Tin tức y tế

Tam thất là gì? Tác dụng của củ tam thất với sức khoẻ

28/07/2023

Tam thất là loại thảo dược quý thuộc họ nhân sâm, hỗ trợ chữa một số loại bệnh phổ biến và rất tốt cho những người bị thiếu máu, suy nhược cơ thể hay phụ nữ sau sinh. Vậy tam thất là gì? Tác dụng của củ tam thất với sức khoẻ là như thế nào? Hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu chi tiết hơn trong bài viết dưới đây.

Củ tam thất là gì?

Tam thất là loại cây cỏ nhỏ, sống lâu năm và thường mọc ở những vùng núi cao ẩm mát như Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Lai Châu,… Mỗi cây thường có khoảng 3 – 6 lá mọc đối xứng nhau ở phần than trên, mép lá có răng cưa nhỏ. Đặc biệt, cây tam thất chỉ mọc duy nhất một cụm hoa hình cầu dẹt, khi chín có màu đỏ và hạt màu trắng.

Có thể sử dụng phần củ, thân nhánh, hoa và nụ của cây tam thất. Tuy nhiên, phần rễ củ thường được sử dụng nhiều nhất để làm dược liệu tốt cho sức khoẻ. Củ tam thất còn có tính ôn, vị đắng pha lẫn chút ngọt và thường có tên gọi khác là thổ sâm, kim bất hoán hoặc củ kim bát hoàn. Tuỳ theo thổ nhưỡng mà màu sắc của củ tam thất có thể khác nhau: Đen, xám hoặc vàng.

Thành phần chính có trong củ tam thất là saponin (4,42 – 12%), ginsenoside Rg1, ginsenoside Rb1, ginsenoside Re, notoginsenoside R1. Ngoài ra, chúng còn chứa 1 lượng tinh dầu (α-guaien, β-guaien và octadecan), flavonoid, phytosterol và các chất axit amin khác,…

>>> Xem thêm:

Củ tam thất là gì
Củ tam thất thường mọc ở những vùng núi cao ẩm mát như Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Lai Châu (Nguồn: Internet)

Tác dụng của củ tam thất trong Tây y hiện đại

Với thành phần hóa học gồm saponin, các loại axit, flavonoid, tinh dầu,… được đánh giá cao, loài cây này có tác dụng dược lý phong phú trong Tây y:

Ngăn ngừa tổn thương não do xuất huyết nội sọ

Củ tam thất chứa saponin có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, chống ung thư, đồng thời giảm cholesterol và cân bằng hệ miễn dịch. Ngoài ra, khi kết hợp với chất noto ginsenosid, dược liệu này có thể ức chế khả năng thẩm thấu của mao mạch, hạn chế tổn thương ở vỏ não do thiếu máu, từ đó giảm mức độ nghiêm trọng khi bị sưng (phù nề) hoặc tụ máu não.

Điều trị rối loạn sinh sản

Theo nghiên cứu, hoạt chất trong tam thất có tác dụng tương tự như nội tiết tố sinh dục, tức là hỗ trợ các hoạt động chuyển hóa, trao đổi chất, tăng trưởng và phát triển của cơ thể. Trong điều trị rối loạn sinh sản ở phụ nữ, củ tam thất còn hỗ trợ khí huyết lưu thông tốt và loại bỏ các vấn đề do huyết hư mang lại như chóng mặt, mất ngủ, ù tai, da khô,…

Giúp giảm huyết áp

Tam thất có thành phần tốt cho hệ tim mạch, giúp tăng khả năng điều hòa huyết áp, do đó thường được sử dụng để điều trị một số bệnh như tăng huyết áp, hoa mắt chóng mặt, đau đầu, ù tai,…

Tuy nhiên, người bệnh không nên lạm dụng loại dược liệu này mà cần có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ để việc điều trị được an toàn và hiệu quả.

Bảo vệ tim

Củ tam thất được sử dụng để cải thiện khả năng tuần hoàn máu, chống viêm mạch máu, tiêu trừ máu đông và phân hủy chất béo xấu. Từ đó làm giảm chứng đau thắt ngực và tổn thương cơ tim, phục hồi lưu lượng máu và giãn mạch hiệu quả.

