Tin tức y tế

Mụn viêm là gì? Nguyên nhân, cách điều trị mụn viêm dứt điểm

26/09/2023

Mụn viêm là tình trạng tổn thương da mạn tính, có thể xảy ra ở nhiều vùng trên cơ thể, điển hình như mặt, lưng, ngực, cánh, tay,… Trường hợp này cần được theo dõi và điều trị ngay từ sớm để tránh lan rộng sang các khu vực khác, để lại thâm, sẹo, rỗ khó phục hồi. Tuỳ vào mức độ nghiêm trọng của mụn, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị hiệu quả nhất, đảm bảo chuẩn y khoa. Cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu chi tiết hơn về mụn viêm trong bài viết sau.

Xem thêm:

Mụn viêm là gì?

Mụn viêm là tình trạng mụn trứng cá nặng, hình thành do quá trình chăm sóc, xử lý và điều trị trước đó không đúng cách gây nhiễm trùng. Rối loạn nội tiết (Hormone), viêm da tiết bã nhờn trên da, quá trình sừng hóa,… cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mụn bị viêm. Mụn viêm nếu không được kiểm soát sớm có thể lan rộng sang các vùng da lân cận, về lâu dài rất khó phục hồi, thậm chí để lại sẹo thâm, sẹo rỗ nghiêm trọng. 

>>>Có thể bạn quan tâm: 10 cách trị thâm mụn nặng hiệu quả nhanh nhất

Tình trạng mụn bị viêm
Mụn viêm là tình trạng nốt mụn bị nhiễm trùng (Nguồn: Internet)

Đặc điểm của Các loại mụn viêm

Các loại mụn viêm được chia thành nhiều loại với những đặc điểm riêng biệt như sau:

Mụn viêm mủ

Mụn viêm mủ xuất hiện dưới dạng nốt màu đỏ, sưng to, có nhân mụn hoặc không nhân, chứa mủ màu trắng đục hoặc ngả vàng. Xung quanh nốt mụn là viền viêm đỏ gây cảm giác đau nhức và khó chịu. 

Mụn viêm đỏ

Mụn viêm đỏ thông thường sẽ sưng to, xung quanh vùng mụn bị đỏ và gây đau rát khi sờ vào. Mụn viêm đỏ rất khó nặn vì không thể nhìn thấy được nhân mụn, thông thường mụn viêm đỏ sẽ để lại sẹo thâm và sẹo lõm gây mất thẩm mỹ do làn da. Nếu tác động mạnh đến mụn viêm đỏ có thể dẫn đến hình thành mụn nang, mụn bọc gây tổn thương da nặng.

Mụn bọc

Mụn bọc là tình trạng mụn viêm lớn, bề mặt sần và có dịch mủ bên trong. Loại mụn này hình thành sâu bên dưới da, kích thước lớn, thường có xu hướng lan rộng. Mụn bọc rất dễ nung mủ, gây ra hiện tượng áp xe, dịch chảy ra sẽ có mùi hôi khó chịu. Ban đầu những tổn thương trên da có thể gây đau nhức, chạm vào có cảm giác cứng. Theo thời gian mụn bọc mềm hơn, có thể tự vỡ hoặc vỡ do tác động từ bên ngoài. 

Mụn bọc là một tình trạng da liễu nghiêm trọng, quá trình điều trị không cẩn thận có thể để lại sẹo lâu dài, thậm chí vĩnh viễn. Vì vậy khi nhận thấy các dấu hiệu của mụn bọc thì nên đi thăm khám sớm để được điều trị kịp thời. 

