Tin tức y tế

Đau bụng dưới ở phụ nữ và nam giới cảnh báo những bệnh gì?

07/08/2023

Đau bụng dưới là một triệu chứng phổ biến, liên quan đến các vấn đề về rối loạn tiêu hoá như đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu,… Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đây có nguy cơ là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý như viêm bàng quang, u xơ tử cung,… Để tránh xảy ra biến chứng nguy hiểm, người bệnh tốt nhất nên đi thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu chi tiết hơn thông qua những cập nhật hữu ích ngay dưới đây.  

>> Xem thêm:

Đau bụng dưới là bệnh gì?

Đau bụng dưới là triệu chứng thường gặp, phản ánh nhiều vấn đề bệnh lý khác nhau, liên quan trực tiếp đến một số cơ quan trong cơ thể. Cụ thể, bụng dưới là vùng bụng nằm ngay dưới rốn, phía trên xương mu. Cơn đau xuất hiện ở vị trí này có thể do chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu và không đáng lo ngại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đây là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như: U nang buồng trứng, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm ruột thừa,… 

Do đó, ngay khi nhận thấy triệu chứng bất thường, người bệnh nên chủ động đi thăm khám sớm để được chẩn đoán, điều trị kịp thời nhằm ngăn chặn biến chứng nguy hiểm về sau.

Đau vùng bụng dưới cảnh báo nhiều vấn đề bệnh lý nguy hiểm
Đau vùng dưới rốn có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề về bệnh lý nguy hiểm (Nguồn: Internet)

Đau bụng dưới rốn có nguy hiểm không?

Câu trả lời là có, đau bụng dưới rốn ở phụ nữ và nam giới đều nguy hiểm và có nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng. Vùng bụng dưới (vùng hạ vị) có nhiều cơ quan quan trọng như đại tràng, ruột thừa, tử cung, bàng quang,… Đau vùng bụng dưới âm ỉ có thể xuất phát từ những tổn thương ở các bộ phận trên. Ngoài ra, đôi khi bị đau vùng dưới rốn ở nữ cũng là triệu chứng thường xuất hiện vào thời kỳ kinh nguyệt ở nữ giới.

Vì vậy, khi có những dấu hiệu đau bất thường ở vùng bụng dưới và ngày càng tiến triển nặng thì người bệnh nên đến các cơ sở y tế, bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

>> Xem thêm: Trào ngược dạ dày: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bụng dưới đau xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau
Đau vùng bụng dưới xuất phát từ nhiều yếu tố nguyên nhân khác nhau (Nguồn: Internet)

Dấu hiệu nhận biết bệnh đau bụng dưới

Cơn đau bụng dưới thường xuất hiện giữa đáy xương sườn và xương chậu. Mức độ đau có thể nhẹ hoặc nặng, xảy ra đột ngột (cấp tính), biến mất rồi tái phát hoặc kéo dài liên tục hơn 3 tháng (mãn tính). Triệu chứng cụ thể sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng nguyên nhân. Tuy nhiên, khi nhận thấy những dấu hiệu nghiêm trọng sau, người bệnh nên đi khám ngay để được chẩn đoán kịp thời, tránh bệnh tiến triển nặng hơn: 

  • Đau bụng kèm sốt.
  • Cơn đau dữ dội, không có dấu hiệu cải thiện.
  • Nôn ra máu.
  • Huyết áp thấp.
  • Phân có máu hoặc màu hắc ín.

Các vị trí đau bụng dưới phổ biến

  • Đau bụng dưới bên trái
  • Đau bụng dưới bên phải
  • Đau bụng dưới gần mu
  • Đau bụng bên trái gần xương chậu
  • Đau bụng dưới chính giữa
  • Đau bụng dưới 2 bên sườn.

Một số nguyên nhân bệnh lý gây đau bụng dưới

Đau vùng bụng dưới có thể xuất phát từ những tổn thương liên quan đến các cơ quan trong khoang bụng dưới (vùng dưới rốn, phía trên xương mu), chẳng hạn như ruột non, đại tràng, ruột thừa, buồng trứng, tử cung, bàng quang, niệu quản,…

Cơn đau vùng bụng dưới có thể xuất phát từ các nguyên nhân bệnh lý đáng lo ngại sau đây:

Viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm, nhiễm trùng, cần được cấp cứu và điều trị sớm để ngăn vỡ cơ quan, dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn. Bệnh lý này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó phổ biến nhất là giai đoạn từ 10 – 30 tuổi.

Cơn đau thường xuất hiện đột ngột ở quanh rốn, sau đó lan dần sang phía bên phải vùng bụng dưới. Mức độ đau càng trở nên nghiêm trọng khi di chuyển, ho, hắt hơi hoặc hít thở sâu. Sau vài giờ, người bệnh sẽ cảm thấy mức độ đau tăng lên, đi kèm với một số triệu chứng khác như:

  • Buồn nôn và ói mửa
  • Bụng sưng to
  • Tiêu chảy
  • Táo bón
  • Sốt nhẹ
  • Ăn mất ngon
  • Không thể trung tiện.

Nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời, ruột thừa sẽ bị vỡ, cơn đau có dấu hiệu thuyên giảm. Tuy nhiên, đây là tình trạng rất đáng lo ngại khi vi khuẩn lây lan vào toàn bộ khoang bụng, thậm chí khắp cơ thể, dẫn đến nhiễm trùng huyết và đe dọa đến tính mạng.

Do quá trình rụng trứng

Đau bụng dưới do quá trình rụng trứng là hiện tượng rất bình thường và hoàn toàn không đáng lo ngại. Khi đến giai đoạn này, trứng rụng kèm máu và các chất dịch khác sẽ kích thích niêm mạc thành bụng, gây đau âm ỉ. Tuy nhiên, sau khi quá trình rụng trứng kết thúc, cơn đau cũng nhanh chóng biến mất. 

Hội chứng tiền kinh nguyệt

Trước chu kỳ kinh nguyệt, hormone trong cơ thể nữ giới sẽ thay đổi, dẫn đến đau vùng bụng dưới kèm theo một số triệu chứng khác như: Nhức đầu, nổi mụn trứng cá, tính khí thất thường,… Đây là phản ứng tự nhiên, không đáng lo ngại. Nữ giới có thể khắc phục hoặc làm giảm triệu chứng khó chịu này bằng cách sinh hoạt lành mạnh, uống nhiều nước, bổ sung đầy đủ dưỡng chất,…

Mang thai ngoài tử cung

Nếu nữ giới bị chậm kinh kèm cảm giác đau vùng bụng dưới thì đây rất có thể là dấu hiệu cảnh báo mang thai ngoài tử cung. Trong trường hợp này, người bệnh có thể nhận thấy nhiều triệu chứng bất thường khác, chẳng hạn như:

  • Chóng mặt.
  • Buồn nôn.
  • Đau vùng chậu.
  • Chảy máu âm đạo bất thường (có màu nâu đen, ít, không nằm trong kỳ kinh nguyệt).

U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là một túi chứa đầy dịch hoặc chất bán đặc trên hoặc bên trong buồng trứng (cơ quan nhỏ trong khung chậu, chứa tế bào trứng, tạo ra hormone estrogen và progesterone). Hầu hết các trường hợp đều lành tính, không có triệu chứng cụ thể, chỉ được phát hiện trong quá trình khám phụ khoa định kỳ. Tuy nhiên, một số người bệnh có thể cảm thấy đau vùng bụng bên dưới, đi kèm các dấu hiệu như đau lưng âm ỉ, đầy hơi,…

Một số loại U nang buồng trứng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như: Ung thư buồng trước, vỡ u nang buồng trứng, xoắn buồng trứng,… Đây đều là những trường hợp nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu có thể gây nhiễm trùng. Triệu chứng dễ nhận thấy nhất là đau bụng dưới, đi kèm với nhiều dấu hiệu khó chịu như:

  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Đi tiểu thường xuyên, tiểu lắt nhắt
  • Nước tiểu có màu đục
  • Nước tiểu có lẫn máu
  • Nước tiểu có mùi nồng.

Bệnh có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng đáng lo ngại như: Nhiễm khuẩn huyết, viêm bể thận, viêm thận,… Người bệnh cần đi khám sớm để được chẩn đoán và có phác đồ điều trị hiệu quả. 

Đau vùng bụng dưới do nhiễm trùng đường tiết niệu
Đau vùng bụng dưới do Nhiễm trùng đường tiết niệu (Nguồn: Internet)

Đau vùng bụng dưới khi quan hệ tình dục

Bị đau ở vùng bụng này khi quan hệ tình dục cũng là tình trạng phổ biến, xuất phát từ nhiều yếu tố nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Tư thế quan hệ: Một số tư thế quan hệ tình dục thâm nhập sâu có thể gây đau vùng bên dưới bụng. 
  • Tử cung ngả sau: Đây là vấn đề về giải phẫu, có thể gây đau vùng bụng dưới khi quan hệ tình dục. 
  • Lạc nội mạc tử cung: Gây đau vùng bụng dưới, đau lưng khi quan hệ tình dục.
  • U nang buồng trứng: Cơn đau vùng bụng dưới do U nang buồng trứng thường xuất hiện trong và sau khi quan hệ tình dục. Triệu chứng đi kèm gồm: Đau lưng dưới, đùi, đầy bụng,…
  • Viêm bàng quang kẽ: Bệnh lý này gây áp lực cho bàng quang, dẫn đến đau vùng bụng dưới, đi tiểu thường xuyên, đau âm đạo,… Cơn đau càng trở nên nghiêm trọng hơn khi quan hệ tình dục. 
  • U xơ cổ tử cung: Nữ giới bị u xơ cổ tử cung sẽ có triệu chứng đau vùng khi quan hệ tình dục, đau thắt lưng, táo bón,… 
  • Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (Chlamydia, bệnh lậu,…): Nữ giới mắc các bệnh lây qua đường tình dục thường bị đau bụng dưới khi giao hợp, đi kèm triệu chứng tiết dịch âm đạo bất thường, đau rát khi đi tiểu, chảy máu trong hoặc sau khi quan hệ tình dục,… 
  • Mắc các bệnh nhiễm trùng khác: Viêm vùng chậu, nhiễm trùng đường tiết niệu,… cũng gây đau, chảy máu trong hoặc sau khi quan hệ tình dục. 
  • Viêm tuyến tiền liệt: Tình trạng này có thể cấp tính hoặc mãn tính, chủ yếu xảy ra ở nam giới dưới 50 tuổi. Triệu chứng phổ biến nhất là đau vùng bụng dưới và đau lưng khi quan hệ tình dục. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp phải những thay đổi bất thường về vấn đề tiểu tiện như: Đau khi đi tiểu, tiểu nhỏ giọt, dòng nước tiểu yếu,…

