Tin tức y tế

Có mấy loại kính áp tròng? Ưu, nhược điểm và những điều cần biết

29/11/2023

Kính áp tròng là phụ kiện được nhiều người lựa chọn bởi tính tiện lợi, đa năng. Ngoài tác dụng làm đẹp, một số loại kính còn giúp cải thiện tầm nhìn, điều chỉnh các tật về mắt. Vậy, bạn đã biết gì về kính áp tròng? Sử dụng loại kính này có ảnh hưởng đến sức khỏe đôi mắt hay không? Hãy theo dõi bài viết sau của Hoàn Mỹ để hiểu rõ hơn về phụ kiện này.

>> Xem thêm:

Kính áp tròng là gì?

Kính áp tròng hay còn được gọi là kính tiếp xúc. Ngoài ra, các bạn trẻ vẫn thường gọi loại kính này là lens. Kính có dạng hình chảo, độ cong của kính đủ để ôm sát vào giác mạc. Nhờ đó, kính không cần nâng đỡ mà vẫn giữ cố định trên giác mạc. Khi được áp lên mắt, một lớp nước mỏng sẽ ngăn cách kính với giác mạc, ngăn ngừa trầy xước, kháng khuẩn hiệu quả. Vì thế, kính có thể di chuyển linh hoạt theo chuyển động của đôi mắt, không gây cảm giác nặng nề, nổi cộm. 

Kính tiếp xúc chuẩn chất lượng được làm từ chất liệu tổng hợp, an toàn với mắt. Lens trong suốt, mang lại cảm giác chân thật khi đeo, giúp cải thiện tầm nhìn tốt hơn, nhất là với những người đang có tật về mắt như loạn thị, cận thị, viễn thị,…

Kính tiếp xúc trực tiếp với giác mạc, không cản trở tầm nhìn
Kính tiếp xúc trực tiếp với giác mạc, không cản trở tầm nhìn (Nguồn: Internet)

Phân loại kính áp tròng

Trên thị trường, kính áp tròng có nhiều loại với nhiều màu sắc, tính năng khác nhau phù hợp với mục đích, nhu cầu sử dụng, có thể kể đến một số loại kính phổ biến như sau: 

Kính giãn tròng

Lens giãn tròng là loại kính mỏng, mềm, có màu và có thể uốn cong. Đường kính lens to hơn các loại kính khác nên khi đeo tròng mắt sẽ to hơn bình thường.

Kính áp tròng cứng

Khác với lens giãn tròng, lens cứng có form dáng cố định. Tuy nhiên, đặc điểm này của lens có thể khiến người dùng cảm thấy hơi khó chịu khi đeo. Lens cứng có thời gian sử dụng lâu hơn, khoảng 3 – 6 tháng. Bên cạnh đó, lens cứng có khả năng điều trị các tật về mắt tốt hơn kính mềm nhưng chỉ phù hợp với những ai bị tật khúc xạ nhẹ. Đặc biệt, khi sử dụng lens cứng, người dùng cần hết sức cẩn thận bởi lens có thể bị bể khi tác động mạnh.

Kính áp tròng thẩm thấu

Lens thẩm thấu được đánh giá là loại kính áp tròng tiên tiến nhất tính đến thời điểm hiện tại. Dòng lens này phát huy được ưu điểm cũng như khắc phục được những hạn chế của 2 loại lens trên. Với lens thẩm thấu, bạn có thể sử dụng đến 8 tiếng/ngày mà không bị khô mắt. Kính có thể sử dụng trong mọi hoàn cảnh, đi học, đi làm hay chơi thể thao đều được.

Lens có nhiều loại, phù hợp với từng nhu cầu và mục đích sử dụng
Lens có nhiều loại, phù hợp với từng nhu cầu và mục đích sử dụng (Nguồn: Internet)

Ưu và nhược điểm của kính áp tròng

Kính áp tròng là loại kính được nhiều người lựa chọn để thay thế cho các loại kính có gọng truyền thống. Thế nhưng, đeo lens có thực sự tốt và phù hợp với bạn không? Hãy cùng điểm qua một số ưu và nhược điểm của loại kính này để có lựa chọn hợp lý nhất.

Ưu điểm

  • Lens hỗ trợ điều chỉnh tật khúc xạ cho mắt, cải thiện thị lực.
  • Tăng tính thẩm mỹ, giúp đôi mắt to và đẹp hơn.
  • Kính gọn nhẹ, không có gọng, tạo cảm giác thoải mái cho người dùng.
  • Thao tác đeo và tháo kính dễ dàng.
  • Lens có thể sử dụng cả khi hoạt động mạnh, chơi thể thao mà không bị rơi ra ngoài.
  • Les di chuyển theo chuyển động của mắt nên mở rộng tầm nhìn tốt hơn.
  • Sử dụng lens đi dưới trời mưa không bị đọng nước hay nhòe.
  • Kính có một lớp chống tia UV, giúp bảo vệ mắt. 

Nhược điểm

Bên cạnh những ưu điểm trên, kính áp tròng vẫn tồn tại một số nhược điểm.

