Tin tức y tế

12 tác dụng bất ngờ của quế đối với sức khỏe

06/11/2023

Từ xưa đến nay, quế được ứng dụng nhiều trong cuộc sống khi vừa có thể dùng làm gia vị vừa là một vị thuốc mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Vậy quế có những tác dụng gì đối với sức khỏe? Trong bài viết dưới đây, Hoàn Mỹ sẽ cung cấp thêm cho bạn những thông tin chi tiết về loại thảo dược này.

Tìm hiểu đặc điểm của cây quế

Đặc điểm

Quế thường được chế biến để dùng dưới dạng thô hoặc bào chế để lấy tinh dầu, bột quế, rượu quế, trà quế… Quế được trồng nhiều ở các nước như Lào, Myanmar, Trung Quốc. Ở Việt Nam, quế được phân bố khắp các vùng trên cả nước, trong đó được tập trung trồng nhiều tại các huyện của tỉnh phía Bắc như Yên Bái, Quảng Ninh, Cao Bằng.

  • Quế là một loại cây thân gỗ, sống lâu năm, có chiều cao từ 10-20m, đường kính có thể đạt đến 40 cm. Cành hình trụ, nhẵn, màu nâu. Quế được trồng từ lâu ở nhiều tỉnh miền Trung và miền Bắc Việt Nam bằng gieo hạt, chiết cành hoặc tách mầm.
  • Lá quế có hình trứng hai đầu hẹp lại, hơi nhọn, dùng để chưng cất tinh dầu. Lá quế có cuống ngắn, đầu nhọn, thường mọc so le với nhau. Mặt trên của lá có màu xanh đậm, bóng. Hoa màu trắng mọc thành cụm ở kẽ lá hoặc đầu cành. Quả hạch hình trứng dài, có màu nâu tím.
  • Vỏ cây quế có vị cay, có mùi thơm nồng, dùng làm thuốc trong Đông y, làm gia vị hoặc thảo mộc dưỡng da.
  • Rễ quế phát triển mạnh, cắm sâu vào lòng đất, dễ dàng lan rộng, đan chéo nhau vì vậy cây quế có khả năng sinh sống tốt trên các vùng đồi núi dốc.

Thành phần hóa học

Các nhà nghiên cứu đã phân tích và tìm ra một số thành phần hóa học cụ thể của quế bao gồm:

  • Vỏ quế giàu tanin (5%).
  • Hạt quế giàu chất béo (33%).
  • Tinh dầu (1,2 – 1,5%) với lượng aldehyd cinnamic (80 – 85%).
  • Acid cinnamic.
  • Acetat cinnamyl.
  • O-methoxycinnamaldehyd.
  • Cinnzeylanol.
  • Cinnzeylanin.

Thành phần dinh dưỡng trong 100g quế

Quế mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho cơ thể. Bột quế bao gồm khoảng 11% nước, 81% carbohydrate (bao gồm 53% chất xơ), 4% protein và 1% chất béo .

Trong lượng tham chiếu 100 gram, quế là một nguồn giàu canxi (sắt 64% và vitamin K 30%).

Cụ thể, giá trị dinh dưỡng của từng chất có trong 100g quế như sau: 

  • Nước: 10,58g.
  • 247 calo.
  • Chất đạm: 3,99g.
  • Tổng lipid (chất béo): 1,24g.
  • Carbohydrate: 80,59g.
  • Chất xơ: 53.1g.
  • Đường gồm NLEA: 2,17g.
  • Canxi: 1002mg.
  • Sắt: 8,32mg.
  • Magiê:  60mg.
  • Kali: 431mg.
Quế không chỉ làm hương liệu mà còn có công dụng chữa bệnh

Đặc điểm của cây quế (Nguồn: Internet)

Liều dùng và cách dùng quế đúng cách

Liều dùng

Tùy vào từng đối tượng mà liều dùng loại thảo dược này sẽ khác nhau. Liều lượng dùng phù hợp được chia dựa trên độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe của mỗi người.

Liều lượng dùng của quế dựa theo từng dạng bào chế như sau:

  • Dạng bột: 0,05–5g/ngày.
  • Dạng rượu: 5–15g/ngày.
  • Dạng siro nhục quế: 30–60g/ngày.
  • Dạng sắc thuốc: 2 – 5g/ngày.

