Tin tức y tế

Nguyên nhân xuất hiện vết bầm tím trên da và cách xử lý

21/09/2023

Vết bầm tím trên da là dấu hiệu của chấn thương hoặc một số bệnh lý nguy hiểm như tiểu đường, rối loạn máu, thiếu vitamin hay mất cân bằng nội tiết. Trong bài viết này Hoàn Mỹ sẽ cung cấp thông tin về các nguyên nhân, triệu chứng và cách xử lý vết bầm tím hiệu quả.

>>> Bài viết cùng chủ đề:

Vết bầm tím trên da là gì?

Vết bầm tím là kết quả của sự rò rỉ máu ra ngoài mạch máu do da bị tổn thương hoặc do các mạch máu yếu và dễ vỡ. Máu rò rỉ sẽ bị phân hủy và tạo ra những vết thâm màu đen, vàng, xanh dương trên da, được gọi là xuất huyết trên da trong y học. Vết bầm tím thường sẽ tự hồi phục sau một vài tuần, nhưng cũng có thể là triệu chứng của các bệnh lý nghiêm trọng khác.

>>> Xem thêm: Đồi mồi: Nguyên nhân xuất hiện và cách trị đồi mồi hiệu quả

Vết bầm tím trên da
Vết bầm tím là kết quả của sự xuất huyết máu ra ngoài mạch máu (Nguồn: internet)

8 nguyên nhân xuất hiện vết bầm tím trên da

Ngoài những nguyên nhân phổ biến như va đập, chấn thương, côn trùng đốt hay dị ứng, vết bầm tím trên da còn có thể xuất hiện do những nguyên nhân sau:

Thiếu vitamin

Vitamin C là một chất chống oxy hóa quan trọng, giúp duy trì sự linh hoạt và đàn hồi của mạch máu. Thiếu vitamin C có thể làm cho mạch máu dễ bị tổn thương và gây ra vết bầm tím.

Bên cạnh đó, nếu thiếu vitamin B12, quá trình tạo máu sẽ bị rối loạn. Nếu thiếu vitamin K, máu sẽ khó đông, nếu thiếu vitamin P, collagen sẽ không được sản xuất đủ, làm cho các mạch máu yếu và dễ bị vết bầm tím.

Dùng thuốc quá liều

Dùng quá liều một số loại thuốc như: aspirin, thuốc tránh thai, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc chống đông máu, thuốc có chứa sắt hoặc thuốc chống hen trong thời gian dài… có thể làm cho da dễ bị vết bầm tím.

Bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường là một bệnh mãn tính, gây ra sự tăng cao của lượng đường trong máu. Vết bầm tím trên da có thể là triệu chứng của bệnh tiểu đường tiến triển nếu vết bầm thường xuyên xuất hiện. Lý do của hiện tượng này là do máu rò rỉ ra khỏi các mạch máu nhỏ bị hư hại do đường huyết cao trong máu.

Đường huyết cao cũng làm suy yếu da và thần kinh. Vết bầm tím trên da không rõ nguyên nhân thường do bệnh tiểu đường gây ra.

Vận động quá mức

Vết bầm tím trên da có thể do tập thể dục quá mức gây ra. Những người tập luyện nặng và nâng tạ nhiều có thể tự làm tổn thương, làm vỡ các mạch máu nhỏ gây bầm tím.

Tập gym quá sức và chơi các môn thể thao đòi hỏi cường độ hoạt động cao sẽ khiến cơ thể bị va đập, chấn thương làm rách các sợi cơ bắp cực nhỏ. Đây là lý do gây ra hiện tượng xuất hiện vết bầm tím.

Rối loạn đông máu

Bệnh ưa chảy máu (Haemophilia) là bệnh rối loạn đông máu hiếm gặp khiến, máu không đông được và chảy liên tục, chỉ cần va chạm nhẹ cũng có thể làm da bầm tím một vùng rộng. Những vết bầm tím không rõ nguyên nhân có thể là triệu chứng của Ung thư máu hoặc các bệnh lý đông máu khác. Vì vậy, nên đi khám bác sĩ ngay nếu thấy những vết bầm tím kỳ lạ, dày đặc, không có nguyên nhân rõ ràng.

