Tin tức y tế

Cây hoa hòe chữa bệnh gì? Tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe

28/07/2023

Hoa hòe từ lâu đã xuất hiện phổ biến trong các bài thuốc Đông y cổ truyền, được biết đến là loại dược liệu hỗ trợ điều trị cao huyết áp, xuất huyết và bồi bổ sức khỏe. Y học hiện đại cũng đánh giá cao những thành phần hoạt chất bên trong loại hoa này, được chứng minh mang lại nhiều công dụng điều trị quan trọng. Cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu thêm thông tin hữu ích về loại hoa này qua bài viết dưới đây.

>>> Xem thêm:

Hoa hòe là cây gì? Đặc điểm của cây hoa hòe

Cây hoa hòe là loài cây thân gỗ thuộc họ Đậu, có tên khoa học là Styphnolobium japonicum (L.) Schott – Sophora japonica L. Cây có một số đặc điểm điển hình như sau:

Đặc điểm tự nhiên

Cây hoa hòe thường cao từ 5 – 10m, thân cành nhẵn, bề mặt hơi nứt nẻ, cành nằm ngang và có màu lục nhạt lẫn những chấm trắng. Lá mọc so le, thường gồm 11 – 17 lá chét mọc đối, hình bầu dục thuôn, dài từ 30 – 45mm, rộng 12 – 20mm, mặt bên dưới có lông. 

Hoa nhỏ, có màu trắng hoặc vàng lục nhạt, hình chuông và mọc thành chùm ở phần đầu cành. Mỗi cụm hoa thường dài 20cm, phân thành nhiều nhánh. Cánh hoa mỏng ngắn, hình tim cụt gốc với bao phấn hình bầu dục. Hòe hoa cũng được phân chia thành hai loại như sau:

  • Hòe nếp: Hoa to, mọc nhiều, đều, nở cùng lúc, thường có màu nhạt và cuống ngắn.
  • Hòe tẻ: Hoa nhỏ, mọc thưa thớt, phân bố không đồng đều, nở thành nhiều đợt, có màu sẫm hơn, cuống dài. 

Bộ phận sử dụng

Bộ phận được dùng phổ biến nhất của hòe hoa là nụ hoa – Flos Sophorae Immaturus, còn được gọi là hòe mễ. Vỏ rễ, cành lá của cây cũng được sử dụng nhưng ít hơn. 

Thành phần hóa học

Nụ hoa có chứa rutin, với hàm lượng đạt đến 34%. Ngoài ra, thành phần của hoa hòe còn có berinlin, sophoradiol, sophorin A, sophorin B và sophorin C. Vỏ quả chứa 10,5% flavonoid toàn phần cùng một số dẫn xuất quan trọng như: Genistein, sophoricosid, sophorabiosid, kaempferol, glucosid C, rutin 4,3%. Hạt hòe chứa 1,75% flavonoid trong đó rutin chiếm 0,5%, còn lại là alcaloid, cytisin, N-methyl cytisin, sophocarmin, matrin.

Hoa hòe được trồng phổ biến để chữa bệnh
Loại cây này được trồng phổ biến để phục vụ cho mục đích chữa bệnh (Nguồn: Internet)

Hoa hòe có tác dụng gì? Hoa hòe chữa bệnh gì?

Hoa hòe chữa bệnh cao huyết áp

Hoạt chất rutin (hợp chất Glycosid thuộc nhóm Flavonoid Aglycon) trong hoa cây hòe là một loại Vitamin P có lợi, giúp củng cố sức chịu bền của mao mạch nói riêng và thành mạch nói chung. Do đó, loại dược liệu này được sử dụng phổ biến trong điều trị cao huyết áp, hỗ trợ phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm như: Xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não,… 

Tốt cho tim mạch

Với hàm lượng lớn oxymatrine, giúp bảo vệ và cải thiện chức năng tim mạch nhờ thúc đẩy mạch máu khỏe mạnh. Hoạt chất rutin và quercetin trong loài hoa này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chuyển hóa adrenalin, có tác dụng làm giảm tính thẩm thấu mao mạch. 