Cách dùng

  • Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng quế để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Luôn tuân thủ hướng dẫn sử dụng và liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.
  • Quế thường được dùng dưới nhiều dạng như nấu nước, pha trà hoặc bào thành bột để sử dụng.
  • Lượng quế theo khuyến cáo nên dùng là từ 0,5 – 1 muỗng cà phê bột quế mỗi ngày (tương ứng với khoảng từ 2-4g).
  • Không sử dụng kết hợp quế với statin, paracetamol, acetaminophen.
  • Hạn chế sử dụng thực phẩm cay, nóng trong quá trình sử dụng quế.
  • Không tiêu thụ quá nhiều quế nếu đang uống thuốc điều trị bệnh gan vì quế chứa một lượng nhỏ coumarin có thể làm loãng máu và gây ra các vấn đề về gan.
  • Không sử dụng nếu Dị ứng với quế hoặc các hoạt chất tương tự.
  • Không dùng quế cho trẻ em, phụ nữ có thai hoặc cho con bú,…
Liều lượng dùng quế được chia dựa trên độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe của mỗi người

Liều dùng và cách sử dụng quế đúng cách (Nguồn: Internet)

12 lợi ích của cây quế đối với sức khỏe và làm đẹp

Tăng cường trao đổi chất

Trong cây quế có chứa tinh dầu cinnamaldehyde, giúp đào thải lượng calo dư thừa ra ngoài cơ thể và giảm lượng mỡ, hỗ trợ đẩy nhanh trao đổi chất. Bên cạnh đó, quế giúp bạn có cảm giác no lâu, giảm lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Từ đó có thể sử dụng quế trong thực đơn giảm cân.

Ngăn ngừa cảm lạnh, cảm cúm

Quế cung cấp các khoáng chất cần thiết cho cơ thể như mangan, sắt và canxi, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và làm sạch đường hô hấp. Quế còn giúp chống lại các bệnh lây nhiễm như cảm lạnh hoặc cảm cúm. 

Cải thiện hệ tiêu hóa, giảm đầy hơi, chướng bụng

Quế có vị cay, tê và mang tính nóng nên có công dụng hiệu quả trong điều trị chứng khó tiêu, đầy hơi. Chất chống oxy hóa có trong quế sẽ làm cải thiện quá trình vận chuyển thức ăn trong đường ruột.

Kiểm soát lượng đường huyết

Quế giúp tăng độ nhạy insulin giảm đường trong máu nhờ kích thích enzyme giải độc. Từ đó giúp kiểm soát lượng đường huyết ở người bệnh đái tháo đường và Tiền đái tháo đường không bị tăng sau bữa ăn. Chiết xuất từ quế có khả năng tăng cường lưu trữ lipid trong tế bào mỡ giúp ngăn ngừa bệnh đái tháo đường type 2 do béo phì. Uống trà quế thường xuyên giúp giảm lượng đường trong cơ thể đáng kể.

Giảm mụn trứng cá, làm đẹp da

Mặt nạ từ quế có khả năng ngăn ngừa mụn, làm sáng da, loại bỏ Các loại mụn nước. Ngoài ra quế còn có công dụng kháng lại vi khuẩn gây mụn trứng cá, giảm tình trạng mặt bị mẩn đỏ và giúp sản sinh collagen cho da.

Cải thiện sức khỏe tim mạch

Trong cây quế có thành phần cinnamaldehyde và axit cinnamic có tác dụng bảo vệ hệ tim mạch. Có thể sử dụng quế và mật ong để kiểm soát lượng cholesterol trong máu nhằm hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.

Quế tốt cho đại tràng

Tinh dầu Cinnamaldehyde của quế trong gia vị giúp ngăn ngừa đại tràng khỏi tác động của gốc tự do, giảm nguy cơ Ung thư ruột kết. Từ đó hạn chế nguy cơ bị viêm loét đại tràng, cải thiện sức khỏe ruột kết.

Kiểm soát tình trạng viêm khớp

Trong quế có thành phần aldehyd cinnamic, axit cinnamic và coumarin, có đặc tính chống viêm hiệu quả. Bên cạnh đó, thành phần Cinnamomum cassia cũng có tác dụng quan trọng trong điều trị bệnh viêm thấp khớp, chống viêm và chống viêm khớp, có công dụng hỗ trợ giảm đau, giảm sưng khớp.

Khử mùi hôi chân và trị nấm da

Tinh dầu quế được dùng trong điều trị nấm da chân vì đặc tính làm sạch, giúp tiêu diệt vi khuẩn và nấm mốc. Trong quế chứa Cinnamaldehyde, đây là thành phần chính giúp da chống lại nhiễm trùng, ngăn chặn sự xâm nhập của các loại nấm và vi khuẩn.

Tăng cường lưu thông máu

Quế giúp cải thiện chức năng tuần hoàn máu trong tử cung để thúc đẩy tái tạo mô, đảm bảo cung cấp đủ oxy cho các tế bào trong cơ thể. Bên cạnh đó, quế cũng có tác dụng thúc đẩy quá trình trao đổi chất và hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim.

