Tin tức y tế

Táo mèo là gì? Công dụng của táo mèo trong chữa bệnh

14/11/2023

Táo mèo là một trong những đặc sản nổi tiếng của vùng Tây Bắc nước ta. Loại quả này thường dùng trong Đông y để điều trị các bệnh về máu nhiễm mỡ, cao huyết áp, đau dạ dày, tim mạch và giúp ích khí bổ thận, cải thiện sắc vóc. Trong bài viết dưới đây, Hoàn Mỹ sẽ cung cấp thêm cho bạn những thông tin chi tiết về công dụng của táo mèo đối với sức khỏe.

Táo mèo là gì?

Táo mèo còn được biết đến với tên gọi khác là Sơn tra, có tên khoa học là Rosacea, là một loại cây thuộc họ Hoa hồng. Đây là loại cây lấy quả, thu hái vào mùa thu và mỗi năm chỉ ra trái một mùa.

Đặc điểm và phân bố của quả táo mèo

  • Táo mèo là một loại cây thân gỗ, mọc ở khắp các thung lũng, triền núi ở độ cao 1.500m so với mực nước biển. Táo mèo thuộc loại cây ưa sáng và ưa khí hậu ẩm của vùng nhiệt đới núi cao.
  • Chiều cao của cây táo mèo trung bình từ 2 – 5 mét, thân cây có nhiều gai, màu nâu xám. Lá thon và dài, có hình mũi mác, đầu nhọn, mọc thành cụm trên các cành non. Hoa của cây táo mèo mọc và nở thành từng cụm, mỗi cụm có 3 – 5 bông. Loài hoa này có màu trắng, cánh hoa thuôn dài, ra hoa từ khoảng tháng 2 – 3.
  • Quả táo mèo có hình cầu với đường kính từ 2–3 cm, khi còn non có lông tơ, lúc chín có màu vàng, vị chát, chua dịu hoặc hơi ngọt. Mùa sai quả nhất thường từ tháng 8 – 9.
  • Táo mèo phân bổ nhiều ở các sườn núi, ven suối, các bụi rậm ở độ cao 2000 – 3000 mét, được tìm thấy nhiều ở các nước Ấn Độ, Nepal, Thái Lan, vùng Tây Nam Trung Quốc, Bhutan. Ở Việt Nam, táo mèo xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền núi như Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, Yên Bái, Lai Châu…

Thành phần hóa học của táo mèo

  • Quả táo mèo chứa nhiều chất dinh dưỡng đa lượng. Các thành phần hóa học của táo mèo bao gồm: Protein, carbohydrate, chất béo, chất đạm, axit béo, axit hữu cơ, đường tự do – monosaccharide (bao gồm fructose và glucose), disaccharides (maltose và saccharose), vitamin C, vitamin B2, khoáng chất, canxi, ursolic, acid citric, acid caffeic.
  • Ngoài ra, táo mèo còn chứa chì, sắt, tanin, acetylcholine, phytosterrin. Các thành phần hóa học trong táo mèo có tác dụng kháng khuẩn và tốt cho hệ tim mạch.

Phân loại táo mèo

Có 2 loại táo mèo thường thấy là táo mèo tươi và táo mèo khô.

Táo mèo tươi

Táo mèo tươi sau khi thu hoạch, rửa sạch là có thể ăn được. Quả căng bóng, giòn, khi ăn có vị chua, chát, ngọt nhẹ và thanh dịu. Quả táo mèo tươi có thể được chế biến thành các loại đặc sản khác nhau như ngâm rượu táo mèo, ngâm đường hay làm giấm…

Táo mèo khô

Táo mèo khô được chế biến qua quá trình sơ chế, sấy khô từ quả táo mèo tươi, là sản phẩm đặc trưng của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Thường dùng để ngâm rượu hoặc sắc thuốc uống. Các công đoạn làm ra táo mèo khô đều không sử dụng hóa chất và chất bảo quản.

>>> Xem thêm:

  • Công dụng của trái trâm đặc sản mùa hè và lưu ý khi ăn
  • Lợi ích sức khỏe của bí ngòi và các tác hại
Táo mèo là gì?
Táo mèo là gì? (Nguồn: Internet)

Quả táo mèo ăn sống được không?

