Tin tức y tế

Trào ngược dạ dày: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

23/06/2023

Trào ngược dạ dày là bệnh lý liên quan đến đường tiêu hoá, gây ra những triệu chứng khó chịu trong thực quản như ợ hơi, ợ chua, buồn nôn và đau tức ngực thượng vị,… Trong bài viết này, hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu trào ngược dạ dày là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

>> Xem thêm:

Trào ngược dạ dày là gì? 

Trào ngược dạ dày là hiện tượng tràn dịch tại dạ dày lên vùng thực quản, gây ra cảm giác khó chịu và nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến các bệnh lý tiêu hoá nguy hiểm. Dịch dạ dày bị trào ngược lên thường bao gồm men tiêu hoá, thức ăn, acid HCI và Pepsin,…

Với người bình thường, thức ăn sau khi đưa vào miệng sẽ được nghiền nhỏ rồi trôi xuống thực quản. Sau khi cơ vòng thực quản dưới mở rộng ra để đẩy thức ăn xuống cho dạ dày tiêu hoá thì sẽ tự động khép lại để ngăn chặn thức ăn trào ngược lên trên. Ngược lại, người mắc bện trào ngược dạ dày sẽ gặp tình trạng axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản, kích thích lớp niêm mạc thực quản gây ra những triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Có 2 dạng trào ngược dạ dày là:

  • Trào ngược dạ dày trong thực quản: Axit trong dịch vị làm tổn thương phần bên trong thực quản còn bên ngoài thì không có biểu hiện khác thường.
  • Trào ngược dạ dày ngoài thực quản: Axit trong dịch vị làm tổn thương những bộ phận khác trong cơ thể như răng, đường hô hấp, tai mũi họng,… 
Trào ngược dạ dày là hiện tượng tràn dịch tại dạ dày lên vùng thực quản
Hình ảnh mô tả bệnh trào ngược dạ dày thực quản (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân gây bệnh trào ngược dạ dày

Khi axit trong dạ dày bị dư thừa và cơ thắt thực quản dưới bị suy yếu sẽ dẫn tới bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Các nguyên nhân dẫn tới bệnh lý này là:

  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc Tây như thuốc huyết áp, glucagon, ibuprofen, aspirin,…
  • Thói quen ăn uống không khoa học như ăn thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, uống nước có ga, ăn nhanh và ăn quá no.
  • Sử dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, cà phê.
  • Mắc các bệnh lý như thoát vị hoành, nhiễm trùng thực quản, yếu cơ vòng thực quản, trợt niêm mạc dạ dày, viêm loét dạ dày, hẹp hang môn vị dạ dày.
  • Béo phì thừa cân.
Nguyên nhân gây bệnh trào ngược dạ dày
Thức ăn nhanh là một trong những nguyên nhân làm trào ngược dạ dày (Nguồn: Internet)

Triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày 

Khi nhận thấy một trong những triệu chứng dưới đây, có thể bạn đang bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản. 

Ợ hơi, ợ chua và ợ nóng

Dấu hiệu dễ thấy nhất của bệnh trào ngược dạ dày là ợ hơi, ợ chua và ợ nóng. Người bệnh sẽ thường cảm nhận được vị chua trong miệng, nóng lên cổ khi ợ. Triệu chứng này xuất hiện sau khi ăn no, khó tiêu hoặc trong thời gian nghỉ ngơi ban đêm.

>> Xem thêm:

Buồn nôn 

Khi axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản và vùng họng sẽ dẫn đến tình trạng buồn nôn hoặc nôn mửa. Dấu hiệu này có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, nhưng thường trở nặng vào ban đêm do hệ thần kinh phó giao cảm hoạt động mạnh mẽ hơn.

>> Xem thêm:

Dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày là nôn, buồn nôn
Người bị trào ngược dạ dày thường cảm thấy buồn nôn (Nguồn: Internet)

Đau tức ngực thượng vị 

Một trong những triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày là đau tức ngực thượng vị. Bệnh nhân sẽ cảm thấy bị đè nén, co thắt xung quanh vùng ngực và những vùng lân cận. Nguyên nhân của hiện tượng này là vì khi axit và thức ăn bị trào ngược lên trên làm kích thích đầu sợi dây thần kinh nằm ở bề mặt niêm mạc thực quản. Trong một số trường hợp, vùng đau tức không chỉ nằm ở ngực mà còn lan ra lưng và cánh tay.

Dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày là đau tức ngực thượng vị
Vùng ngực bị đau tức cũng là dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày (Nguồn: Internet)

Ăn không ngon, khó nuốt 

Khi bị trào ngược dạ dày, dịch mật tiết ra làm miệng bệnh nhân cảm giác đắng và hôi. Vì vậy, người bệnh cảm thấy đồ ăn không ngon miệng. Ở cấp độ B trở lên, bệnh nhân còn khó nuốt thức ăn vì thực quản bị tổn thương nghiêm trọng và liên tục. Thậm chí, thực quản còn bị sưng tấy, Phù nề nên gây ra cảm giác nghẹn, đồ ăn vướng ở cổ.

Ho, viêm họng, khản giọng 

Axit trong dạ dày khi bị trào ngược lên sẽ làm tổn thương dây thanh quản, khiến dây thanh bị phù nề. Do đó, người bệnh thường bị khản giọng, khó nói chuyện thậm chí là ho, đau họng.

Nước bọt nhiều hơn bình thường 

Tiết nước bọt là hiện tượng bình thường nhưng nếu tiết quá nhiều thì lại là dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày. Đây là phản xạ tự nhiên, mỗi khi axit trào lên thực quản thì cơ thể phải tiết ra nước bọt để trung hoà axit trong dạ dày.

Bên cạnh những triệu chứng trên, bệnh trào ngược dạ dày còn có một số biểu hiện khác như: 

  • Đối với người lớn: Viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm xoang mạn.
  • Đối với trẻ nhỏ: Nôn sữa qua mũi và miệng, tăng cân chậm, thiếu máu, suy dinh dưỡng.

Tác hại và biến chứng của bên trào ngược dạ dày 

Mặc dù trào ngược dạ dày là loại bệnh phổ biến thường gặp nhưng nó cũng rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách. Bệnh lý này ảnh hưởng đến quá trình ăn uống, nghỉ ngơi sinh hoạt và thậm chí là tử vong.

Một số biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản là:

  • Viêm loét thực quản: Khi phải tiếp xúc với axit trong dịch vị thường xuyên, thực quản dần dần bị ăn mòn dẫn đến tổn thương. Bệnh nhân sẽ có triệu chứng đau ngực, nóng rát cổ họng, buồn nôn, biếng ăn,… 
  • Hẹp thực quản: Vết loét ngày càng sâu hơn và rộng ra dẫn tới hình thành mô sẹo. Còn thực quản thì lại càng bị hẹp lại, rất khó nuốt thức ăn.
  • Mắc vấn đề về hô hấp: Nếu bị bệnh dạ dày ngoài thực quản, cụ thể là trào đến đường hô hấp thì người bệnh sẽ có thể bị viêm phổi, viêm phế quản, viêm xoang,… Đồng thời, thường xuyên ho khan, chảy nước mũi.
  • Thực quản Barrett: Trào ngược dạ dày làm tế bào tại lớp mô lát thực quản bị sưng dày hơn. Đây là nguy cơ tiềm ẩn bệnh Ung thư thực quản. Vì triệu chứng bệnh không biểu hiện rõ ràng nên cần phải nội soi mới có thể chẩn đoán chính xác được.
  • Ung thư thực quản: Thông thường, cứ 10 – 20 người có thực quản Barrett thì sẽ có 1 người bị Ung thư thực quản sau 10 – 20 năm.

Ngoài ra, tuỳ thuộc vào mức độ nguy hiểm mà bệnh trào ngược được chia thành 5 cấp độ xếp theo thứ tự tăng dần như sau:

