Tin tức y tế

Quy trình lấy tủy răng và những thông tin cần biết

07/11/2023

Lấy tủy răng là một giải pháp tối ưu trong điều trị các bệnh lý liên quan đến tủy răng. Việc điều trị này giúp bạn thoát khỏi tình trạng răng bị đau buốt khó chịu và bảo tồn tối đa cấu trúc thật của răng, tránh tình trạng phải nhổ bỏ. Vậy khi nào nên lấy tủy răng? Cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu câu trả lời qua bài viết về quy trình điều trị tủy răng dưới đây.

>>> Xem thêm:

Lấy tủy răng là gì? 

Lấy tủy răng là một phương pháp điều trị nha khoa với mục đích bảo tồn cấu trúc răng tự nhiên bằng việc làm sạch mô bị bệnh hoặc hư hỏng. Phương pháp này rất cần thiết khi mô mềm (tủy) bên trong răng bị viêm hoặc nhiễm trùng. Mô bị hư hỏng phải được loại bỏ sạch sẽ và răng cần trám lại cẩn thận để vi khuẩn mới không thể xâm nhập.

Lấy tủy răng là gì?
Lấy tủy răng là gì? (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân cần lấy tủy răng? 

Việc lấy tủy răng xuất phát từ việc tủy của răng đang bị tổn thương do đang bị hoại tử hoặc bị vi khuẩn tấn công. Nếu không lấy tủy kịp thời, nhiễm trùng có thể phát triển và lan dọc theo đường viền nướu sang các răng khác, gây ra tác hại khôn lường như mất răng, hơi thở có mùi, viêm nha chu,… Phương pháp này cũng có thể áp dụng trong trường hợp răng của chúng ta bị nứt hoặc hư hỏng do va chạm, chấn thương.

Khi nào nên lấy tủy răng? 

Trong một số trường hợp, người bệnh sẽ không thể biết bản thân bị nhiễm trùng răng. Tuy nhiên, một số triệu chứng dưới đây sẽ là dấu hiệu cảnh báo cần lấy tủy sớm:

  • Mức độ răng đau nhức sẽ tăng dần theo thời gian và khi chạm vào thì có cảm nhận rằng răng đang bị lung lay.
  • Cảm giác cơn đau răng lan tận từ quai hàm đến thái dương.  Thậm chí, chúng ta đã sử dụng thuốc giảm đau những tình trạng vẫn không thuyên giảm, nhất là với những cơn đau xuất hiện vào buổi tối.
  • Răng nhạy cảm quá mức với các đồ uống, thực phẩm nóng lạnh hay chua ngọt. Đặc biệt khi thức ăn rơi vào chỗ răng sâu, chúng ta sẽ cảm thấy đau buốt khó chịu.
  • Nướu bị sưng tấy, mất vẻ hồng hào như thường hay và thậm chí là còn dễ chảy máu.
  • Dưới chân răng xuất hiện các ổ mủ bọc trắng nhưng không gây đau nhức cho người bệnh. Nhưng nếu dùng tay chạm vào sẽ thấy đau, thậm chí là khiến mủ chảy quanh chân răng. Nếu không xử lý tình trạng này sớm thì sẽ khiến hơi thở của chúng ta có mùi khó chịu và mất vẻ thẩm mỹ của răng lợi.
  • Răng bị bể, nứt bởi Sâu răng hoặc tai nạn, té ngã khiến tủy răng bị lộ ra. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn trong khoang miệng tấn công vào tủy.

>>> Xem thêm: Có nên bọc răng sứ hay không? Khi nào nên bọc răng sứ

Khi nào nên lấy tủy răng
Khi răng bị viêm tủy, dưới chân răng sẽ xuất hiện các ổ mủ bọc trắng nhưng lại không gây đau nhức (Nguồn: Internet) 

Quy trình lấy tủy răng 

Dưới đây là quy trình lấy tủy đúng chuẩn y khoa, an toàn và mang lại hiệu quả điều trị:

Bước 1: Khám răng tổng quát

Việc thăm khám răng tổng quát là một bước rất cần thiết trong quy trình lấy tủy. Răng cần chữa tủy phải được chụp phim để nha sĩ sẽ đánh giá sơ bộ về tình trạng của răng như: Lỗ sâu, hệ thống ống tủy,… cũng như đưa ra được ra chẩn đoán và lên phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng răng.

