Tin tức y tế

Calcium: công dụng, liều dùng và một số lưu ý khi bổ sung

26/10/2023

Calcium chiếm 1,5% – 2% trọng lượng cơ thể, trong đó 99% lượng calcium của cơ thể có trong xương, răng, móng và 1% còn lại nằm trong máu. Cơ thể nhận canxi từ các nguồn thức ăn và thực phẩm chức năng bổ sung. Tình trạng thừa hay thiếu calcium đều có ảnh hưởng đến cơ thể. Vậy calcium là gì? Trong bài viết dưới đây, Hoàn Mỹ sẽ cập nhật thông tin chi tiết hơn về loại khoáng chất quan trọng với cơ thể này.

Xem thêm: Tips bổ sung canxi cho cơ thể chỉ với 8 loại thực phẩm phổ biến

Calcium là gì?

Calcium hay còn gọi là Canxi, là một vi chất quan trọng của cơ thể con người, có nhiệm vụ thiết yếu trong việc hình thành, đảm bảo cấu trúc xương và răng khỏe mạnh. Calcium là khoáng chất cần thiết cho hoạt động co cơ, dẫn truyền thần kinh, giải phóng hormone và đông máu. Đồng thời, calcium còn đóng vai trò cân bằng các vi chất khác, liên quan đến các bệnh lý của cơ thể.

Calcium là gì?
Calcium là gì? (Nguồn: Internet)

Công dụng của calcium với sức khỏe

Giúp xương chắc khỏe

Khoảng 99% lượng calcium trong cơ thể con người nằm trong xương và răng và cũng được tìm thấy trong máu, cơ bắp và các mô khác. Canxi có trong xương được sử dụng như một chất dự trữ có thể được giải phóng vào cơ thể khi cần thiết. Calcium đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển, tăng trưởng và duy trì giúp xương chắc khỏe.

Calcium giúp củng cố xương của con người đến độ tuổi 20-25, lúc này mật độ xương cao nhất. Sau độ tuổi này, mật độ xương sẽ giảm, canxi tiếp tục duy trì xương và làm chậm quá trình suy giảm mật độ xương.

Hỗ trợ sức khỏe tim mạch

Calcium đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu và hỗ trợ sức khỏe tim mạch. Calcium tham gia vào quá trình co bóp của tim, kết hợp với các axit mật và axit béo tạo thành hợp chất không tan thải ra ngoài cơ thể. Từ đó, giúp làm giảm lượng cholesterol có trong máu, phòng ngừa các bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch, huyết khối lòng mạch,… Đồng thời, calcium duy trì hoạt động của cơ tim, làm giảm cơ trơn bao quanh mạch máu.

Điều chỉnh sự co cơ

Công dụng chính của calcium đối với cơ bắp là điều chỉnh sự co cơ, hỗ trợ cơ bắp co giãn, kéo dài và đàn hồi hiệu quả. Khi cơ bắp được kích thích bởi các dây thần kinh, cơ thể sẽ giải phóng canxi giúp protein trong cơ bắp thực hiện công việc co bóp. Cơ sẽ được thư giãn khi cơ thể giải phóng calcium ra khỏi cơ bắp.

>>> Tìm hiểu thêm:

Công dụng của calcium
Công dụng của calcium (Nguồn: Internet)

Thừa hoặc thiếu calcium sẽ gây ra những triệu chứng nào?

Các biểu hiện khi cơ thể thiếu hụt calcium

Calcium không chỉ có tác dụng quan trọng đối với xương mà còn giữ nhiều vai trò thiết yếu cho các hoạt động khác của cơ thể. Một số dấu hiệu dưới đây cho thấy cơ thể đang thiếu hụt calcium.

  • Bị chuột rút

Bị chuột rút là một trong những triệu chứng ban đầu của việc thiếu hụt calcium. Khi thiếu canxi, bệnh nhân sẽ thấy đau nhức cơ bắp, đặc biệt là bắp đùi, cánh tay, nách… Khi phải giữ nguyên một tư thế quá lâu, người bệnh sẽ cảm thấy đau mỏi chân tay, lưng, vai gáy.

  • Mất ngủ

Biểu hiện tiếp theo của việc thiếu hụt calcium là mất ngủ. Người bệnh khi không có đủ canxi trong chế độ ăn uống sẽ ảnh hưởng tới giấc ngủ như mất ngủ, ngủ không sâu giấc, cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy.

