Tin tức y tế

Thuốc Ampicillin là gì? Công dụng, lưu ý tác dụng phụ

26/11/2023

Ampicillin là thuốc kháng sinh có tác dụng trên nhiều chủng vi khuẩn, được sử dụng để điều trị các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp, tiết niệu, tiêu hoá,… Người bệnh khi dùng cần tuyệt đối tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để tránh xảy ra các phản ứng không mong muốn, gây hại cho sức khỏe. Trong bài viết dưới đây, Hoàn Mỹ sẽ chia sẻ thông tin chi tiết hơn về Ampicillin, cùng tham khảo để cập nhật thêm nhiều kiến thức mới.

Ampicillin là thuốc gì?

Ampicillin thuốc kháng sinh thuộc nhóm penicillin, được sử dụng phổ biến trong điều trị và phòng ngừa các loại bệnh nhiễm trùng như: nhiễm trùng phổi, bàng quang, bệnh lậu, nhiễm trùng ruột, dạ dày,… Ampicillin dạng tiêm được chỉ định dùng để điều trị các bệnh lý nghiêm trọng hơn như viêm màng não, viêm nội tâm mạc,…

Dạng bào chế và hàm lượng:

  • Viên nang cứng (sử dụng bằng đường uống): Ampicillin 500mg.
  • Thuốc bột pha tiêm: Ampicillin 500mg, 1g.

Trong một số trường hợp, Ampicillin có thể được chỉ định dùng chung với một số hoạt chất khác để tăng hiệu quả kháng khuẩn, phổ biến nhất là sulbactam.

Ampicillin là thuốc kháng sinh được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh lý nhiễm trùng
Ampicillin là thuốc kháng sinh được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh lý nhiễm trùng (Nguồn: Internet)

Công dụng của thuốc Ampicillin

Ampicillin hoạt động theo cơ chế can thiệp vào quá trình hình thành tế bào vi khuẩn, ức chế sự phát triển của tác nhân gây nhiễm trùng ngay từ ban đầu. Đây là loại thuốc kháng sinh phổ rộng, có hiệu quả đối với nhiều chủng vi khuẩn khác nhau như: Streptococcus pyogenes, Gonococcus, Haemophilus influenzae,… 

Đối với các trường hợp nhiễm trùng da và mô mềm, Ampicillin có khả năng loại bỏ vi khuẩn và cải thiện triệu chứng sưng đỏ, đau, khó chịu,… 

Hướng dẫn cách sử dụng thuốc Ampicillin

Chỉ định

Thuốc Ampicillin được chỉ định sử dụng cho các trường hợp sau đây:

  • Viêm nội tâm mạc do vi khuẩn (sử dụng để dự phòng và điều trị).
  • Nhiễm lậu cầu không biến chứng.
  • Nhiễm trùng trong ổ bụng.
  • Viêm màng não.
  • Viêm phúc mạc.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp (Viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, viêm xoang,…).
  • Bệnh lỵ trực khuẩn.
  • Nhiễm trùng da hoặc mô mềm.
  • Nhiễm trùng máu.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Dự phòng phẫu thuật để giảm nguy cơ nhiễm trùng. 
  • Bệnh lao.
  • Hít phải vi khuẩn Bacillus anthracis.
  • Sốt thương hàn.
  • Viêm dạ dày ruột.
  • Phòng ngừa bệnh liên cầu khuẩn nhóm B chu sinh.
Ampicillin được chỉ định sử dụng để điều trị và phòng ngừa nhiễm trùng
Ampicillin được chỉ định sử dụng để điều trị và phòng ngừa nhiễm trùng (Nguồn: Internet)

Chống chỉ định

Những đối tượng được khuyến cáo chống chỉ định với Ampicillin bao gồm:

  • Phụ nữ đang mang thai.
  • Phụ nữ đang cho con bú.
  • Người quá mẫn với kháng sinh thuộc họ beta lactam (penicillin và cephalosporin) hoặc các thành phần khác trong thuốc. 
  • Người mắc bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng.

