Thuốc kháng viêm là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến cho các trường hợp bệnh nhân bị Sốt cao, viêm nhiễm hoặc đau nhức cơ thể. Thuống kháng viêm được chia thành nhiều loại và mỗi loại sẽ có cách hoạt động khác nhau tùy từng nhóm bệnh cụ thể. Trong bài viết này, Hoàn Mỹ sẽ giúp bạn nắm được các phân loại chính của thuốc kháng viêm nhằm tối ưu hiệu quả điều trị và tránh các tương tác thuốc không mong muốn.
>>> Xem thêm:
- Thuốc Alpha Choay kháng viêm: Tác dụng và liều dùng phù hợp
- Thuốc Medrol là thuốc gì? Công dụng và liều dùng
Thuốc kháng viêm là gì?
Thuốc kháng viêm hay thuốc chống viêm là nhóm thuốc được sử dụng để ức chế hoặc giảm triệu chứng viêm nhiễm trong cơ thể thông qua ngăn chặn các phản ứng miễn dịch và phản ứng sinh học gây ra viêm nhiễm.
Tác dụng của thuốc kháng viêm
Dưới đây là một số tác dụng chính của các loại thuốc kháng viêm:
- Giảm triệu chứng viêm nhiễm.
- Giảm đau.
- Hạ sốt.
- Ức chế miễn dịch.
- Chống ngưng kết tiểu cầu và đảm bảo lưu thông máu tốt hơn.
Phân loại thuốc kháng viêm
Có hai loại thuốc kháng viêm phổ biến hiện nay là thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) và thuốc kháng viêm steroid (còn gọi là glucocorticoids hoặc corticoid).
NSAIDs thường được sử dụng trong điều trị đau và viêm ngắn hạn, còn thuốc kháng viêm steroid được sử dụng trong điều trị các bệnh tự miễn dịch và viêm nhiễm cơ bản.
Thuốc kháng viêm không Steroid (NSAID)
Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) là nhóm thuốc phổ biến được sử dụng để giảm đau, giảm viêm và hạ sốt. Thuốc hoạt động dựa trên cơ chế ngăn chặn enzym cyclooxygenase (COX) và được chia thành các nhóm nhỏ với các loại thuốc khác nhau bao gồm:
- Nhóm thuốc Salicylic: Nổi bật là thuốc Aspirin. Aspirin không chỉ giúp hạ sốt, giảm đau và kháng viêm mà còn có khả năng ức chế kết tập tiểu cầu. Do đó thuốc cũng thường được sử dụng để phòng ngừa nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tai biến mạch máu não.
- Nhóm thuốc Propionic: Bao gồm các loại thuốc như Ibuprofen và Diclofenac. Đây là một trong những NSAID phổ biến nhất và được sử dụng rộng rãi để giảm đau, giảm viêm nhiễm và hạ sốt. Thuốc được chỉ định điều trị các trường hợp viêm xương khớp dạng thấp ở người trẻ tuổi. Các tác dụng giảm đau và kháng viêm của Ibuprofen thường xuất hiện sau vài ngày điều trị và mạnh hơn so với Aspirin.
- Nhóm thuốc Oxicam: Đại diện bởi thuốc Piroxicam. Ngoài các tác dụng chung của thuốc kháng viêm, loại thuốc này còn có khả năng ngăn chặn các trường hợp viêm nhiễm ở xương như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, viêm cột sống dính khớp hoặc chấn thương do hoạt động thể thao. Piroxicam cũng có tác dụng trong điều trị bệnh gout cấp tính và trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật.
- Nhóm NSAID có chọn lọc COX-2: Bao gồm các loại thuốc như Meloxicam, Celecoxib và Etoricoxib. Nhóm thuốc này cũng có tác dụng hạ sốt, giảm đau, chống viêm. Đồng thời thường được chỉ định để điều trị viêm xương khớp, viêm cột sống dính khớp và bệnh gout. Các NSAID này không ảnh hưởng đến nhiều cơ quan quan trọng của cơ thể, do đó, thuốc phù hợp với bệnh nhân có vấn đề về gan, thận và dạ dày.
