BMI là chỉ số phổ biến thường được dùng để xác định mức độ cân đối của cơ thể người. Dựa vào chỉ số này mà bạn có thể điều chỉnh lại chế độ ăn uống sao cho khoa học, hợp lý để cân đối vóc dáng và bảo vệ sức khỏe. Cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu cách tính chỉ số BMI chính xác, theo tiêu chuẩn quốc tế hiện nay.
Chỉ số BMI là gì? Công thức tính BMI
Hiểu đơn giản, chỉ số BMI là chỉ số khối cơ thể dựa trên chiều cao, cân nặng của con người để đánh giá về mức độ béo phì hay gầy ốm, bình thường, từ đó có thể đánh giá được hiện trạng sức khỏe của bạn.
Công thức tính chỉ số BMI:
BMI = Cân nặng (kg) / (Chiều cao x Chiều cao) (m)
Ví dụ:
Một người có cân nặng là 53kg, chiều cao là 1,6m (160cm) thì có chỉ số BMI là:
BMI = 53 / (1,6 x 1,6) = 20,7
Các khoảng chỉ số BMI:
- Bình thường: 18,5 – 24,9.
- Thiếu cân: dưới 18,5
- Thừa cân: 25 – 29,9
Đặc biệt, béo phì thuộc nhóm thừa cân có chỉ số BMI theo cấp độ:
- Nhóm 1: Chỉ số từ 30 đến <35
- Nhóm 2: Chỉ số từ 35 đến <40
- Nhóm 3: Chỉ số từ 40 trở lên (béo phì nghiêm trọng)
Công thức tính chỉ số BMI trên không áp dụng đối với phụ nữ mang thai, vận động viên, người lớn tuổi và trẻ em. Ngoài ra, chỉ số này cũng có sự khác biệt giữa nam nữ, giữa các độ tuổi và quốc gia.
Dựa trên chỉ số này, bạn có thể đánh giá được trạng thái cân nặng của mình ở mức nào, thuộc bình thường, thừa cân hay thiếu cân. Đồng thời, nó cũng cung cấp về mặt liên quan sức khỏe, đặc biệt một số bệnh liên quan đến cân nặng như béo phì, tim mạch, tiểu đường hoặc suy dinh dưỡng.
Ngoài ra, BMI được sử dụng để theo dõi quá trình giảm cân hoặc tăng cân, áp dụng cho những người đang phấn đấu đạt mục tiêu cân nặng lý tưởng theo mong muốn.
Chỉ số BMI là một công cụ hữu ích để theo dõi sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, chỉ số này chỉ mang tính tương đối. Chúng ta cần kết hợp với các đánh giá khác như cấu trúc cơ thể và tỷ lệ mỡ cơ thể để có cái nhìn toàn diện về sức khỏe của mình.
Bài viết cùng chủ đề:
- Cách giảm cân nhanh, đơn giản mà hiệu quả ngay tại nhà
- Các chế độ ăn giảm cân lành mạnh và an toàn hiện nay
Phân loại mức độ gầy – béo dựa vào chỉ số BMI
Dưới đây là bảng phân loại mức độ gầy – béo của một người dựa vào BMI. Thang phân loại của Tổ chức y tế thế giới (WHO) dành cho người châu Âu và thang phân loại của Hiệp hội đái đường các nước châu Á (IDI & WPRO) được áp dụng cho người châu Á.
Phân loại | BMI – WHO | BMI – IDI & WPRO |
Cân nặng thấp (gầy) | < 18,5 | < 18,5 |
Bình thường | 18,5 – 24,9 | 18,5 – 22,9 |
Thừa cân | ≥ 259 | ≥ 23 |
Tiền béo phì | 25 – 29,9 | 23 – 24,9 |
Béo phì độ I | 30 – 34,9 | 25 – 29,9 |
Béo phì độ II | 35 – 39,9 | 30 – 34,9 |
Béo phì độ III | ≥ 40 | ≥ 35 |
Chỉ số BMI quá cao ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Chỉ số tăng quá cao là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của bạn đang gặp vấn đề. Một số bệnh lý nguy hiểm có thể gặp phải nếu chỉ số của bạn tăng quá cao bao gồm:
- Bệnh lý liên quan đến tim mạch.
- Tiểu đường.
- Bệnh về túi mật.
- Một số loại Ung thư như ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú, Ung thư đại tràng và túi mật, ung thư buồng trứng.
- Chứng thở gián đoạn khi ngủ.
- Bệnh liên quan về khớp.
- Vô sinh.
Làm thế nào để có chỉ số BMI chuẩn?
Dựa vào chỉ số BMI giúp bạn biết được tình trạng chỉ số khối cơ thể của bạn thân mà điều chỉnh ăn uống, vận động sao cho hợp lý để đảm bảo sức khỏe. Dưới đây là các cách để có chỉ số BMI tốt mà bạn có thể áp dụng được ngay:
Có một chế độ ăn uống cân bằng. Sự cân bằng này thể hiện ở 4 nhóm chất quan trọng ở người. Trong đó, hạn chế ăn chất béo và tinh bột, tăng cường chất xơ từ rau xanh và protein. Ngoài ra, bổ sung các khoáng chất, vi chất và vitamin để đảm bảo đề kháng tốt.