Mụn nang

Mụn nang gồm một ổ mủ lớn nhô lên khỏi bề mặt da tạo thành các nang sưng to gây đau nhức. Tình trạng này xảy ra phổ biến ở da dầu, đối tượng thường mọc mụn nang là thanh thiếu niên, phụ nữ hoặc người lớn tuổi bị mất cân bằng nội tiết tố. Mụn nang có thể mềm hoặc cứng tuỳ vào chất dịch chứa bên trong, vị trí thường xuất hiện nhiều nhất gồm cằm, má, trán,…

Các loại mụn viêm
Đặc điểmm của Các loại mụn viêm thường gặp (Nguồn: Interenet)

Nguyên nhân gây mụn viêm

Mụn viêm hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số yếu tố điển hình phải kể đến gồm:

  • Rối loạn nội tiết tố: Nội tiết tố bị rối loạn sẽ kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh mẽ, gây bít tắc lỗ chân lông, dẫn đến hình thành mụn. 
  • Vệ sinh, chăm sóc da không đúng cách: Da không được làm sạch đúng cách sẽ tích tụ bụi bẩn, vi khuẩn, bã nhờn trong lỗ chân lông, dẫn đến tình trạng nổi mụn và viêm nhiễm. 
  • Tế bào chết: Tế bào chết tích tụ lâu ngày trên da sẽ gây bít tắc lỗ chân lông, dẫn đến hình thành mụn. 
  • Không điều trị mụn sớm: Khi da mụn bị tổn thương nhưng không được điều trị kịp thời sẽ gây ra hiện tượng viêm nhiễm. 
  • Chế độ ăn uống không tốt cho da: Ăn đồ ăn cay nóng, nhiều đường, dầu mỡ,… cũng có thể dẫn đến hình thành mụn sưng viêm.
  • Chế độ sinh hoạt thiếu khoa học: Thường xuyên thức khuya, ngủ không đủ giấc, căng thẳng, lo âu,… có thể khiến mụn viêm xuất hiện trên da. 
  • Lạm dụng trang điểm khi da có mụn: Hoá chất trong các sản phẩm trang điểm có thể khiến nốt mụn bị sưng, viêm. 
  • Môi trường sống ô nhiễm: Da tiếp xúc nhiều với bụi bẩn, hoá chất độc hại cũng có thể là nguyên nhân gây mụn viêm đỏ.

>>> Có thể bạn quan tâm:

Nguyên nhân mụn bị viêm
Mụn viêm hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau (Nguồn: Internet)

Cách điều trị mụn viêm theo chuẩn y khoa không để lại thâm

Điều trị bằng thuốc không kê đơn

Thuốc không kê đơn dùng trong điều trị mụn viêm thường là dạng bôi ngoài da. Thành phần được sử dụng phổ biến bao gồm: Benzoyl Peroxide, Axit Salicylic, lưu huỳnh, đây đều là những hoạt chất có tác dụng loại bỏ tế bào chết, làm thông thoáng lỗ chân lông và diệt khuẩn ngăn mụn phát triển. Thời gian điều trị ngắn hoặc dài tuỳ thuộc vào từng trường hợp cũng như mức độ nghiêm trọng của mụn, điều quan trọng là cần kiên trì sử dụng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo đạt được hiệu quả tốt nhất. 

Trị mụn viêm sưng to bằng thuốc kê đơn

Đối với trường hợp mụn sưng to, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc kê đơn. Trong đó, hai hoạt chất quan trọng phải kể đến gồm:

  • Retinol: Dẫn xuất của vitamin A, thường dùng để bôi ngoài da, có công dụng ngăn chặn tác nhân gây mụn và loại bỏ tế bào chết. 
  • Isotretinoin: Một trong những hoạt chất điều trị mụn bị viêm mạnh nhất, thường dùng cho các trường hợp có tổn thương nghiêm trọng. 
  • Kháng sinh đường uống: Kháng sinh đường uống được sử dụng khi lượng vi khuẩn P. acnes trên da vượt quá mức dẫ đến tình trạng mụn viêm nghiêm trọng. Kháng sinh đường uống giúp kiểm soát vi khuẩn nên mụn viêm cũng được giảm bớt.
  • Kháng sinh tại chỗ: Kháng sinh tại chỗ có thể dùng để điều trị mụn viêm trong thời gian dài hơn nhưng không hiệu quả bằng kháng sinh đường uống.

Người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả tối ưu, hạn chế các tác dụng phụ và hiện tượng kháng thuốc.