Vết bầm tím do rối loạn đông máu
Vết bầm tím do rối loạn đông máu (Nguồn: Hoàn Mỹ)

Lão hóa

Khi bước vào một độ tuổi nhất định, collagen trên da sản xuất ít hơn và lớp mỡ bọc da cũng giảm đi. Sau 60 tuổi, da người lớnrất dễ xuất hiện vết bầm chỉ với va chạm nhẹ.

Mất cân bằng nội tiết

Cơ thể phụ nữ thiếu nội tiết tố nữ (hormone estrogen) sẽ dễ bị vết bầm tím. Đó là do estrogen giúp duy trì sức khỏe của các mạch máu và mao mạch. Khi estrogen giảm, các mạch máu và mao mạch yếu đi và dễ bị hư hại hơn. Nguyên nhân estrogen giảm có thể là do phụ nữ đang ở thời kỳ mãn kinh, đang dùng thuốc kích thích nội tiết tố hoặc đang có thai.

Giảm tiểu cầu

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch hay còn gọi là bệnh tiểu cầu giảm vô căn, tự miễn là tình trạng máu không đông được do số lượng tiểu cầu trong máu quá thấp mà không có nguyên nhân rõ ràng. Tiểu cầu là loại tế bào máu có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu.

Khi bị bệnh này, cơ thể dễ bị các vết bầm tím hoặc chảy máu. Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Theo các chuyên gia, bệnh này ở trẻ em thường xuất hiện sau một đợt nhiễm virus và có thể tự khỏi mà không cần điều trị.

>>> Xem thêm: Nấm da: Các loại bệnh nấm da, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị

Nguyên nhân xuất hiện vết bầm tím
Những nguyên nhân phổ biến gây ra vết bầm tím như va đập, chấn thương, côn trùng đốt hay Dị ứng (Nguồn: internet)

5 cách xử lý, làm tan vết thâm tím trên da

Vết bầm tím trên da thường sẽ tự biến mất sau một vài ngày hoặc tuần, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Tuy nhiên, có thể áp dụng một số cách sau để làm tan vết thâm tím nhanh hơn.

Chườm lạnh làm tan máu bầm

Chườm lạnh là một phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả để làm giảm sưng và đau ở vùng da bị bầm tím. Có thể dùng túi nước đá, túi gel lạnh hoặc khăn ướt lạnh để áp lên vùng da bị bầm tím trong 10-15 phút, để giúp giảm sưng và phục hồi nhanh hơn.

Độ lạnh của đá sẽ làm giảm độ nhạy của các tế bào thần kinh và dây thần kinh ở vùng da bị bầm tím, cũng như làm thu nhỏ các mạch máu dưới da để giảm sự chảy máu cục bộ ngay lập tức. Tuy nhiên, không nên áp lạnh quá lâu hoặc trực tiếp lên da, vì có thể gây ra tổn thương da hoặc hoại tử mô.

Chườm nóng tan vết bầm

Chườm nóng là cách tốt nhất để làm tan vết bầm tím ở trẻ em hoặc người lớn tuổi. Chườm lạnh chỉ nên dùng cho những người khỏe mạnh, chịu lạnh tốt.

Vết bầm tím là do máu rò rỉ ra khỏi các mạch máu nhỏ bị vỡ, rồi tụ dưới da. Khi chườm nóng ở vùng bị thương, nhiệt độ ấm sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn, từ đó giảm và tan vết bầm nhanh hơn.

Để chườm nóng, có thể dùng túi chườm, chai nước ấm hoặc đèn sưởi có nhiệt độ vừa phải. Không nên chườm quá nóng vì có thể làm bỏng da. Nên chườm 15-20 phút, lặp lại 2-3 giờ một lần để có kết quả tốt nhất.