Cụ thể, ở người cao tuổi, mao mạch không còn nguyên vẹn như trước, hiệu quả trao đổi chất bị suy giảm nghiêm trọng do tác động của lão hóa. Rutin trong hoa cây hòe đặc biệt có lợi đối với những trường hợp này, ngoài ra còn đảm bảo tăng trương lực tĩnh mạch, củng cố sức bền thành mạch. Đây đều là những tác động có tích cực giúp hạn chế tối đa hiện tượng suy giãn tĩnh mạch thường gặp khi về già.

>>> Xem thêm:

Loại hoa này chứa nhiều hoạt chất tốt cho sức khỏe tim mạch
Loại hoa này chứa nhiều hoạt chất tốt cho sức khỏe tim mạch (Nguồn: Internet)

Hoa cây hòe chữa bệnh xuất huyết

Rutin trong hoa có khả năng ức chế tính thấm và tăng độ bền của mao mạch. Cơ chế này đặc biệt có lợi trong việc cầm máu, cụ thể là với các trường hợp như: Đại tiện ra máu, chảy máu cam, băng huyết, rong kinh,… Ở Vân Nam (Trung Quốc), nụ hòe còn được sử dụng như một bài thuốc quý trong điều trị viêm ruột hạ huyết, lỵ, xuất huyết tử cung,…

Một số bài thuốc chữa xuất huyết đem lại hiệu quả cao
Một số bài thuốc chữa xuất huyết đem lại hiệu quả cao (Nguồn: Internet)

Hoa hòe chữa bệnh trĩ xuất huyết

Nước trà được hãm từ hoa hòe có công dụng làm tăng quá trình vận mạch, cải thiện hiệu quả triệu chứng đau nhức ở những người mắc bệnh trĩ. Ngoài ra, thành phần oxymatrine trong loại dược liệu này còn giúp kháng viêm, giảm sưng mạch máu ở búi trĩ.

Điều trị viêm khớp

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, trong loại hoa này có chứa nhiều hoạt chất giúp cải thiện hiệu quả tình trạng, sưng, viêm mô ở người bệnh mắc viêm khớp mãn tính. Tuy nhiên, để điều trị dứt điểm, bệnh nhân cần kết hợp với nhiều phương pháp khác cũng như chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý.

Hỗ trợ điều trị viêm khớp
Hoa hòe có công dụng hỗ trợ điều trị viêm khớp (Nguồn: Internet)

Hoa hòe giúp ngủ ngon

Theo Đông y và nhận định từ các chuyên gia, loại hoa này có tính mát, giúp thanh nhiệt, lương huyết an thần và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Đây là bài thuốc quý dành cho những ai khó đi vào giấc ngủ, ngủ trằn trọc, ngủ không sâu.

Hỗ trợ giảm cân

Ngày nay, cũng được biết đến là một phương pháp giảm cân an toàn được nhiều người áp dụng. Thói quen uống loại trà dược liệu này sẽ góp phần điều chỉnh trọng lượng cơ thể, hỗ trợ giảm mỡ máu, ổn định quá trình trao đổi chất và ngăn ngừa tình trạng bám dính chất béo trong mô gan. 

Tác dụng hỗ trợ giảm cân
Hoa cây hòe có tác dụng hỗ trợ giảm cân (Nguồn: Internet)

Một số bài thuốc trị bệnh từ caay hoa hòe

Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ hoa cây hòe mang lại hiệu quả cao, người bệnh có thể tham khảo:

