Đường tiết niệu là một hệ cơ quan trong quá trình bài tiết, vị trí nước tiểu đi qua. Khi có vi khuẩn xâm nhập, gây ra nhiễm trùng khiến bệnh nhân cảm giác khó chịu và đau rát khi đi tiểu. Đặc biệt đối với nữ giới, nguy cơ mắc bệnh cao hơn và có thể tái phát nhiều lần. Hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị nhiễm trùng đường tiểu qua bài viết dưới đây.
>>> Xem thêm:
- Sỏi thận: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách chẩn đoán và điều trị
- Suy thận là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
- Viêm đường tiết niệu: Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị
Nhiễm trùng đường tiểu là gì?
Hệ thống tiết niệu được cấu tạo từ 2 quả thận và 2 ống được gọi là niệu quản nối với bàng quang. Chức năng của hệ tiết niệu là lọc máu và loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra môi trường bên ngoài. Nước tiểu là sản phẩm của hệ tiết niệu, thường đi qua thận đến bàng quang mà không bị ô nhiễm, tuy nhiên, do vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống này và gây ra bệnh nhiễm trùng đường tiểu.
Bệnh nhiễm trùng thường xảy ra nhất là ở bàng quang nhưng cũng có thể xảy ra ở niệu đạo, thận hoặc cả hai. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến các bộ phận chức năng khác rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Vi khuẩn không sống trong đường tiết niệu, tuy nhiên khi vi khuẩn xâm nhập vào và nhân lên dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu. Vi khuẩn gây bệnh phổ biến nhất được tìm thấy trong hệ thống tiêu hóa, Escherichia coli (E.coli), dễ dàng lây lan đến niệu đạo và bám vào niêm mạc của hệ tiết niệu. Một số vi khuẩn khác như Mycoplasma và Chlamydia cũng có khả năng gây viêm niệu đạo, vi khuẩn này có thể lây truyền trong quá trình quan hệ tình dục.
Theo nghiên cứu, tình trạng nhiễm trùng có nguy cơ cao đối với nữ giới, khoảng 40-60% phụ nữ bị nhiễm trùng ít nhất một lần trong đời và 10% phụ nữ mắc phải một năm một lần. Nguyên nhân đến từ một vài lý do sau:
- Nữ giới có niệu đạo ngắn hơn nên vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bàng quang trong quá trình vệ sinh.
- Do sự thay đổi nồng độ hormone cơ thể, nhất là trong chu kỳ kinh nguyệt và tiền mãn kinh.
- Nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng cao hơn đối với phụ nữ cao tuổi, khi các mô của niệu đạo và bàng quang trở nên mỏng và khô hơn, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Với phụ nữ mang thai, hệ bài tiết từ thận đến bàng quang mở rộng nên nước tiểu thoát ra chậm hơn, dẫn đến nhiễm trùng tiết niệu. Đôi khi, vi khuẩn di chuyển từ bàng quang đến thận gây nhiễm trùng thận, huyết áp cao.
>>> Xem thêm: Đau bụng dưới ở phụ nữ: Nguyên nhân và cách điều trị bệnh
Triệu chứng của bệnh nhiễm trùng tiết niệu
Triệu chứng chung của hầu hết các bệnh nhân nhiễm khuẩn tiết niệu là khó chịu và đau ở vùng bụng. Bên cạnh đó, một số triệu chứng phổ biến khác bao gồm:
- Đau nhức, nóng rát khi đi tiểu
- Cảm giác buồn tiểu nhưng với lượng nhỏ
- Nước tiểu có màu đục, đỏ hồng, mùi hơi nồng hoặc có máu
- Tiết dịch niệu đạo có chất nhầy, thường gặp ở nam giới
- Buồn nôn, Sốt cao, mệt mỏi
- Thường xuyên đau lưng dưới hoặc hai bên
Nếu tình trạng sức khỏe yếu thì mức độ nghiêm trọng của triệu chứng cũng tăng lên. Ngược lại, nếu hệ miễn dịch tốt thì triệu chứng bị ảnh hưởng nhẹ hoặc không triệu chứng. Khi bị viêm nhiễm đường tiết niệu, nữ giới thường đi kèm triệu chứng đau bụng vùng chậu trong khi nam thường đau vùng trực tràng.
