Tin tức y tế

Gelatin là gì? Công dụng và cách bảo quản

14/11/2023

Gelatin được biết đến là một nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều công thức làm bánh và chế biến thực phẩm. Bài viết sau đây Hoàn Mỹ sẽ giúp bạn tìm hiểu sâu hơn về Gelatin là gì, có phải là bột rau câu không, cách sử dụng, bảo quản và nhiều thông tin khác về loại nguyên liệu này.

Xem thêm:

  • TOP 9 chức năng của protein đối với sức khỏe có thể bạn chưa biết
  • Chất béo là gì? Vai trò và chức năng dinh dưỡng của chất béo?
  • Chất xơ và vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người

Gelatin là gì? Các dạng Gelatin thường gặp

Gelatin là gì?

Gelatin là một chất làm đông được chiết xuất từ collagen, một protein tồn tại chủ yếu trong da và xương của động vật. Loại chất này thường không có mùi, không vị và có màu ngả hơi vàng hoặc trong suốt. Đây là một thành phần quan trọng được sử dụng nhiều trong chế biến thực phẩm và các ngành công nghiệp khác như mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm.

  • Thực phẩm: Gelatin thường được sử dụng để làm các sản phẩm như thạch, bánh pudding, kem, mứt và nhiều loại kẹo. Chất này có tác dụng giúp thực phẩm đông cứng và làm tăng độ đàn hồi.
  • Mỹ phẩm: Trong ngành mỹ phẩm, gelatin thường được sử dụng để làm kem dưỡng da, mặt nạ và các sản phẩm chăm sóc tóc.
  • Công nghiệp dược phẩm: Gelatin được sử dụng làm thành phần cho các loại viên nang và các dạng dùng đường uống của thuốc.
Gelatin là một chất làm đông được chiết xuất từ collagen
Gelatin là một chất làm đông được chiết xuất từ collagen (Nguồn: Internet)

Các dạng Gelatin thường gặp

Dưới đây là 2 dạng Gelatin phổ biến nhất mà ta thường gặp:

  • Lá Gelatin

Gelatin dạng lá thường rất phổ biến trong việc chế biến các món ăn và công thức nấu ăn như làm thạch và bánh. Chỉ cần ngâm lá trong nước lạnh để làm cho chúng mềm và sau đó vắt nhẹ để loại bỏ nước thừa là có thể sử dụng được.

  • Gelatin bột 

Gelatin dạng bột thường rất tiện lợi, không cần phải ngâm nước như gelatin dạng lá. Người dùng có thể trực tiếp hòa bột này vào nước hoặc thêm vào các công thức nấu ăn. Gelatin dạng bột thường được sử dụng trong nhiều loại món ăn và thực phẩm như mứt, kem, pudding,…

Các lợi ích của Gelatin đối với sức khỏe

Cải thiện vấn đề về xương khớp

Lysine là một axit amin quan trọng trong cơ thể, có vai trò hấp thụ canxi và duy trì sức khỏe của xương, cơ. Cung cấp lysine cho cơ thể thông qua các loại thực phẩm có chứa gelatin. Qua đó, giúp cải thiện vấn đề về xương khớp, giúp xương chắc khỏe hơn.

Gelatin cải thiện vấn đề về xương khớp
Gelatin cải thiện vấn đề về xương khớp (Nguồn: Internet)

Cải thiện chức năng của não

Glycine một trong những thành phần có trong gelatin, đây là một axit amin quan trọng có tác dụng cải thiện chức năng não bộ và có lợi cho sức khỏe trí não. Loại axit amin này có khả năng cải thiện trí nhớ và tăng khả năng tập trung. Bên cạnh đó, Glycine làm giảm các triệu chứng tâm thần phân liệt và một số tình trạng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), giúp cải thiện tình trạng tâm thần và căng thẳng.

Hỗ trợ giảm cân hiệu quả

Gelatin có thể hỗ trợ cho quá trình giảm cân, bởi vì đây là một nguồn protein ít calo,  giúp kiểm soát cảm giác đói và hạn chế việc ăn nhiều hơn. Tuy nhiên, có một số sản phẩm chứa gelatin như kẹo dai hoặc kẹo dẻo có thể có hàm lượng đường và calo cao. Vì vậy, người sử dụng cần phải cân nhắc lựa chọn các sản phẩm gelatin ít calo để quá trình giảm cân hiệu quả.

Làm đẹp da và tóc

Collagen là một protein đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự đàn hồi và săn chắc cho làn da. Thành phần của gelatin chứa collagen và có thể cung cấp một lượng nhỏ protein này cho cơ thể giúp da săn chắc và hạn chế xuất hiện nếp nhăn.