Sau đó, nha sĩ sẽ thảo luận kỹ càng với người bệnh về kế hoạch lấy tủy răng. Việc thảo luận này giúp bệnh nhân hiểu rõ về phương pháp, thời gian và chi phí cho việc điều trị.

Bước 1 - Khám răng tổng quát
Bước 1- Khám răng tổng quát (Nguồn: Internet)

Bước 2: Gây tê

Trước khi nha sĩ thực hiện thủ thuật, người bệnh sẽ được gây tê để đảm bảo luôn cảm thấy dễ chịu và không bị đau buốt trong suốt quá trình lấy tủy răng. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân điều trị tủy nào cũng cần gây tê. Trường hợp răng không còn cảm giác do tủy chết lâu ngày thì không cần gây tê.

>>> Xem thêm: Tẩy trắng răng là gì? Cần lưu ý gì khi thực hiện?

Bước 2 - Gây tê
Bước 2 – Gây tê (Nguồn: Internet)

Bước 3: Vô trùng răng chữa tủy

Răng chữa tủy sẽ được cách ly hoàn toàn khỏi các dụng cụ, thuốc và dung dịch rửa ống tủy để chúng không rơi vào trong miệng. Đồng thời, để tránh vi khuẩn trong nước bọt thì nha sĩ sẽ dùng dụng cụ hút sạch chúng ra bên ngoài. Việc làm này đảm bảo cho răng được vô trùng trong lúc chữa tủy cũng như giúp răng luôn khô và sạch.

Bước 3 - Giúp răng chữa tủy được vô trùng tuyệt đối
Bước 3 – Giúp răng chữa tủy được vô trùng tuyệt đối (Nguồn: Internet)

Bước 4: Loại bỏ hết tủy viêm

Nha sĩ sẽ dùng các dụng cụ chuyên dụng mở đường vào buồng tủy rồi đến hệ thống ống tủy để loại bỏ hết phần tủy bị viêm và còn sót lại, sau đó vệ sinh sạch sẽ cũng như tạo hình hệ thống ống tủy. Ở bước này, các dung dịch bơm rửa ống tủy sẽ được sử dụng nhiều để nâng cao hiệu quả vệ sinh và làm sạch.

Tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như tình trạng nhiễm trùng của răng, độ phức tạo của hệ thống ống tủy,,… Thì các bước lấy tủy, làm sạch và tạo hình ống tủy có thể sẽ cần nhiều hơn 1 lần hẹn. Giữa các lần hẹn, thuốc sát trùng luôn được đặt vào hệ thống ống tủy và răng sẽ được trám tạm để thức ăn không chui vào bên trong. Ngoài ra, tùy thuộc vào tình trạng viêm nhiễm của răng lợi, nha sĩ có thể kê thêm thuốc và nước súc miệng.

Bước 4 - Dùng dụng cụ chuyên dụng để thực hiện quá trình điều trị tủy
Bước 4 – Dùng dụng cụ chuyên dụng để thực hiện quá trình điều trị tủy (Nguồn: Internet)

Bước 5: Chụp răng để che phủ toàn bộ chân răng

Sau khi hệ thống ống tủy đã được vệ sinh sạch sẽ, tạo hình phù hợp và răng không còn đau nhức, viêm nhiễm,… Lúc này, các ống tủy sẽ được nha sĩ trám bít kín bằng vật liệu nha khoa chuyên dụng.

Sau khi hoàn tất quy trình lấy tủy răng, phần thân răng ở trên sẽ được khôi phục lại bằng chất hàn mới sau khi đã loại bỏ hết phần răng sâu còn sót lại hoặc chất hàn cũ chất lượng không tốt. Một số trường hợp, nha sĩ sẽ thực hiện lắp chốt vào phía trong ống tủy của chân răng để làm tăng sức chống đỡ cho miếng hàn mới. 

Cuối cùng, một chụp răng hay mão răng được thực hiện gắn vào để che phủ toàn bộ thân răng, bảo vệ răng sau khi lấy tủy khỏi tình trạng nứt vỡ, khôi phục khả năng ăn nhai tốt và kéo dài tuổi thọ của răng.