  • Trị trĩ xuất huyết hoặc chảy máu cam: Sao cháy nụ hòe, trắc bách diệp và ngải diệp, mỗi vị 10g, sắc uống mỗi ngày một thang.
  • Trị đau mắt: Nụ hòe 10g (sao vàng), lá sen 10g, cúc hoa vàng 4g, sắc tất cả cùng nhau, dùng uống hàng ngày, mỗi ngày một thang.
  • Trị đại tiểu tiện ra máu: Hoa hòe 20g, kinh giới 8g, trắc bách diệp 20g, hoàng liên 8g, sắc uống, mỗi ngày một thang, chia uống hai lần.
  • Trị đi ngoài ra máu, các trường hợp huyết nhiệt, huyết áp cao, mao mạch giòn: Hòe hoa, thảo quyết minh, mỗi vị lấy lượng bằng nhau, khoảng 8 – 10g, đem sao vàng tất cả, sau đó pha dạng thuốc hãm, uống trong nhiều ngày .
  • Trị viêm ruột, trĩ nội: Quả hòe 100g (sao đen), kim ngân hoa 100g, cam thảo 10g, nghệ vàng 10g, tán bột mịn tất cả, ngày uống 3 lần, mỗi lần khoảng 8 – 10g.
  • Chữa các loại xuất huyết, đi lỵ ra máu, bệnh trĩ, đi ngoài ra máu: Sao qua 10 – 15g hoa cây hòe, hoặc 8 – 12g quả hòe, sắc uống; hoặc sao đen 20g hoa cây hòe, sao đen 10g địa du, 12g diếp cá, 300ml nước, sắc còn 200ml là uống được; hoặc sao 20g nụ hòe, 20g lá trác bác, 12g chí xác, 8g hoàng liên, 8g kinh giới, thái nhỏ, sắc với 400ml nước đến khi còn 100ml thì chia uống 2 lần mỗi ngày. 
  • Chữa huyết áp cao, đầu choáng váng, ngón tay tê đau, đầu óc căng thẳng, suy nhược thần kinh, mắt đau sợ chói, khó ngủ: Hoa cây hòe sao, hạt muồng sao, hai loại liều lượng bằng nhau, tán thành bột, mỗi lần uống 5g, ngày dùng 10 – 20g; hoặc dùng riêng mỗi vị 10g, hãm thành nước uống thay trà..
  • Chữa Sốt xuất huyết, chảy máu dưới da, chảy máu cam ở trẻ em, chảy máu chân răng, trằn trọc khó ngủ: Sao hoa cây hòe, tán bột với hạt muồng sao, ngày dùng 10 – 20g; hoặc sắc 10g quả hòe để uống.
  • Chữa trị chứng sưng đau: Quả Hòe, khổ sâm, lượng bằng nhau, nghiền thành bột hòa với nước và sử dụng để bôi ngoài.
  • Chữa băng lâm hạ huyết (ra máu nhiều) ở phụ nữ: 250g hạt hòe (tẩm rượu sao), 125g đan sâm 125g (tẩm giấm sao), 60g hương phụ (ngâm đồng tiện sao). Tất cả nghiền thành bột, nắn thành viên nhỏ, mỗi buổi sáng ăn 15g với cháo.
  • Chữa lòi dom: Quả hòe kết hợp với khổ sâm, lượng bằng nhau, nghiền thành dạng bột mịn, hòa chung với nước, dùng bôi ngoài.
Tham khảo các bài thuốc chữa bệnh từ hoa cây hòe
Tham khảo các bài thuốc chữa bệnh từ hoa cây hòe (Nguồn: Internet)

Tác dụng phụ của hoa hòe

Mặc dù hoa hòe mang lại nhiều công dụng cho sức khỏe nhưng vẫn tồn tại một số tác dụng phụ nhất định, cụ thể bao gồm:

Tác hại của hoa hòe do dùng sai liều lượng

Nụ hoa cây hòe hoàn toàn không có độc tính, không gây hại cho sức khỏe nếu sử dụng đúng liều lượng. Tuy nhiên, loại dược liệu này có tính hàn, dùng quá liều có thể dẫn đến tiêu chảy.