Bên cạnh đó, Gelatin còn giúp cải thiện sự phát triển của tóc ở những người bị Rụng tóc do vấn đề nội tiết. Bằng cách cung cấp một lượng nhỏ cystine, một loại axit amin sulfur và các axit amin này giúp xây dựng cấu trúc tóc và tăng cường độ dày cho tóc.

Liều lượng và cách sử dụng Gelatin

Liều lượng

Liều lượng sử dụng gelatin có thể thay đổi tùy theo loại món ăn:

  • Với lá gelatin: 3 lá (mỗi lá 2g) cho 250ml chất lỏng. 
  • Với gelatin dạng bột: Kết hợp 6g bột cho 250ml chất lỏng.

Tuy nhiên, nếu món ăn có độ chua cao, bạn cần tăng liều lượng gelatin để đảm bảo khả năng làm đông tốt hơn. Bởi vì độ chua có thể ảnh hưởng đến khả năng đông cứng của chất này.

Cách sử dụng

Cách sử dụng gelatin tùy thuộc vào từng loại và mục đích sử dụng:

Với lá gelatin:

  • Ngâm lá gelatin trong nước lạnh khoảng 15 phút để làm mềm.
  • Vớt lá gelatin ra và vắt nhẹ để ráo nước.
  • Nếu bạn đang chế biến món lạnh, hòa lá gelatin đã vắt ráo vào một ít nước ấm (không sôi) và đảm bảo tan hoàn toàn.
  • Trường hợp chế biến món nóng, bạn có thể thêm lá gelatin vắt ráo trực tiếp vào hỗn hợp nóng (không sôi) và khuấy đều cho đến khi gelatin hoàn toàn tan.
  • Sau khi gelatin đã được hòa tan và thêm vào món ăn, đặt món ăn vào ngăn mát tủ lạnh trong vài tiếng để làm đông .

Với bột gelatin:

  • Pha bột gelatin với nước lạnh, sau đó thực hiện các bước tiếp theo như với lá gelatin hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
  • Đối với công thức món ăn có trái cây, nên xay nhuyễn trái cây trước, sau đó hòa bột gelatin với nước và thêm vào hỗn hợp trái cây để đảm bảo bột tan hoàn toàn và đạt hiệu quả tốt nhất.

Tác dụng phụ của Gelatin

Gelatin có thể gây ra một số tác dụng phụ hoặc khó chịu ở một số người. Một số tác dụng phụ có thể bao gồm:

  • Cảm giác đầy bụng hoặc ợ hơi: Gelatin có khả năng tạo cảm giác no và nếu dùng quá nhiều cùng lúc, có thể gây ra cảm giác khó tiêu, đầy bụng hoặc ợ hơi.
  • Dị ứng: Một số người có thể phản ứng dị ứng với gelatin, gây ra các triệu chứng như sưng, ngứa, hoặc nổi mề đay. Nếu bạn có tiền sử Dị ứng hoặc gặp bất kỳ dấu hiệu dị ứng nào sau khi dùng gelatin, nên ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến của bác sĩ.
  • Mùi hơi khó chịu: Gelatin có thể có mùi khá đặc biệt. Điều này có thể làm phiền những người nhạy cảm với mùi.
Tác dụng phụ của Gelatin gây cảm giác đầy bụng
Tác dụng phụ của Gelatin gây cảm giác đầy bụng (Nguồn: Internet)

Đối tượng cân nhắc khi dùng Gelatin

Các bác sĩ cũng khuyến cáo với một số đối tượng cần được cân nhắc khi dùng:

  • Người bị Suy tim nặng, suy gan, suy thận.
  • Người mắc các bệnh rối loạn về chảy máu.
  • Người bị Dị ứng với Gelatin.

Các cách chế biến Gelatin ngay tại nhà

Gelatin có thể được sử dụng trong nhiều món ăn và dễ dàng kết hợp vào các công thức tại nhà. Dưới đây là một số cách bạn có thể áp dụng:

