Tin tức y tế

Bầu 40 tuần là mấy tháng? Những dấu hiệu chuyển dạ ở kỳ thai tuần 40 

27/11/2023

Mang thai ở tuần thứ 40 là thời điểm trẻ sắp chào đời. Trong giai đoạn này, mẹ nên chú ý đến các dấu hiệu chuyển dạ, đi lại và chuẩn bị đồ đạc trước khi sinh để quá trình “chuyển dạ” diễn ra suôn sẻ hơn. Hãy cùng Hoàn Mỹ giải đáp bầu 40 tuần là mấy tháng và phân biệt chính xác các dấu hiệu chuyển dạ để “vượt cạn” an toàn. 

>> Xem thêm: 

Bầu 40 tuần là mấy tháng?

Bầu 40 tuần hay còn được biết đến là mang thai tháng thứ 9, đây là thời điểm vô cùng quan trọng bởi em bé có thể chào đời bất kỳ lúc nào. Vì vậy, các mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức sinh sản và lưu ý đến các dấu hiệu chuyển dạ để bé ra ngoài an toàn và khỏe mạnh.

Thai bao nhiêu tuần là đủ tháng?

Một thai kỳ đủ tháng khi em bé được 40 tuần tuổi (tính dựa trên ngày dự sinh). Tuy nhiên, từ tuần thứ 38, cơ thể bé đã phát triển đầy đủ và có thể sống bên ngoài tử cung của mẹ. Theo các chuyên gia, nguy cơ biến chứng sơ sinh thấp nhất là khi người mẹ sinh con trong khoảng thời gian từ 39 đến 41 tuần. Chuyển dạ trước tuần 38 hoặc muộn hơn tuần thứ 41 cũng có thể làm tăng các biến chứng. Một số giai đoạn sinh con mẹ bầu cần lưu ý:

  • Trước 37 tuần: Sinh non.
  • Từ 37 – 38 tuần: Sinh sớm.
  • Từ 39 – 40 tuần: Sinh đúng tháng.
  • 41 tuần: Sinh cuối thời hạn.
  • Từ 42 tuần trở lên: Sinh già tháng.

Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ sinh sớm hoặc muộn hơn thời điểm lý tưởng trên đều gặp nguy hiểm. Nhiều trẻ sơ sinh có thể được sinh ra sớm hơn hoặc muộn hơn một cách tự nhiên mà không gặp bất kỳ vấn đề gì.

>> Xem thêm: Cách tính ngày rụng trứng cho người kinh không đều

Bầu 40 tuần mấy tháng? Đây là tháng thứ 9 của thai kỳ
Bầu 40 tuần mấy tháng? Đây là tháng thứ 9 của thai kỳ (Nguồn: Internet)

Những dấu hiệu chuyển dạ ở kỳ thai tuần 40 

Dưới đây là một số dấu hiệu chuyển dạ thường gặp các mẹ cần nắm để chuẩn bị tinh thần “vượt cạn”.

Đau thắt lưng, chuột rút

Chuột rút xuất hiện thường xuyên hơn trong tuần thứ 40. Cơn đau ở vùng lưng dưới và khớp hông cũng sẽ trở nên trầm trọng hơn. Với những phụ nữ mang thai lần đầu, cơn đau này càng rõ rệt. Nguyên nhân của tình trạng này là do các cơ và khớp bị kéo căng cực độ.

Giãn khớp 

Khi mang thai, dây chằng giữa các khớp trở nên mềm mại hơn. Đặc biệt, thời điểm chuẩn bị sinh con, xương khớp càng trở nên linh hoạt  giúp xương chậu giãn mở ra để em bé chào đời thuận lợi.

>> Xem thêm: 

Cơn gò tử cung

Từ tuần thai thứ 20, nhiều mẹ bầu đã gặp phải các cơn co thắt tử cung xuất hiện không đều. Tuy nhiên, đây chỉ là dấu hiệu của chuyển dạ giả hay còn gọi là cơn co thắt Braxton Hicks sinh lý. Ngược lại, những cơn co thắt báo hiệu chuyển dạ thực sự dữ dội hơn.

