Tin tức y tế

Lẹo mắt: Nguyên nhân, triệu chứng & cách điều trị

07/11/2023

Lẹo mắt là sự viêm nhiễm của nang lông ở khu vực mí mắt. Nguyên nhân chính gây ra mụt lẹo mắt thường liên quan đến vi khuẩn hoặc nhiễm trùng. Bệnh gây ra sự khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, dù không quá nguy hiểm nhưng bệnh có thể tái phát nếu điều trị không đúng cách. Do đó, để phòng tránh bệnh hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu kỹ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị trong bài viết sau. 

>>> Xem thêm:

Lẹo mắt là gì?

Lẹo mắt là tình trạng viêm nhiễm ở tuyến lông mi do vi khuẩn xâm nhập vào, từ đó gây sưng bên ngoài hoặc bên trong mí mắt. Khi bị viêm nhiễm, có thể gây đau nhức, sưng đỏ, cảm giác bị cộm và khó chịu khi nháy mắt. 

Tình trạng bệnh này sẽ thường kéo dài từ 1-2 tuần, sau đó có thể tự khỏi.

 Có 3 loại lẹo mắt:

  • Lẹo trong: Là tình trạng nhiễm khuẩn bên trong mí mắt từ tuyến meibomian. 
  • Lẹo ngoài: Là nhiễm trùng tuyến Zeis, lẹo sẽ mọc ở bên ngoài bờ mí. 
  • Đa lẹo: Xuất hiện nhiều nốt lẹo ở mi mắt, có thể là 1 hoặc 2 mi. 
Lẹo mắt là gì?
Lẹo mắt là gì? (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân gây ra lẹo mắt

Nguyên nhân gây ra lẹo mắt được cho là từ vi khuẩn hoặc tụ cầu khuẩn (Staphylococcus aureus). Khi xâm nhập vào tuyến lông mi sẽ gây ra tình trạng tắc nghẽn tiết dầu và gây viêm nhiễm và tạo thành lẹo. 

Ngoài ra, sẽ có nguy cơ bị lẹo cao nếu xuất hiện những yếu tố dưới đây:

  • Sử dụng kính áp tròng: Sai sót trong việc đeo và tháo kính áp tròng, đặc biệt khi không tuân thủ vệ sinh cá nhân, có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn từ tay xâm nhập vào mắt, gây ra nhiễm trùng mí mắt, dẫn đến xuất hiện mụt lẹo.
  • Trang điểm thường xuyên hoặc dụng cụ trang điểm bị bẩn: Nếu thường xuyên phải trang điểm và sử dụng các dụng cụ trang điểm không được vệ sinh định kỳ, chúng có thể bị nhiễm bụi và vi khuẩn. Từ đó có thể gây ra sưng và nhiễm trùng, xuất hiện mụt lẹo. 
  • Viêm bờ mi cấp tính hoặc mãn tính: Cũng có thể làm cho mi mắt xuất hiện mụn mủ, sưng tấy và đau nhức.
  • Các bệnh lý khác: Mắc các bệnh lý như: Bệnh hồng ban, viêm da tiết bã hoặc bệnh tiểu đường cũng có thể tăng nguy cơ phát triển lẹo.

>>> Xem thêm: Viêm kết mạc mắt: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Dùng kính áp tròng thường xuyên cũng sẽ dễ bị lẹo ở mắt
Dùng kính áp tròng thường xuyên cũng sẽ dễ bị lẹo ở mắt (Nguồn: Internet)

Dấu hiệu và triệu chứng của mắt bị lẹo

Thông thường, khi mới bị bệnh sẽ không có triệu chứng nặng mà chỉ có cảm giác khó chịu ở mí mắt, nổi mẩn đỏ, sưng nhẹ,…sau đó mới phát triển nặng hơn, kèm theo những triệu chứng như:

  • Da xung quanh mí mắt bị sưng, có vết đỏ và giống như mụn, đặc biệt ở phần bên trong và ngoài mắt.
  • Giữa vùng sưng, có thể xuất hiện các đốm nhỏ màu vàng, điều này thường là dấu hiệu của nhiễm trùng.
  • Người bị lẹo mắt thường cảm thấy cồn cộm và không thoải mái ở phía bên trong của mí mắt, đặc biệt khi cố gắng điều chỉnh hướng nhìn.
  • Mắt trở nên nhạy cảm hơn đối với ánh sáng môi trường, gây ra cảm giác không chịu được sáng chói hoặc đau rát khi tiếp xúc với ánh nắng mạnh.
  • Bị lẹo mắt thường đi kèm với các triệu chứng như cảm giác ghen hoặc chảy nước mắt không kiểm soát được.
  • Các nốt sần cứng, không đau, thường nằm ở vùng mí mắt. Những nốt này thường là các biểu hiện của sưng, viêm nhiễm hoặc các vấn đề khác.

>>> Xem thêm: Người bị đau mắt đỏ kiêng ăn gì để nhanh khỏi bệnh?

Dấu hiệu và triệu chứng của mắt bị lẹo
Dấu hiệu và triệu chứng của mắt bị lẹo (Nguồn: Internet)

Chẩn đoán lẹo mắt

Chẩn đoán mụt lẹo mắt dựa trên các triệu chứng và kiểm tra lâm sàng. Bác sĩ kiểm tra da và nang lông mí, có thể lấy mẫu nước mắt và đề xuất phương pháp điều trị như thuốc nhỏ mắt hoặc phẫu thuật nếu cần. 

