Tin tức y tế

Hướng dẫn cách thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung

23/11/2023

Ung thư cổ tử cung là một trong các bệnh lý nguy hiểm ở nữ giới. Theo thống kê, số ca mắc bệnh tại Việt Nam lên tới hơn 4.000 ca mỗi năm, trong đó có khoảng 2.000 ca tử vong. Do đó, việc tầm soát Ung thư cổ tử cung là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của nữ giới. Trong bài viết này, hãy cùng Hoàn Mỹ tham khảo cách thực hiện tầm soát Ung thư cổ tử cung.

>>> Xem thêm:

Ung thư cổ tử cung là gì?

Đây là một loại Ung thư ác tính, xuất hiện từ sự phát triển không bình thường của các tế bào biểu mô lát hoặc tế bào biểu mô tuyến và tạo thành khối u trong cổ tử cung. Khi các khối u này phát triển mất kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận như âm đạo, trực tràng, phổi,…

>>> Xem thêm: Kinh nguyệt không đều: Nguyên nhân và phương án điều trị

Tình trạng ung thư cổ tử cung
Tình trạng Ung thư cổ tử cung (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân dẫn đến Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung thường phát triển do nhiễm virus HPV (Human Papillomavirus), lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục không an toàn. Khi xâm nhập vào cơ thể, HPV thường không gây ra dấu hiệu rõ ràng và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, virus này sẽ từ từ gây ra sự biến đổi tế bào tử cung, dẫn đến ung thư.

Những ảnh hưởng của Ung thư cổ tử cung đối với sức khỏe

Ung thư cổ tử cung có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe của người mắc bệnh, bao gồm:

  • Gây ra những triệu chứng khó chịu: Đau bụng dưới, chảy máu âm đạo, tái phát nhiều lần,…
  • Có thể gây vô sinh: Khi bệnh phát triển nặng thành khối u ác tính sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản ở nữ giới, thậm chí nếu bệnh nghiêm trọng có thể phải cắt bỏ tử cung, buồng trứng,…
  • Dẫn đến suy thận: Nếu khối u phát triển mất kiểm soát và lây lan ra các cơ quan khác của cơ thể như niệu quản, sẽ làm ảnh hưởng đến hệ tiết niệu, lâu ngày sẽ dẫn đến sưng thận, giảm chức năng thận, suy thận
  • Khối u ác tính di căn: Tế bào Ung thư di căn sẽ làm việc điều trị trở nên khó khăn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, thậm chí có thể tử vong. 

>>> Xem thêm: Viêm âm đạo: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị

Những ảnh hưởng của ung thư cổ tử cung đối với sức khỏe
Những ảnh hưởng của Ung thư cổ tử cung đối với sức khỏe (Nguồn: Internet)

Đối tượng nên thực hiện tầm soát

Những đối tượng nên thực hiện tầm soát Ung thư cổ tử cung:

  • Quan hệ tình dục sớm từ khi còn là trẻ vị thành niên, có lối sống sinh hoạt tình dục không an toàn và có nhiều đối tác cùng lúc.
  • Phụ nữ mang thai từ dưới 20 tuổi hoặc mang thai nhiều lần.
  • Thường xuyên hút thuốc và dùng chất kích thích, rượu bia,…
  • Người có hệ miễn dịch suy yếu.
  • Người đã hoặc đang mắc các bệnh xã hội như HIV, bệnh lậu, bệnh giang mai và viêm cổ tử cung mãn tính trong thời gian dài.

Ngoài ra, các dấu hiệu ung thư cổ tử cung bao gồm:

  • Xuất huyết âm đạo không bình thường.
  • Đau và rát ở vùng kín sau quan hệ tình dục.
  • Dịch âm đạo thay đổi màu sắc và có mùi (vàng, xanh hoặc có màu máu).
  • Rối loạn kinh nguyệt.
  • Đau ở nhiều ở xương chậu hoặc lưng dưới.
  • Máu xuất hiện trong nước tiểu.
  • Sưng đau ở vùng chân do khối u chèn ép lên các dây thần kinh gần đó.