Thuốc kháng viêm chứa steroid
Đây là loại thuốc chứa hormone corticosteroid, một loại hormone tự nhiên do tuyến thượng thận sản xuất. Corticosteroid hoạt động bằng cách giảm sự phát triển của tế bào miễn dịch, giảm viêm tức thời và ức chế hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể.
Loại thuốc này có thể được bào chế dưới dạng viên nén, viên sủi hoặc dung dịch uống. Các nhóm thuốc chống viêm chứa steroid phổ biến bao gồm:
- Prednisolon: Thuốc hoạt động bằng cách ức chế chức năng của các tế bào và giảm số lượng lympho. Prednisolon thường được chỉ định trong điều trị các bệnh lý liên quan đến viêm xương khớp, bệnh Lupus ban đỏ toàn thân, hen suyễn, viêm loét dạ dày, viêm động mạch thái dương và điều trị các bệnh lý ung thư giai đoạn cuối như Ung thư vú hoặc ung thư tuyến tiền liệt.
- Methylprednisolon: Methylprednisolon thường được chỉ định trong điều trị các bệnh viêm xương khớp, bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa như viêm loét đại tràng mạn, các bệnh Dị ứng nặng và sốc phản vệ. Ngoài ra, Methylprednisolon cũng được sử dụng trong điều trị đặc hiệu hội chứng thận hư nguyên phát.
- Fluticasone: Đây là một corticosteroid hấp thụ nội tiết được sử dụng trong điều trị các tình trạng liên quan đến đường hô hấp như viêm phổi và hen suyễn.
- Hydrocortisone: Hydrocortisone là một corticosteroid có tác dụng chống viêm và chống Dị ứng thường được sử dụng trong các vấn đề da liễu như eczema hoặc viêm da dị ứng.
Bên cạnh 2 cách phân loại ở trên, đôi khi bạn sẽ nghe đến khái niệm thuốc kháng viêm không kê đơn. Đây là loại thuốc người bệnh có thể mua tại các cửa hàng thuốc hoặc cửa hàng dược phẩm mà không cần chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc kháng viêm không kê đơn thường chứa các thành phần chính như ibuprofen, aspirin 81, naproxen sodium và acetaminophen (paracetamol).
Chỉ định và chống chỉ định của thuốc kháng viêm không chứa steroid
Thuốc kháng viêm không chứa steroid thường được chỉ định trong các tình trạng sau:
- Viêm xương khớp.
- Bệnh hệ thống.
- Thoái hóa khớp và thoái hóa cột sống.
- Viêm hoặc loét dạ dày.
- Sốt.
- Đau đầu, đau răng, đau sau phẫu thuật nhẹ.
- Bệnh lý phần mềm dạng thấp.
Chống chỉ định:
- Dị ứng hoặc phản ứng với NSAID.
- Bệnh máu khó đông.
- Viêm dạ dày hoặc loét dạ dày.
- Tình trạng gan hoặc thận nặng.
- Huyết áp cao hoặc tình trạng tim mạch nghiêm trọng.
- Phụ nữ mang thai ba tháng đầu hoặc ba tháng cuối.
- Phụ nữ đang cho con bú.
Tác dụng phụ thuốc chống viêm
Thuốc chống viêm, bao gồm cả thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) và thuốc kháng viêm có steroid, có thể gây ra một số tác dụng phụ. Dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến có thể xuất hiện khi sử dụng các loại thuốc chống viêm:
Thuốc kháng viêm không steroid:
- Gây viêm loét hoặc xuất huyết dạ dày.
- Đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón.
- Đau bụng nặng, phân đen hoặc có máu trong phân.
- Ợ nóng hoặc buồn nôn.
- Suy thận.
- Tăng huyết áp.
- Dị ứng và phản ứng trên da như ngứa hoặc sưng mặt.
- Mệt mỏi và chán nản.
- Sốt.
- Giảm bạch cầu, suy tủy và gây ra tình trạng rối loạn đông máu.