Tình trạng thiếu hụt canxi cũng khiến da trở nên khô hơn bình thường.

  • Móng tay yếu, giòn và dễ gãy

Móng tay yếu và dễ gãy cũng là một trong những dấu hiệu của sự thiếu hụt calcium trong cơ thể. Để móng tay khỏe và không bị giòn, cơ thể cần cung cấp đủ lượng canxi.

  • Chứng loãng xương

Khi cơ thể thiếu hụt calcium, cơ thể sẽ rút canxi từ xương dẫn đến mật độ canxi trong xương bị giảm. Phụ nữ Mãn kinh hoặc sau mãn kinh thường xảy ra tình trạng loãng xương. Còn đối với người lớn tuổi, việc thiếu canxi sẽ gây ra loãng xương và các bệnh liên quan đến xương khớp.

Ngoài ra, trẻ em bị thiếu calcium, cơ thể dễ bị còi xương, suy dinh dưỡng, chậm lớn ngay cả khi bước vào tuổi dậy thì. 

Các kho dự trữ calcium trong cơ thể cần thiết cho các hoạt động của hệ thống tim mạch. Huyết áp cao cũng là một trong những triệu chứng thiếu hụt canxi.

Mất ngủ, bị chuột rút là những biểu hiện cơ thể thiếu hụt canxi
Mất ngủ, bị chuột rút là những biểu hiện cơ thể thiếu hụt canxi (Nguồn: Internet)

Các biểu hiện khi cơ thể dư thừa calcium

  • Táo bón

Calcium là một vi chất mà cơ thể khó hấp thu hết hoàn toàn. Lượng canxi dư thừa sẽ kết hợp với chất xơ trong thực vật dẫn đến kết tủa và bị đào thải ra bên ngoài. Calcium có tính hút nước cao, khi vào ruột non, canxi hút cạn nước làm cho phân trắng gây ra tình trạng táo bón hoặc rối loạn tiêu hóa.

  • Đau bụng, buồn nôn

Việc dư thừa calcium trong cơ thể làm cho tuyến cận giáp sản xuất hormone với số lượng lớn. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh cường giáp khiến người bệnh có cảm giác buồn nôn, run tay, bướu cổ,… Không những vậy, việc dư thừa canxi còn tác động xấu đến dạ dày và gây cho người bệnh cảm giác đau bụng khó chịu.

  • Biếng ăn

Thừa calcium sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây cho người bệnh cảm giác chán ăn, ăn không ngon. Tình trạng này sẽ làm giảm việc hấp thụ các chất dinh dưỡng khác, khiến cơ thể xanh xao, mệt mỏi và suy dinh dưỡng.

  • Đau xương và các cơ

Người bệnh có thể cảm thấy những cơn đau xương khớp, đau cơ khi bị thừa calcium trong cơ thể. Canxi bị tồn đọng lại ở xương, khớp,… gây nên vôi hóa xương dẫn đến tình trạng đau nhức lưng, cổ vai gáy,…

  • Thường có biểu hiện mệt mỏi và mất tập trung

Mệt mỏi và mất tập trung cũng là hậu quả của việc tiêu thụ quá nhiều calcium.

  • Đi tiểu nhiều, đi ra máu

Thừa calcium khiến thận phải làm việc nhiều hơn để lọc, có thể gây ra tình trạng khát nước quá mức và đi tiểu thường xuyên và thậm chí dẫn đến bệnh sỏi thận.

  • Rối loạn nhịp tim

Chức năng tim cũng bị ảnh hưởng bởi việc dư thừa calcium, gây ra biểu hiện đánh trống ngực, ngất xỉu, dấu hiệu rối loạn nhịp tim và các vấn đề về bệnh tim mạch khác.

Các đối tượng cần bổ sung calcium

Những đối tượng dễ bị thiếu calcium, cần uống bổ sung gồm:

  • Trẻ em ở độ tuổi dậy thì.
  • Phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh.
  • Người già cao tuổi.
  • Người bị bệnh loãng xương.
  • Người bị gãy xương.
  • Người có các bệnh lý về đường tiêu hóa làm giảm khả năng hấp thu canxi (bệnh viêm ruột, bệnh celiac, chứng không dung nạp lactose).
  • Người ăn theo chế độ thuần chay.
Người già cao tuổi là một trong những đối tượng cần bổ sung canxi
Người già cao tuổi là một trong những đối tượng cần bổ sung calcium (Nguồn: Internet)

Bổ sung calcium từ những nguồn nào?

