Tin tức y tế

Sắt là gì? Vai trò của sắt đối với cơ thể như thế nào?

16/11/2023

Sắt là khoáng chất quan trọng đối với cơ thể con người. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về vai trò và sự  cần thiết của loại khoáng chất này đối với sức khỏe. Trong bài viết sau, hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu sâu hơn về tầm quan trọng của sắt trong các hoạt động của cơ thể và những lưu ý khi bổ sung.

Sắt là chất gì?

Sắt là một thành phần không thể thiếu trong việc hình thành các khoáng chất, protein và huyết tương. Loại vi chất này là nhân tố tham gia vào quá trình tổng hợp hemoglobin – một protein trong máu giúp vận chuyển oxy từ phổi đến các tế bào, đồng thời, tham gia vào nhiều quá trình sinh học khác trong cơ thể.

Vai trò của sắt đối với cơ thể

  • Tạo hồng cầu: Tham gia vào quá trình tạo hồng cầu – tế bào máu quan trọng giúp vận chuyển oxy và CO2 trong quá trình hô hấp.
  • Dự trữ oxy cho cơ: Sắt là thành phần tạo nên myoglobin – một loại protein giúp cơ bắp giữ và dự trữ oxy để sử dụng khi cần thiết.
  • Hô hấp tế bào: Thông qua các enzym như catalase và peroxidase, sắt tham gia vào quá trình hô hấp của tế bào.
  • Vận chuyển electron: Tham gia vào việc vận chuyển electron trong các quá trình sinh học, bao gồm cytochrome và mitochondrial dehydrogenase.
  • Thành phần của hệ miễn dịch: Là thành phần cấu trúc của một số enzym trong hệ miễn dịch, giúp hỗ trợ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
  • Thành phần của men quan trọng: Đây là một thành phần không thể thiếu của một số loại men quan trọng trong cơ thể.
  • Phát triển trí não: Trẻ em cần sắt để não bộ phát triển toàn diện, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển sớm.
Sắt đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể
Sắt đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể

Thiếu sắt hoặc thừa sắt có nguy hiểm không?

Thiếu sắt không chỉ gây ra tình trạng Thiếu máu mà còn dẫn đến nhiều chứng bệnh nguy hiểm, đặc biệt là các chứng bệnh liên quan đến tim mạch và hô hấp. Điều này làm xuất hiện các triệu chứng như tim đập nhanh, căng thẳng, rụng tóc, rụng móng, giảm trí nhớ, giảm khả năng sinh sản và suy giảm hệ miễn dịch.

Thừa sắt cũng là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, xảy ra khi hàm lượng chất sắt nạp vào cơ thể vượt quá mức cần thiết. Tình trạng này  làm mất cân bằng trong quá trình điều hòa sắt tại ruột, dẫn đến tích tụ sắt trong gan, cuối cùng gây hại cho các mô và cơ quan khác trong cơ thể.

Một số dấu hiệu ở người bị thiếu sắt hoặc thừa sắt

Biểu hiện ở người bị thiếu sắt

Tùy vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe mà các triệu chứng thiếu sắt có biểu hiện riêng biệt. Tuy nhiên, một số triệu chứng thường thấy có thể là:

  • Đầu đau, chóng mặt, mệt mỏi do não không nhận đủ oxy.
  • Tay chân lạnh. 
  • Móng tay, móng chân giòn hoặc bị tách lớp.
  • Tóc khô, rụng nhiều, dễ gãy.
  • Da xanh xao, nhợt nhạt.
  • Môi khô và nứt nẻ, đặc biệt ở nơi khóe miệng.
  • Lưỡi màu nhạt.
  • Hồi hộp.
  • Chán ăn.
  • Dễ bị nhiễm trùng vì hệ miễn dịch suy giảm.
  • Hội chứng “chân bồn chồn”.

Dấu hiệu người bị thừa sắt

Thừa sắt có thể được nhận biết qua các biểu hiệu sau:

  • Người yếu ớt, mệt mỏi.
  • Da có màu đậm, màu đồng.
  • Đau bụng, buồn nôn.
  • Suy nhược cơ thể, sụt cân.
  • Đau các khớp.
  • Khó thở.
  • Triệu chứng muộn có thể bao gồm: mất ham muốn tình dục, tiểu đường, suy tim.
  • Ở phụ nữ có thai, tình trạng thừa chất sắt có thể khiến các mẹ bầu tiểu ra máu.

Triệu chứng bệnh thường xuất hiện nhiều hơn khi độ tuổi tăng dần, đặc biệt trong độ tuổi từ 50- 60 đối với nam giới và sau 60 tuổi đối với nữ giới.

Móng giòn, dễ gãy là một trong những dấu hiệu của thiếu sắt
Móng giòn, dễ gãy là một trong những dấu hiệu của thiếu sắt (Nguồn: Internet)

Bổ sung sắt từ những nguồn nào?

