Tin tức y tế

Huyết áp là gì? Huyết áp thay đổi có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

27/11/2023

Huyết áp là một khái niệm quen thuộc với nhiều người, nhưng liệu bạn đã biết về định nghĩa huyết áp là gì và tại sao lại quan trọng đối với sức khỏe con người không? Hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu định nghĩa, cách đo và các mức huyết áp bình thường, cao và thấp trong bài viết dưới đây.

>>> Xem thêm: 

Huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực của dòng máu tác động lên thành mạch máu, điều hòa bởi nhiều yếu tố, như nhịp tim, độ co giãn của động mạch, thể tích máu. Huyết áp sẽ thay đổi theo tâm trạng, hoạt động và sức khỏe của mỗi người. Đây là một trong những chỉ số sinh tồn, cùng với nhịp thở, nhịp tim, nồng độ oxy trong máu và nhiệt độ cơ thể, giúp bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. 

Huyết áp bình thường ở người lớn là dưới 120/80 mmHg (milimet thủy ngân). Huyết áp cao (hay còn gọi là tăng huyết áp) là khi huyết áp vượt quá mức bình thường liên tục, có thể gây hại cho các cơ quan và động mạch. Huyết áp cao thường không có triệu chứng rõ ràng, nên nhiều người không biết mình bị tăng huyết áp. Huyết áp thấp (hay còn gọi là hạ huyết áp) là khi huyết áp quá thấp so với mức bình thường, có thể gây chóng mặt, ngất xỉu và mệt mỏi

>>> Xem thêm: Mỡ máu cao: Nguyên nhân, biến chứng và cách điều trị

Huyết áp là gì?
Huyết áp là áp lực của máu chảy trong các mạch máu (Nguồn: Internet)

Phân loại chỉ số huyết áp

Huyết áp là một yếu tố quan trọng trong việc đánh giá sức khỏe tim mạch và được biểu thị bằng hai chỉ số: Chỉ số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương.

Huyết áp tâm thu

Huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) là chỉ số đo áp lực máu tác động lên thành động mạch khi tim co bóp để đẩy máu đi. Đây là chỉ số cao nhất trong chu kỳ huyết áp. Huyết áp tâm thu được biểu hiện bằng số trên cùng trong kết quả đo huyết áp, dao động theo nhiều yếu tố, nhưng thường nằm trong khoảng từ 90 đến 140 mmHg.

Huyết áp tâm trương

Huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) là chỉ số đo áp lực máu tối thiểu trong mạch máu khi tim nghỉ ngơi giữa các nhịp co bóp. Được biểu hiện bằng số dưới cùng trong kết quả đo huyết áp, thường nằm trong khoảng từ 50 đến 90 mmHg.

Huyết áp bao nhiêu được xem là bình thường?

Chỉ số huyết áp được xem là bình thường sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, giới tính, sức khỏe và lối sống của mỗi người. Tuy nhiên, theo Hiệp Hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association), huyết áp bình thường thường dao động khoảng từ 90/60 mmHg đến 120/80 mmHg. 

Nguy hiểm của tăng huyết áp

Tăng huyết áp là khi huyết áp thường xuyên cao hơn 140/90 mmHg, là tình trạng tăng áp lực máu lên các mạch máu, tim và các cơ quan khác như não, thận và mắt. Hiện tượng này kéo dài có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm và tiềm ẩn nguy cơ tử vong, như:

  • Bệnh tim: Huyết áp tăng làm tổn thương các động mạch, giảm lượng máu cung cấp cho tim. Điều này có thể dẫn đến đau tim, nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim).
  • Đột quỵ: Khi Huyết áp cao làm các cục máu đông hình thành trong các động mạch dẫn đến não, ngăn cản lưu lượng máu và gây ra đột quỵ.
  • Suy tim: Tăng huyết áp làm tăng gánh nặng cho tim, khiến cơ tim yếu đi và làm việc kém hiệu quả. Cuối cùng, tim không thể đáp ứng nhu cầu máu của cơ thể, dẫn đến suy tim.
  • Tổn thương thận: Huyết áp tăng làm áp lực máu trong các mạch máu nhỏ của thận tăng lên, gây tổn thương và làm suy thận.
  • Mất trí nhớ: Khi huyết áp tăng cao có thể làm giảm lượng máu đến não, gây ra một loại sa sút trí tuệ (chứng mất trí nhớ mạch máu).

