người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp để giảm cơn đau và hỗ trợ điều trị (Nguồn: Internet)

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đi khám bác sĩ nếu bạn đau bụng trên rốn thường xuyên hoặc lâu ngày. Qua đó xác định được nguyên nhân chính xác. Bên cạnh đó, người bệnh nên chú ý đến các dấu hiệu sau. Vì chúng có thể là báo hiệu của các bệnh lý nguy hiểm, cần được khám và điều trị kịp thời:

  • Phân có máu.
  • Sốt cao.
  • Cảm nhận được khối u ở bụng.
  • Giảm cân bất thường.
  • Da và mắt vàng.
  • Khó thở.
  • Nôn máu.
  • Chóng mặt.

Đau bụng trên rốn là một triệu chứng thường gặp, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Người bệnh cần xác định rõ nguyên nhân để có phương án điều trị kịp thời. Để bổ sung kiến thức về các triệu chứng và bệnh lý khác, bạn có thể tham khảo nội dung tại Tin tức y tế. Nếu bạn có nhu cầu thăm khám và điều trị, hãy liên hệ ngay qua số HOTLINE hoặc đặt hẹn lịch trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí bởi Hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.