Chế độ ăn hàng ngày

Cơ thể không thể tự tổng hợp được sắt mà cần được bổ sung gián tiếp thông qua chế độ ăn hàng ngày. Dưới đây là một số nguồn thực phẩm lành mạnh chứa nhiều sắt:

  • Gan và các loại nội tạng khác: Nội tạng động vật gồm gan, não và tim chứa nhiều sắt. Một miếng gan bò nặng 100g có thể chứa đến khoảng 6,5mg sắt, chiếm đến 36% nhu cầu cơ thể. 
  • Các loại đậu: Đậu nành, đậu Hà Lan, đậu lăng là những nguồn bổ sung sắt lý tưởng. Một cốc đậu lăng chín (khoảng 200g) chứa 6,6mg sắt tương ứng.
  • Các loại động vật có vỏ: Động vật có vỏ như nghêu, sò, ốc,… chứa hàm lượng sắt cao. Một con nghêu nặng 100g có thể cung cấp đến 3mg sắt.
  • Thịt đỏ: Các loại thịt như thịt lợn, thịt bò, thịt dê là nguồn bổ sung sắt rất tốt, đồng thời cung cấp kẽm, protein và một số vitamin nhóm B quan trọng.
  • Rau bina: 100g rau bina chứa khoảng 2,7mg sắt, tương đương 15% nhu cầu cơ thể mỗi ngày. Rau bina còn chứa nhiều vitamin C – nhân tố giúp cải thiện tình trạng kém hấp thu sắt. 
  • Bông cải xanh: Ngoài cung cấp sắt, cải xanh còn chứa hàm lượng cao vitamin C để hỗ trợ cơ thể hấp thu sắt một cách tốt nhất. Chúng cũng chứa nhiều chất xơ và vitamin K.
  • Một số thực phẩm khác: Bí ngô, diêm mạch, gà tây, cá, đậu phụ, quả bơ, socola đen,… 
Bổ sung sắt từ chế độ ăn hàng ngày
Bổ sung sắt từ chế độ ăn hàng ngày (Nguồn: Internet)

Chế phẩm bổ sung sắt

Các chế phẩm bổ sung sắt được chỉ định khi chế độ ăn không thể cung cấp đủ lượng sắt cơ thể cần trong một khoảng thời gian nhất định. Mục đích của việc uống thuốc sắt là để duy trì đủ lượng sắt dự trữ cho cơ thể và bù đắp lượng hemoglobin thiếu hụt. Thông thường phải mất đến 6 tháng mới có thể phục hồi lượng sắt về mức bình thường.

Các chế phẩm bổ sung sắt được sản xuất ở dạng viên nén, viên nang, viên nhai hoặc dung dịch lỏng. Sắt sulfat là loại viên nén bổ sung sắt phổ biến nhất. Ngoài ra, còn có các chế phẩm sắt ở dạng muối fumarate hoặc gluconat. 

Một số lưu ý khi bổ sung sắt cho cơ thể

  • Thời điểm phù hợp nhất để uống sắt là trước hoặc sau khi ăn 1 – 2 giờ. Hãy uống thật nhiều nước, ít nhất là ½ cốc khi uống sắt và không nên nhai thuốc lúc uống đối với thuốc dạng viên.
  • Cơ thể chỉ hấp thu sắt ở dạng Fe2+. Uống nước cam sẽ giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt nhất vì Vitamin C trong cam có khả năng khử Fe3+ thành Fe2+. 
  • Không nên uống canxi, uống sữa cùng lúc với thuốc sắt vì chúng làm giảm khả năng hấp thụ sắt trong cơ thể. 
  • Không nên cùng lúc uống chế phẩm bổ sung sắt với: thực phẩm giàu chất xơ (ngũ cốc nguyên hạt, rau sống), thực phẩm chứa caffeine (cà phê, trà). Nên đợi ít nhất 1 – 2 giờ sau khi ăn/uống những thực phẩm này.
  • Chế phẩm bổ sung sắt có thể ảnh hưởng đến tác dụng của một số thuốc dùng chung như kháng sinh nhóm quinolon, tetracyclin, thuốc kháng acid dạ dày, hormon tuyến giáp. Hãy thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ nếu đang dùng các loại thuốc này.
  • Bà bầu, trẻ em hoặc bất kỳ ai bổ sung sắt chỉ nên dùng một liều lượng đúng với tư vấn của bác sĩ. 
  • Trẻ em dưới 12 tuổi và người già nên sử dụng thuốc sắt ở dạng giọt hoặc siro thay vì dạng viên. Phải tuân thủ chỉ dẫn về liều lượng (số lượng giọt hoặc muỗng đong) phù hợp với độ tuổi. 