Tăng cường trí nhớ

Một trong những tác dụng của củ tam thất là kích thích hệ thần kinh nhờ vào các hoạt chất trong thành phần, giúp cải thiện trí nhớ, hỗ trợ giảm stress và chống căng thẳng.

Ngăn ngừa, điều trị ung thư

Thành phần panacrin trong cây tam thất còn giúp hạn chế sự di căn của các tế bào ung thư. Vì vậy gần đây, loại thảo dược này đã được dùng để hỗ trợ điều trị trong một số trường hợp Ung thư như ung thư máu, phổi, vòm họng, tử cung, tuyến tiền liệt,…

Chống lão hóa

Trong rễ cây tam thất có chứa panax notoginseng saponin. Đây là hợp chất vàng với khả năng hoạt huyết, lưu thông máu, làm trắng và loại bỏ tàn nhang. Kết hợp với các chất chống oxy hóa như acid oleanolic càng gia tăng hiệu quả trong việc chống lão hóa, loại bỏ các gốc tự do và tăng cường hệ miễn dịch.

Kháng viêm

Nhờ vào hợp chất saponin có trong thành phần, sử dụng củ tam thất có khả năng kháng viêm, hỗ trợ giảm kích thước của u bướu.

>>> Xem thêm:

Tác dụng của củ tam thất trong Đông y

Theo Y học cổ truyền, củ tam thất có thể sử dụng để hỗ trợ điều trị một số bệnh như:

Cầm máu, bổ máu

Chị em phụ nữ sau khi sinh cần nhanh chóng lấy lại sức khỏe nên ưu tiên dùng tam thất để bổ sung khí huyết. Đây cũng là vị thuốc có khả năng cầm máu, tiêu sưng nhanh chóng và hữu hiệu.

Chữa chướng, đau bụng

Trong củ tam thất chứa saponin thuộc nhóm C1 có thể điều tiết quá trình tổng hợp và phân giải, vì vậy hỗ trợ điều trị tốt những bệnh lý về dạ dày hay tình trạng khó tiêu, chướng bụng, đau bụng,…

Tác dụng của củ tam thất trong Đông y
Hoạt chất saponin trong củ tam thất hỗ trợ điều trị bệnh lý về dạ dày (Nguồn: Internet)

Điều hòa kinh nguyệt

Nếu bị kinh nguyệt không đều do huyết ứ, phụ nữ có thể dùng loại thảo dược này để điều hòa lại. Tam thất cũng được xem là vị thuốc tốt trong nhóm dược liệu bổ máu, giúp bù đắp tình trạng hao hụt máu sau kỳ kinh nguyệt hoặc sinh con.

Cách chế biến tam thất phổ biến

Hiện nay, có khá nhiều cách chế củ tam thất, mỗi cách sẽ mang đến công dụng điều trị bệnh khác nhau. Thông thường loại thảo dược này sẽ được chế biến theo 3 cách:

  • Dùng trực tiếp: Sau khi rửa sạch phần rễ tam thất, giã nát và đắp lên vị trí vết thương.
  • Dùng sống: Rửa sạch rễ cây, đem phơi hoặc sấy khô. Sau đó thái ra hoặc nghiền thành bột tam thất tùy theo nhu cầu. Cách này thường dùng để điều trị các trường hợp như bị xuất huyết, đại tiện ra máu tươi, đau thắt ngực do thiểu năng mạch vành, bệnh gan,…
  • Dùng chín: Phù hợp cho những người bị suy nhược, khí huyết kém.
    • Cách 1: Rửa sạch rễ, lá và thân, ủ rượu cho mềm rồi thái mỏng, đảo trong chảo nóng, sau đó nghiền thành bột.
    • Cách 2: Sau khi rửa sạch và thái mỏng thì sao lên với dầu thực vật cho đến khi phần rễ chuyển thành màu vàng nhạt, đem nghiền thành bột.

