Tin tức y tế

Hậu sản là gì? Nguyên nhân và những lưu ý phụ nữ sau sinh cần nắm

28/11/2023

Hành trình làm mẹ luôn trải qua nhiều sự thay đổi từ thể chất đến tinh thần. Bên cạnh sự vui sướng khi nhìn con chào đời khỏe mạnh, sản phụ phải đối mặt với nhiều rủi ro sau sinh khó lường, trong đó có bệnh hậu sản. Vậy hậu sản là gì? Hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu về các vấn đề hậu sản và nguyên nhân gây ra bệnh cũng như những lưu ý cần thiết dành cho phụ nữ sinh trong bài viết này. 

>>> Xem thêm: 

Tổng quan về hậu sản và bệnh hậu sản

Hậu sản là khoảng thời gian được tính trong vòng 6 tuần sau khi sinh. Trong thời gian hậu sản, ngoài trừ vú, thì các cơ quan sinh dục khác sẽ dần trở lại kích thước ban đầu. Bởi vì trong quá trình mang thai và sinh con, các cơ quan sinh dục của mẹ có sự thay đổi để thích nghi với sự phát triển của thai nhi. Trong khoảng thời gian này, nếu được chăm sóc tốt sẽ hạn chế mắc một số bệnh lý sau sinh, hay còn gọi là bệnh hậu sản. 

Hậu sản là gì?
Hậu sản là khoảng thời gian được tính trong vòng 6 tuần sau khi sinh (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân bệnh hậu sản là gì?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ sau sinh dễ mắc bệnh hậu sản. Hầu hết, các nguyên nhân sẽ không giống nhau mà tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, cơ địa và quá trình chăm sóc sinh của từng người. Trong đó, có những nguyên nhân mắc bệnh hậu sản như: 

Trầm cảm

Trầm cảm sau sinh là một trong những vấn đề thường gặp ở phụ nữ. Bởi sau khi sinh con, cơ thể và sinh lý có sự thay đổi, thường xuyên bị rối loạn cảm xúc, xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực, mệt mỏi, buồn phiền,…

Không nên xem thường bệnh lý này, bởi nếu không được chăm sóc tốt, bệnh sẽ trở nên nặng và có những hành vi khó kiểm soát, dẫn đến những điều đáng tiếc. Một số dấu hiệu của Trầm cảm sau sinh như: 

  • Cảm thấy mệt mỏi và suy nhược do trạng thái đau khổ và cảm giác bị bỏ rơi kéo dài.
  • Cảm giác đau ở nhiều vùng cơ thể mà không biết nguyên nhân, lo lắng về nhiều vấn đề như kinh tế, gia đình và con cái.
  • Dễ hoảng hốt và cảm thấy ám ảnh với các tình huống hàng ngày, thường kèm theo cảm giác tội lỗi không rõ nguyên nhân.
  • Khó ngủ, thức giấc giữa đêm và gặp ác mộng, gây ra rối loạn giấc ngủ.
  • Khó tập trung vào công việc, cảm thấy trí nhớ giảm sút, không thể sắp xếp suy nghĩ.
  • Giảm ham muốn trong chuyện chăn gối.

Băng huyết

Một nguyên nhân tiếp theo của bệnh hậu sản đó là tình trạng băng huyết sau khi sinh. Thông thường, trong vòng 24 giờ sau sinh là khoảng thời gian dễ băng huyết nhất. Đặc biệt, băng huyết có thể gây nguy hiểm đến sản phụ, thậm chí có thể tử vong. 

Một số yếu tố dễ dẫn đến băng huyết như: 

  • Tử cung trở nên yếu đi do sinh nở quá nhiều lần.
  • Có tiền sử phá thai.
  • Còn sót nhau trong tử cung.
  • Mắc các bệnh lý như: U xơ tử cung, tử cung bị giãn quá mức, sẹo tử cung do sinh mổ, dị dạng tử cung, đa thai,…
  • Sinh non, lưu thai.
  • Sản phụ bị huyết áp, thiếu máu, suy nhược,…
  • Ối bị nhiễm khuẩn, chuyển dạ lâu.

>>> Xem thêm: Quá trình thụ thai diễn ra thế nào, trong thời gian bao lâu?

Băng huyết sau sinh
Băng huyết sau sinh (Nguồn: Internet)

Tắt sữa

Tắc tia sữa là một trong những nguyên nhân của bệnh hậu sản, với các triệu chứng như: Vú căng, đau và khó chịu, sờ ngực sẽ thấy cứng, tiết sữa ít, có trường hợp còn gây sốt. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến áp xe vú, nhiễm trùng và xơ tuyến vú. 

Áp xe vú

Sản phụ sau sinh bị áp xe vú thường trải qua các triệu chứng như: Sốt, vú sưng, đỏ và đau, xuất hiện hạch đau ở nách, cùng với sự xuất hiện mủ vàng trong sữa. Đồng thời, khó kiểm soát việc đi vệ sinh của mình. Nguyên nhân áp xe vú là do nhiễm khuẩn gây viêm tuyến vú. 