Tác dụng phụ có thể gặp khi bổ sung sắt và cách xử lý

Sau đây là một số tác dụng phụ có thể gặp khi uống thuốc bổ sung sắt và cách xử trí khi gặp các tác dụng phụ này:

  • Táo bón và tiêu chảy: Thường xảy ra khi uống các chế phẩm chứa sắt. Trong trường hợp này bạn nên uống nhiều nước hàng ngày. Nếu táo bón nghiêm trọng hơn, có thể uống thuốc làm mềm phân.
  • Đi ngoài phân đen: Đây là dấu hiệu bình thường khi uống thuốc bổ sung sắt, tuy nhiên hãy đi khám ngay nếu phân có màu hắc ín hoặc xuất hiện các vệt đỏ.
  • Buồn nôn và nôn: Điều này có thể xảy ra ở liều cao hơn. Nên chia nhỏ liều để giảm tác dụng phụ này của thuốc sắt.
  • Ố răng: Thuốc sắt lỏng như siro có thể gây ố răng. Hãy uống thuốc bằng ống hút để hạn chế tình trạng này. Ngoài ra, có thể loại bỏ vết ố bằng cách đánh răng với kem đánh răng chứa peroxide.

Đặc biệt, việc lạm dụng chế phẩm sắt trong thời gian dài dẫn đến dư thừa có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm bao gồm:

  • Tổn hại chức năng gan.
  • Mắc các bệnh tim mạch.
  • Thay đổi sắc tố da.
  • Đái tháo đường.
  • Tổn thương buồng trứng. 
  • Một số hội chứng liên quan đến thần kinh.

Chính vì vậy, cần hỏi ý kiến bác sĩ và dược sĩ để được tư vấn cách bổ sung sắt đúng cách, đúng liều lượng, nhằm hạn chế tối đa các tác dụng phụ không mong muốn.

Nhu cầu bổ sung sắt theo khuyến nghị

Nhu cầu cho nam

Nhóm tuổiNhu cầu sắt tính theo giá trị sinh học của khẩu phần (mg/ngày)
Hấp thu 10% *Hấp thu 15% **
0-5 Tháng0,93 
6-8 Tháng8,55,6
9-11 tháng9,46,3
1-2 Tuổi5,43,6
3-5 Tuổi5,53,6
6 -7 Tuổi7,24,8
8-9 Tuổi8,95,9
10-11 Tuổi11,37,5
12-14 tuổi15,310,2
15-19 tuổi17,511,6
20-29 tuổi11,97,9
30-49 tuổi11,97,9
50 -69 tuổi11,97,9

Nhu cầu cho nữ

Nhóm tuổiNhu cầu sắt  tính theo giá trị sinh học của khẩu phần (mg/ngày)
10%*15%**
0-5 tháng0,93 
6-8 tháng9,3 6,2 
9-11 tháng9,3 6,2 
12-36 tháng5,8 3,9 
3-5 tuổi6,3 4,2 
6-7 tuổi8,9 5,9 
8-9 tuổi8,9 5,9 
10-11 tuổi14 9,3 
10-11 tuổi (có kinh nguyệt)32,7 21,8 
12-14 tuổi14 9,3 
12-14 tuổi (có kinh nguyệt)32,7 21,8 
15-19 tuổi31 20,7 
20-29 tuổi29,4 19,6 
30-49 tuổi29,4 19,6 
50-69 tuổi11,3 7,5 
50-69 tuổi (chưa mãn kinh)29,4 19,6 
≥ 70 tuổi11,3 7,5 
Phụ nữ có thai +15 ***+10 *** 
Phụ nữ cho con bú (chưa có kinh trở lại)1510
Phụ nữ cho con bú (đã có kinh trở lại)29,419,6

Chú thích: 

(*) Khẩu phần có giá trị sinh học sắt trung bình (~ 10% chất sắt được hấp thu): Khi khẩu phần có lượng thịt hoặc cá từ 30 – 90g/ngày hoặc lượng vitamin C từ 25 – 75 mg/ngày.

(**) Khẩu phần có giá trị sinh học sắt cao (~ 15% chất sắt được hấp thu): Khi khẩu phần có lượng thịt hoặc cá > 90g/ngày hoặc lượng vitamin C > 75 mg/ngày.

(***) Tất cả phụ nữ có thai được khuyến nghị bổ sung viên sắt trong suốt thai kỳ. Những phụ nữ bị Thiếu máu cần điều trị bổ sung sắt theo phác đồ hiện hành.Hy vọng bài viết trên đây của Hoàn Mỹ đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vai trò của sắt và cách bổ sung sắt hợp lý. Từ đó có thể chủ động xây dựng thực đơn và chế độ ăn uống phù hợp với nhu cầu của cơ thể. Để cập nhật thêm các thông tin mới nhất về y học, mời bạn truy cập chuyên mục Tin tức y tế. Ngoài ra, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.