Tin tức y tế

Đau ngực: Nguyên nhân, biểu hiện, phương pháp chẩn đoán và điều trị

28/11/2023

Đau ngực là cơn đau có nhiều mức độ ở vùng ngực – là hiện tượng sức khỏe cần được chẩn đoán nguyên nhân để có những biện pháp điều trị kịp thời. Có những nguyên nhân nào gây ra cơn đau ở ngực và cách chẩn đoán hiện tượng đau ở ngực như thế nào? Cùng Hoàn Mỹ tìm câu trả lời tường tận cho các câu hỏi này ngay trong bài viết dưới đây. 

>> Xem thêm:

Tình trạng đau ngực là gì?

Đau ngực là cảm giác đau ở vùng ngực ở nhiều mức độ và có thể kèm theo nhiều triệu chứng khác như khó thở, vã mồ hôi. Đau ngực thường là triệu chứng của các bệnh về phổi và tim, nên cần đến gặp bác sĩ để chẩn đoán bệnh nếu bạn gặp phải cơn đau ở ngực nhé. 

Đau ngực là cảm giác đau nhói ở vùng ngực và có thể kèm theo cảm giác khó thở
Đau ngực là cảm giác đau nhói ở vùng ngực và có thể kèm theo cảm giác khó thở (Nguồn: Internet)

Các vị trí đau ngực thường gặp

  • Đau ngực trái: Đây là triệu chứng cảnh báo bạn đang gặp các vấn đề về tim mạch, vì ngực trái có tim và hệ tuần hoàn nói chung.
  • Đau ngực phải: Cơn đau ở ngực phải thường là biểu hiện của các bệnh lý về dạ dày như trào ngược, ợ chua; viêm khớp; học tập, làm việc quá sức…
  • Đau ở ngực giữa: Khi đau ngực giữa, người bệnh sẽ cảm nhận sự đè nén ở giữa ngực, khó thở. Đau ở vùng ngực giữa thường do mạch máu nuôi tim bị tắc, xơ vữa động mạch… 
  • Đau ở ngực dưới (thượng vị, trên rốn): Nguyên nhân gây ra các cơn đau ở ngực dưới là sỏi đường mật hoặc túi mật, Thiếu máu cơ tim… 

Nguyên nhân gây ra đau ngực

Dưới đây là 9 nguyên nhân phổ biến gây ra cơn đau ở ngực, chủ yếu liên quan đến hệ tuần hoàn và hô hấp:

Phình động mạch chủ tim

Phình động mạch chủ xảy ra khi thành động mạch suy yếu, giãn nở bất thường. Theo đó, lớp vỏ bọc mạch máu bị vỡ gây ra cơn đau ở ngực.

Phình động mạch chủ ở tim là căn bệnh nguy hiểm gây ra cơn đau ở ngực
Phình động mạch chủ ở tim là căn bệnh nguy hiểm gây ra cơn đau ở ngực (Nguồn: Internet)

Tràn khí màng phổi

Ngực khi bị chấn thương mạnh làm xẹp phổi, điều này làm không khí tràn vào khoang ngực gây ra tràn khí màng phổi. Khi gặp hiện tượng này, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau ở ngực, đặc biệt thấy đau dữ dội hơn khi thở.

Tràn khí màng phổi gây ra cơn đau ở ngực
Tràn khí màng phổi gây ra cơn đau ở ngực (Nguồn: Internet)

Căng cơ thành ngực

Cơ thành ngực có nhiệm vụ bao bọc lồng ngực, giúp lồng ngực co giãn để quá trình hô hấp diễn ra dễ dàng. Cơ thành ngực bị căng quá mức sẽ dẫn đến đau ngực. Căng cơ thành ngực xảy ra sau khi nâng vật nặng, cử động đột ngột,…

>> Xem thêm:

Nâng vật nặng sẽ dẫn đến căng cơ thành ngực
Nâng vật nặng sẽ dẫn đến căng cơ thành ngực (Nguồn: Internet)