>>> Xem thêm:

Chườm lạnh làm tan bầm tím
Chườm lạnh hoặc chườm nóng sẽ làm tan vết thâm tím nhanh hơn (Nguồn: internet)

Dùng thuốc giảm đau

Để xử lý vết bầm tím, có thể dùng acetaminophen (paracetamol) để giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ. Nên tránh dùng aspirin hoặc ibuprofen vì chúng có thể làm chậm quá trình đông máu và kéo dài thời gian chảy máu.

Ăn thơm (dứa)

Dứa là một loại quả có lợi cho việc điều trị vết bầm tím trên da. Trong dứa có chứa nhiều bromelain, một hoạt chất chống viêm, giảm đau, giảm sưng và ngăn máu đông. Bromelain cũng giúp tiêu sợi huyết, một protein liên quan đến quá trình đông máu. Bromelain còn hỗ trợ quá trình lành vết thương, cải thiện tuần hoàn máu.

Ngoài ra, dứa cũng giàu vitamin C, một chất chống oxy hóa tự nhiên, giúp hỗ trợ quá trình sản xuất collagen cho da. Collagen là một yếu tố quan trọng trong điều trị các mạch máu bị tổn thương. Những người bị bầm tím thường có lượng vitamin C thấp trong máu. Bổ sung vitamin C và dinh dưỡng quan trọng đã được chứng minh là giúp cải thiện vết bầm tím. Lưu ý, không nên dùng phương pháp này nếu bị Dị ứng với dứa.

Dứa là một loại quả có lợi cho việc điều trị vết bầm tím trên da
Dứa là một loại quả có lợi cho việc điều trị vết bầm tím trên da (Nguồn: Hoàn Mỹ)

Trị vết bầm bằng nghệ

Nghệ là một loại nguyên liệu có lợi cho việc điều trị vết bầm tím. Trong nghệ có chứa nhiều curcumin, một hoạt chất chống viêm, giúp vết thương lành nhanh hơn. Nghệ cũng được dùng trong nhiều sản phẩm chăm sóc da hiệu quả như: xóa sẹo, làm mờ vết thâm,…được nhiều chuyên gia da liễu khuyên dùng.

Có thể dùng nghệ để làm tan vết bầm tím bằng cách xay nhuyễn hoặc đập dập lấy nước, thoa nhẹ lên vùng da bị tím. Thực hiện cách làm này trong vài ngày, sẽ thấy vết bầm mờ dần đi.

Bài viết trên Hoàn Mỹ đã thông tin đến bạn những nguyên nhân và cách xử lý của vết bầm tím xuất hiện trên da. Hy vọng qua đây có thể bổ sung thêm những kiến thức hữu ích trong việc theo dõi và chăm sóc sức khỏe. Bạn có thể tham khảo các kiến thức sức khỏe bổ ích khác tại Tin tức y tế. Nếu có nhu cầu thăm khám và điều trị, liên hệ ngay qua số HOTLINE hoặc đặt hẹn lịch trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí bởi Hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

Một số câu hỏi thường gặp

Bị bầm tím nên làm gì?

Bầm tím xảy ra khi các mạch máu nhỏ dưới da bị vỡ. Để giảm bầm tím, hãy chườm lạnh ngay sau chấn thương, sau đó nâng vùng bị thương cao hơn tim nếu có thể. Vết bầm tím thường kéo dài khoảng 2 tuần. Khi lành lại, chúng thay đổi màu sắc từ đỏ hoặc tía sang hơi vàng.

Vết bầm lan rộng có nguy hiểm không?

Nếu sau khoảng 3-4 tuần mà vết bầm không biến mất, thậm chí còn lan rộng hơn dù không gặp thêm bất cứ tổn thương nào, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám hiệu quả nhất. Ngoài ra, vết bầm tím kèm sưng, đau khớp, sụt cân hay đổ mồ hôi ban đêm có thể là một triệu chứng đáng ngại.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.