Liều dùng tam thất thích hợp là sắc 5 – 10g lấy nước uống đều đặn mỗi ngày hoặc sử dụng 1.5 – 3.5g bột tam thất. Lưu ý, không nên lạm dụng dược liệu này thay cho thuốc điều trị đặc hiệu.

Cách chế biến tam thất phổ biến
Củ tam thất có thể chế biến bằng cách nghiền thành bột (Nguồn: Internet)

Đối tượng nào không nên sử dụng tam thất

Tuy được dùng nhiều trong các bài thuốc dân gian nhưng không phải trường hợp bệnh nào cũng lạm dụng loại dược liệu này. Đặc biệt, những đối tượng sau không nên dùng tam thất:

  • Người bị cảm mạo: Theo Y học cổ truyền, tam thất có tính hàn, có thể khiến cho các triệu chứng cảm lạnh trầm trọng hơn, do đó không phù hợp với người đang mắc bệnh này.
  • Người mẫn cảm với thành phần: Nếu chưa từng dùng qua vị thuốc này trước đây, bạn cần tránh sử dụng liều lượng lớn ngay từ lần đầu tiên mà nên thử một ít để biết cơ thể có mẫn cảm với thành phần hay không. Khi xuất hiện các triệu chứng dị ứng, người bệnh cần ngừng ngay để kịp thời theo dõi.
  • Phụ nữ có thai: Phụ nữ đang mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu không nên sử dụng loại dược liệu này. Tuy đây là giai đoạn có những biến đổi về máu và nội tiết khá lớn cần tăng cường bổ sung nhưng tam thất lại có tác dụng tiêu huyết, tiêu u nên dễ gây động thai, sảy thai.
  • Phụ nữ trong thời kỳ hành kinh: Thành phần của dược liệu này có khả năng thúc đẩy quá trình lưu thông máu và loại bỏ tình trạng huyết ứ. Do đó, sử dụng trong kỳ kinh nguyệt có thể gia tăng lượng máu so với thông thường.
  • Trẻ vị thành niên: Bột tam thất nếu không dùng đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em do chức năng tạng phủ chưa đủ mạnh.
Đối tượng nào không nên sử dụng tam thất
Phụ nữ có thai nên cân nhắc khi dùng loại dược liệu này (Nguồn: Internet)

Lưu ý khi sử dụng tam thất

Để sử dụng tam thất hỗ trợ bồi bổ sức khỏe và điều trị bệnh, người dùng nên lưu ý:

  • Không nên sử dụng tam thất trong thời gian dài nếu có thân nhiệt cao hơn bình thường bởi vì có thể gây mẫn cảm, mọc mụn, ngứa ngáy,…
  • Loại thảo dược này có thể chứa các hoạt chất gây tương tác với một số thuốc hay thực phẩm chức năng đang sử dụng, do đó cần hỏi ý kiến bác sĩ điều trị trước khi sử dụng, đặc biệt là với trẻ em.
  • Kim bất hoán được đánh giá cao nhờ vào thành phần có lợi cho sức khỏe, thế nhưng không nên tự ý sử dụng, tránh trường hợp dùng không đúng mục đích và liều lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hy vọng bài viết đến từ chuyên mục Tin tức y tế sẽ giúp bạn hiểu thêm về tam thất và công dụng của loại thảo dược này trong quá trình hỗ trợ điều trị và chăm sóc sức khỏe. Để được tư vấn miễn phí tại Hệ thống các Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, xin liên hệ với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY.

Câu hỏi liên quan: 

Củ tam thất có tác dụng gì?

Theo y học cổ truyền, củ tam thất có công dụng cầm máu, tiêu ứ máu khi bị chấn thương va đập, hỗ trợ điều trị nôn ra máu, ho ra máu, chảy máu cam, giảm đau nhức và chướng bụng,…

Tác dụng của tam thất ngâm mật ong là gì?

Tam thất mật ong là bài thuốc tốt cho sức khoẻ, giúp điều trị các bệnh về tiêu hoá, hỗ trợ điều trị Ung thư và chữa bệnh Thiếu máu hiệu quả.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.