Ngoài ra, đau vùng bụng dưới cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề bệnh lý liên quan đến tiêu hoá, chẳng hạn như:

  • Hội chứng ruột kích thích (IBS): Đau vùng bụng dưới rốn kèm tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, phân lẫn dịch nhầy,…
  • Viêm đại tràng: Đại tràng bị viêm có thể gây đau vùng bụng dưới, kèm máu trong phân, đầy hơi, mất nước, sốt, tiêu chảy,…
  • Tắc ruột non.
  • Tắc ruột già.
  • Ung thư ruột non.
  • Ung thư đại tràng.
  • Chướng bụng, đầy hơi.

Cách giảm triệu chứng đau bụng dưới hiệu quả

Tuỳ thuộc vào từng nguyên nhân gây đau vùng bụng dưới, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Đối với cơn đau nhẹ do chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, người bệnh có thể sử dụng các phương pháp sau:

  • Uống thuốc không kê đơn (OTC).
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống bằng cách tránh các thực phẩm gây khó tiêu hoặc đầy hơi.
  • Uống men vi sinh, men tiêu hóa.
  • Châm cứu, xoa bóp.

Nếu nguyên nhân do nhiễm trùng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh. Một số rối loạn liên quan đến tiêu hoá như viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích, người bệnh có thể uống thuốc kê đơn kết hợp thay đổi chế độ dinh dưỡng, lối sống lành mạnh. 

Một số bệnh lý nghiêm trọng gây đau vùng bụng dưới có thể cần can thiệp phẫu thuật để tránh biến chứng. Trong đó, viêm ruột thừa cấp là một trường hợp điển hình, cần mổ càng sớm càng tốt. Bệnh kéo dài có thể gây vỡ cơ quan, viêm phúc mạc, thậm chí đe dọa đến tính mạng. 

Với các cơn đau bụng xảy ra trước chu kỳ kinh nguyệt, trong thời điểm rụng trứng, nữ giới chỉ cần nghỉ ngơi, chườm ấm và uống nhiều nước. Các loại trà thảo dược như: Trà bạc hà, trà gừng, cam thảo,… cũng là biện pháp kiểm soát hữu ích trong trường hợp này. 

>>> Xem thêm: 10 Cách giảm mỡ bụng dễ thực hiện, an toàn và khoa học

Trên đây là tổng hợp một số thông tin quan trọng liên quan đến triệu chứng đau bụng dưới, nguyên nhân thường gặp và cách điều trị hiệu quả cho từng trường hợp.  Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có thêm nhiều kiến thức mới trong vấn đề chăm sóc sức khỏe. Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, mời bạn truy cập Tin tức y tế. Ngoài ra, đừng quên liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại Hệ thống các Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc. 

Câu hỏi thường gặp

Đau bụng dưới khi mang thai có nguy hiểm không?

Đau bụng dưới khi mang thai là triệu chứng phổ biến, thường không đáng lo ngại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo thai nhi đang phát triển không ổn định, chẳng hạn như bong nhau thai, mang thai ngoài tử cung,… Do đó, để xác định nguyên nhân chính xác, thai phụ nên đi khám thai định kỳ, liên hệ ngay với bác sĩ khi nhận thấy triệu chứng đau bụng bất thường. Đây là lưu ý quan trọng để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh.

Đau bụng dưới khi vận động có sao không?

Đau vùng bụng dưới đột ngột khi vận động có thể là dấu hiệu chấn thương. Cơn đau cũng có thể xuất hiện trong vòng 12 – 48 giờ sau vận động, đây là dấu hiệu cho thấy cơ bụng đang trải qua giai đoạn phục hồi. Trong một số trường hợp, triệu chứng này cảnh báo nhiều vấn đề bệnh lý đáng lo ngại như: Thoát vị, chảy máu trong, viêm loét dạ dày,… Tốt nhất, người bệnh nên đi thăm khám sớm để được chẩn đoán chính xác.

Đau bụng dưới có phải mang thai không?

Dấu hiệu cho biết đau bụng dưới có phải mang thai hay không:
Vùng bụng dưới bị đau âm ỉ ở mức độ nhẹ, ngoài ra phần bụng dưới sẽ có cảm giác tức bụng.
Khi mẹ bầu ốm nghén hoặc nôn nhiều lần thì cơn đau bụng dưới sẽ xuất hiện.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.