Tin tức y tế

Ô mai: Vị thuốc quý ẩn trong loại quả quen thuộc

15/11/2023

Ô mai là món ăn vặt khá quen thuộc ở Việt Nam với nhiều tên gọi khác như xí muội, mơ đen, mơ muối,… Tuy nhiên, ít ai biết nó còn là “vị thuốc quý” mang lại nhiều lợi ích trong việc chăm sóc sức khỏe. Cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu những công dụng bất ngờ của loại quả này qua bài viết sau đây! 

>>> Xem thêm:

  • Hoa cúc trắng: Đặc điểm, công dụng và một số lưu ý
  • Ăn nấm rơm có tốt không? Tác dụng của nấm rơm

Tổng quan về cây ô mai

Cây ô mai cao khoảng 5-6m, thân cây có đường kính lên tới 40cm. Phần gốc lá cây có hình tròn hoặc hình trái tim, mũi nhọn và ngắn phần đầu. Những bông hoa có màu trắng, đường kính từ 2-4,5cm, mọc đơn hoặc mọc theo cặp vào đầu xuân. Quanh quả ô mai có lông tơ, khi chín có màu vàng kèm vài đốm nhỏ màu đỏ.

Quả ô mai chứa các acid hữu cơ như: lycopin, α-carotein, citric, tartric, carotenoid, các flavonoid quercetin, isoquercetin, các vitamin B1, B5, A. Trong hạt có chứa 35-40% dầu ethereal amygdalin, dầu béo và các men emulsin, prunase, amygdalase.

Tổng quan về cây ô mai
Quanh quả ô mai có lớp lông tơ (Nguồn: Internet)

Công dụng của ô mai trong y học

Ô mai không chỉ được sử dụng trong y học cổ truyền, mà còn có nhiều trong các bài thuốc điều trị bệnh thường gặp của con người.

Công dụng trong y học cổ truyền

Trong Đông y, hạt ô mai có tính ôn, ít độc, vị đắng; còn quả  có vị chua với đặc tính mát. Vì vậy, loại quả này có công dụng giảm ho, khó thở, tiêu đờm và hỗ trợ quá trình tiêu hóa tốt hơn,… Ngoài ra, quả ô mai còn có tác dụng hỗ trợ chống Ung thư cổ tử cung, điều trị bệnh tiểu đường và ức chế các loại vi khuẩn gây bệnh.

Công dụng trong y học hiện đại

  • Quả dùng để chữa bệnh viêm họng, khàn tiếng, giun đũa, kiết lỵ, tiêu chảy kéo dài.
  • Dầu ô mai có thể làm thuốc bổ, thuốc nhuận tràng.
  • Nước hoa mơ ngâm đường có thể làm nước uống giải khát, giúp tăng sức đề kháng, chống mệt mỏi, ăn ngon hơn.
  • Tương tự, rượu mơ xanh giúp ăn ngon, hấp thu chất dinh dưỡng từ cá, thịt tốt hơn.
Công dụng của ô mai trong y học
Quả ô mai có công dụng giảm ho (Nguồn: Internet)

Cách bào chế và bảo quản ô mai

Cách bào chế:

  • Đầu tiên, hái những quả ô mai và phơi chúng khô dần cho đến khi quả co lại, nên phơi trong bóng râm, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. 
  • Sau đó, đun một lượng nước đủ và thêm các quả ô mai vào nồi, đợi đến khi quả bắt đầu nứt rồi vớt ra bát.
  • Tiếp tục phơi hoặc sấy khô quả ô mai cho đến khi chúng khô hoàn toàn và lớp vỏ bên ngoài nhăn lại.
  • Thực hiện lại những bước trên 3-4 lần cho tới khi ô mai có màu tím đen.

Cách bảo quản:

Để bảo quản ô mai, hãy đặt chúng ở nhiệt độ phòng, trong môi trường thoáng mát, kín gió. Có thể dùng gói hút ẩm để bảo quản trong thời gian lâu hơn.

Cách bào chế và bảo quản ô mai
Bảo quản ô mai trong môi trường thoáng mát (Nguồn: Internet)

Một số bài thuốc chữa bệnh từ ô mai

Thông thường, ô mai được dùng ở dạng thuốc sắc hoặc ăn trực tiếp. Để tăng hiệu quả điều trị, có thể kết hợp với các thành phần thảo dược khác như:

Trị ho thường hoặc ho kéo dài

  • Sắc ô mai cô đặc thành cao với lượng tùy ý. Có thể cho thêm một ít mật ong để uống trước khi đi ngủ. 
  • Người bệnh ho kéo dài cũng có thể sắc 12g ô mai với bán hạ, hạnh nhân, sinh khương, a giao mỗi loại 12g, cù túc xác 6g, tô diệp 8g, cam thảo 4g.