  • Cấp độ 0: Lượng axit trong thực quản chưa đủ nhiều để làm viêm loét hay tổn thương thực quản. Người bệnh thường chỉ bị ợ nóng.
  • Cấp độ A: Ước tính có khoảng 90% trường hợp bị dạ dày rơi vào cấp độ này. Thực quản đã bị tổn thương nhẹ, dẫn đến triệu chứng ợ chua và bị nghẹn khi nuốt thức ăn.
  • Cấp độ B: Mức độ nguy hiểm ngày càng nghiêm trọng hơn. Bệnh nhân gặp trở ngại trong việc nuốt thức ăn vì thực quản đã bị viêm nhiễm. Khi nội soi sẽ nhìn thấy những vết trợt dài khoảng 5mm nằm rải rác khắp niêm mạc.
  • Cấp độ C: Nếu không được cứu chữa kịp thời, thực quản phải tiếp xúc với chất axit quá lâu dẫn tới việc bị lở loét. Người bệnh bị ợ nóng, buồn nôn, đau nhói vùng ngực và thậm chí là nôn ra máu.
  • Cấp độ D: Đây là mức độ nguy hiểm cao nhất, các triệu chứng xảy ra liên tục với tần suất dày đặc. Thể trạng bệnh nhân sa sút nghiêm trọng. Cấp độ này là giai đoạn gần bệnh Ung thư nhất.

Xem thêm:

Phương pháp điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Cách điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản sẽ bao gồm việc thay đổi lối sống, thói quen ăn uống, kết hợp với điều trị nội khoa, điều trị ngoại khoa và các thủ thuật khác.

Thuốc trị bệnh trào ngược dạ dày

Để điều trị bệnh dạ dày bằng thuốc, bạn cần được bác sĩ kê đơn hoặc tham khảo ý kiến trước khi sử dụng. Những số loại thuốc thường được sử dụng như:

  • Thuốc ức chế bơm Proton: dùng cho bệnh nhân ở cấp độ 3 trở lên. Enzym H+ K+ ATPase bị ức chế sẽ giúp hạn chế dạ dày tiết axit dịch vị. Một số loại thuốc Proton phổ biến là Omeprazole, Pantoprazole, Rabeprazole, Dexlansoprazole.
  • Thuốc trung hoà Axit Alginate: Hoạt chất có trong thuốc sẽ tạo một lớp màng bảo vệ giữa thực quản và dạ dày, có khả năng chặn dịch dạ dày trào ngược lên trên. Ngoài ra, thuốc còn giúp trung hoà axit bị sót lại trong dạ dày. Bạn nên uống thuốc sau bữa ăn từ 1 – 3  tiếng.
  • Thuốc chống Trầm cảm (Imipramine, Trazodone, Nortriptyline): Bệnh nhân sẽ hạn chế bị lo lắng, căng thẳng và stress – nguyên nhân hình thành bệnh trào ngược dạ dày.
Thuốc trị bệnh trào ngược dạ dày
Một số loại thuốc hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày (Nguồn: Internet)

Chế độ ăn uống lành mạnh trị bệnh trào ngược dạ dày 

Chỉ cần thay đổi một số thói quen sinh hoạt cũng có thể giúp bệnh trào ngược dạ dày thuyên giảm:

  • Chia đồ ăn thành những bữa nhỏ, mỗi bữa ăn lượng đồ ăn vừa đủ.
  • Hạn chế thực phẩm chua cay, thực phẩm chứa nhiều chất béo (sữa nguyên kem, bơ, mỡ, da động vật), đồ uống có gas.
  • Hạn chế nạp chất kích thích, hút thuốc lá, uống rượu bia. 
  • Di chuyển nhẹ nhàng sau khi ăn, tuyệt đối không nằm hoặc lao động nặng ngay sau bữa ăn.
Chế độ ăn uống lành mạnh trị bệnh trào ngược dạ dày 
Chia khẩu phần ăn thành từng bữa nhỏ (Nguồn: Internet)

Trào ngược dạ dày nên ăn và kiêng gì?

Không có loại thực phẩm chữa trào ngược dạ dày. Những thức ăn bên dưới chỉ giúp giảm nguy cơ trào ngược axit, từ đó kiểm soát các triệu chứng trào ngược:

  • Rau xanh như bông cải trắng, súp lơ, dưa leo, măng tây, dưa leo, khoai tây
  • Gừng
  • Yến mạch
  • Trái cây không thuộc họ cam và quýt như chuối, táo, lê, bơ
  • Thịt nạc, hải sản
  • Thực phẩm chứa chất béo tốt như hạt óc chó, dầu ô liu, dầu mè, dầu hướng dương.

Những thực phẩm mà người bị trào ngược dạ dày nên hạn chế ăn là:

  • Đồ ăn chiên rán, bơ, sữa, phô mai nguyên kem, 
  • Một số loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu
  • Cam, bưởi, dứa, cà chua, chanh
  • Rượu bia, cà phê, nước uống có ga.
Trào ngược dạ dày nên ăn và kiêng gì?
Cam và bưởi là thực phẩm người bị dạ dày nên hạn chế (Nguồn: Internet)

Bị trào ngược dạ dày nên làm gì?