Vận động cơ thể. Lười vận động gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe, trong đó trọng lượng cơ thể tăng lên gây béo phì. Nếu tính chất công việc khiến bạn phải ngồi nhiều, ít di chuyển thì nên cần tập thể dục thể thao 30 phút mỗi ngày. Ngoài ra, xu hướng lười vận động ở giới trẻ Việt Nam khá cao, do đó, hãy lựa chọn loại hình vận động ngay bây giờ để đảm bảo cân đối vóc dáng và sức khỏe.
Theo dõi tình trạng sức khỏe. Duy trì theo dõi và thăm khám sức khỏe để đảm bảo cơ thể luôn khỏe mạnh và phát hiện sớm một số bệnh lý tiềm ẩn nguy hiểm. Đôi khi chỉ số BMI sụt giảm nhanh chóng không phải xuất phát từ chế độ sinh hoạt mà có thể từ một số bệnh lý.
Uống nhiều nước. Nước lọc là loại nước tốt nhất cho cơ thể người. Chúng không chỉ giúp bạn tránh bị Mất nước cho hoạt động ngày dài mệt mỏi mà còn giúp tăng khả năng đốt cháy mỡ thừa. Do đó, hãy duy trì uống nước từ 1.5 lít đến 2 lít mỗi ngày để đảm bảo duy trì chất lỏng tốt nhất cho cơ thể. Ngoài ra, hạn chế tối đa đồ uống có cồn, ga, chất kích thích, đường để cơ thể giảm carb không cần thiết gây tăng cân.
Ngủ đủ giấc. Giấc ngủ vô cùng quan trọng đối với con người. Ngủ đủ giấc không chỉ giúp tinh thần sảng khoái để làm việc, học tập mà còn giúp duy trì cân nặng lý tưởng. Mất ngủ hoặc ngủ muộn gây ra tình trạng béo phì, làm chi số BMI tăng cao.
Bài viết cùng chủ đề:
Chỉ số BMI của người lớn có khác trẻ em không?
Cách tính BMI của người lớn và trẻ em là giống nhau. Tuy nhiên, trẻ em đang trong độ tuổi phát triển, vậy nên chỉ số này sẽ thay đổi theo độ tuổi khi lớn lên.
Với trẻ em từ 2 đến 20 tuổi, biểu đồ thể hiện sự tăng trưởng tỷ lệ phần trăm BMI theo tuổi được biểu diễn như sau:
Một số app và website tính chỉ số BMI online
Nếu bạn không muốn ghi nhớ công thức tính BMI trên, bạn có thể sử dụng một số app/website để tính chỉ số online một cách nhanh chóng. Dưới đây là một số ứng dụng, website bạn có thể tham khảo:
- Calculator.net
- App BMI Calculator
- App Weight loss tracker – BMI
- App aktiBMI,…
Những hạn chế của chỉ số BMI
BMI là một công cụ đơn giản và phổ biến để đánh giá cân nặng và sức khỏe. Tuy nhiên, nó cũng có những hạn chế quan trọng cần được hiểu rõ.
Một trong những hạn chế là nó không phân biệt được giữa mỡ cơ thể và cơ bắp. Điều này có nghĩa là người có một lượng cơ bắp lớn có thể được đánh giá là “quá nặng” theo chỉ số mặc dù không có mỡ thừa. Ngược lại, người có cơ thể nhẹ và thiếu cơ bắp có thể được đánh giá là “bình thường” dù có một lượng mỡ cơ thể tương đối cao. Chính vì vậy, chỉ sử dụng BMI để đánh giá cân nặng và sức khỏe có thể dẫn đến kết quả không chính xác và gây nhầm lẫn.
>> Xem thêm: Hướng dẫn cách chưng yến đường phèn táo đỏ tốt cho sức khỏe
Ngoài ra, chỉ số này cũng không xem xét một số yếu tố quan trọng khác như phân bố mỡ trong cơ thể. Ví dụ, mỡ tích tụ quanh vùng bụng có thể đặt người dễ mắc các bệnh liên quan đến cơ địa như bệnh tim mạch và tiểu đường, trong khi BMI không thể phản ánh được điều này. Do đó, để có một đánh giá toàn diện về tình trạng cân nặng và sức khỏe, cần kết hợp chỉ số này với các yếu tố khác như tỷ lệ mỡ cơ thể, phân bố mỡ và tình trạng cơ bắp.
Dù có những hạn chế, BMI vẫn được sử dụng rộng rãi vì tính đơn giản và tiện lợi. Tuy nhiên, để có một cái nhìn chính xác hơn về sức khỏe của bạn, nên tham khảo ý kiến chuyên gia, như bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng, và kết hợp nhiều phương pháp đánh giá khác nhau. Liên hệ ngay HOTLINE hoặc truy cập TẠI ĐÂY để được tư vấn và đặt lịch hẹn trực tiếp với bác sĩ thuộc hệ thống các Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc. Ngoài ra, bạn có thể cập nhật các kiến thức về y học cũng như sức khỏe hàng ngày tại Tin tức y tế.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.