Tin tức y tế

Bật mí công dụng của cây huyết dụ trong y học

07/11/2023

Huyết dụ là loại cây khá phổ biến trong vườn nhà, công viên hay trong các đình, chùa. Tuy nhiên, ít ai biết rằng cây huyết dụ còn được xem là một loại dược liệu quý giúp điều trị các bệnh như chảy máu cam, đau nhức xương khớp, xuất huyết,… Sau đây, Hoàn Mỹ sẽ giúp bạn tìm hiểu kỹ hơn về các công dụng tuyệt vời của loại cây này.

Xem thêm:

  • Cây thù lù: Phân loại, công dụng và một số lưu ý
  • Đặc điểm của cây duối và công dụng chữa một số loại bệnh
  • Tác dụng của cây an xoa là gì? Cách sử dụng điều trị bệnh về gan

Cây huyết dụ là cây gì?

Cây huyết dụ (tên khoa học là Cordyline terminalis kunth) thuộc họ Dracaenaceae. Cây còn có nhiều tên gọi khác như huyết dụ đỏ, long huyết, phát dụ. Đây là loài thực vật mọc thấp, có màu sắc nổi bật nên thường được trồng làm cây cảnh trong vườn nhà hay công viên. Loại cây này có đặc điểm:

  • Thân cây mảnh, nhiều đốt sẹo, ít phân nhánh.
  • Cây cao từ 1-2m.
  • Lá cây có hình dạng lưỡi kiếm, dài 20 – 50cm, rộng khoảng 5 – 10cm, mọc tập trung ở ngọn cây. Hai mặt lá màu đỏ tía, có một số loại chỉ có một mặt đỏ, mặt còn lại màu lục xám. 
  • Cụm hoa mọc ở ngọn cây dài 30-40cm.
  • Quả huyết dụ hình cầu.
  • Mùa hoa và quả từ tháng 12 đến tháng 1 hàng năm.
  • Có hai loại huyết dụ: cây huyết dụ đỏ (hai mặt lá màu đỏ) và cây huyết dụ xanh (một mặt lá màu đỏ và một mặt màu xanh lục). Cả hai loại đều được dùng làm thuốc nhưng huyết dụ đỏ phát huy tác dụng tốt hơn nên thường được sử dụng nhiều hơn.

Bộ phận chính của cây được dùng làm thuốc trong Đông Y là phần lá. Người ta thu hái lá cây huyết dụ quanh năm khi lá đã trưởng thành, tươi tốt. Loại dược liệu này có thể dùng cả tươi và khô.

Cây huyết dụ là cây gì? Cây còn có nhiều tên gọi khác như huyết dụ đỏ, long huyết, phát dụ
Lá cây huyết dụ có hình dạng lưỡi kiếm (Nguồn: Internet)

Công dụng của cây huyết dụ đối với sức khỏe con người

Trong Đông y, cây huyết dụ có vị hơi ngọt, tính bình, qui vào kinh Can và Thận. Dược liệu này có tác dụng cầm máu, làm mát máu, bổ huyết và tán ứ. Ngoài ra, lá cây còn dùng để điều trị bệnh lao phổi có ho ra máu, băng huyết, rong kinh, lậu huyết, đau nhức xương khớp, kiết lỵ ra máu,…

Y học hiện đại cũng đã nghiên cứu và phát hiện các thành phần trong cây có khả năng chống oxy hóa, chống viêm, ngăn ngừa ung thư dạ dày. Đặc biệt, cây huyết dụ chứa các chất kháng khuẩn mạnh, có khả năng đối phó với nhiều loại vi khuẩn như Enterococcus, Staphylococcus. Các thành phần trong huyết dụ còn có khả năng tăng co bóp tử cung và ức chế cho tế bào ung thư.

**Liều lượng sử dụng cây huyết dụ trong các bài thuốc ít hay nhiều tùy thuộc vào tình trạng trạng bệnh lý và mục đích sử dụng. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên sử dụng liều lượng lớn trong thời gian dài và cần có sự tư vấn của bác sĩ.

Huyết dụ có công dụng chữa rong kinh, băng huyết, lậu huyết, đau nhức xương khớp
Huyết dụ có công dụng chữa Rong kinh (Nguồn: Internet)

Một số bài thuốc Đông Y từ cây huyết dụ

Một số bài thuốc Đông y bằng huyết dụ được áp dụng từ xưa đến nay như:

Chữa rong kinh, rong huyết

  • Dùng lá huyết dụ tươi 20g, đài tồn tại của quả mướp 10g, rễ cỏ tranh 10g và rễ gừng thái nhỏ 8g sắc với 400ml nước cho tới khi cô lại còn 100ml.
  • Mỗi ngày uống 2 lần trong 2-3 tuần.

Chữa bạch đới, khí hư

  • Lá huyết dụ tươi 40g, bạch đồng nữ 20g, lá thuốc bỏng 20g sắc nước và uống hàng ngày để giảm khí hư.

