Tin tức y tế

Viêm loét đại trực tràng chảy máu

28/06/2023

Viêm loét đại trực tràng chảy máu là tình trạng đại trực tràng bị viêm loét, tổn thương và xuất hiện chảy máu. Bệnh lý này đặc trưng bởi các đợt viêm tái phát giới hạn ở lớp niêm mạc đại tràng. 

Viêm loét đại trực tràng dẫn đến chảy máu bên trong

Nguyên nhân viêm loét đại trực tràng chảy máu

Nguyên nhân của viêm loét đại trực tràng chảy máu vẫn chưa được nghiên cứu cụ thể, tuy nhiên thì yếu tố di truyền và môi trường dường như đóng một vai trò nào đó:

  • Di truyền: Khoảng 10 – 25 % những người bị viêm loét đại trực tràng chảy máu có người thân (anh chị em ruột hoặc cha mẹ) mắc bệnh viêm ruột (viêm loét đại trực tràng chảy máu hoặc bệnh Crohn).
  • Môi trường: Nhiễm trùng, thuốc lá,…

Biểu hiện lâm sàng viêm loét đại trực tràng chảy máu

Các triệu chứng có thể nhẹ hoặc nặng tùy vào tình trạng bệnh lý:

  • Tiêu chảy có thể xảy ra 10 lần trở lên trong ngày. 
  • Đại tiện ra máu/nhầy
  • Người bệnh Sốt cao, sút cân đột ngột. 
  • Cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi. 
  • Các biểu hiện ngoài ruột: Phát ban trên da, sưng đau các khớp,…

Chẩn đoán viêm loét đại trực tràng chảy máu

Người bệnh sẽ được chẩn đoán viêm loét đại trực tràng chảy máu dựa trên:

  • Bệnh tiêu chảy mãn tính trong hơn 4 tuần.
  • Bằng chứng về tình trạng viêm hoạt động trên nội soi đại trực tràng và những thay đổi mãn tính trên sinh thiết.
  • Loại trừ các nguyên nhân khác gây viêm đại tràng.

Điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu

Hai mục tiêu chính trong điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu là kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa tái phát. Điều trị cụ thể:

  • Chế độ ăn uống: Tránh các loại thực phẩm từ sữa như sữa, sữa chua và pho mát,…
  • Tránh các loại thuốc làm trầm trọng thêm các triệu chứng chẳng hạn thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS).
  • Thuốc: Glucocorticoid, thuốc điều hòa miễn dịch (Infliximab, cyclosporine).
  • Phẫu thuật cắt bỏ đại tràng: Với những người bệnh nặng không đáp ứng với glucocorticoid tiêm tĩnh mạch và liệu pháp kháng TNF (Tamor Necrosis Factors) hoặc cyclosporine hoặc bệnh có các biến chứng đe dọa tính mạng (ví dụ: Thủng đại tràng, phình đại tràng nhiễm độc, đi ngoài ra máu nghiêm trọng với tình trạng huyết động không ổn định).

Viêm loét đại trực tràng chảy máu là căn bệnh đường tiêu hóa nguy hiểm, có thể gây nên những biến chứng như thủng hoặc phình giãn đại tràng, xuất huyết tiêu hóa thậm chí là ung thư. Chính bởi vậy, mỗi cá nhận đều nên thăm khám sức khỏe định kỳ tối thiểu 1 năm 1 lần để tầm soát bệnh lý không chỉ về đường tiêu hóa mà còn là tổng quát toàn bộ cơ thể. Khi có các dấu hiệu bệnh lý, điển hình như rối loạn đại tiện, đau bụng thường xuyên thì nên đến Bệnh viện để được thăm khám và kịp thời tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, có phương pháp điều trị phù hợp. 

Thạc sĩ Bác sĩ Nội trú Trần Văn Đạo – Khoa Nội tổng quát

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.