Tin tức y tế

Mất ngủ: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị

28/10/2023

Giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe và tinh thần của mỗi người, giúp để cơ thể có đủ thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi năng lượng. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng đảm bảo vấn đề ngủ đủ giấc, ngủ sâu, có nhiều người gặp phải hiện tượng mất ngủ, không ngủ được. Hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị bệnh lý mất ngủ trong bài viết sau.

>> Xem thêm:

Mất ngủ là bệnh gì? 

Trung bình, 1 người cần ngủ khoảng 7 – 8 giờ mỗi ngày để nghỉ ngơi, thư giãn cơ thể và phục hồi năng lượng cho một ngày mới. Bệnh lý mất ngủ có thể ảnh hưởng đến cả thời gian và chất lượng của giấc ngủ, điển hình như khó vào giấc ngủ, ngủ không sâu, liên tục thức dậy sớm dù chưa đủ giấc,…

Bệnh lý này có thể phân loại thành 2 dạng chính:

  • Mất ngủ cấp tính: Xảy ra không thường xuyên và không kéo dài quá một tháng
  • Mất ngủ mãn tính: Thường xuyên tái phát và kéo dài từ một tháng trở lên.
Mất ngủ là bệnh gì?
Mất ngủ là bệnh lý gây ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng của giấc ngủ bình thường (Nguồn: Internet)

Những dấu hiệu của bệnh mất ngủ

Bệnh lý không ngủ được, khó ngủ thường sẽ có những biểu hiện đặc trưng sau đây:

  • Trằn trọc, khó vào giấc ngủ dù bạn đã đi ngủ sớm
  • Khó ngủ sâu giấc và thường thức dậy sớm
  • Có cảm giác mệt mỏi, uể oải, tinh thần không minh mẫn khi thức dậy
  • Thường xuyên giật mình tỉnh giấc trong đêm và khó ngủ lại được.

>> Xem thêm: Kỹ thuật ghi điện cơ và đo tốc độ dẫn truyền dây thần kinh

Những dấu hiệu bệnh mất ngủ
Uể oải, mệt mỏi sau khi thức dậy là một dấu hiệu của bệnh mất ngủ (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân gây ra bệnh mất ngủ

Nguyên nhân mất ngủ đến từ đâu? Dưới đây là một số tác nhân có thể dẫn đến vấn đề khó ngủ, rối loạn giấc ngủ của bạn:

  • Tuổi tác: Người già thường gặp khó khăn trong việc duy trì giấc ngủ, thường hay thức giữa đêm nhiều hơn so với người trẻ.
  • Thói quen ngủ không tốt: Ngủ nhiều vào ban ngày, không có lịch trình ngủ đều đặn, sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ có thể khiến việc vào giấc ngủ trở nên khó khăn.
  • Chế độ dinh dưỡng vào buổi tối: Tiêu thụ nhiều thức ăn vào buổi tối có thể gây khó tiêu, trào ngược dạ dày, ợ nóng và dẫn đến sự bất thoải, làm giảm khả năng vào giấc ngủ
  • Thay đổi nhịp sinh học: Việc đi du lịch hoặc thay đổi múi giờ, hoặc thay đổi liên tục giữa việc làm việc vào ban ngày và ban đêm có thể gây mất ngủ.
  • Tình trạng tâm lý và rối loạn tâm thần: Căng thẳng, áp lực tài chính, công việc, học tập, hoặc các sự kiện tâm lý (như ly hôn, mất người thân, mất việc làm) thường gây ra mất ngủ.
  • Tình trạng y tế và việc sử dụng thuốc: Các bệnh mãn tính như bệnh tim, trào ngược dạ dày thực quản, hen suyễn và sử dụng các loại thuốc (như thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm, thuốc trị hen suyễn) có thể gây ra mất ngủ.
  • Các rối loạn liên quan đến giấc ngủ: Các tình trạng như hội chứng chân bồn chồn, ngưng thở khi ngủ, là những nguyên nhân phổ biến gây mất ngủ.
  • Chất kích thích: Các chất kích thích như nicotine trong thuốc lá, caffeine trong cà phê và trà có thể gây khó khăn trong việc vào giấc ngủ.
  • Thiếu hoạt động thể chất hoặc xã hội: Ít hoạt động hoặc thiếu hoạt động thể chất và xã hội có thể gây mệt mỏi và khó ngủ vào ban đêm.
Tâm trạng quá căng thẳng cũng sẽ gây rối loạn giấc ngủ
Tâm trạng quá căng thẳng cũng sẽ gây rối loạn giấc ngủ (Nguồn: Internet)

Mất ngủ là dấu hiệu của những bệnh gì?