Các bước thực hiện tầm soát Ung thư cổ tử cung

Việc tầm soát Ung thư cổ tử cung sớm không chỉ giúp phát hiện bệnh để kịp thời chữa trị, mà còn tiết kiệm thời gian và chi phí để thực hiện điều trị. Chuyên gia y tế khuyên phụ nữ nên thực hiện kiểm tra định kỳ. Các bước tầm soát ung thư cổ tử cung là: 

  • Khám phụ khoa: Bác sĩ sẽ kiểm tra trực tiếp cổ tử cung để phát hiện các dấu hiệu lâm sàng cảnh báo nguy cơ mắc bệnh.
  • Sử dụng siêu âm đầu dò âm đạo tử cung: Để kiểm tra tử cung và các phần phụ khác của cơ thể.
  • Xét nghiệm HPV và Pap Smear: Để phát hiện các tế bào bất thường ở cổ tử cung, bao gồm kiểm tra virus HPV và xét nghiệm Pap Smear.
  • Sinh thiết cổ tử cung: Được thực hiện đối với trường hợp có kết quả xét nghiệm không bình thường, để lấy mẫu tế bào kiểm tra chi tiết.
  • Thông tin kết quả và tư vấn: Bác sĩ sẽ trình bày kết quả, giải thích ý nghĩa các thông số, và cung cấp hướng dẫn chi tiết về chăm sóc sức khỏe và phương án điều trị nếu mắc bệnh.

>>> Xem thêm: Rong kinh là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa

Các bước thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung
Các bước thực hiện tầm soát Ung thư cổ tử cung (Nguồn: Internet)

Kết quả tầm soát bất thường thì nên làm gì?

Khi nhận được kết quả tầm soát Ung thư cổ tử cung bất thường, không đồng nghĩa với việc người bệnh đã mắc ung thư. Có những trường hợp sẽ tự khỏi nếu những biến đổi tế bào nhẹ và không nguy hiểm, hoặc có thể mất vài năm tế bào bệnh mới phát triển thành ung thư. 

Có thể bác sĩ sẽ đề nghị người bệnh thực hiện thêm vài xét nghiệm khác để có thể chẩn đoán chính xác hơn. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp không chỉ xét nghiệm mà còn phải làm thêm sinh thiết cổ tử cung để kiểm tra mức độ nghiêm trọng của bệnh. 

Nếu kết quả cuối cùng xác định rằng mắc bệnh Ung thư cổ tử cung, người bệnh cần phải tiến hành điều trị ngay, để loại bỏ những tế bào ung thư và theo dõi điều trị chuyên khoa để đảm bảo an toàn. 

Một số câu hỏi thường gặp 

Tầm soát Ung thư cổ tử cung bao lâu 1 lần?

Xét nghiệm Pap smear (xét nghiệm tế bào Pap) nên được thực hiện 3 năm/lần còn xét nghiệm HPV (Human Papillomavirus) 5 năm/lần.

Tầm soát Ung thư cổ tử cung có đau không?

Với y học hiện đại hiện nay, quá trình này diễn ra rất nhanh chóng và không gây đau nên người bệnh không cần quá lo lắng. 

Tầm soát Ung thư cổ tử cung bao lâu thì có kết quả?

Thông thường tầm soát Ung thư cổ tử cung sẽ có kết quả sau 7-10 ngày. Hãy lựa chọn những địa chỉ bệnh viện, cơ sở y tế uy tín để đảm bảo kết quả chính xác và thời gian trả kết quả nhanh chóng.

Hy vọng những chia sẻ trong bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tầm soát Ung thư cổ tử cung. Hãy thực hiện tầm soát để bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình từ hôm nay. Ngoài ra, nếu cần tư vấn về sức khỏe hoặc đặt lịch thăm khám tại hệ thống bệnh viện Hòa Mỹ trên toàn quốc hãy liên hệ HOTLINE và đặt lịch thăm khám TẠI ĐÂY. Đừng quên truy cập Tin tức y tế để cập nhật nhiều tin tức hữu ích về sức khỏe.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.