Tuy nhiên, với những vị trí nhiễm trùng khác nhau sẽ có những triệu chứng đặc trưng khác nhau, bao gồm 5 bộ phận:
Nhiễm trùng bàng quang
Nguyên nhân chính là do viêm bàng quang, khiến vùng chậu bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt đối với nữ giới. Bệnh nhân thường xuyên bị chuột rút, đau thắt bụng dưới và lan ra sau lưng, đau bất chợt…
Ngoài ra, một số triệu chứng thường gặp khác như buồn tiểu, đau rát khi đi tiểu, tiểu ra máu…
Nhiễm trùng thận
Nguyên nhân do sự xâm nhập của vi khuẩn vào thận, dẫn đến viêm bể thận, nhiễm trùng đường tiết niệu có mức độ nguy hiểm cao nhất. Bệnh nhân thường khó chịu, đau nhức ở những vị trí gần thận như hai bên hông, lưng dưới…
Bên cạnh đó, nhiễm trùng thận còn để lại những triệu chứng khác như Sốt cao, buồn nôn, ớn lạnh, run rẩy… Nếu tình trạng này không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.
Nhiễm trùng niệu đạo
Nhiễm trùng niệu đạo là tình trạng nhiễm trùng phổ biến nhất, không có nhiều triệu chứng đặc trưng, bao gồm xuất hiện nhiều chất nhầy sau khi đi tiểu đi kèm với cảm giác tê buốt và nóng rát.
Nhiễm trùng niệu quản
Niệu quản có chức năng đưa nước tiểu từ thận về bàng quang, là cơ quan có vị trí khá kín nên thường khó bị viêm nhiễm nhất. Những triệu chứng đặc trưng của tình trạng này vẫn chưa được xác định rõ.
Nhiễm trùng do đặt ống thông đường tiểu
Nhiễm trùng do đặt ống thông đường tiểu là tình trạng viêm nhiễm do thực hiện phương pháp điều trị bằng ống thông, thường không có nhiều triệu chứng rõ ràng như thay đổi nhiệt độ cơ thể, khó khăn trong việc xác định và chẩn đoán bệnh.
Tất cả các bộ phận viêm nhiễm nếu không được phát hiện và điều trị hợp lý sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe và tăng nguy cơ lây lan, nhất là nhiễm trùng thận.
>>> Xem thêm: Đau bụng bên trái: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa bệnh
Phương pháp điều trị bệnh
Nguyên nhân chính gây bệnh nhiễm trùng đường tiểu do vi khuẩn E.coli gây ra. Theo nghiên cứu, bệnh này hoàn toàn chữa trị được, tùy theo mức độ sẽ có những phương pháp điều trị hợp lý.
Nhiễm trùng đơn giản
Giai đoạn đầu phát hiện, bệnh nhân được chỉ định điều trị chủ yếu bằng thuốc, một số loại thuốc được bác sĩ khuyên dùng trong giai đoạn này bao gồm:
- Trimethoprim, sulfamethoxazole (Bactrim, Septra…)
- Fosfomycin (Monurol)
- Nitrofurantoin (Macrodantin, Macrobid)
- Cephalexin (Keflex)
- Ceftriaxone
Trong trường hợp nhiễm trùng đơn giản, thuốc kháng sinh fluoroquinolones như ciprofloxacin (Cipro), levofloxacin… không được bác sĩ khuyến khích sử dụng bởi những rủi ro quá lớn. Loại thuốc kháng sinh này chỉ được phép sử dụng khi tình trạng chuyển biến phức tạp và không còn lựa chọn nào khác.