Thuốc kháng viêm có steroid:
- Tăng cân.
- Tăng nguy cơ bệnh tiểu đường.
- Dị ứng và phản ứng miễn dịch.
- Rối loạn lo âu hoặc chứng loạn tâm thần.
- Ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương như chóng mặt, ù tai,…
Tương tác thuốc
Dưới đây là một số tương tác thuốc chống viêm phổ biến mà bạn nên biết:
- Warfarin và Anticoagulants (thuốc chống đông máu): Thuốc chống viêm không steroid có thể tăng cường tác dụng của warfarin dẫn đến tình trạng chảy máu quá nhiều.
- Cyclosporine (thuốc ức chế miễn dịch): Kết hợp thuốc chống viêm với Cyclosporine có thể dẫn đến tổn thương thận.
- Lithium (thuốc chống loạn thần): Sử dụng NSAID cùng với lithium có thể tạo điều kiện để tích tụ lithium gây nguy hiểm trong cơ thể.
- Aspirin liều thấp: Sử dụng thuốc chống viêm không kê đơn cùng với aspirin liều thấp có thể làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày.
- ACE Inhibitors và ARBs: Sử dụng NSAID cùng với các loại thuốc ức chế Enzyme chuyển angiotensin (ACE) làm giảm việc kiểm soát huyết áp.
- Methotrexate (thuốc điều trị viêm khớp và bệnh miễn dịch): Kết hợp NSAID và methotrexate có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng đối với gan và thận.
- Corticosteroids (thuốc giảm đau kháng viêm): Sử dụng NSAID cùng với corticosteroids tăng nguy cơ viêm tá tràng và loét dạ dày.
- Diuretics (thuốc lợi tiểu) : Sử dụng NSAID cùng với thuốc lợi tiểu gây tăng nguy cơ tổn thương thận và làm tăng huyết áp.
- Selective Serotonin Reuptake Inhibitors (thuốc ức chế tái hấp thụ): Khi sử dụng chung với NSAID có thể gây ra tác dụng phụ như chảy máu trong hệ tiêu hóa.
>>> Xem thêm:
- Loperamid là thuốc gì? Cách sử dụng và lưu ý
- Công dụng thuốc Phosphalugel và liều dùng
- Thuốc Atorvastatin: Công dụng, chỉ định, liều dùng
Lưu ý khi dùng thuốc chống viêm
Khi dùng thuốc chống viêm, có một số điều quan trọng bạn cần lưu ý để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình điều trị như sau:
- Nếu cảm thấy thuốc không hiệu quả hoặc có tác dụng phụ không mong muốn, cần thảo luận với bác sĩ về việc điều chỉnh liều lượng hoặc thay đổi phương pháp điều trị.
- Tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ về việc điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống để hỗ trợ điều trị viêm nhiễm.
- Một số thuốc có thể tương tác với thực phẩm hoặc cồn.
- Không nên sử dụng thuốc chống viêm nếu không cần thiết hoặc không được chỉ định bởi bác sĩ.
- Ibuprofen (Advil, Motrin, Midol) là loại thuốc chống viêm không kê đơn duy nhất được chấp thuận sử dụng cho trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi.
- Naproxen (Aleve, Naprosyn) được khuyên sử dụng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.
- Trẻ em dưới 17 tuổi khi mắc thủy đậu hoặc cúm nên tránh sử dụng aspirin và các sản phẩm chứa aspirin.
- Liều dùng cho trẻ em thường dựa trên cân nặng của trẻ thay vì độ tuổi.
Ở bài viết trên, Hoàn Mỹ đã cung cấp đầy đủ thông tin về nhóm thuốc chống viêm và các liệu pháp y tế nhằm đảm bảo người bệnh có kiến thức cần thiết trong việc điều trị. Để cập nhất các kiến thức về tin tức y tế mới nhất, hãy truy cập chuyên mục Tin tức y tế. Đồng thời nếu có nhu cầu thăm khám, điều trị, hãy gọi ngay đến số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí bởi hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.