Nhồi máu cơ tim

Đau ở ngực cũng là triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim – căn bệnh xảy ra do tắc nghẽn mạch máu truyền đến tim. Nếu bị bệnh nhồi máu cơ tim, người bệnh có cảm giác đau dữ dội ở ngực trái kèm theo triệu chứng chóng mặt, khó thở, vã mồ hôi…

Trào ngược dạ dày

Nguyên nhân gây ra bệnh trào ngược dạ dày là dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Trào ngược dạ dày có nhiều triệu chứng gồm: ợ nóng, đau ở bụng rồi lan lên ngực, cảm giác đầy hơi… 

Trào ngược là một căn bệnh về tiêu hóa gây ra cơn đau ở ngực
Trào ngược là một căn bệnh về tiêu hóa gây ra cơn đau ở ngực (Nguồn: Internet)

Viêm phổi

Khi bị bệnh viêm phổi, người bệnh cảm thấy đau nhiều ở ngực phải và cơn đau sẽ tăng dần khi hít thở. Ngoài đau ngực, người bệnh còn gặp các triệu chứng khác như ho có đờm, sốt, ớn lạnh, buồn nôn, tiêu chảy, vã mồ hôi…

Viêm phổi làm bạn bị đau
Viêm phổi làm bạn bị đau ở phía ngực phải (Nguồn: Internet)

Rối loạn thần kinh thực vật

Rối loạn thần kinh thực vật là tình trạng rối loạn chức năng của hệ thần kinh tự động. Nguyên nhân của rối loạn thần kinh thực vật thường là do căng thẳng, chấn thương tâm lý, lo lắng, trầm cảm,…Biểu hiện của bệnh rối loạn thần kinh thực vật là cơn đau khó chịu ở vùng ngực, tim đập nhanh, chóng mặt,…

Rối loạn thần kinh thực vật là bệnh lý lành tính nhưng vẫn gây ra nhiều rắc rối cho bệnh nhân
Rối loạn thần kinh thực vật là bệnh lý lành tính nhưng vẫn gây ra nhiều rắc rối cho bệnh nhân, cụ thể là cảm giác đau ngực (Nguồn: Internet)

Bóc tách động mạch chủ ngực

Đau ở ngực là triệu chứng thường gặp khi bị bóc tách động mạch chủ ngực. Bóc tách động mạch chủ là hiện tượng sức khỏe xảy ra khi thành động mạch chủ xuất hiện vết rách, máu qua vết rách làm lớp áo bảo bóc động mạch chủ bị bóc tách. Cơn đau khi bị bóc tách động mạch chủ rất dữ dội, người bệnh có cảm giác cơn đau như bị dao đâm hay ngực bị xé và kéo dài nhiều giờ.

Bóc tách động mạch chủ ngực gây ra cơn đau ở ngực rất dữ dội
Bóc tách động mạch chủ ngực gây ra cơn đau ở ngực rất dữ dội (Nguồn: Internet)

Viêm sụn sườn

Viêm sụn sườn gây ra cơn đau ở trước ngực kèm theo cảm giác khó thở. Cơn đau sẽ tăng mức độ khi người bệnh cử động và hít thở.

Viêm sụn sườn gây ra cơn đau nhói ở trước ngực
Viêm sụn sườn gây ra cơn đau nhói ở trước ngực (Nguồn: Internet)

Một số biểu hiện của đau ngực

Sau đây là một số dấu hiệu khi bị đau ở ngực mà bạn có thể tham khảo:

  • Đau căng tức ở ngực
  • Cơn đau ở ngực có thể kèm thêm hụt hơi và chóng mặt
  • Đau dữ dội hơn khi căng thẳng. 

