Tin tức y tế

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

18/08/2023

OCD là hội chứng rối loạn tâm thần phổ biến, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên khắp thế giới. Bệnh lý này xuất phát từ những suy nghĩ ám ảnh và hành vi lặp đi lặp lại, gây ra sự hoang mang, lo âu không cần thiết. Trong bài viết này, Hoàn Mỹ sẽ cùng bạn tìm hiểu OCD là gì, nguyên nhân và triệu chứng nhận biết căn bệnh này.

>>> Xem thêm:

Hội chứng OCD là gì?

OCD (Obsessive-Compulsive Disorder) là hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Những người bị OCD thường có suy nghĩ ám ảnh và thực hiện các hành vi cưỡng chế để giảm căng thẳng. 

  • Ám ảnh là những suy nghĩ, hình ảnh hoặc thôi thúc liên quan đến một vấn đề cụ thể mà xuất hiện một cách lặp đi lặp lại trong tâm trí, gây ra cảm giác lo âu, sợ hãi hoặc khó chịu. Cảm giác này thường không thể kiểm soát và gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh.
  • Hành vi cưỡng chế là những hành động lặp đi lặp lại mà họ cảm thấy buộc phải thực hiện, dù biết rằng chúng không thực sự cần thiết hoặc không có ý nghĩa thực sự. Chẳng hạn như một người có thể phải rửa tay liên tục hoặc kiểm tra cửa khóa nhiều lần trong một trình tự nhất định để giảm bớt cảm giác lo lắng.

OCD có thể gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, làm suy giảm hiệu suất làm việc, học tập và giao tiếp xã hội. Điều quan trọng là cần nhận biết triệu chứng sớm và nhờ sự tư vấn của các chuyên gia tâm lý để điều trị cũng như kiểm soát tình trạng này hiệu quả.

OCD khiến người mắc phải luôn suy nghĩ ám ảnh và thực hiện các hành vi cưỡng chế 
OCD khiến người mắc phải luôn suy nghĩ ám ảnh và thực hiện các hành vi cưỡng chế  (Nguồn: Internet)

Dấu hiệu nhận biết bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) còn được gọi là bệnh sạch sẽ quá mức, bệnh ngăn nắp. Bởi vì đây là 2 triệu chứng điển hình nhất của căn bệnh này.

Rửa tay quá kỹ

Một trong những biểu hiện thường thấy của hội chứng OCD là thói quen rửa tay quá mức cần thiết. Người bệnh có thể dành nhiều thời gian rửa tay và lau chùi từng phần nhỏ của cơ thể. 

Họ có thể sử dụng dung dịch khử trùng nhiều lần và luôn cảm thấy không thoả mãn cho đến khi cảm thấy đã loại bỏ hoàn toàn mọi tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, thói quen này có thể trở thành một thói quen không ngừng nghỉ và gây mất cân bằng trong cuộc sống hàng ngày.

>>> Xem thêm:

Xuất hiện cảm giác cần phải kiểm tra mọi thứ

Người mắc OCD thường trải qua cảm giác ám ảnh và thôi thúc liên quan đến việc kiểm tra mọi thứ xung quanh. Ngay cả sau khi đã thực hiện một hành động hay hoàn thành một nhiệm vụ, họ vẫn cảm thấy bất an và không thể không kiểm tra lại nhiều lần. Chẳng hạn như người bệnh cảm thấy không yên tâm liệu mình đã khóa cửa hay tắt thiết bị điện hay chưa, khiến họ phải hành động lặp đi lặp lại cho đến khi cảm thấy an tâm.

Dọn dẹp nhà cửa theo nguyên tắc

Người mắc OCD thường thiết lập các nguyên tắc cụ thể về việc dọn dẹp nhà cửa. Họ có thể đặt ra các quy tắc như dọn dẹp nhà cửa mỗi ngày, giữ quần áo dơ không quá 3 ngày, đặt rác đúng nơi quy định và đảm bảo mọi ngóc ngách của nhà luôn sạch sẽ. Người bệnh cảm thấy bắt buộc phải tuân theo chúng và không thể bỏ qua hay thay đổi.