  • Tăng lượng protein cho sinh tố: Bạn có thể rắc bột Gelatin vào sinh tố để tăng lượng protein cần thiết cho bữa ăn. Điều này giúp cung cấp một lượng nhỏ protein và có thể là một cách tốt để làm bữa ăn thêm dinh dưỡng.
  • Tạo hình dạng và kết cấu cho bánh, món ăn: Gelatin có khả năng tạo thêm hình dạng và kết cấu cho nhiều món bánh ngọt hoặc mặn. 
  • Làm nước dùng giàu gelatin: Tự nấu nước dùng giàu gelatin bằng cách sử dụng các phần thịt hoặc xương còn sót lại từ gia cầm hoặc thịt bò. Để làm cho nước dùng thơm ngon, bạn có thể thêm cà rốt, hành tây và các loại gia vị khác. Đun sôi hỗn hợp này và đun lửa nhỏ. Kiểm tra thường xuyên để đảm bảo nước không bị sôi cạn và thêm nước nếu cần. Khi nước dùng nguội, bạn sẽ thấy mặt nước có chất Gelatin tạo độ đặc. Nước dùng này có thể được sử dụng ngay lập tức để làm súp hoặc món hầm.
Gelatin giúp tạo hình dạng và kết cấu cho bánh (Nguồn: Internet)

Cách bảo quản Gelatin

Bảo quản Gelatin đúng cách là quan trọng để đảm bảo duy trì chất lượng và an toàn sử dụng. Dưới đây là cách bảo quản dạng bột và dạng lá:

Bảo quản gelatin dạng bột:

  • Luôn đậy kín lại sau khi mở nắp.
  • Bảo quản sản phẩm ở nơi mát mẻ và khô ráo, không để tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng hoặc nhiệt độ cao.
  • Đảm bảo rằng gói gelatin không tiếp xúc với độ ẩm, vì độ ẩm có thể làm cho bột  trở nên ẩm ướt và vón cục.

Bảo quản gelatin dạng lá:

  • Bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh tiếp xúc với độ ẩm.
  • Đặt gelatin dạng lá trong một hộp để không bị ẩm hoặc tan chảy.
  • Tránh để gần nơi có nhiệt độ cao, vì nhiệt độ cao có thể làm cho chất này tan chảy.

Một số câu hỏi thường gặp

Gelatin có phải là bột rau câu không? 

Gelatin không phải là bột rau câu. Gelatin và bột rau câu đều có khả năng làm kết dính thực phẩm, hay giúp thực phẩm bị đông lại nên nhiều người thường hay nhầm lẫn giữa hai loại này. Tuy nhiên, chúng vẫn có điểm khác biệt như sau:

Thuộc tínhGelatinBột rau câu
Nguồn gốcChiết xuất từ collagen trong xương và da động vậtChiết xuất từ collagen trong thực vật, thường từ táo đỏrong biển
Dạng phổ biếnCó 2 dạng phổ biến: bột và láCó 2 dạng phổ biến: dạng bột và dạng sợi
Cách sử dụngBột gelatin cần hòa tan với chất lỏng, sau đó tự nở và đặc lại.Bột rau câu cần phải nấu trên bếp, để nguội sẽ tự đông lại.
Tính năng làm đôngCó khả năng làm đông nhanh.Có khả năng làm đông gấp nhiều lần (khoảng 8 lần) so với gelatin.
Kết cấu của thành phẩmThành phẩm của bột gelatin thường có độ mềm, tơi xốp, khá giống kem.Thành phẩm của bột rau câu rất giòn và đặc.
Bảo quảnMón ăn làm từ bột gelatin có thể bảo quản được trong ngăn đông tủ lạnh thoải mái, vì có khả năng chịu được nhiệt độ thấp.Món ăn làm từ bột rau câu sẽ bị chảy nước ở nhiệt độ thấp (như lấy ra từ ngăn đông tủ lạnh).

Gelatin có tác dụng gì khi làm bánh?

Gelatin có nhiều tác dụng quan trọng khi được sử dụng trong làm bánh:

  • Nhũ hóa và kết dính: Gúp nhũ hóa các thành phần khác trong bánh, giúp tạo ra một cấu trúc thực phẩm ổn định hơn. Điều này giúp bánh có độ đông nhất và mịn hơn.
  • Làm cho bánh mềm hơn: Gelatin cũng có khả năng làm cho bánh có kết cấu mềm, đặc biệt là trong các loại bánh mousse và pudding. Thành phẩm thường có độ mềm, mịn và dẻo hơn.

Theo dõi bài viết đến đây, chắn bạn đã nắm rõ Gelatin là gì, công dụng của nó. Đây là một thành phần protein cao có nhiều ứng dụng trong chế biến thực phẩm và làm bánh. Nó có khả năng cải thiện hương vị, kết cấu và giá trị dinh dưỡng của nhiều loại thực phẩm khác nhau, bao gồm bánh ngọt, món hầm và món tráng miệng. Hy vọng bài viết mang lại những thông tin bổ ích cho bạn. Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Theo dõi thêm kiến thức các loại bệnh khác tại Tin tức y tế.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.