Sau khi dùng thuốc điều trị, tình trạng viêm sẽ giảm rõ rệt vài ngày sau đó, tuy nhiên bác sĩ khuyến khích tiếp tục dùng trong vài tuần tiếp theo để đạt hiệu quả tốt nhất.
Với tình trạng bệnh nhiễm trùng không triệu chứng ở người đang khỏe mạnh, bệnh nhân cần tiến hành điều trị kháng sinh ngắn trong vài ngày để kiểm tra mức độ của bệnh.
Nhiễm trùng thường xuyên
Nếu bệnh nhiễm trùng xảy ra thường xuyên, bệnh nhân thường được đề xuất điều trị bằng một số phương pháp sau đây:
- Sử dụng thuốc kháng sinh trong ít nhất 6 tháng.
- Nếu bệnh viêm nhiễm có liên quan đến hoạt động quan hệ tình dục, chỉ cần sử dụng một liều kháng sinh duy nhất sau khi quan hệ.
- Với bệnh nhân mãn kinh, tiến hành sử dụng liệu pháp estrogen.
Nhiễm trùng nặng
Nếu tình trạng của bệnh được chẩn đoán nhiễm trùng nặng, bệnh nhân phải tiến hành điều trị đợt kháng sinh dài hơn. Phương pháp điều trị bằng cách tiêm tĩnh mạch tại bệnh viện và bổ sung dùng thuốc kháng sinh tối đa trong 2 tuần. Phương pháp này cũng được áp dụng cho nhiễm trùng thận.
Cách phòng tránh nhiễm trùng đường tiểu
Những thay đổi sinh hoạt sau đây có thể giúp phòng tránh nhiễm trùng đường tiểu:
- Uống nhiều nước: Theo các chuyên gia sức khỏe, mỗi ngày nên uống từ 6 đến 8 cốc nước để có thể loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu hiệu quả hơn.
- Sau khi đi vệ sinh nên lau từ trước ra sau để tránh vi khuẩn E.coli đi ngược trở lại thực tràng. Đặc biệt trong giai đoạn kinh nguyệt, hãy thường xuyên thay miếng lót và băng vệ sinh để hạn chế mùi hôi và vi khuẩn gây hại.
- Nên làm sạch vùng kín trước khi quan hệ và đi tiểu sau quan hệ để loại bỏ vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo.
- Thay đổi biện pháp tránh thai vì màng film, bao cao su không bôi trơn…có thể làm tăng sự phát triển của vi khuẩn, gây kích ứng đường tiết niệu làm cho triệu chứng của viêm nhiễm đường tiểu dễ xảy ra.
- Ưu tiên lựa chọn quần áo rộng rãi và đồ lót bằng cotton để hạn chế độ ẩm, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn.
- Hạn chế sử dụng các sản phẩm gây kích ứng vùng kín như dung dịch vệ sinh phụ nữ có tính kháng khuẩn mạnh, xịt khử mùi, phấn bôi…
- Bổ sung thực phẩm có khả năng chống nhiễm trùng tiết niệu như: Việt quất, sữa chua không đường, cam, kiwi…
>>> Xem thêm: Đau bụng dưới bên trái là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả
Nhiễm trùng đường tiểu là bệnh lý thường gặp, nhất là ở phụ nữ. Tuy không nguy hiểm nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát. Bên cạnh đó, người bệnh cần xây dựng thói quen để phòng ngừa và hạn chế bệnh tái phát. Ngoài ra, nếu muốn biết thêm thông tin chi tiết, đừng quên truy cập vào Tin tức y tế thường xuyên để không bỏ lỡ bất kỳ cập nhật mới nhất nào. Đặt lịch hẹn TẠI ĐÂY hoặc liên hệ trực tiếp vào HOTLINE để nhận tư vấn miễn phí tại Hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.