Trầm cảm là một chứng rối loạn cảm xúc gây ra cảm giác buồn rầu, mất mát. Đây là căn bệnh phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường xảy ra ở độ tuổi vị thành niên (khoảng từ 20-30 tuổi). Mỗi năm có hơn 700.000 người chết vì Trầm cảm nặng dẫn đến tự tử. Vì vậy cần có những theo dõi và điều trị kịp thời để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc. Hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu kỹ hơn về căn bệnh Trầm cảm này qua bài viết dưới đây.
>> Xem thêm: Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
Bệnh Trầm cảm là gì?
Bệnh trầm cảm là tình trạng rối loạn tâm thần, dẫn đến cảm giác buồn bã và mất hứng thú trong một thời gian dài. Căn bệnh này tác động tiêu cực đến suy nghĩ và cách hành xử của người bệnh. Khi Trầm cảm phát triển ở mức độ nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, những mối quan hệ xung quanh và thậm chí nếu nặng hơn có thể dẫn đến tự tử.
Các dấu hiệu của bệnh trầm cảm
Việc phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh Trầm cảm là vô cùng quan trọng. Điều này giúp bệnh nhân và người nhà có thể theo dõi và điều trị kịp thời, tránh xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Bệnh Trầm cảm có các dấu hiệu chung như: luôn buồn bã, chán nản, mất tập trung, không còn hứng thú với xung quanh, gần như không còn năng lượng,… Căn bệnh này chia làm 3 mức độ: nhẹ-vừa-nặng, và tùy từng mức độ của bệnh mà có những biểu hiện riêng.
Triệu chứng, biểu hiện của người bị Trầm cảm nhẹ
Tuy ở mức độ nhẹ nhưng bệnh nhân cũng không nên chủ quan. Ở giai đoạn này, bệnh chỉ vừa mới chớm nên những rối loạn về mặt cảm xúc, suy nghĩ chưa được biểu hiện rõ. Thông thường, người bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện những xáo trộn trong tinh thần và thể chất, cụ thể như:
- Không có sự đồng cảm.
- Dễ cáu gắt.
- Khó khăn trong các hoạt động cá nhân thường ngày.
- Không còn hào hứng với các hoạt động yêu thích trước đây.
Triệu chứng, biểu hiện của người bị Trầm cảm vừa
- Luôn trong tình trạng bi quan, tự ti trong nhiều trường hợp.
- Cảm thấy khó để thực hiện công việc hay các hoạt động sinh hoạt trong gia đình.
- Giai đoạn Trầm cảm vừa thường sẽ có theo vài triệu chứng cơ thể đi kèm như: giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ hoặc dậy sớm hơn giờ sinh học,…
Triệu chứng, biểu hiện của người bị Trầm cảm nặng
- Người bệnh lúc này có ý muốn làm hại bản thân, thậm chí là tự sát.
- Giai đoạn bệnh nặng cũng là lúc những triệu chứng cơ thể như: thay đổi khẩu vị, đau nhức không rõ nguyên nhân, giảm ham muốn tình dục,… xuất hiện nhiều và thường xuyên hơn.
- Mất khả năng tiếp tục duy trì công việc và các hoạt động thường nhật trong gia đình hay xã hội.
Ngoài 3 mức độ bệnh đã kể trên, còn có một trường hợp bệnh nhân mắc phải Trầm cảm nặng loạn thần. Lúc này, ngoài những biểu hiện của bệnh trầm cảm nặng, người bệnh còn xuất hiện ảo giác dẫn đến hoang tưởng.
Nguyên nhân gây bệnh trầm cảm
Bệnh Trầm cảm xảy ra không do một nguyên nhân duy nhất nào, mà là hệ quả của sự kết hợp bởi nhiều tác động ngoại cảnh lẫn nội sinh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm như:
- Các yếu tố về di truyền: Nếu trong gia đình có người từng bị bệnh Trầm cảm thì khả năng mắc bệnh của các thành viên trong gia đình cao hơn người bình thường.
- Ảnh hưởng bởi một vài căn bệnh: các bệnh tác động trực tiếp đến não bộ như viêm não, tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não cũng là một nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm.
- Sức khỏe tinh thần ảnh hưởng bởi sự suy giảm của 2 hormone hạnh phúc là Noradrenalin và Serotonin.
- Những căng thẳng kéo dài trong cuộc sống, hay những mất mát, những sự kiện gây ra chấn động về tâm lý.
- Người sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, ma túy dễ mắc phải bệnh trầm cảm.
- Đặc biệt là phụ nữ sau sinh có nguy cơ bị bệnh Trầm cảm rất cao nếu không nhận được sự chăm sóc đúng cách của người thân, gia đình.
Điều gì có thể xảy ra với người mắc bệnh trầm cảm
Trầm cảm là một căn bệnh nguy hiểm bởi không không chỉ gây nên những rối loạn về thể chất mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần.
- Có nguy cơ tăng cân dẫn đến béo phì.
- Việc giảm cảm giác thèm ăn, cơ thể luôn luôn trong trạng thái mệt mỏi là nguyên nhân làm người bệnh dễ mắc các bệnh truyền nhiễm bởi sức đề kháng yếu.