Tốt cho sức khỏe xương khớp

Thành phần hoạt chất trong quế có tác dụng trong việc bảo vệ và phát triển xương, hỗ trợ cung cấp canxi thiết yếu cho cơ thể. Thực phẩm này giúp hỗ trợ chống lại chứng loãng xương, giúp xương chắc khỏe. Không những vậy, quế còn giúp cải thiện tình trạng khô sụn khớp, duy trì sức khỏe xương khớp.

Có tác dụng giảm cân

Được biết đến là một chất đốt cháy chất béo tự nhiên, quế giúp thanh lọc hệ tiêu hóa. Điều này làm tăng tốc độ trao đổi chất, tăng cảm giác no nhanh. Quế còn có vai trò đốt cháy lượng calo dư thừa trong cơ thể, từ đó hỗ trợ giảm cân.

Quế tốt cho việc ngăn ngừa cảm lạnh, cảm cúm, tiêu hóa, đường huyết...

Lợi ích của cây quế đối với sức khỏe và làm đẹp (Nguồn: Internet)

Tác dụng phụ của quế

Quế là loại dược liệu được sử dụng rộng rãi và có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên nếu sử dụng không đúng cách sẽ gây ra một số tác dụng không mong muốn như:

  • Tăng nguy cơ gây bệnh ung thư

Trong quế chứa coumarin, khi ăn quá nhiều coumarin sẽ gây tổn thương cho DNA, làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.

  • Lở miệng kèm cảm giác ngứa rát

Quế có chứa cinnamaldehyde, một hợp chất gây ra phản ứng Dị ứng khi tiêu thụ một lượng lớn, gây lở miệng, nóng rát, ngứa ở miệng, làm sưng lưỡi, nướu.

  • Các vấn đề về hô hấp

Cinnamaldehyde trong quế là chất gây kích ứng cổ họng. Ăn quá nhiều quế trong một lần có thể gây ra các vấn đề về hô hấp như ho khan, nôn khan, khó thở.

  • Làm hạ đường huyết

Khi tiêu thụ quế quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng tụt đường huyết. Điều này ảnh hưởng đến việc giảm glucozo, gây tình trạng choáng váng, mệt mỏi, hoặc nghiêm trọng hơn là ngất xỉu.

Quế có thể gây lở miệng, ung thư, hô hấp... nếu sử dụng sai cách và lạm dụng
Tác dụng phụ của quế (Nguồn: Internet)

Một số bài thuốc Đông y chữa bệnh từ cây quế

Sau đây là những bài thuốc Đông y chữa bệnh từ cây quế mà các bạn có thể tham khảo:

  • Bài thuốc chữa cảm mạo

Quế chi 8g, thược dược 6g, táo đen 4 quả, sinh khương 6g, cam thảo 6g, nước 600ml. Sắc thuốc đến khi còn lại 200ml, uống 3 lần một ngày (uống nóng).

  • Bài thuốc chữa tiêu chảy

Vỏ quế 4–8g, 2 lát gừng nướng, hạt cau già 4g, gạo nếp rang vàng 10g, hạt cau già 4g, mỗi ngày uống một thang.

  • Bài thuốc chữa suy nhược cơ thể

Nhục quế 4g, cam thảo 4g, gừng 2g, bạch truật, hoàng kỳ, đại táo, đảng sâm, mỗi vị 12g, ngũ vị tử, trần bì, mỗi vị 6g, sắc thuốc uống, mỗi ngày uống một thang thuốc.

  • Bài thuốc chữa ho hen, ho có đờm

8g quế chi, 8g bạch truật, 8g cam thảo, 12g phục linh, cùng. Sắc thuốc uống, mỗi ngày uống một thang, chia thành nhiều lần uống trong ngày.

  • Bài thuốc chữa viêm tắc động mạch

Quế chi 12g, nhũ hương 12g đan sâm 20g, bạch chỉ 12g, tô mộc 12g, hồng hoa 12g, hoàng kỳ 20g, xuyên quy vĩ 16g, xích thược 12g, , nghệ 12g, một dược 12g, đào nhân 12g, uống mỗi ngày một thang thuốc.

  • Bài thuốc chữa viêm loét dạ dày

Quế chi 8g, đại táo 12g, hoàng kỳ 16g, hương phụ và bạch thược mỗi vị 8g, sinh khương, cam thảo, cao lương khương mỗi vị 6g, sắc uống một thang mỗi ngày.

Các bài thuốc đông y từ quế chữa cảm mạo, tiêu chảy, suy nhược cơ thể, ho

Một số bài thuốc Đông y chữa bệnh từ cây quế (Nguồn: Internet)

Bài viết trên đây là các thông tin chi tiết về cây quế mà Hoàn Mỹ đã cung cấp. Để cập nhật thêm những thông tin bổ ích về y học, vui lòng truy cập ngay chuyên mục Tin tức y tế. Ngoài ra, để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số  HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.