Liều dùng Ampicillin

Liều dùng cho người lớn:

Liều dùng Ampicillin sẽ được chỉ định dựa vào tình trạng nhiễm khuẩn và tuổi tác của người bệnh, đặc biệt cần giảm liều đối với bệnh nhân suy thận nặng, chẳng hạn như: 

  • Liều dùng đường uống: 250mg – 1g/ lần, mỗi lần uống cách nhau 6 giờ, có thể uống 6 – 12g/ ngày đối với trường hợp bệnh nặng. 
  • Liều dùng đường tiêm/tiêm tĩnh mạch chậm: Bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể cho từng trường hợp, tuyệt đối không được sử dụng quá 12g/ngày, ngoại trừ bị nhiễm khuẩn nặng.
  • Liều dùng đối với điều trị lậu không biến chứng do các chủng vi khuẩn nhạy cảm với Ampicillin gây ra: Chỉ uống 1 liều duy nhất 2 – 3,5g, kết hợp với 1g probenecid, (chỉ dùng thêm khi có chỉ định của bác sĩ). 
  • Liều dùng cho người bị suy thận:
  • Độ thanh thải creatinin từ 30ml/phút trở lên: Dùng theo liều thông thường của người lớn.
  • Độ thanh thải creatinin tối đa 10ml/phút: Dùng liều thông thường của người lớn với khoảng cách liều là 8 giờ/ lần.
  • Bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo: Dùng thêm 1 liều Ampicillin sau mỗi lần thẩm tích.

Liều dùng cho trẻ em:

  • Liều dùng đường uống: 250 – 500mg/lần, tần suất 2 – 3 lần/ngày.
  • Liều dùng đường tiêm: 12,5 – 25mg/1kg cân nặng/ngày, chia thành 2 liều.
  • Liều dùng đường tiêm với các trường hợp nhiễm khuẩn nặng: 150 – 200mg/ 1kg cân nặng/ ngày, chia thành các liều bằng nhau, mỗi liều cách nhau 3 – 4 giờ, liều dùng tối đa là 12g/ ngày.

Thời gian điều trị một đợt thường kéo dài khoảng 7 ngày tùy vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng. Người bệnh có thể cần dùng thêm ít nhất 48 – 72 giờ sau khi triệu chứng biến mất (ngoại trừ bệnh lậu).

Trẻ sơ sinh dưới 28 ngày

  • Trẻ sơ sinh dưới 2kg: 50 – 100 mg/kg/ngày, sử dụng bằng đường tiêm tĩnh mạch/tiêm bắp, mỗi lần cách nhau 12 giờ. 
  • Trẻ sơ sinh trên 2kg: 75 – 150 mg/kg/ngày, sử dụng bằng tiêm tĩnh mạch/tiêm bắp, mỗi lần cách nhau 8 giờ. 
  • Trẻ sơ sinh dưới 1,2 kg: 50 – 100 mg/kg/ngày, sử dụng bằng tiêm tĩnh mạch/tiêm bắp, mỗi lần cách nhau 12 giờ. 
  • Trẻ sơ sinh 1,2 – 2 kg: 75 – 150 mg/kg/ngày, sử dụng bằng tiêm tĩnh mạch/tiêm bắp, mỗi lần cách nhau 8 giờ. 
  • Trẻ sơ sinh trên 2kg: 100-200 mg/kg/ngày, sử dụng bằng tiêm tĩnh mạch/tiêm bắp, mỗi lần cách nhau 6 giờ.

Cách dùng

  • Đối với Ampicillin đường uống: Uống trước bữa ăn 30 phút hoặc sau bữa ăn 2 giờ, không dùng chung với thức ăn.
  • Đối với thuốc bột pha tiêm: Bác sĩ/nhân viên y tế sẽ thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế. 
Sử dụng thuốc Ampicillin đúng cách để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất
Sử dụng thuốc Ampicillin đúng cách để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất (Nguồn: Internet)

Tương tác thuốc

Ampicillin có thể gây ra phản ứng tương tác khi sử dụng chung với một số loại thuốc sau đây, người bệnh cần cân nhắc cẩn thận để đảm bảo an toàn: 

  • Probenecid (thuốc điều trị bệnh gút): Probenecid làm tăng nồng độ Ampicillin trong máu và gây ra tác dụng phụ. 
  • Thuốc ức chế bơm proton: Giảm hấp thu Ampicillin, cần sử dụng loại thuốc này ít nhất 2 giờ trước hoặc sau khi uống thuốc ức chế bơm proton.
  • Thuốc chống đông máu: Tăng nguy cơ chảy máu khi sử dụng kết hợp với Ampicillin.
  • Methotrexate: Ampicillin có thể làm tăng nồng độ methotrexate (thuốc điều trị Ung thư và các bệnh tự miễn) trong máu, tăng nguy cơ nhiễm độc methotrexate và tác dụng phụ.
  • Thuốc tránh thai đường uống: Ampicillin có khả năng làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai đường uống, nên sử dụng phương pháp ngừa thai thay thế trong quá trình dùng thuốc này. 
  • Allopurinol: Tăng nguy cơ phát ban trên da khi sử dụng chung với Ampicillin
  • Vitamin tổng hợp: Một số vitamin tổng hợp có chứa canxi, sắt, kẽm, có thể làm giảm hấp thu Ampicillin, nên dùng thuốc ít nhất 2 giờ trước hoặc sau khi uống các loại thuốc này.