Nỗi ám ảnh về những con số

Một biểu hiện khác của OCD là ám ảnh về những con số. Người mắc bệnh có thể có thói quen đếm số lượng các đối tượng như bậc cầu thang, người trong một căn phòng hay số ô cửa sổ. 

Họ cảm thấy cần phải đếm mọi thứ và không thể thoát khỏi ám ảnh này. Đôi khi, bệnh nhân sẽ cảm thấy lo lắng và căng thẳng nếu gặp phải các con số mà họ cho là không may mắn và suy nghĩ này có thể chiếm lĩnh tâm trí suốt một thời gian dài.

>>> Xem thêm: Đau đầu: Nguyên nhân & Cách điều trị

Người mắc bệnh OCD thường ám ảnh về những con số
Người mắc bệnh OCD thường ám ảnh về những con số (Nguồn: Internet)

Khả năng tổ chức tốt

Người mắc OCD thường có khả năng tổ chức vượt trội và cầu toàn. Họ quan tâm đến từng chi tiết nhỏ và thường thiết lập các nguyên tắc nhất định trong cuộc sống hàng ngày. 

Mọi thứ xung quanh người bệnh mang lại cho họ cảm giác phải làm sao để tạo sự cân đối và đúng số lượng. Tính cầu toàn của họ có thể thể hiện qua hành động sắp xếp vật phẩm theo trật tự đối xứng, đảm bảo mọi thứ luôn trong tình trạng hoàn hảo.

>>> Xem thêm: Đau nửa đầu bên trái do đâu? Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Bị ám ảnh về tình dục

Một dấu hiệu nhận biết OCD thường gặp là ám ảnh về tình dục. Người mắc bệnh có thể trải qua những suy nghĩ bộc phát về những tình huống tình dục mà họ không mong muốn hoặc coi là điều cấm kỵ. 

Cảm giác ám ảnh này thường xuất hiện không mời gọi và gây ra nỗi lo lắng và căng thẳng. Họ có thể tưởng tượng về cảnh tượng quan hệ tình dục với những đối tượng không phù hợp như người không quen biết, trẻ em hoặc người đồng nghiệp.

Luôn dằn vặt về các mối quan hệ

Người mắc OCD có thể biểu hiện sự quan tâm quá mức đối với suy nghĩ và tình cảm của người khác. Tuy nhiên, điều này vượt quá mức bình thường khi người mắc luôn dằn vặt liệu họ có gây tổn thương cho người khác hoặc làm cho mối quan hệ trở nên tồi tệ hay không. Ngay cả trong các tình huống xung đột nhỏ hàng ngày, họ có thể cảm thấy sợ gây hại và lo lắng đến mức không thể kiểm soát.

>>> Xem thêm: Viêm màng não: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán & cách điều trị

Người mắc OCD có thể biểu hiện dằn vặt về các mối quan hệ
Người mắc OCD có thể biểu hiện dằn vặt về các mối quan hệ (Nguồn: Internet)

Ghét soi gương

Người bệnh OCD có thể có ám ảnh và khó chịu khi nhìn vào gương. Mọi cái nhìn có thể kích hoạt hàng loạt suy nghĩ không mong muốn về ngoại hình. Họ có thể cảm thấy không thoải mái và lo lắng về hình ảnh của bản thân, thậm chí có thể tránh việc nhìn vào gương hoặc suy nghĩ bất an về những tình huống có thể xảy ra khi nhìn vào hình ảnh của mình.