Các cơn co tử cung khi chuyển dạ sẽ diễn ra đều đặn khoảng 5 đến 7 phút một lần và kéo dài khoảng 1 phút. Khi trải qua các cơn gò tử cung thực sự, nhiều mẹ cảm thấy run rẩy, thậm chí bất tỉnh vì đau. Để hạn chế tình trạng này, bà bầu nên dành thời gian nghỉ ngơi, tắm hoặc ngâm mình trong nước ấm và nhờ chồng, người thân massage.

Các cơn gò tử cung là một trong những dấu hiệu chuyển dạ phổ biến nhất
Các cơn gò tử cung là một trong những dấu hiệu chuyển dạ phổ biến nhất (Nguồn: Internet)

Bụng sa xuống 

Lúc này thai nhi đã di chuyển về vùng xương chậu của mẹ. Dấu hiệu này dễ nhận biết hơn ở phụ nữ mang thai lần đầu. Khi xuất hiện dấu hiệu sa tử cung, bà bầu sẽ cảm thấy dễ thở hơn vì thai nhi đã di chuyển và không còn đè lên phổi nữa. Tuy nhiên, bà bầu sẽ có cảm giác buồn tiểu nhiều hơn do thai nhi đã đi xuống khung chậu và đè lên bàng quang.

Tiết dịch nhầy hồng

Khi mang thai, chất nhầy tử cung có tác dụng như một nút khóa, giúp bảo vệ thai nhi, ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn bên ngoài. Từ tuần thứ 37, âm đạo của bà bầu tiết ra nhiều dịch nhầy hơn. Hiện tượng này gọi là nút nhầy tử cung bong ra, “mở đường” cho em bé chào đời.

Chất nhầy tử cung thường trong hoặc có màu hồng nhạt, đôi khi có lẫn chút máu. Ở tuần thứ 40, nếu mẹ nhận thấy dịch nhầy tử cung của mình có những dấu hiệu trên thì em bé sẽ chào đời trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, chất nhầy tử cung có lẫn nhiều máu thì mẹ bầu nên đến bệnh viện ngay vì đây có thể là dấu hiệu chuyển dạ nguy hiểm.

>> Xem thêm: Những dấu hiệu mang thai sớm nhất sau 1 tuần đầu quan hệ

Cổ tử cung giãn nở

Trước khi em bé chào đời, cổ tử cung của mẹ bầu giãn ra và mỏng đi để tạo điều kiện cho em bé chào đời. Trong quá trình khám thai, bác sĩ sẽ đo và theo dõi độ giãn, mỏng của cổ tử cung để dự đoán thời điểm sinh.

Tốc độ mở cổ tử cung ở mỗi phụ nữ mang thai sẽ khác nhau. Trung bình, cổ tử cung phải giãn ra tới 10cm mới được coi là mở hoàn toàn khi sinh. Quá trình này thường được chia làm 2 giai đoạn bao gồm: 

  • Giai đoạn thứ nhất: Cổ tử cung bắt đầu mở rộng đến 3cm, tiến triển chậm khoảng 6 đến 8 giờ, trung bình cứ 2 giờ lại mở rộng thêm 1cm. 
  • Giai đoạn 2: Cổ tử cung giãn ra từ 3 đến 10cm, tiến triển nhanh chóng, kéo dài khoảng 7 giờ và giãn ra trung bình hơn 1cm mỗi giờ.
Vào tuần thứ 40 cổ tử cung sẽ giãn nở dần để “mở đường” cho em bé chào đời
Vào tuần thứ 40 cổ tử cung sẽ giãn nở dần để “mở đường” cho em bé chào đời (Nguồn: Internet)

Vỡ nước ối

Túi ối là môi trường sống, cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cho thai nhi, đồng thời bảo vệ thai nhi khỏi những tác động bên ngoài. Khi túi ối vỡ có nghĩa là em bé đã sẵn sàng chào đời. Tùy vào thể trạng từng mẹ mà lượng nước ối có thể nhiều hoặc ít. Nếu nhận thấy nước ối có màu sắc và mùi hôi bất thường như vàng đục, vàng xanh, có mùi hôi,…sản phụ nên nhập viện để theo dõi.