Tác hại do không phù hợp với cơ địa

  • Hoa cây hòe có tác dụng rất tốt trong điều trị cao huyết áp, nhưng lại có hại đối với những người bị huyết áp thấp, khi sử dụng có thể gây choáng váng, chóng mặt. 
  • Nụ hoa có tính hàn, không phù hợp với người cơ địa tỳ vị hư hàn, hay đau bụng, kém ăn, chậm tiêu, thiếu máu,…
  • Hoa cây hòe có thể gây sảy thai ở phụ nữ đang mang thai.
Hoa cây hòe được chống chỉ định trong một số trường hợp nhất định
Hoa cây hòe được chống chỉ định trong một số trường hợp nhất định (Nguồn: Internet)

Những lưu ý khi sử dụng hoa hòe

Dưới đây là một số lưu ý quan trọng cần cân nhắc khi sử dụng hoa cây hòe:

  • Không dùng cho người đau bụng, khó tiêu, kém ăn do cơ địa thể hàn, nếu sử dụng, nên kết hợp với các loại dược liệu có tính nóng. 
  • Không dùng cho người bị huyết áp thấp.
  • Phụ nữ có thai không được dùng hoa cây hòe để tránh nguy cơ sảy thai.
  • Phụ nữ đang cho con bú, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng hoa cây hòe.
Sử dụng hoa cây hòe đúng cách và đúng liều lượng để đạt hiệu quả cao
Sử dụng hoa cây hòe đúng cách và đúng liều lượng để đạt hiệu quả cao (Nguồn: Internet)

Cách pha trà hoa hòe đơn giản, thơm ngon

Trà nụ hòe hoa có tác dụng chữa đau mắt, cao huyết áp và phòng ngừa đứt mạch máu não. Người bệnh nên dùng 8 – 10g mỗi ngày ở dạng thuốc hãm hoặc sắc và 0,5 – 3g đối với dạng bột hoặc viên. Quả sao tồn tính có công dụng chữa đại tiện ra máu, dùng 6- 12g dưới dạng thuốc hãm hoặc sắc. Đối với nụ hoa sao vàng, người bệnh dùng từ 6 – 20g để sắc nước uống hoặc hãm uống như nước chè.

Sau khi uống hết trà, bạn vẫn có thể tiếp tục cho thêm nước sôi để tái sử dụng 1- 2 lần. Ngoài ra, nếu ai thích uống trà đậm vị, hãy pha 15g hoa cây hòe cùng 100ml nước. Trong trường hợp thích trà có vị ngọt, thanh mát hơn, bạn có thể giảm còn 8 – 10g trà, pha chung với 150ml nước sôi.  

Trà hoa cây hòe mang lại nhiều công dụng tốt cho sức khỏe
Trà hoa cây hòe mang lại nhiều công dụng tốt cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Trên đây là tổng hợp một số công dụng quan trọng của hoa hòe, giúp hỗ trợ cải thiện cân nặng, tốt cho tim mạch, ổn định huyết áp,… Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có thêm nhiều kiến thức mới trong vấn đề chăm sóc sức khỏe. Để cập nhật thêm các kiến thức y học thường thức khác, mời bạn truy cập Tin tức y tế. Liên hệ ngay với chúng tôi qua HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn khám chữa bệnh miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

Câu hỏi liên quan:

Uống nước hoa hòe hàng ngày có tốt không?

Với những ai thường xuyên bị nóng trong người hoặc cao huyết áp, uống trà từ loại hoa này mỗi ngày sẽ giúp ổn định các chỉ số. Tuy nhiên, người bị Huyết áp thấp tuyệt đối nên tránh hoặc hạn chế tối đa liều lượng để tránh tác dụng phụ gây hại cho sức khỏe.

Hoa hòe khô giá bao nhiêu? Mua ở đâu?

Hiện nay, loại này đang bán trên thị trường với mức giá dao động từ 350.000 – 400.000 VNĐ/kg. Bạn có thể tìm mua tại các cửa hàng dược liệu uy tín, phòng khám Đông y,… trên toàn quốc.

Hoa hòe có tốt cho bà bầu không?

Bà bầu được khuyến cáo không nên sử dụng hoa cây hòe. Dược liệu này ở cả dạng tươi và khô đều có khả năng kích thích tử cung co bóp, gây động thai hoặc sẩy thai. 

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.