  • Với những người mới lần đầu sử dụng, kính có thể hơi khó đeo.
  • Sử dụng kính không đúng cách có thể làm trầy xước, tổn thương giác mạc, thậm chí là viêm loét, nhiễm trùng. Tổn thương giác mạc khi đeo lens gây bệnh biểu mô.
Lens mang lại nhiều ưu điểm nhưng cần thận trọng khi sử dụng
Lens mang lại nhiều ưu điểm nhưng cần thận trọng khi sử dụng (Nguồn: Internet)

Hướng dẫn đeo, tháo kính áp tròng

Để khắc phục những nhược điểm của lens, bạn cần biết cách sử dụng. Dưới đây là hướng dẫn cách đeo và tháo lắp lens đúng chuẩn:

Cách đeo

  • Vệ sinh tay, sát khuẩn trước khi đeo lens.
  • Lắc nhẹ lens trong dung dịch bảo vệ để làm giãn lens.
  • Lấy kính ra khỏi hộp bằng cách trượt nhẹ rồi đặt trên lòng bàn tay.
  • Chú ý kiểm tra lens trước khi đeo, kính vòng cung tự nhiên.
  • Đặt kính lên đầu ngón tay giữa, ngón tay đặt kính phải khô ráo.
  • Dùng ngón cái và ngón trỏ của tay còn lại để mở rộng mí mắt trên và dưới, đảm bảo mắt không chớp.
  • Mắt nhìn thẳng hoặc nhìn lên, giữ nguyên tay đang cố định mắt rồi rồi từ từ đặt lens vào mắt.
  • Nhắm mắt nhẹ nhàng, di chuyển mắt theo vòng tròn để cố định lens sau đó chớp nhẹ.
  • Kiểm tra kính đã nằm đúng vị trí chưa rồi tiếp tục thực hiện tương tự với mắt còn lại.

Cách tháo

  • Mắt nhìn lên hoặc nhìn sang một bên rồi dùng tay đẩy mi mắt trên lên và đẩy mi mắt dưới xuống. 
  • Dùng ngón tay của tay còn lại đẩy nhẹ kính di chuyển đến phần tròng trắng.
  • Dùng ngón trỏ và ngón cái nhấc kính ra khỏi mắt.
Đeo và tháo kính nhẹ nhàng, đúng cách để đảm bảo an toàn
Đeo và tháo kính nhẹ nhàng, đúng cách để đảm bảo an toàn (Nguồn: Internet)

Lưu ý khi dùng kính áp tròng

Sử dụng lens đúng cách sẽ hạn chế tổn thương giác mạc. Tuy nhiên, để đảm bảo tính an toàn cao nhất khi đeo lens, bạn cần lưu ý:

  • Chỉ nên sử dụng kính chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng lens bởi một số trường hợp đeo lens có thể gây kích ứng, nhất là những người đang mắc bệnh về mắt.
  • Nếu mắt đang có dấu hiệu đau nhức, sưng đỏ hay bị khô mắt, viêm mắt tốt nhất không nên đeo lens.
  • Nên kiểm tra mắt trước khi sử dụng lens để lựa chọn sản phẩm phù hợp, có thể là kính áp tròng cận, kính áp tròng loạn, kính áp tròng ban đêm,…
  • Sử dụng lens cần phù hợp với độ tuổi. Kích cỡ lens phải tương thích với kích thước nhãn cầu.
  • Vệ sinh tay bằng xà phòng kết hợp khử khuẩn trước khi đeo và tháo kính.
  • Mắt cần có thời gian nghỉ ngơi nên không đeo lens trong thời gian dài.
  • Trong thời gian đeo lens từ 10 – 12 tiếng trong ngày, bạn cần nhỏ mắt 6 – 8 lần để mắt không bị khô.
  • Lens bị trầy xước hoặc rách không nên sử dụng tiếp để tránh làm tổn thương giác mạc. 
  • Thời gian sử dụng kính khoảng từ 3 – 6 tháng tùy từng loại, do đó bạn không nên sử dụng kính vượt quá hạn sử dụng bởi lúc này kính không còn khả năng bảo vệ mắt.
  • Đeo lens trước khi makeup để không bị dính bụi phấn, chì kẻ mắt, mascara vào lens, gây nhiễm khuẩn và kích ứng mắt.
  • Lens không nên dùng chung để tránh lây bệnh về mắt.
  • Khi không sử dụng, lens cần được bảo quản đúng cách. Len nên được ngâm trong dung dịch rửa kính chuyên dụng để không bị biến dạng.
  • Không sử dụng lại dung dịch đã ngâm kính trước đó để tránh nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, khiến mắt bị kích ứng.
  • Thường xuyên vệ sinh hộp kính và thay hộp kính sau mỗi tháng.. 
  • Lens cũng cần được vệ sinh bằng nước rửa chuyên dụng, không dùng nước lọc hay nước máy.
  • Loại lens dùng 1 lần không nên sử dụng lại.
  • Trong quá trình sử dụng lens, bạn cần kiểm tra mắt định kỳ hoặc kiểm tra ngay khi xuất hiện những biểu hiện như đau, ngứa rát, sưng đỏ, nổi cộm khó chịu.

Trên đây là những thông tin về kính áp tròng mà bạn nên biết. Mặc dù, sử dụng lens mang lại nhiều lợi ích, tiện lợi hơn so với đeo kính gọng nhưng bạn cũng không tùy tiện sử dụng mà cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, bạn hãy truy cập Tin tức y tế. Bạn cũng đừng quên liên hệ đến số HOTLINE để được tư vấn miễn phí các vấn đề liên quan đến sức khỏe hoặc đặt lịch TẠI ĐÂY để được thăm khám tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc. 

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.