Cách bảo quản Ampicillin

  • Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo.
  • Nhiệt độ tại nơi bảo quản thuốc không vượt quá 30 độ C, 
  • Tránh bảo quản thuốc ở nơi ẩm mốc, có ánh sáng chiếu trực tiếp.
  • Bảo quản thuốc tránh xa tầm với của trẻ, thú nuôi.

Tác dụng phụ của thuốc

Ampicillin có thể gây ra tác dụng phụ trong quá trình sử dụng. Người bệnh cần đi khám bác sĩ nếu nhận thấy xuất hiện các triệu chứng sau đây:

  • Nổi mề đay.
  • Khó thở.
  • Sưng mặt.
  • Sưng cổ họng.
  • Sốt.
  • Đau họng.
  • Nóng rát ở mắt.
  • Phát ban đỏ/tím trên da.
  • Da bị phồng rộp, bong tróc.

Các triệu chứng phản ứng nghiêm trọng cần được cấp cứu kịp thời bao gồm: 

  • Đau bụng dữ dội.
  • Tiêu chảy hoặc đại tiện ra máu.
  • Nổi mụn nước, loét da.
  • Đau nhức trong miệng.
  • Sốt.
  • Ớn lạnh.
  • Đau họng.
  • Sưng hạch bạch huyết.
  • Đau khớp.
  • Da nhợt nhạt.
  • Tay chân lạnh.
  • Khó thở. 
  • Buồn nôn, nôn.
  • Sưng lưỡi.
  • Ngứa âm đạo (đối với nữ giới).
Ampicillin có thể gây ra tác dụng phụ trong một số trường hợp nhất định
Ampicillin có thể gây ra tác dụng phụ trong một số trường hợp nhất định (Nguồn: Internet)

Dấu hiệu khi sử dụng thuốc quá liều và cách xử lý

Quá liều Ampicillin sẽ làm tăng nồng độ b-lactam trong dịch não tủy, đặc biệt là ở người bệnh suy thận. Phản ứng thần kinh thường gặp nhất là co giật. Trong trường hợp này, người bệnh cần được cấp cứu kịp thời để loại bỏ Ampicillin ra khỏi tuần hoàn bằng phương pháp thẩm phân máu. 

Lưu ý khi sử dụng thuốc

Lưu ý chung

  • Trước khi sử dụng Ampicillin, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về bất kỳ vấn đề Dị ứng nào mà cơ thể gặp phải, đặc biệt là dị ứng với penicillin và các loại kháng sinh khác. 
  • Trao đổi với bác sĩ về tình trạng bệnh lý đang gặp phải như: bệnh thận, bệnh gan hoặc tiền sử mắc bệnh đường tiêu hóa, để được chỉ định liều lượng sử dụng hợp lý. 
  • Phụ nữ mang thai, cho con bú cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng Ampicillin để tránh xảy ra các vấn đề không mong muốn.
  • Thông báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang dùng, bao gồm thuốc kê đơn, không kê đơn, thực phẩm chức năng, thảo dược,… trước khi điều trị bằng Ampicillin.
  • Sử dụng hết liều thuốc được chỉ định kể cả khi triệu chứng bệnh đã biến mất trước thời gian dự kiến, ngưng dùng thuốc từ sớm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến tình trạng kháng thuốc. 
  • Thông báo với bác sĩ nếu nhận thấy tác dụng phụ xuất hiện sau khi dùng thuốc, đảm bảo được xử lý kịp thời, tránh gặp phải biến chứng nghiêm trọng về sau.

Lưu ý khi dùng thuốc cho trẻ

Thận của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa phát triển đầy đủ. Do đó, nhóm đối tượng này chỉ nên sử dụng thuốc Ampicillin với liều lượng thấp nhất có thể, nhằm hạn chế xảy ra tác dụng phụ không mong muốn.

Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin cơ bản về thuốc Ampicillin, tác dụng trong điều trị nhiễm trùng, các trường hợp chỉ định, chống chỉ định, tác dụng phụ, tương tác thuốc và hướng dẫn sử dụng hiệu quả, đúng cách.

Hy vọng qua bài viết này, người bệnh sẽ có thêm nhiều kiến thức hữu ích trong vấn đề điều trị bệnh lý da liễu. Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, mời bạn truy cập Tin tức y tế. Ngoài ra, đừng quên liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

Nguồn tham khảo:

Health, E. (2023) Ampicillin (Omnipen) – side effects, interactions, uses, dosage, warnings, EverydayHealth.com. Available at: https://www.everydayhealth.com/drugs/ampicillin (Accessed: 15 November 2023).

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.