Khi bị trào ngược bao , bạn có thể áp dụng cách nằm ngủ với chiếc gối được kê cao. Thay vì dạ dày và thực quản được tạo thành đường thẳng khi ở tư thế nằm phẳng, bạn chỉ cần nâng cao đầu bằng một chiếc gối. Từ đó, thức ăn sẽ khó bị trào ngược lên trên hơn, giảm triệu chứng ợ chua, buồn nôn làm ảnh hưởng đến giấc ngủ. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế nằm nghiêng khi ngủ vì sẽ làm chèn ép thực quản.

Mẹo chữa trào ngược dạ dày thực quản tại nhà

Nếu chỉ mới đang ở mức độ nhẹ, bạn có thể áp dụng những phương pháp chữa trào ngược dạ dày ngay tại nhà bằng những mẹo dân gian dưới đây.

Cách chữa trào ngược dạ dày bằng mật ong 

Mật ong chứa chất chống oxy hoá, có công dụng giảm sưng viêm hiệu quả, giúp vết thương được tái tạo nhanh hơn. Ngoài ra, độ pH của mật ong cũng giúp cân bằng axit trong dạ dày. Cách đơn giản nhất là ngậm một muỗng nhỏ mật ong hoặc pha với nước ấm.

Cách chữa trào ngược dạ dày bằng mật ong 
Mật ong có khả năng kháng viêm, giảm sưng (Nguồn: Internet)

Cách trị trào ngược dạ dày bằng củ nghệ 

Nghệ là loại gia vị không còn xa lạ trong nền ẩm thực Việt. Ngoài dùng để nấu ăn, nó còn có công dụng kháng khuẩn, kháng viêm vì thành phần chứa hàm lượng curcumin khá cao. Nó vừa giúp vết loét ở dạ dày giảm sưng vừa trung hòa độ axit. Từ đó mà các triệu chứng của trào ngược bao tử bị đẩy lùi.

Bạn có thể thêm nghệ trong các món ăn hàng ngày hoặc chế biến theo 2 cách sau: 

  • Uống nghệ với mật ong: Pha 1 muỗng mật ong, 3 muỗng bột nghệ với 100ml nước ấm rồi khuấy đều. Bạn uống trước bữa ăn 30 phút. 
  • Uống nghệ với tiêu đen: Hãm hai nguyên liệu này với nước sôi theo tỉ lệ 1 nghệ: ¼ bột tiêu đen. Đợi các chất chất lắng lại thì bạn rót để uống.
Mẹo chữa trào ngược dạ dày thực quản tại nhà bằng củ nghệ
Nghệ kết hợp với tiêu đen có tác dụng điều trị bệnh dạ dày (Nguồn: Internet)

Chữa trào ngược dạ dày sử dụng Baking Soda 

Trong căn bếp của hầu hết mọi gia đình đều có baking soda. Nó có khả năng sát khuẩn, làm sạch vết thương bị nhiễm trùng và ngăn ngừa vi khuẩn lây lan trong niêm mạc thực quản. Hơn nữa, nó còn có thể trung hoà axit, giảm bớt cảm giác rát buốt. Bạn pha 1 muỗng baking soda với 200ml nước sôi để nguội, uống từ 2 – 3 lần/ngày. Tuy nhiên, bạn không nên áp dụng trong thời gian dài vì sẽ làm cơ thể tích nước, buồn nôn.

Chữa trào ngược dạ dày sử dụng Baking Soda
Baking soda giúp trung hòa axit trong dạ dày (Nguồn: Internet)

Hy vọng rằng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ những triệu chứng thường gặp và mức độ nguy hiểm của trào ngược dạ dày. Để có thể cập nhật thêm kiến thức về sức khỏe thường xuyên, mời bạn truy cập Tin tức y tế. Nếu có nhu cầu cần giải đáp thắc mắc về vấn đề sức khỏe, bạn có thể liên hệ qua HOTLINE để được tư vấn miễn phí hoặc truy cập TẠI ĐÂY để đặt lịch hẹn trực tiếp với đội ngũ bác sĩ tại Hệ thống các Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.