Mất ngủ là một hiện tượng khó chịu mà nhiều người gặp phải, và đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh như:

  • Bệnh dị ứng
  • Bệnh viêm khớp
  • Bệnh tim
  • Các vấn đề về tuyến giáp
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
  • Thay đổi nội tiết, nhất là ở phụ nữ Mãn kinh 50 tuổi trở lên
  • Bệnh lý tâm thần
  • Các rối loạn giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ, chứng hoảng sợ trong giấc ngủ, và mộng du.

>> Xem thêmChâm cứu điều trị liệt cơ mặt ngoại biên cho bệnh nhi 13 tuổi

Phụ nữ mãn kinh có thể gặp phải hiện tượng khó ngủ
Phụ nữ Mãn kinh có thể gặp phải hiện tượng khó ngủ (Nguồn: Internet)

Những đối tượng dễ bị mất ngủ

Nhìn chung, bệnh lý bị mất ngủ có thể xảy ra ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi và giới tính. Thế nhưng, những nhóm người có khả năng mắc bệnh nhiều hơn so với người khác là:

  • Người cao tuổi: Những người ở độ tuổi 60-65 trở lên thường gặp tình trạng mất ngủ, do sự biến đổi của cơ thể theo thời gian và quá trình lão hóa, cũng như di chứng của các bệnh lý liên quan đến tuổi tác.
  • Người đang mắc các bệnh lý: Gồm bệnh tiểu đường, viêm khớp, mất trí nhớ, bệnh Parkinson, đau cơ xơ hóa, và trào ngược dạ dày. Những người mắc các bệnh lý này  thường gặp khó khăn trong việc duy trì giấc ngủ sâu.
  • Phụ nữ: Phụ nữ có nguy cơ mất ngủ cao hơn nam giới. Các yếu tố như chu kỳ kinh nguyệt, thai kỳ, và rối loạn nội tiết cũng là tác nhân gây mất ngủ thường xuyên.
  • Người đang trải qua căng thẳng tinh thần: Thường gặp khó khăn trong việc thư giãn và có giấc ngủ tốt.
  • Người làm việc ca đêm hoặc thay đổi múi giờ: Chẳng hạn như người đi du lịch, thường gặp khó khăn trong việc thích nghi với giấc ngủ mới.
  • Người duy trì lối sống không khoa học: Hút thuốc, tiêu thụ rượu bia, thiếu hoạt động thể chất, và lối ăn uống không cân đối cũng là những yếu tố có thể tăng nguy cơ mất ngủ.
 Người lớn tuổi có khả năng mất ngủ nhiều hơn người trẻ
 Người lớn tuổi có khả năng mất ngủ nhiều hơn người trẻ (Nguồn: Internet)

Mất ngủ có tác hại gì?

Khi mất ngủ kéo dài, tác động xấu đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh trở nên nghiêm trọng. Cụ thể, tình trạng khó vào giấc ngủ có thể dẫn đến:

  • Mệt mỏi và uể oải, luôn trong tình trạng lờ đờ và thiếu tỉnh táo.
  • Hệ miễn dịch của người thiếu ngủ, đặc biệt là ngủ không đủ giấc, có thể yếu hơn so với người có giấc ngủ đầy đủ.
  • Thiếu ngủ có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như rối loạn nhịp tim, huyết áp cao, nhồi máu cơ tim, tiểu đường, và đột quỵ, có thể dẫn đến tình trạng tử vong.
  • Ngủ không đủ giấc có thể làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư.
  • Thiếu ngủ thường dẫn đến Da khô ráp, lão hóa nhanh chóng, và làm giảm khả năng lành vết thương trên da.
  • Buồn ngủ do thiếu ngủ có thể làm bạn cáu kỉnh, và dẫn đến tâm trạng không ổn định. Nó có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
  • Không ngủ đủ khiến cơ thể cảm thấy thiếu năng lượng, dẫn đến việc tiêu thụ thực phẩm nhiều hơn và ưa thích thực phẩm không lành mạnh, gây tăng cân.
  • Thiếu ngủ cũng khiến bạn dễ gặp hiện tượng ảo giác, chóng mặt, và dễ gặp tai nạn khi tham gia giao thông.