Bên cạnh đó, việc vỡ ối có thể ảnh hưởng đến thai nhi và tạo điều kiện cho vi trùng, vi khuẩn xâm nhập. Với phụ nữ mang thai từ 37 tuần trở lên, quá trình sinh nở sẽ diễn ra trong vòng 12 đến 24 giờ tới. Tuy nhiên, nếu mẹ bị vỡ ối mà vẫn không thể sinh thường bình thường thì các bác sĩ sẽ can thiệp bằng phương pháp sinh mổ để đảm bảo an toàn cho thai nhi. Đặc biệt, vỡ nước ối càng lâu thì nguy cơ nhiễm trùng cho bé càng cao.

Trường hợp 40 tuần chưa sinh sẽ như thế nào?

Hầu hết trẻ được sinh ra trong khoảng tuần thứ 37 và 41 của thai kỳ. Ngoại trừ trường hợp mang song thai hoặc đa thai, trẻ có thể chào đời trước tuần 37. Trên thực tế, rất ít em bé được sinh ra đúng ngày dự sinh nên việc thai nhi 40 tuần vẫn không có dấu hiệu chuyển dạ là điều bình thường.

Ở tuần thứ 40, mẹ bầu có thể chuyển dạ bất cứ lúc nào nhưng nếu chưa có dấu hiệu thì cũng đừng quá lo lắng. Mẹ bầu có thể cảm thấy mệt mỏi, nặng nề do bụng to, sưng tấy, đau nhức, đi tiểu nhiều lần,…Tuy nhiên, tuổi thai quá 40 tuần có thể dẫn đến một số vấn đề bất lợi cho sức khỏe mẹ và thai nhi. Đây là lý do tại sao bác sĩ thường khuyên bà bầu nên nhập viện khi thai được 40 đến 41 tuần, ngay cả khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ.

Nếu sau tuần 41 và 42 mà mẹ vẫn mang thai, bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm cụ thể như siêu âm để đánh giá tình trạng sức khỏe của thai nhi và chỉ định một số biện pháp kích thích chuyển dạ, thúc sinh. Tóm lại, ngày dự sinh chỉ đơn giản là ước tính thời gian thai nhi đủ tháng mà không cho biết chính xác ngày em bé chào đời. Sinh con trước hoặc sau ngày dự sinh là điều hoàn toàn bình thường và không có gì phải lo lắng. 

Nếu sau tuần 41 và 42 chưa chuyển dạ bác sĩ sẽ dùng biện pháp giục sinh
Nếu sau tuần 41 và 42 chưa chuyển dạ bác sĩ sẽ dùng biện pháp giục sinh (Nguồn: Internet)

Bài viết trên đã giải thích 40 tuần là mấy tháng và những dấu hiệu chuyển dạ mà mẹ bầu cần biết. Những tháng cuối cùng của thai kỳ là thời điểm cực kỳ nhạy cảm, ngay cả những bất thường nhỏ cũng có thể là dấu hiệu sinh non hoặc thai chết lưu. Vì vậy, mẹ bầu nên khám thai định kỳ để theo dõi sức khỏe của bé và có biện pháp can thiệp sớm nếu gặp bất thường. Để đảm bảo quá trình chuyển dạ sinh con diễn ra suôn sẻ có thể liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc”. Để biết thêm những thông tin y tế hữu ích khác, hãy truy cập Tin tức y tế.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.