Trị mụn theo hướng dẫn của bác sĩ
Áp dụng cách trị mụn bị viêm đỏ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ da liễu (Nguồn: Internet)

Các lưu ý khi trị mụn viêm tại nhà

Mụn viêm rất dễ để lại thâm sẹo trên da và có khả năng lan rộng nếu không áp dụng biện pháp điều trị an toàn, phù hợp. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng bạn nhất định nên nắm:

  • Tuyệt đối không dùng tay hoặc các vật dụng chưa được sát khuẩn để nặn mụn, tránh tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Không dùng các sản phẩm chăm sóc da chứa cồn, paraben, hương liệu,…
  • Hạn chế dùng thuốc điều trị có chứa thành phần thuộc Corticoid, Halogen, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng. 
  • Không sử dụng sữa rửa mặt, nước tẩy trang có chứa hoạt chất tẩy rửa mạnh để tránh kích ứng. 

Các biện pháp ngăn ngừa mụn viêm tái phát

Mụn viêm sau điều trị rất dễ tái phát nếu chăm sóc không đúng cách. Dưới đây là một số biện pháp hiệu quả bạn nên tham khảo và thực hiện:

  • Luôn luôn làm sạch da đúng cách.
  • Sử dụng sản phẩm chăm sóc da phù hợp, ưu tiên thành phần lành tính, dịu nhẹ, không gây kích ứng hoặc phá vỡ hàng rào bảo vệ da. 
  • Luôn sử dụng kem chống nắng trước khi đi ra ngoài để bảo vệ da tối đa trước tác hại của ánh nắng mặt trời.
  • Hạn chế trang điểm, nếu có thì nên sử dụng sản phẩm mỏng nhẹ, không gây bít tắc lỗ chân lông.

Những câu hỏi thường gặp

Bạn có thể tham khảo phần giải đáp một số thắc mắc liên quan đến mụn viêm ngay dưới đây để cập nhật thêm thông tin hữu ích:

Bị mụn viêm có nên nặn không?

Không nên tự ý nặn mụn viêm vì nếu không được thực hiện đúng cách thì sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vì tay chứa nhiều vi khuẩn nên khi dùng tay nặn mụn sẽ khiến cho vi khuẩn tấn công vào vùng bị mụn, từ đó sẽ khiến cho tình trạng mụn trở nặng hơn.

Mụn viêm có tự hết không?

Mụn viêm là một dạng tổn thương mạn tính trên da, không thể trị dứt điểm nhưng lại rất dễ tái phát. Rất ít trường hợp mụn tự khỏi, thậm chí để lâu dài có thể dẫn đến thâm sẹo nghiêm trọng. Do đó, bạn nên đi khám sớm để được chỉ định điều trị kịp thời và hiệu quả. 

Mụn viêm thường nổi ở những vị trí nào?

Mụn viêm có thể mọc ở mọi nơi trên cơ thể, đặc biệt là những vùng tập trung nhiều tuyến bã nhờn. Một số vị trí thường mụn mụn viêm:

  • Mụn viêm ở má trái, má phải.
  • Mụn viêm dưới cằm.
  • Mụn viêm ở lưng.
  • Mụn viêm ở ngực.
  • Mụn viêm ở cánh tay.
  • Mụn viêm dưới da, …

Bị mụn viêm nên ăn gì, kiêng gì?

Bị mụn viêm nên ăn những loại thực phẩm sau để hỗ trợ điều trị và tránh tình trạng nặng hơn:

  • Những loại thực phẩm chứa acid béo omega 3.
  • Các loại hạt.
  • Thực phẩm chứa probiotic.
  • Các loại rau và quả mọng.
  • Khoai lang, bí ngô, đu đủ, chanh, …

Khi bị mụn viêm nên kiêng ăn những loại thực phẩm sau để tránh tình trạng mụn nặng hơn:

  • Kiêng uống sữa bò và các sản phẩm được làm từ sữa.
  • Thực phẩm có chứa nhiều đường.
  • Các loại đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ.
  • Kiêng các loại thức ăn nhanh.
  • Caffeine.

Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin hữu ích về các loại mụn viêm, nguyên nhân, đặc điểm của từng loại, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả. Hy vọng thông qua bài chia sẻ này, người bệnh đã có thêm nhiều cập nhật hữu ích để chủ động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe làn da. Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, hãy truy cập ngay chuyên mục Tin tức y tế. Ngoài ra, để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.