>> Xem thêmBạn đã biết: Đột quỵ và thời gian vàng cấp cứu trong đột quỵ?

Mất ngủ có tác hại gì?
Mất ngủ kéo dài khiến tinh thần uể oải, dễ cáu giận (Nguồn: Internet)

Cách điều trị bệnh mất ngủ

Mất ngủ gây thiếu sức sống, ảnh hưởng đáng kể tới tiến độ công việc và chất lượng cuộc sống hàng ngày. Vì thế, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để nhanh chóng chẩn đoán nguyên nhân, để có phương án điều trị thích hợp. Bạn có thể tham khảo về các cách điều trị bệnh như sau:

Nguyên tắc điều trị

Nguyên tắc điều trị bệnh mất ngủ có thể tổng kết như sau:

  • Loại bỏ những nguyên nhân chủ quan: Đầu tiên, cần xác định các nguyên nhân gây ra mất ngủ. Điều này có thể bao gồm việc kiểm soát việc tiêu thụ cà phê hoặc thức uống chứa caffeine vào buổi tối, tránh thức ăn cay nóng hoặc thức ăn nặng trước giờ ngủ, không thay đổi múi giờ quá nhanh, và giải quyết các vấn đề căng thẳng trong cuộc sống. Người bệnh có thể tự điều chỉnh các yếu tố này mà không cần sử dụng thuốc.
  • Chuẩn bị giấc ngủ tốt: Tạo điều kiện thuận lợi cho giấc ngủ bằng cách tạo ra một môi trường thư thái và thoải mái. Đảm bảo giường ngủ thoáng mát và sạch sẽ, sử dụng chăn, mền, và gối thoải mái.
  • Điều trị bằng thuốc: Thuốc benzodiazepin, có thể được sử dụng trị mất ngủ, nhưng chỉ theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Các thuốc khác không thuộc nhóm benzodiazepin, chẳng hạn như Melatonin và Ramelteon, có thể được sử dụng mà không cần đơn thuốc. Đôi khi, các loại thuốc chống Trầm cảm và chống lo âu có thể được sử dụng khi bệnh mất ngủ kèm theo triệu chứng của bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc nên được tiến hành theo chẩn đoán của bác sĩ.
  • Điều trị bằng các liệu pháp tâm lý: Hãy để giấc ngủ đến một cách tự nhiên và nhẹ nhàng. Tránh để suy nghĩ, lo lắng, và công việc quá mức trước giờ đi ngủ. Nếu bạn không thể ngủ sau khoảng thời gian 10 – 15 phút, bạn có thể thực hiện một số hoạt động nhẹ nhàng, thư giãn, tắm nước ấm, nghe nhạc nhẹ, và nhiều biện pháp khác để giúp giảm triệu chứng mất ngủ.

Tâm lý trị liệu

Tâm trạng lo lắng có thể làm cho tình trạng mất ngủ trở nên tồi tệ hơn. Bạn có thể tiến hành liệu pháp tâm lý trị liệu nhận thức hành vi (cognitive behavioral therapy – CBT). Theo đó, các chuyên gia sẽ hướng dẫn cách thư giãn và điều chỉnh sinh học để làm dịu nhịp thở, nhịp tim, cơ bắp, và tâm trạng của người bệnh.