Những biến chứng của đau ngực

Nếu không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời, đau ngực sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng về phổi và tim như tràn khí màng phổi, tắc mạch phổi, nhồi máu cơ tim, phình hoặc tách động mạch chủ ngực…

Không được chẩn đoán và điều trị sẽ dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe
Đau ngực nếu không được chẩn đoán và điều trị sẽ dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe (Nguồn: Internet)

Đối tượng có nguy cơ bị đau ngực cao

Dưới đây là ba nhóm đối tượng thường có khả năng bị đau ngực:

  • Người hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích: Hút thuốc lá gây ra bệnh mạch vành, xơ vữa mạch, Nghiện rượu gây ra xơ gan, nhồi máu phổi. Tất cả các căn bệnh kể trên đều có thể dẫn đến cơn đau ngực dữ dội.
  • Người có bệnh do tiền sử gia đình: Các yếu tố di truyền trong gia đình như đái tháo đường, Brugada, Wolff-Parkinson-White (WPW), Marfan, Ehlers-Danlos,…Nếu người thân trong gia đình có tiền sử bị các bệnh này thì khả năng cao bạn sẽ gặp phải cơn đau ở ngực.
  • Nhóm tuổi tác, giới tính hay bị đau ở ngực: Cơn đau ở ngực do bệnh về động mạch chủ, mạch vành thường xảy ra ở người cao tuổi giới tính nam. Đối với tình trạng đau ngực do bệnh liên quan đến phổi sẽ thường xảy ra ở người trẻ.

Phương pháp chẩn đoán

  • Điện tâm đồ: Chẩn đoán bằng điện tâm đồ ghi nhận xung điện của tim, giúp bác sĩ chẩn đoán được liệu cơn đau ở ngực có liên quan đến tim hay không.
  • Siêu âm tim: Giúp bác sĩ quan sát tổng thể quả tim về thành cơ tim, van tim,… để xác định xem cơn đau ở ngực có thể xảy ra do tràn dịch màng tim hay phình tách động mạch chủ hay không.
  • Chụp cắt lớp động mạch vành: Kỹ thuật chụp CT mạch vành sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc chẩn đoán cơn đau do bệnh lý về  động mạch vành. 
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu để đo nồng độ CK, CK-MB, Troponin nhằm kiểm tra xem bệnh nhân có đang gặp các vấn đề về tim mạch và hệ hô hấp mới cảm thấy đau ngực hay không.

Biện pháp điều trị đau ngực hiệu quả.

Quy trình sơ cứu khi gặp cơn đau ngực bao gồm:

  • Hỗ trợ hô hấp: Kê thêm gối để bệnh nhân nằm đầu cao, cho thở khí Oxy.
  • Kiểm soát huyết áp: Theo dõi tình trạng của huyết áp để sử dụng thuốc hạ áp (vận mạch) phù hợp. Kiểm soát nhịp tim nếu bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim. 
  • Giảm đau: Tùy vào mức độ của cơn đau ở ngực mà sử dụng thuốc giảm đau phù hợp. 
  • Xử trí các nguyên nhân: Nếu cơn đau do một căn bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ tùy theo tình trạng bệnh để đưa ra phương đồ điều trị phù hợp.

Cách phòng ngừa tình trạng đau ngực

Để không gặp phải cơn đau ở ngực, cần xây dựng lối sống lành mạnh như: 

  • Thường xuyên vận động, uống nhiều nước.
  • Thiết lập thực đơn ăn uống giàu dinh dưỡng, khoa học
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia để bảo vệ phổi.
  • Giữ tâm trạng tích cực, thoải mái.
Hãy xây dựng lối sống lành mạnh và tích cực
Hãy xây dựng lối sống lành mạnh và tích cực để tránh bị đau ở ngực (Nguồn: Internet)

Trên đây là tổng hợp các thông tin về đau ngực, hi vọng bạn đã cập nhật đầy đủ thông tin y học này để chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Ngoài ra, nếu bạn muốn biết thêm thông tin chi tiết, đừng quên truy cập vào Tin tức y tế thường xuyên để không bỏ lỡ bất kỳ cập nhật mới nhất nào. Đặt lịch hẹn TẠI ĐÂY hoặc liên hệ trực tiếp vào HOTLINE để nhận tư vấn miễn phí tại Hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.