Táo mèo có thể ăn sống được, nhưng vì táo có vị chát và hơi khó ăn nên thường được chế biến thành nhiều món khác nhau như ăn chung với muối ớt, ngâm đường, ngâm rượu, ngâm mật ong… Đa số táo mèo đều cần được chế biến sơ qua để dễ ăn hơn và có thể bảo quản tốt hơn.

Quả táo mèo ăn sống được không?
Quả táo mèo có thể ăn sống hoặc chế biến thành nhiều món ăn (Nguồn: Internet)

Công dụng của quả táo mèo

Quả táo mèo mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Một vài công dụng nổi bật của quả táo mèo như:

Theo y học cổ truyền:

  • Táo mèo có công dụng tán huyết ứ, thanh nhiệt, giảm chướng bụng, đầy hơi, kích thích tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa, bệnh gan do tác hại của bia rượu… 
  • Về đặc tính, tác dụng y học của quả táo mèo đã được lưu trong tài liệu Đông y từ xưa đến nay. Tên của loại thuốc táo mèo có trong một số cuốn sách thảo dược nổi tiếng như Bản thảo sơ kinh, Nhật dụng bản thảo, Bản thảo cương mục…

Theo y học hiện đại:

  • Hỗ trợ tiêu hóa: Chiết xuất từ táo mèo có tác dụng thúc đẩy hoạt động của các enzyme tiêu hóa trong dạ dày, tạo cảm giác ngon miệng khi ăn, giúp ngăn ngừa và đẩy lùi nguy cơ Thiếu máu cơ tim.
  • Bảo vệ tim mạch: Táo mèo có hàm lượng axit amin cao, giúp thúc đẩy quá trình bài tiết cholesterol có hại ra ngoài cơ thể, hạ lipid trong máu, giảm xơ vữa động mạch. Đồng thời, loại quả này còn có tác dụng cường tim, hạ áp, tăng cường lưu lượng mạch vành, bảo vệ hệ thống tim mạch.
  • Bảo vệ gan: Hoạt chất có trong táo mèo giúp hỗ trợ giải độc gan. ngăn ngừa các bệnh về gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan do virus và Bệnh gan tự miễn.
  • Điều trị mất ngủ: Loại quả này được xem là dược liệu có tác dụng an thần, giúp dễ ngủ hơn, điều trị các chứng rối loạn giấc ngủ, ngủ không sâu giấc.
  • Hỗ trợ giảm cân: Giảm lượng chất béo, đặc biệt là chất béo no, đây là loại chất béo có hại cho cơ thể. Từ đó giúp giảm cân và mang đến một cơ thể săn chắc và thon gọn.
  • Làm đẹp da: Nước và hỗn hợp giấm của táo mèo có tác dụng giảm tình trạng của mụn, ngăn ngừa sự tích tụ của bã nhờn, làm sạch và se khít lỗ chân lông, giúp da trắng sáng.
  • Tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch: Hàm lượng vitamin C trong quả táo mèo giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng cho cơ thể, đồng thời, ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, cảm cúm, cảm lạnh.
  • Ức chế vi khuẩn: Khả năng sát khuẩn tốt, giúp ngăn chặn và tiêu diệt các loại vi khuẩn gây bệnh như bạch hầu, liên cầu beta, tụ cầu vàng, trực khuẩn thương hàn,…
Công dụng của quả táo mèo
Táo mèo giúp hỗ trợ giấc ngủ, làm đẹp da,… (Nguồn: Internet)

Cách dùng và liều lượng

Tùy vào từng đối tượng, mục đích sử dụng mà có cách dùng và liều dùng táo mèo khác nhau. Loại quả này thường được dùng bằng cách sắc thuốc uống, nấu thành cao lỏng hoặc ngâm rượu.

Táo mèo có thể được dùng ở dạng tươi, dạng khô hoặc được dùng kết hợp với nhiều loại thuốc khác. Liều dùng được khuyên dùng mỗi ngày khoảng từ 5 – 10g ở dạng nước sắc, tùy từng trường hợp mà điều chỉnh liều dùng phù hợp.