Tâm lý điều trị
Tâm lý trị liệu là một giải pháp giúp thư giãn tinh thần, trị bệnh khó ngủ (Nguồn: Internet)

Tập thể dục

Hoạt động thể chất là một trong những thói quen tốt để tiêu hao năng lượng, giúp bạn cảm thấy buồn ngủ, dễ dàng vào giấc. Tuy nhiên, bạn chỉ nên tập thể dục vào cuối buổi chiều, vì vận động quá nhiều trong thời gian ngắn gần giờ đi ngủ ngủ có thể gây hiệu ứng ngược, khiến bạn tỉnh táo suốt cả đêm.

Chế độ ăn uống

Bạn nên hạn chế sử dụng những món sau đây từ 4 – 6 giờ trước khi đi ngủ như cà phê, trà và soda, rượu,… Thay vào đó, bạn có thể ăn một ít ngũ cốc với sữa hoặc bánh nướng mềm, nhưng tránh ăn trong vòng một giờ trước khi đi ngủ hoặc sau 12 giờ đêm. Ngoài ra, sữa ấm và trà hoa cúc có thể tăng cường cảm giác buồn ngủ.

Tắt các thiết bị điện tử

Nhiều người có thói quen xem phim hoặc giải trí qua mạng vào buổi tối trước khi đi ngủ. Thói quen này có thể giúp bạn thư giãn sau một ngày làm việc dài, tuy nhiên lại có thể kích thích tinh thần và gây trở ngại cho giấc ngủ. Do đó, các chuyên gia khuyên rằng bạn không nên xem TV, máy tính hoặc các thiết bị điện tử trước khi ngủ.

Chế độ dinh dưỡng và các bài tập để cải thiện giấc ngủ

Dinh dưỡng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng giấc ngủ cho những người thường xuyên gặp tình trạng khó vào giấc ngủ hoặc ngủ chập chờn. Bạn có thể cải thiện chế độ ăn như sau:

  • Bổ sung thực phẩm tốt cho giấc ngủ như cá béo, kiwi, hạnh nhân, quả óc chó, chuối, và yến mạch.
  • Uống trước 30 phút khi đi ngủ một số loại nước uống như trà hoa cúc, sữa ấm, hoặc trà hoa đậu biếc có thể hỗ trợ trong việc cải thiện giấc ngủ.
  • Hạn chế caffein và chất kích thích vì có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ và tác động kéo dài đến tận 12 giờ sau khi tiêu thụ.
  • Tránh thức ăn nóng và cay, chứa nhiều dầu mỡ để tránh tình trạng khó tiêu, ợ chua, và ợ nóng, có thể dẫn đến khó vào giấc ngủ.

Ngoài ra, việc thực hành yoga hoặc tập thể dục nhẹ có thể giúp bạn cải thiện giấc ngủ một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, việc thiền hoặc đi bộ, chạy bộ với tốc độ nhẹ cũng có thể giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ và cải thiện các vấn đề liên quan đến giấc ngủ.

>>> Xem thêm: OCD là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết bệnh thường gặp

Chế độ dinh dưỡng cho người mất ngủ
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và bài tập có thể cải thiện chứng mất ngủ (Nguồn: Internet)

Một số câu hỏi thường gặp

Bị mất ngủ nên uống gì?

Một số loại thức uống mà người bị khó ngủ, không ngủ được có thể dùng để cải thiện tình trạng này như: chocolate nóng, nước chanh ấm, trà hoa cúc, cacao, trà bạc hà, nước dừa tươi, sữa ấm,…

Mất ngủ thường gặp ở người già đúng không? 

Người cao tuổi, đặc biệt là độ tuổi 60 trở lên sẽ có tỷ lệ mắc bệnh mất ngủ cao hơn người trẻ tuổi. Điều này là do quá trình lão hóa tự nhiên, di chứng của bệnh lý liên quan đến tuổi tác, gây ra những tác động có hại cho cả tình trạng sức khỏe và tinh thần.

Phía trên là những thông tin chi tiết về nguyên nhân, dấu hiệu của bệnh lý mất ngủ cũng như các phương pháp điều trị. Nhìn chung, tình trạng này gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, do đó, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị dứt điểm. Bên cạnh đó, nếu bạn muốn đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc. Bạn có thể cập nhật thêm những Tin tức Y tế hay cần tư vấn y tế chuyên khoa thì hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.