Viêm tai giữa là bệnh không thể chủ quan, nếu không kịp thời điều trị sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy bệnh lý này là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán, cách điều trị và phòng ngừa thế nào? Tất cả sẽ được Hoàn Mỹ giải đáp trong bài viết dưới đây.
>> Xem thêm:
- Viêm họng hạt: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị hiệu quả
- Đau họng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Viêm tai giữa là gì?
Tai giữa là khu vực phía sau màng nhĩ có chức năng truyền tải âm thanh từ ngoài vào trong. Khi khu vực này bị tổn thương và có tình trạng viêm nhiễm được gọi là viêm tai giữa. Bệnh lý này có thể gây sưng, đau, sốt, chảy dịch ở tai… nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến mất thính lực và gây ra nhiều biến chứng khác. Bệnh viêm tai có thể xảy ra đối với đối với mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất trẻ em dưới 3 tuổi do cấu tạo tai giữa của trẻ chưa hoàn chỉnh như người lớn.
Phân loại viêm tai giữa
Tùy vào mức độ nhiễm trùng, bệnh lý này được chia làm 3 loại cơ bản:
Viêm tai giữa cấp tính
Đây là tình trạng viêm niêm mạc tai giữa sau một đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus, thông thường bệnh diễn biến trong vòng 4 tuần. Bệnh sẽ khởi phát với những biểu hiện ban đầu như ù tai, đau tai ở mức độ nhẹ, sốt,…
Viêm tai giữa mãn tính
Nếu tình trạng viêm tai không được điều trị kịp thời, để lâu dài sẽ dẫn đến viêm mãn tính. Lúc này dịch mủ sẽ chảy ra ống tai, gây đau, khó chịu và thường tái đi tái lại, khó có thể trị dứt điểm.
Viêm tai giữa ứ dịch
Thay vì dịch tiết thoát ra ngoài ống tai thì loại viêm này lại bị ứ dịch lại phía sau màng tai. Do đó người bệnh có cảm giác đầy tai hoặc nghe âm thanh lốp bốp khi nhai nuốt. Ổ dịch bị ứ lại dễ hình thành nên mủ gây viêm nhiễm nặng nề cho ống tai, vòi nhĩ.
Những đối tượng dễ bị viêm tai giữa
Bệnh viêm tai giữa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên sẽ có một số đối tượng dễ bị mắc bệnh hơn, cụ thể:
- Trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi hoặc trẻ nhỏ sử dụng núm vú giả, trẻ bú bình.
- Người ở trong môi trường ô nhiễm, hít khói thuốc lá…
- Người trải qua thay đổi độ cao đột ngột hoặc ở vùng khí hậu lạnh.
- Người có dị tật bẩm sinh ở vùng tai mũi họng như: tắc hẹp mũi, dính thắng lưỡi, rò luân nhĩ…
- Người hay bị nhiễm trùng đường hô hấp trên như: cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng, viêm xoang, viêm mũi, …
- Người bị chấn thương ảnh hưởng đến màng nhĩ.
Nguyên nhân gây ra viêm tai giữa
Có nhiều nguyên nhân gây khác nhau gây ra bệnh lý này:
- Biến chứng của bệnh viêm đường hô hấp, viêm xoang, Viêm amidan vì tai mũi họng là những cơ quan liên thông với nhau nên khi mũi, họng bị viêm thì tai cũng dễ bị ảnh hưởng.
- Do chấn thương như tai nạn hay hắt hơi hoặc xì mũi quá mạnh làm tổn thương màng nhĩ.
- Thói quen ngoáy tai không đúng cách hoặc tắm vệ sinh không cẩn thận để xà phòng hay nước lọt vào tai.
- Các tác nhân gây dị ứng phấn hoa, lông thú vật, khói, bụi, thuốc lá… có thể làm các mô lympho phì đại, chặn vòi nhĩ và ngăn dịch chảy ra từ tai dẫn đến sự tích tụ dịch trong tai giữa và gây nhiễm trùng.
- Ở trẻ nhỏ còn do nguyên nhân là cấu trúc, chức năng của vòi nhĩ chưa trưởng thành về hệ thống miễn dịch nên còn yếu để chống lại vi khuẩn, virus trong tai gây ra.