>>> Xem thêm: Bệnh rối loạn nhịp tim có chữa khỏi được không? Phương pháp điều trị?

Tăng huyết áp
Tăng huyết áp có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm (Nguồn: Internet)

Nguy hiểm của hạ huyết áp

Hạ huyết áp (hypotension) là khi huyết áp thường xuyên thấp hơn 90/60 mmHg. Huyết áp thấp làm giảm lượng máu chảy đến não cũng như các cơ quan khác và gây ra các triệu chứng như:

  • Chóng mặt, nhẹ đầu.
  • Ngất.
  • Không ổn định.
  • Thị lực mờ.
  • Mệt mỏi.
  • Buồn nôn.

Việc giảm huyết áp đột ngột có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nguy hiểm, có thể gây các triệu chứng phản ứng sốc, bao gồm:

  • Lú lẫn, đặc biệt ở người cao tuổi.
  • Da lạnh, ẩm ướt.
  • Màu da tái nhợt.
  • Nhịp tim yếu và nhanh.

Cách kiểm soát và ngăn ngừa bệnh về huyết áp

Để kiểm soát và ngăn ngừa bệnh về huyết áp, có thể thực hiện các biện pháp sau:

Chế độ ăn uống khoa học

  • Ăn uống lành mạnh là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm huyết áp và ngăn ngừa các biến chứng. 
  • Nên tăng cường ăn các thực phẩm giàu kali, canxi, magie, proteinchất xơ, như cá, thịt gia cầm, đậu, hạt và dầu oliu.
  • Nên ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, rau củ quả, sữa ít béo và các sản phẩm từ sữa. 
  • Nên hạn chế ăn các thực phẩm giàu chất béo, cholesterol, đường và muối. 

>>> Xem thêm: Nhiễm trùng máu là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu & cách điều trị

Chế độ ăn uống khoa học
Ăn uống lành mạnh hỗ trợ kiểm soát huyết áp (Nguồn: Internet)

Chế độ sinh hoạt khoa học

Nên lưu ý duy trì mức cân nặng khỏe mạnh, vì thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng huyết áp. Việc duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý là vô cùng quan trọng vì  giảm mỗi kilôgam cân nặng có thể làm huyết áp giảm đi khoảng 1 mmHg. Ngoài ra, nên tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày. Một số bài tập giúp giảm huyết áp như đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội hoặc khiêu vũ. 

Nên hạn chế uống rượu, vì uống quá nhiều có thể làm tăng huyết áp. Đồng thời, việc quản lý căng thẳng cũng cần được chú ý, vì tình trạng căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến huyết áp. Nên tìm những cách thư giãn và làm những việc yêu thích như nghe nhạc, làm vườn hay gặp gỡ bạn bè.

Kiểm tra huyết áp định kỳ

Việc kiểm tra huyết áp thường xuyên có thể giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời để không gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Có thể kiểm tra huyết áp tại phòng khám, nhà thuốc, hoặc tại nhà bằng máy đo huyết áp tự động. Khi kiểm tra, nên tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Không hút thuốc, uống đồ có chứa caffeine hoặc tập thể dục trong 30 phút trước khi đo huyết áp.
  • Đi tiểu và nghỉ ngơi ít nhất 5 phút trước khi đo huyết áp.
  • Ngồi thẳng lưng, chân để thẳng trên sàn và không chéo chân đồng thời nên để tay trên một bề mặt phẳng. Kiểm tra hướng dẫn của máy đo để thực hiện đúng cách hoặc hỏi ý kiến của nhân viên y tế về cách đeo ống bó.
  • Mỗi lần đo, nên cách nhau một phút và ghi lại kết quả bằng một biểu đồ theo dõi.
  • Không đo huyết áp qua lớp quần áo.
Kiểm tra huyết áp
Kiểm tra sức khỏe huyết áp định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời (Nguồn: Internet)

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ huyết áp là gì và biết cách chăm sóc sức khỏe để phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh huyết áp. Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, mời bạn truy cập Tin tức y tế. Ngoài ra, đừng quên liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.