Calcium rất cần thiết đối với sức khỏe, tốt cho sự phát triển và duy trì xương chắc khỏe. Thực phẩm giàu canxi là nguồn dinh dưỡng hỗ trợ xương khớp phát triển khỏe mạnh. Sau đây là danh sách các loại thực phẩm giàu canxi tốt cho cơ thể.

  • Sản phẩm từ sữa

Sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai, sữa tươi,.. là một trong những nguồn cung cấp calcium tốt nhất. Nhóm thực phẩm này chứa nhiều canxi và những vi chất quan trọng hỗ trợ phát triển xương khớp.

  • Rau củ và nước ép

Các loại củ quả, rau xanh đậm là nguồn cung cấp calcium lý tưởng cho cơ thể như cải bẹ xanh, cải ngồng, cải rổ, cải bó xôi, cải kale… Ngoài ra, các loại nước ép trái cây như nước ép cam là một lựa chọn rất tốt để bổ sung canxi giúp xương chắc khỏe.

  • Thực phẩm giàu protein

Đậu hũ, thịt, cá,.. là những thực phẩm giúp bổ sung nhiều calcium.

  • Các loại hạt và đậu

Các loại đậu có nhiều chất xơ, protein và vi chất dinh dưỡng, là nguồn bổ sung canxi tốt, mang nhiều lợi ích tích cực cho sức khỏe.

Những thực phẩm giàu canxi
Những thực phẩm giàu canxi tốt cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Liều dùng khuyến cáo khi bổ sung calcium

Nhu cầu sử dụng calcium hằng ngày của cơ thể tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính được thống kê như sau:

  • Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi: 210 mg.
  • Trẻ sơ sinh 7 – 12 tháng tuổi: 270 mg.
  • Trẻ 1 – 3 tuổi: 500 mg.
  • Trẻ 4 – 8 tuổi: 800 mg.
  • Trẻ 9 – 18 tuổi: 1.300 mg.
  • Người trưởng thành từ 19 – 50 tuổi: 1.000 mg.
  • Người trưởng thành trên 51 tuổi: 1.200 mg.
Liều dùng calcium được khuyến nghị
Liều dùng calcium được khuyến nghị ( Nguồn: Internet)

Những lưu ý khi sử dụng calcium

Calcium nếu không được sử dụng đúng cách sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Do đó, khi sử dụng canxi, bạn nên lưu ý một số điều như sau:

  • Cơ thể hấp thụ calcium tốt nhất vào buổi sáng. Không nên uống vào buổi chiều hoặc tối vì khi đó việc hấp thụ canxi khó khăn hơn.
  • Lựa chọn và sử dụng sản phẩm bổ sung calcium có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
  • Phải có sự hướng dẫn của bác sĩ về việc sử dụng với liều lượng hợp lý để tránh bổ sung canxi quá liều, có thể gây ra sỏi thận.
  • Ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất đạm có thể gây ra loãng xương. Do khi hấp thụ quá đạm, cơ thể sẽ vận động canxi từ xương để hỗ trợ cho việc tiết axit tiêu hóa.
  • Không nên uống calcium và trà xanh cùng lúc vì tanin trong trà làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu canxi.
Những lưu ý khi sử dụng canxi (Nguồn: Internet)

Một số câu hỏi thường gặp

Nên bổ sung bao nhiêu calcium một ngày?

Cơ thể có thể hấp thụ 500mg calcium tại một thời điểm, còn lại sẽ đào thải ra ngoài. Vì vậy liều lượng canxi được khuyến nghị bổ sung là 500mg/lần và một ngày có thể bổ sung 2 lần.

Phụ nữ mang thai có nên dùng calcium?

Calcium có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và đặc biệt đối với phụ nữ mang thai. Trong quá trình mang thai, mẹ bầu cần cung cấp canxi cho cơ thể để đáp ứng tốt cho sự hình thành và phát triển của các cơ quan, bộ phận trong cơ thể thai nhi. Calcium giúp trẻ phát triển tốt về cả thể chất và trí tuệ, hình thành xương và răng chắc khỏe. Vì vậy, việc bổ sung canxi nên được các mẹ bầu quan tâm đúng cách và thăm hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Bài viết trên đây là các thông tin chi tiết về calcium mà Hoàn Mỹ đã cung cấp. Để cập nhật thêm những thông tin bổ ích về y học, vui lòng truy cập ngay chuyên mục Tin tức y tế. Ngoài ra, để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.