- Ảnh hưởng đến chất lượng công việc, có nguy cơ mất thu nhập làm giảm chất lượng đời sống.
- Trầm cảm gây ra mất ngủ kéo dài gây nên sự suy giảm chức năng của các bộ phận trong cơ thể (tim, huyết áp, dạ dày,…).
- Tinh thần sa sút, uể oải, người bệnh nặng có thể tự làm đau mình hoặc thậm chí là tự tử.
>> Xem thêm: Dấu hiệu 7 bệnh tim mạch thường gặp
Cần làm gì để hạn chế nguy cơ mắc bệnh trầm cảm
Vì tính phổ biến cũng như những hệ quả nghiêm trọng mà bệnh Trầm cảm mang đến, mỗi một người cần có ý thức tự theo dõi, xây dựng cho bản thân một cuộc sống lành mạnh để hạn chế nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
- Thường xuyên tập thể dục: Vận động là một cách để giải phóng năng lượng tiêu cực, giúp cải thiện tâm trạng, tránh tình trạng stress. Nếu có thể, bạn nên ưu tiên luyện tập các môn thể dục có tính đội nhóm.
- Quản lý thời gian trên mạng xã hội: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, mạng xã hội có nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh trầm cảm. Giảm thời gian sử dụng mạng xã hội đồng thời cũng giúp cải thiện sự kết nối với gia đình và bạn bè xung quanh.
- Tránh những tác nhân làm bản thân cảm thấy tồi tệ: Trong cuộc sống không thể tránh khỏi những người có ham muốn bắt nạt, hạ thấp người khác. Điều này là nguyên nhân dẫn đến sự mất tự tin và mắc phải bệnh trầm cảm, đặc biệt rất dễ nhận thấy trường hợp này ở trường học. Vậy nên nếu thấy một ai đó luôn cố tính gây hấn thì cần tránh càng xa càng tốt.
- Giảm căng thẳng: Tập cách chấp nhận những việc mà bản thân không thể kiểm soát, hạn chế ôm đồm nhiều công việc cùng một lúc.
- Duy trì thời gian ngủ hợp lý và tăng chất lượng giấc ngủ: Có một giấc ngủ ngon sẽ giúp cơ thể và tinh thần trở nên khỏe mạnh hơn.
- Bổ sung đủ các thực phẩm nhiều dinh dưỡng: nên tăng cường các loại trái cây, rau củ giàu vitamin A, vitamin D. Đồng thời cũng cần tránh những đồ ăn có nhiều đường và chất béo.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích: Việc thường xuyên sử dụng các chất kích thích không chỉ là nguyên nhân dẫn đến Trầm cảm mà còn tăng khả năng tái phát bệnh. Việc hạn chế sử dụng không chỉ giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm mà còn giúp con người tránh xa rất nhiều loại bệnh khác.
- Duy trì điều trị theo bác sĩ: Nếu đã từng mắc bệnh, bệnh nhân cần tuân thủ theo phác đồ điều trị và toa thuốc đã được kê.
>> Xem thêm: Vitamin B1: Vai trò, công dụng và những lưu ý khi sử dụng
Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?
Ngay khi phát hiện dấu hiệu mắc trầm cảm, hãy đến gặp bác sĩ ngay. Đây là căn bệnh có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, vậy nên không được chủ quan với các biểu hiện sớm. Khi đến cơ sở y tế, người bệnh sẽ được đội ngũ bác sĩ thực hiện các bước khám lâm sàng, xét nghiệm và làm bài kiểm tra để chẩn đoán đúng nhất tình trạng bệnh.
Qua bài viết trên, hy vọng Hoàn Mỹ đã mang đến những thông tin bổ ích về dấu hiệu nhận biết sớm về bệnh Trầm cảm và cách hạn chế mắc phải căn bệnh này. Mong rằng bệnh nhân và gia đình đã có thêm kiến thức nhằm chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất.Để cập nhật thêm về nhiều loại bệnh khác, bạn có thể truy cập nhanh vào Tin tức y tế. Liên hệ qua HOTLINE hoặc đặt lịch khám TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.
Bất kỳ độ tuổi nào cũng đều có thể mắc bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, căn bệnh này thường gặp ở những người trong độ tuổi vị thành niên (Từ 20-30 tuổi). Đây là độ tuổi phải đối diện với nhiều căng thẳng, áp lực, đòi hỏi trong cuộc sống từ gia đình và xã hội, dẫn đến tình trạng mắc bệnh Trầm cảm khá cao.
Nếu tình trạng của bệnh nhân đang ở mức độ nhẹ thì có thể điều trị tại nhà dưới sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ. Việc này cần có sự kiên trì của cả bệnh nhân và người thân nếu muốn đạt kết quả tốt nhất. Tuy điều trị ở nhà nhưng người bệnh cần tuân theo các chỉ dẫn và uống thuốc theo toa mà bác sĩ đã kê đơn. Nếu có bất kỳ thay đổi nào cần liên hệ với đội ngũ y tế để được điều trị kịp thời. Ngoài ra, lúc này người bệnh cũng cần sự động viên rất lớn từ người thân và bạn bè để có thể vượt qua bệnh trầm cảm.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.