Hoặc để chẩn đoán chính xác hơn, các bác sĩ có thể tiến hành các bước sau:

  • Xem tiền sử bệnh để biết thêm về những triệu chứng và các vấn đề sức khỏe khác gây ra bệnh.
  • Kiểm tra da và nang lông mi: Xác định sưng, mụn nhỏ và viêm nang lông.
  • Kiểm tra viền mí mắt, các lỗ tuyến dầu, lông mi bằng máy chuyên dụng

Cách điều trị bệnh lẹo mắt

Tùy vào từng trường hợp bệnh lý mà sẽ có cách điều trị khác nhau. Một số phương pháp điều trị bệnh lẹo ở mắt bao gồm:

Điều trị tại nhà

Đối với tình trạng lẹo nhẹ,có thể tự điều trị tại nhà bằng cách nghỉ ngơi mắt, vệ sinh bằng nước muối sinh lý ấm, và chườm ấm mắt với túi chườm trong khoảng 10-15 phút mỗi ngày để giảm sưng đỏ và mở lỗ chân lông ở mí mắt.

Điều trị nội khoa

Với những tình trạng lẹo mắt nặng hơn, cần phải điều trị nội khoa. Để chữa trị, sẽ sử dụng thuốc kháng sinh dạng nước uống hoặc nhỏ vào vị trí nhiễm trùng để giảm sưng. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê đơn thêm thuốc giảm đau tùy tình trạng bệnh. 

Điều trị ngoại khoa

Trong các trường hợp lẹo ở mắt nặng hoặc đã thực hiện điều trị nội khoa trong 1-2 tuần mà không cải thiện, có thể thực hiện phẫu thuật rạch dẫn lưu mủ. Cách này người bệnh cần phải chăm sóc vết thương kỷ lương theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh nhiễm trùng. 

Điều trị các bệnh liên quan

Các bệnh lý liên quan khác như: Viêm mi mãn tính hoặc mụn trứng cá,…sẽ dựa vào nguyên nhân và bệnh trạng của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ có phương điều trị phù hợp.

>>> Xem thêm: Bệnh đau mắt đỏ có lây không? Cách điều trị đau mắt đỏ hiệu quả

Điều trị lẹo mắt như thế nào?
Điều trị lẹo mắt như thế nào? (Nguồn: Internet)

Biện pháp phòng ngừa bị lẹo mắt

  • Vệ sinh mí mắt bằng nước tẩy trang thường xuyên
  • Luôn vệ sinh tay sạch sẽ, tránh chạm vào mắt khi tay bẩn
  • Không dùng đồ trang điểm che lấp mụn lẹo 
  • Sử dụng kính áp tròng cẩn thận và thực hiện đeo kính áp tròng đúng cách, đảm bảo vệ sinh

Ngoài ra áp dụng các biện pháp sau để hạn chế tốc độ phát triển của lẹo mắt:

  • Hạn chế dùng phấn mắt
  • Không nặn mụn lẹo
  • Hạn chế sử dụng kính áp tròng trong lúc mắt bị nổi lẹo
  • Kiêng ăn các thực phẩm làm kích ứng mắt như: Hành, tỏi, hải sản,…

Dinh dưỡng cho người bị lẹo mắt

Khi mắt bị lẹo, hãy ăn thực phẩm giàu vitamin để tăng sức đề kháng. Tránh thực phẩm nóng và hạn chế đồ uống có cồn, gas, và đường. Đồng thời, người bệnh cũng nên tránh ăn nhiều thực phẩm nhiều muối và chế biến sẵn.

Người bị bệnh lẹo ở mắt có thể bổ sung các vitamin sau:

  • Bổ sung vitamin A: Cà rốt, rau ngót, mồng tơi, cải bó xôi, bí đỏ, khoai lang, ớt chuông, gan, dầu cá,…
  • Bổ sung vitamin C: Cam, quýt, dâu, đu đủ,…
  • Bổ sung vitamin E: Cà chua, hạt bí, hạnh nhân, quả bơ,…
  • Thực phẩm làm mát và giảm viêm sưng: Nghệ, nho, đậu xanh, khổ qua, hạt sen, hạt chia,…

Một số câu hỏi thường gặp

Lẹo mắt có nguy hiểm không?

Bệnh không nguy hiểm và không ảnh hưởng đến thị lực. Tuy nhiên, cần phải vệ sinh mắt và có những biện pháp điều trị đúng cách để hạn chế những biến chứng hoặc khiến bệnh nặng hơn. 

Lẹo mắt bao lâu thì khỏi?

Thông thường, bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 1 tuần với trường hợp người bệnh không tiếp xúc nhiều với môi trường ô nhiễm và vệ sinh tay, mắt thường xuyên.

Nhớ rằng việc duy trì vệ sinh cá nhân và chăm sóc sức khỏe mắt đúng cách là cách tốt nhất để ngăn ngừa lẹo mắt và các vấn đề mắt khác. Hy vọng, những chia sẻ trên sẽ giúp bạn có biện pháp bảo vệ mắt hiệu quả. Đừng quên truy cập  Tin tức y tế để tham khảo thêm thông tin hay và liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.