Các dấu hiệu nhận biết viêm tai giữa
Đối với người lớn và trẻ em sẽ có những dấu hiệu nhận biết bệnh lý khác nhau, cụ thể:
Người lớn:
- Triệu chứng đầu tiên dễ nhận biết là cảm thấy đau tai biểu hiện bằng những cơn đau nhói và giật giật ở tai, khi sờ vào thấy hơi sưng và nóng phần tai.
- Thường xuyên bị ù tai, nghe không rõ nếu để lâu ngày có thể dẫn mất thính lực.
- Ngoài ra sẽ xuất hiện tình trạng chảy dịch mủ màu vàng hoặc nâu từ ống tay ra ngoài thậm chí là có mùi hôi.
Trẻ em:
- Sốt cao lên đến 39 độ, có thể dẫn đến co giật.
- Có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa như: đi ngoài nhiều lần, phân lỏng.
- Chán ăn, khó chịu, trằn trọc khó ngủ, quấy khóc.
- Trẻ cũng có tình trạng đau tai nhưng vì chưa biết nói nên sẽ biểu hiện bằng cách dụi tai, giật vành tai.
- Chảy dịch mủ ra ngoài lỗ tai.
>> Xem thêm: Hướng dẫn cách hạ sốt cho trẻ nhỏ an toàn
Chẩn đoán viêm tai giữa thế nào?
Bác sĩ sẽ có chuyên môn và nghiệp vụ để thăm khám người bệnh nhằm chẩn đoán đúng bệnh và tiến triển của bệnh để đưa ra phác đồ điều trị hợp lý. Thông thường người bệnh sẽ được khám lâm sàng và có thể được chỉ định thực hiện một số các thủ thuật như nội soi ống tai, chụp CT hoặc MRI, đo thính lực, cấy dịch tai…
Khám tai
Thông qua triệu chứng và lịch sử bệnh khai thác từ người bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành khám tai để xác định kỹ lưỡng các tổn thương trong tai. Nếu phát hiện những bất thường ở màng nhĩ như bị sưng, viêm, căn phòng, chứa dịch,… có thể xác định mắc bệnh viêm tai giữa.
Khám các bộ phận khác
Không chỉ khám tai, bác sĩ cũng có thể kiểm tra các vùng liên quan đến tai như cổ họng, mũi, xong, nhịp tim, phổi… để tìm ra các dấu hiệu nhiễm trùng đường hô hấp.
Phương pháp điều trị bệnh viêm tai giữa
Sau khi thăm khám để biết tình trạng của bệnh, bác sĩ sẽ có phương điều trị phù hợp với từng bệnh nhân. Thông thường sẽ có 2 cách điều trị cơ bản sau:
Dùng thuốc
Bác sĩ sẽ khám tai kết hợp điều tra bệnh sử để chẩn đoán và khi đã xác định mức độ nặng nhẹ của bệnh, người bệnh sẽ được chỉ định dùng các loại thuốc như:
- Thuốc kháng sinh như amoxicillin, penicillin,… có tác dụng chống viêm nhiễm
- Thuốc giảm đau, hạ sốt
- Thuốc chống dị ứng
- Thuốc chống sưng, phù nề
- Thuốc xịt vệ sinh khoang mũi hoặc tai để làm sạch mủ.
Nếu phát hiện ứ đọng dịch mủ bác sĩ sẽ tiến hành thủ thuật để chích rạch để loại bỏ dịch mủ trong tai giữa ra ngoài. Tuy là thủ thuật nhỏ nhưng cần thực hiện bởi người có chuyên môn vì vậy bạn cần phải đến các cơ sở y tế uy tín để tránh gây tổn thương đến màng nhĩ.
Phẫu thuật
Nếu việc điều trị bằng thuốc không có kết quả hoặc tình trạng bệnh đã nặng gây mất thính lực, tai có cholesteatoma, gây viêm xương chũm mạn tính, gây liệt mặt… Lúc này bệnh nhân có thể được chỉ định các phẫu thuật như: cắt amidan, nạo VA, đặt ống thông khí, vá màng nhĩ,… Tuy rất ít nhưng người bệnh có thể gặp các biến chứng sau phẫu thuật như: bị nhiễm trùng, mất thính lực tạm thời, viêm màng não…
Biến chứng từ viêm tai giữa
Bệnh lý này nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ không đáng lo tuy nhiên nếu để tình trạng bệnh kéo dài thành mãn tính dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:
- Mất hoặc giảm thính lực: Tùy vào tình trạng bệnh lý nặng hay nhẹ mà người bệnh có thể phục hồi lại thính lực hoặc có thể mất vĩnh viễn.