Nguyên nhân gây ra bệnh OCD

Nguyên nhân chính gây ra bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) vẫn đang là một lĩnh vực nghiên cứu phức tạp và chưa có câu trả lời cuối cùng. Tuy nhiên, các nhà khoa học và chuyên gia tâm lý đã đưa ra một số yếu tố có thể thúc đẩy các triệu chứng của bệnh OCD:

  • Yếu tố di truyền: Di truyền đóng vai trò quan trọng dẫn đến mắc bệnh OCD. Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu có người thân trong gia đình mắc bệnh thì con cái sinh ra có nguy cơ phát triển OCD cao hơn. 
  • Yếu tố hóa học não bộ: Sự thay đổi trong hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và dopamine có thể liên quan đến OCD. Tình trạng thiếu hụt serotonin có thể ảnh hưởng đến quá trình truyền tải thông tin trong não, góp phần tạo điều kiện xuất hiện triệu chứng ám ảnh và cưỡng chế.
  • Yếu tố tâm lý: Một số sự kiện tâm lý có thể gây ra căng thẳng và ảnh hưởng đến tâm trạng, tạo điều kiện cho sự phát triển của hội chứng OCD. Những trải nghiệm tiêu cực như bị bắt nạt, lạm dụng, mất mát lớn hoặc áp lực cuộc sống có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Yếu tố tâm trạng và tâm sinh lý: Một số người có dấu hiệu rối loạn tâm trạng khác nhau như lo âu, trầm cảm hoặc rối loạn tâm thần khác có thể có nguy cơ mắc OCD cao hơn. 
Có nhiều yếu tố thúc đẩy bệnh OCD phát triển
Có nhiều yếu tố thúc đẩy bệnh OCD phát triển (Nguồn: Internet)

Phương pháp chẩn đoán bệnh OCD

Chẩn đoán bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD quá trình cần được thực hiện bởi các chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần:

  • Đánh giá tâm lý: Cuộc thảo luận giữa bệnh nhân và chuyên gia tâm lý giúp xác định các triệu chứng, suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bệnh nhân để xem xét liệu có ám ảnh hoặc hành vi cưỡng chế nào đang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày không.
  • Sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán: Bác sĩ tâm thần có thể dựa vào Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5), được biên soạn bởi APA để chẩn đoán. DSM-5 liệt kê các tiêu chí cụ thể để xác định liệu triệu chứng của bệnh nhân có đáp ứng đủ điều kiện để được chẩn đoán là OCD hay không.
  • Khám sức khỏe thể chất: Khám sức khỏe thể chất được thực hiện để loại trừ các vấn đề sức khỏe khác có thể gây ra triệu chứng tương tự. Điều này giúp kiểm tra triệu chứng của bệnh nhân không phải do vấn đề sức khỏe thể chất gây ra.
  • Loại trừ các rối loạn khác: Bởi vì các triệu chứng của OCD có thể tương tự với các rối loạn tâm thần khác nên việc loại trừ các rối loạn khác là điều khá quan trọng nhằm đảm bảo tính chính xác của quá trình chẩn đoán.

Câu hỏi thường gặp:

OCD là viết tắt của từ gì?

OCD viết tắt của “Obsessive-Compulsive Disorder” trong tiếng Anh và được dịch sang tiếng Việt là “Rối loạn ám ảnh cưỡng chế”. 

Triệu chứng nhận viết hội chứng OCD là gì?

Triệu chứng về ám ảnh: giữ đồ đạc gọn gàng, sợ vi trùng vi khuẩn, sợ bị làm tổn thương,…
Triệu chứng về hành vi cưỡng chế: rửa tay kĩ, có thói quen đếm thứ tự, sắp xếp đồ theo thứ tự,…

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ về OCD là gì cùng với những dấu hiệu nhận biết và cách chẩn đoán sẽ giúp người bệnh hiểu rõ tình trạng bệnh để tìm kiếm giải pháp thích hợp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Để cập nhật các thông tin về sức khỏe mới nhất, bạn có thể theo dõi các Tin tức y tế hoặc liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.