Cách dùng và liều dùng táo mèo
Tùy vào mục đích sử dụng mà cách dùng và liều lượng táo mèo sẽ khác nhau (Nguồn: Internet)

Các bài thuốc Đông Y từ quả táo mèo

Dược liệu táo mèo mang nhiều công dụng hữu ích cho sức khỏe. Dưới đây là một số bài thuốc Đông Y từ loại quả này mà bạn có thể tham khảo:

Chữa chứng đầy bụng

Dùng khoảng 30g táo mèo khô, đem sắc lấy nước uống, nấu thuốc đến khi còn khoảng 300ml thì ngưng, chắt lấy nước thuốc sử dụng. Uống khi thuốc còn nóng và dùng trong ngày.

Chữa rối loạn mỡ máu

Lấy 50g táo mèo tươi, thái thành miếng mỏng sau đó nấu chung với gạo. Nấu đến khi gạo mềm thành cháo, thêm đường phèn, đun nhỏ lửa thêm khoảng 5 phút thì tắt bếp. Cháo được chia ra làm 2 bữa ăn trong ngày.

Chữa Huyết áp cao kèm táo bón kéo dài

Lấy 12g táo mèo đã sao đen và thảo quyết minh, 9g hoa cúc trắng, tán mịn các dược liệu rồi đem đi hãm với nước sôi khoảng 20 phút. Uống thay trà với liều lượng 1 thang trong ngày.

Dùng cho người cao huyết áp, béo phì

Chuẩn bị 15g táo mèo, 20g hạ diệp, tán mịn các dược liệu rồi pha chung với nước sôi, hãm trong khoảng 20 phút. Uống thay trà với liều lượng 1 thang trong ngày.

Bài thuốc thanh nhiệt, trừ đàm

Dùng 10g táo mèo, 10g cúc hoa, 10g lá chè tươi, đem hãm chung với nước sôi trong khoảng 15 – 20 phút. Uống thay trà với liều lượng 1 thang trong ngày.

Chữa gan nhiễm mỡ

Chuẩn bị 30g táo mèo sống, 20g mã đề, 15g đan sâm, 15g hà thủ ô sống, 15g thảo quyết minh, 15g hổ trương, 15g hoàng kỳ, 15g hà diệp, đem sắc lấy nước thuốc uống. Dùng với liều lượng mỗi ngày một thang thuốc.

Bài thuốc chữa viêm đại tràng cấp

Dùng khoảng 60g quả táo mèo, đem đi sao nhẹ, sau đó trộn chung loại dược liệu này với 300ml rượu trắng, tiếp tục sao cho đến khi rượu khô lại. Cho thêm 200ml nước nấu trong 15 phút, lọc bỏ bã, thêm 60g đường đỏ vào khuấy đều đến khi tan hết. Uống khi thuốc còn nóng.

>>> Xem thêm:

  • Hoa đậu biếc là gì? Lợi ích và tác hại của loại thực vật này
  • Lợi ích cho sức khỏe của dâu tây và lưu ý khi dùng
Các bài thuốc Đông Y từ quả táo mèo
Các bài thuốc Đông Y từ quả táo mèo (Nguồn: Internet)

Những người cần lưu ý khi ăn táo mèo

Sau đây là các đối tượng cần cẩn trọng khi sử dụng táo mèo:

  • Phụ nữ mang thai nên tránh ăn táo mèo vì điều này gây kích thích co bóp tử cung, rối loạn tử cung. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ sinh non.
  • Người có vấn đề về dạ dày không nên ăn táo mèo vì loại quả này có vị chua, tạo lượng axit cao gây tổn thương cho dạ dày.
  • Người mắc bệnh về tim tránh ăn hoặc sử dụng các loại rượu ngâm từ táo mèo vì trong rượu có chứa ursolic, etylic. Khi các chất này đi vào cơ thể làm cho hồng cầu trong máu tăng lên, tim đập nhanh hơn, gây ảnh hưởng đến tim mạch.

Ngoài ra, cần lưu ý không ăn táo mèo kết hợp với các loại hải sản. Trong loại quả này chứa axit tannic, khi kết hợp các khoáng chất và protein có trong hải sản sẽ gây ra tình trạng buồn nôn, đau bụng, táo bón.

Những người cần lưu ý khi ăn táo mèo
Những người cần lưu ý khi ăn táo mèo (Nguồn: Internet)

Bài viết trên đây là các thông tin chi tiết về táo mèo mà Hoàn Mỹ đã cung cấp. Để cập nhật thêm những thông tin bổ ích về y học, vui lòng truy cập ngay chuyên mục Tin tức y tế. Ngoài ra, để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.