Sốt xuất huyết

  • Dùng lá huyết dụ tươi 30g, cỏ nhọ nồi 20g và trắc bá sao đen 20g. 
  • Sắc nước và uống mỗi ngày 1 thang, chia thành 2-3 lần.

Kinh nguyệt không đều

  • Sử dụng huyết dụ tươi và vỏ rễ cây dâm bụt, mỗi loại 30g.
  • Phơi khô trong bóng râm, sau đó sắc nước và uống cho đến khi triệu chứng được cải thiện.

Ho ra máu

  • Lá huyết dụ tươi 10g, lá thài lài tía 4g, rễ cây rẻ quạt 8g, trắc bách diệp sao đen 4g (đã được phơi khô).
  • Sắc nước uống hàng ngày, chia thành 2-3 lần uống.

Kiết lỵ ra máu

  • Lá huyết dụ tươi 20g, cỏ nhọ nồi 12g, lá rau má 20g.
  • Rửa sạch, giã nát hoặc xay nhuyễn, sau đó lọc lấy nước cốt để uống.
  • Uống liên tục trong khoảng 2-3 ngày.

Bị thương gây ứ máu, phong thấp

  • Dùng hoa, lá, rễ cây huyết dụ tươi 30g và huyết giác 15g sau đó sắc nước và uống hàng ngày.

Đi tiểu ra máu

  • Lá huyết dụ tươi 20g, rễ cây ráng, lá cây muối, lá lấu, lá tiết dê mỗi loại 10g.
  • Rửa sạch, giã nát, sau đó thêm một ít nước và lọc lấy nước cốt để uống.

Chảy máu cam, chảy máu dưới da

  • Dùng 30g lá huyết dụ tươi, lá trắc bá dạng sao cháy, 20g cỏ nhọ nồi và 20g để sắc nước uống hàng ngày.

Xuất huyết ở tử cung, tiểu ra máu

  • Lấy 40-50g lá huyết dụ tươi sắc và uống hoặc dùng 40-50g lá, hoa huyết dụ khô (tương đương với 1/2 khối lượng lá tươi).

>>> Tìm hiểu thêm các dược liệu trị chảy máu cam:

  • 8 Bài thuốc từ cây cỏ mực giúp chữa bệnh hiệu quả
  • Cây hoa hòe chữa bệnh gì? Tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe
  • Những công dụng của cây mã đề đối với sức khỏe
Một số bài thuốc Đông Y từ cây huyết dụ
Một số bài thuốc Đông y từ cây huyết dụ (Nguồn: Internet)

Những điều cần chú ý khi sử dụng cây huyết dụ

Mặc dù cây huyết dụ có khả năng điều trị nhiều loại bệnh, nhưng không nên sử dụng chúng một cách tùy tiện. Khi sử dụng huyết dụ, người bệnh cần lưu ý những điều sau:

  • Cực kỳ thận trọng khi dùng huyết dụ để điều trị bệnh cho người già và trẻ em.
  • Tuyệt đối không sử dụng huyết dụ để chữa bệnh cho phụ nữ vừa sảy thai, nạo phá thai, đang trong thai kỳ hoặc sau sinh bị sót nhau thai.
  • Hiệu quả của việc điều trị bằng thảo dược không nhanh chóng bằng việc sử dụng thuốc Tây. Do đó, dùng các bài thuốc để điều trị yêu cầu người bệnh kiên nhẫn, không nên ngắt quãng hoặc bỏ ngang.
  • Hiệu quả và thời gian điều trị bằng cây huyết dụ phụ thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể và cơ địa của mỗi người.
  • Trong quá trình sử dụng, nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào, cần ngừng sử dụng và thăm khám bác sĩ ngay lập tức, bởi huyết dụ cũng có khả năng gây ra một vài tác dụng phụ.
  • Khi sử dụng thuốc Tây, không nên tự ý dừng ngang và dùng cây huyết dụ thay thế để điều trị bệnh. Đồng thời, khi đang sử dụng huyết dụ, không nên kết hợp với thuốc Tây để tránh tương tác không mong muốn giữa các thành phần.
  • Mỗi lần sử dụng không nên dùng quá 20-30g huyết dụ tươi hoặc 6-8g huyết dụ khô.
Cực kỳ thận trọng khi dùng huyết dụ để điều trị bệnh cho người già và trẻ em
Không nên dùng quá 20-30g huyết dụ tươi/lần (Nguồn: Internet)

Có thể thấy cây huyết dụ mang lại rất nhiều công dụng trong việc chăm sóc sức khỏe con người. Tuy nhiên, bất kỳ phương pháp điều trị nào cũng có những tác dụng phụ không mong muốn. Nếu người bệnh có triệu chứng bất thường nào, vui lòng liên hệ với hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc qua HOTLINE hoặc đặt lịch khám bệnh trực tiếp TẠI ĐÂY. Và đừng quên thường xuyên cập nhật những tin tức mới nhất tại mục Tin tức y tế.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.