Điều trị tiêu chảy

Nghiền các thảo dược thành bột vo thành viên để uống. Hoặc có thể sắc nước uống với các loại nguyên liệu như: ô mai 12g, thương truật 12g, nhục đậu khấu 12g, đẳng sâm 12g, kha tử 12g, phục linh 12g, anh túc cá 6g, mộc hương 6g và cam thảo 4g.

Điều trị giun đũa

  • Trị giun đũa chui ống mật, đau bụng dữ dội: Tán các thảo dược thành bột mịn, kết hợp với mật ong, tạo thành viên và uống 2 lần/ngày, mỗi lần 8g. Nguyên liệu bao gồm: ô mai 12g, đường quy 12g, đẳng sâm 12g, phụ tử chế 12g, hoàng liên 6g, hoàng bá 6g, quế chi 8g, can xương 6g, xuyên tiêu 6g và tế tân 4g.
  • Trị đau bụng do giun đũa: Nguyên liệu bào chế gồm có ô mai 12g, mang tiêu 12g, binh lang 12g, đại hoàng 12g, chỉ thực 12g, vỏ rễ xoan 12g, mộc hương 6g, can khương 6g, tế tân 4g và xuyên tiêu 4g. Sắc thành nước uống hàng ngày.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ ô mai
Ô mai còn dùng để điều trị đau bụng do giun đũa (Nguồn: Internet)

Điều trị tiểu đường

Sử dụng ô mai, cát căn, thiên phấn, hoàng kỳ, mạch môn mỗi loại 10g và 3g cam thảo. Có thể sắc uống hoặc nghiền nát, vo thành viên. Sử dụng 2 lần/ngày, mỗi lần 6g.

Điều trị kiết lỵ

  • Sắc ô mai lấy nước và uống hàng ngày thay nước lọc.
  • Đối với các trường hợp kiết lỵ ra máu: Sử dụng 40g ô mai đã tách hạt, đốt và tán thành bột. Mỗi ngày sử dụng 8g. Nên dùng với nước cơm để tăng hiệu quả.

Điều trị viêm gan do virus

Lấy 40-50g ô mai sắc với 500ml nước đến khi còn 250ml, chia ra uống 2 lần/ngày. Có thể kết hợp với vitamin C và B để giảm tình trạng vàng da và men gan cao.

Điều trị tiêu chảy ở trẻ em

Kết hợp Bicarbonat Natri 0,25g với 1g ô mai (dành cho trẻ em dưới 1 tuổi) hoặc 1,5g ô mai (dành cho trẻ em trên 1 tuổi). Sử dụng 3 lần/ngày.

Nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo, bệnh nhân có thể tìm hiểu thông tin bổ sung về cây ô mai để điều trị bệnh sao cho hiệu quả nhất.

>>> Xem thêm:

  • TOP 7 lợi ích của sữa chua ngon miệng, tốt cho hệ tiêu hóa
  • Kali có vai trò gì đối với sức khỏe? Cách bổ sung kali hiệu quả

Lưu ý khi sử dụng ô mai trong chữa bệnh

Ngoại trừ những người bị dị ứng hoặc quá mẫn cảm với thành phần có trong ô mai, còn lại rất hiếm trường hợp bị tác dụng phụ do sử dụng loại quả này. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng không nên chủ quan khi sử dụng chúng để chữa bệnh.

  • Người bị Sốt rét hoặc kiết lỵ nhẹ không nên sử dụng ô mai để chữa bệnh.
  • Hết sức thận trọng khi sử dụng ô mai với người bị hen suyễn, vì có thể gây ra các cơn hen.
  • Ăn ô mai với lượng vừa phải bởi vì quả có vị chua nên ăn quá nhiều có thể gây tổn thương răng.
  • Tìm hiểu rõ nguồn gốc loại ô mai đang dùng bởi vì chúng có thể nhiễm độc từ nguồn nguyên liệu không đảm bảo chất lượng, sử dụng chất bảo vệ thực vật.
  • Không nên sử dụng những loại ô mai có màu sắc từ phẩm màu, chất phụ gia,… gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm hoặc rối loạn tiêu hóa, thậm chí là ung thư.
Lưu ý khi sử dụng ô mai trong chữa bệnh
Nên sử dụng ô mai có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng (Nguồn: Internet) 

Có thể nói, ô mai như một loại “thảo dược quý” để điều trị các bệnh thường gặp như: ho, đau bụng, tiêu chảy, tiểu đường, giun đũa… Tuy nhiên, các bài thuốc nên được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Nếu người bệnh muốn được tư vấn kỹ hơn, vui lòng gọi đến số HOTLINE của Hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc hoặc đặt lịch hẹn TẠI ĐÂY. Ngoài ra, đừng quên cập nhật những thông tin y tế mới nhất tại mục Tin tức y tế của website.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.