- Thủng màng nhĩ: Do dịch ứ đọng phía trong làm cho màng nhĩ căng phồng quá mức. Và khi áp lực quá lớn thì màng nhĩ sẽ bị thủng tuy nhiên nếu lỗ thủng không quá lớn thì nó có thể tự lành lại sau một thời gian. Nếu viêm cứ tái đi tái lại thì các lỗ thủng không thể tự phục hồi được.
- Biến chứng nội sọ: Viêm não, viêm màng não, áp xe não,… đây là những biến chứng nội sọ nguyên hiểm liên quan đến bệnh lý viêm tai giữa. Chúng có thể để lại di chứng như thần kinh như liệt, chậm phát triển trí tuệ… và có thể gây nguy hiểm cho tính mạng.
- Viêm xương chũm: Xương chũm nằm ở phía sau vành tai do đó bệnh viêm tai có thể hoàn toàn gây viêm xương chũm. Nếu tình trang viêm tai cứ lặp đi lặp lại thì có thể phải tiến hành cắt xương chũm để tránh việc viêm nhiễm, gây đau nhức.
- Liệt mặt: Dây thần kinh mặt số VII nằm trong ở tai vì vậy bệnh ở tai cũng là một nguyên nhân gây ra liệt mặt. Tuy nhiên đây là biến chứng hiếm gặp và có thể phục hoàn toàn nếu được điều trị kịp thời.
- Tổn thương hệ tiền đình: Thần kinh tiền đình đi qua tai và dễ bị ảnh hưởng nếu tai bị viêm nhiễm nặng. Một khi tiền đình gặp trục trặc bạn sẽ luôn trong tình trạng choáng váng, chóng mặt, mất thăng bằng. Nếu bệnh viêm tai nặng có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho hệ thống tiền đình.
- Chậm nói, chậm phát triển: Đây là biến chứng nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Khi khả năng nghe giảm thì dẫn đến khả năng nói cũng giảm từ đó làm ảnh hưởng đến kỹ năng giao tiếp phát triển của trẻ.
>> Xem thêm: Người bị đau mắt đỏ kiêng ăn gì để nhanh khỏi bệnh?
Biện pháp phòng ngừa viêm tai giữa
“Phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh” vì vậy bạn cần có kiến thức để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi nguy cơ nhiễm trùng tai:
- Vệ sinh tai thường xuyên nhất là sau khi tắm, gội, đi bơi… Cần lưu ý thao tác thực hiện nhẹ nhàng tránh làm tổn thương niêm mạc tai.
- Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ như: tay chân, không dùng chung đồ dùng, đồ ăn uống.
- Cần điều trị sớm các bệnh lý liên quan về tai, mũi, họng.
- Che miệng khi ho, hắt hơi.
- Cho trẻ bú mẹ vì sữa mẹ tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
- Có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện phù hợp để tăng cường sức đề kháng.
- Tránh hít khói thuốc lá hay ở môi trường có không khí ô nhiễm.
- Luôn giữ ấm trong mùa lạnh nhất là phần tai.
Câu hỏi thường gặp:
Nếu bệnh được điều trị sớm và tuân theo phác đồ của bác sĩ thì có thể kiểm soát tình trạng bệnh tốt, không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu để tình trạng viêm tai kéo dài chuyển thành mãn tính thì việc điều trị trở nên khó hơn. Khi đã chuyển sang bệnh lý mãn tính thì người bệnh có thể gặp các biến chứng rất nguy hiểm như: mất thính lực, viêm màng não, viêm não, hệ tiền tiền đình bị tổn thương…
Bệnh viêm tai có thể do vi khuẩn hoặc virus gây ra, trong khi vi khuẩn bên trong tai gây nhiễm trùng tai không thể lây lan thì virus lại có thể lây. Do vậy, cách tốt nhất để tránh lây lan là áp dụng các biện pháp phòng ngừa như rửa tay sạch với xà phòng, khi ho hắt hơi che miệng mũi, không dùng chung đồ dùng với người khác,…
Viêm tai giữa không chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng chịu nhiều ảnh hưởng của bệnh lý này đối với sức khỏe và cuộc sống. Nếu thấy một trong những triệu chứng của bệnh, đừng ngừng ngại hãy liên ngay HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được đội ngũ bác sĩ thuộc hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc tư vấn chi tiết. Để cập nhật các kiến thức về y học, sức khỏe bạn đừng bỏ qua kênh Tin tức y tế bổ ích.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.