Tiền sản giật sau sinh

Tiền sản giật sau sinh là trường hợp hiếm gặp, do huyết áp cao và protein niệu sau sinh. Nguyên nhân hậu sản này thường diễn ra trong vòng 48 giờ sau sinh, gồm các triệu chứng như: Tăng huyết áp, hoa mắt, đau đầu, tiểu ít, đau thượng vị và phù nề. 

Nếu không được cấp cứu kịp thời, có thể gây ra các biến chứng như phù phổi, sản giật hậu sản, hội chứng HELLP và thuyên tắc mạch. 

>>> Xem thêm: Đặt vòng tránh thai có hiệu quả không? Khi nào nên đặt vòng tránh thai?

Phù phổi sau sinh
Phù phổi là biểu hiện của tiền sản giật sau sinh (Nguồn: Internet)

Nhiễm trùng hậu sản

Nhiễm trùng hậu sản là vấn đề sau sinh rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của sản phụ. Nguyên nhân nhiễm trùng có thể từ âm đạo, lan ra cổ tử cung, đến vòi tử cung rồi xâm nhập vào phúc mạc. Hoặc vi khuẩn cũng có thể lây nhiễm qua máu, gây ra nhiễm trùng máu.

Nhiễm khuẩn hậu sản có thể được gây ra bởi nhiều loại vi khuẩn khác nhau, bao gồm:

  • Tụ cầu khuẩn.
  • Liên cầu khuẩn.
  • E. Coli.
  • Clostridium.
  • Bacteroides.

Viêm đường tiết niệu

Sau sinh, sản phụ thường dùng băng vệ sinh thường xuyên để thấm hút sản dịch nên sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm đường tiết niệu. Hơn nữa, do cấu trúc đường tiết niệu của nữ ngắn hơn nam và gần với hậu môn nên sẽ dễ tiếp xúc với nhiều vi khuẩn. 

Một số biểu hiện của viêm đường tiết niệu:

  • Buồn tiểu thường xuyên nhưng tiểu ít.
  • Tiểu buốt.
  • Ngứa rát khi tiểu.
  • Nước tiểu có màu khác biệt.
  • Bụng dưới đau âm ỉ.

Khi bệnh trở nặng mà không được điều trị sẽ kèm theo những triệu chứng như ớn lạnh, sốt, buồn nôn,…

>>> Xem thêm: Bật mí 9 dấu hiệu sắp sinh (chuyển dạ) mẹ bầu cần lưu ý

Viêm đường tiết niệu sau sinh
Viêm đường tiết niệu sau sinh (Nguồn: Internet)

Sản dịch bất thường

Phụ nữ thường cần khoảng 2-3 tuần để tống xuất hết sản dịch này ra khỏi tử cung. Sản dịch sau sinh thường bắt đầu với máu loãng và màu đỏ sẫm trong 3 ngày đầu, sau đó dần loãng hơn và trở thành chất dịch trắng không màu. 

Nếu sản dịch có màu sắc, mùi hôi hoặc thay đổi đột ngột, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm tra tình trạng sức khỏe. Trong giai đoạn này, nên sử dụng băng vệ sinh thay thế tampon, duy trì vệ sinh bằng cách tắm rửa hàng ngày và tránh ngâm mình trong bồn tắm.

Lưu ý khi chăm sóc phụ nữ sau sinh

Khi chăm sóc phụ nữ sau sinh, cần lưu ý những điều sau đây:

  • Chăm sóc vết mổ: Lau sạch và giữ vết mổ khô, tránh băng kín hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn không được bác sĩ chỉ định. Vết mổ sẽ lành trong vòng 3-5 ngày. 
  • Vệ sinh cá nhân: Sau sinh từ 3-4 ngày có thể tắm gội với nước ấm. Tốt nhất tắm trong vòng 5-10 phút và lau khô người trước khi mặc quần áo, không tắm quá lâu. Đặc biệt, tránh thụt rửa và đặt vật gì trong âm đạo và nên thường xuyên thay băng vệ sinh.
  • Chế độ ăn uống: 6 giờ sau sinh không nên ăn uống gì. Sau đó, nên bắt đầu với thức ăn lỏng rồi mới đặc. Tốt nhất, dinh dưỡng sau sinh nên cân đối, lành mạnh và khoa học. Tránh thực phẩm kích thích như ớt, uống đủ nước, ăn rau xanh, trái cây để tránh táo bón.
  • Sinh hoạt vận động: Vận động nhẹ nhàng như bước xuống giường, đi lại trong phòng để hỗ trợ phục hồi sức khỏe, giảm căng thẳng và hỗ trợ tiết sữa tốt hơn. Ngủ đủ giấc từ 8-9 tiếng để phục hồi năng lượng và giảm căng thẳng.

Hãy chia sẻ bài viết này đến bạn bè người thân để hiểu rõ hơn hậu sản là gì. Đồng thời, hãy chăm sóc phụ nữ sau sinh thật tốt để hạn chế những rủi ro sau sinh đối với mẹ và bé. Ngoài ra, nếu bạn cần tư vấn về sức khỏe hoặc đặt lịch thăm khám tại hệ thống bệnh viện Hòa Mỹ trên toàn quốc hãy liên hệ HOTLINE và đặt lịch thăm khám TẠI ĐÂY. Đừng quên truy cập Tin tức y tế để cập nhật nhiều tin tức hữu ích về sức khỏe.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.