>>> Xem thêm: Có nên nhổ răng khôn? Những thông tin bạn cần biết khi nhổ răng khôn

Bước 5 - Chụp mão cho răng chữa tủy để tăng cường bảo vệ răng
Bước 5 – Chụp mão cho răng chữa tủy để tăng cường bảo vệ răng (Nguồn: Internet)

Biến chứng khi lấy tủy răng 

Việc lấy tủy không hết hay thực hiện không đúng quy trình dễ làm tình trạng nhiễm trùng răng trở nặng. Do đó, răng vẫn sẽ bị đau nhức mặc dù đã chữa tủy, thậm chí là gặp phải nhiều biến chứng như:

  • Nhiễm trùng ở vùng chóp răng: Biểu hiện của bệnh lý này là lợi ở vùng răng đã chữa tủy lồi lên trên và khi dùng tay ấn vào thấy có mủ chảy ra. Vì đôi khi không gây ra cơn đau nên nhiễm trùng vùng chóp răng thường dễ bị bỏ qua. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho ổ nhiễm trùng phát triển và lan rộng đến các chân răng lân cận, thậm chí tạo thành nang trong xương hàm rất nguy hiểm.
  • Mất răng: Khi ổ viêm nhiễm lan rộng và gây tổn thương quá nhiều đến tổ chức xung quanh chân răng, khiến răng bị lung lay thì buộc phải nhổ bỏ.
  • Tiêu xương hàm: Khi nang do nhiễm trùng răng phát triển quá to sẽ gây ảnh hưởng xấu tới các tổ chức răng, thậm chí là làm tiêu xương hàm. Nếu không kịp thời điều trị, tiêu xương hàm có thể gây méo miệng, lệch khớp cắn rất mất thẩm mỹ và ảnh hưởng tới chức năng ăn nhai của bệnh nhân.
  • Răng giòn, dễ vỡ hơn: Răng sau khi lấy tủy sẽ trở nên giòn, dễ nứt vỡ hơn rất nhiều so với các răng còn tủy. Việc làm chụp hay mão cho răng đã chữa tủy sẽ giúp bảo vệ răng và đảm bảo chức năng ăn nhai của răng.

Cách chăm sóc sau khi lấy tủy

Sau khi lấy tủy răng, nha sĩ thường sẽ hướng dẫn người bệnh cách chăm sóc và theo dõi sau điều trị. Việc lưu ý những dặn dò này sẽ giúp răng chữa tủy mau chóng phục hồi và tăng tuổi thọ cho răng:

  • Theo dõi cơn đau: Nhiều người sẽ cảm thấy ê buốt khó chịu sau khi điều trị tủy, đây là tình trạng bình thường. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài thì cần liên hệ với nha sĩ để được kiểm tra càng sớm càng tốt.
  • Hạn chế nhai và cắn: Để chất hàn tại vị trí răng mới chữa tủy không bị bong hoặc nứt thì chúng ta cần tránh nhai sau điều trị vài giờ. Để tránh tạo áp lực cho răng đang trong quá trình chữa tủy nên ăn thức ăn mềm và đã được cắt thành những miếng nhỏ. Việc ăn nhai có thể trở lại bình thường ngay khi răng chữa tủy đã được bảo vệ bởi lớp chụp hay mão cho răng.
  • Sử dụng thuốc theo đơn của nha sĩ cũng như thường xuyên giữ vệ sinh vùng răng điều trị bằng cách chải răng nhẹ nhàng và sử dụng thêm nước súc miệng kháng khuẩn đã được kê đơn.
  • Tái khám với nha sĩ của bạn càng sớm càng tốt nếu chất hàn trên răng bị bong hay nứt vỡ.
Cách chăm sóc sau khi lấy tủy răng
Chải răng nhẹ nhàng và sử dụng thêm nước súc miệng kháng khuẩn để giữ gìn răng miệng luôn sạch sẽ (Nguồn: Internet)

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ về quy trình lấy tủy răng đúng chuẩn và các thông tin liên quan đến việc điều trị này. Hiện nay, điều trị tủy răng ngay khi phát hiện viêm nhiễm, tổn thương là khuyến cáo chung của tất cả các nha sĩ. Vui lòng bấm số HOTLINE hoặc click TẠI ĐÂY để đặt lịch khám răng miệng định kỳ một cách nhanh chóng, an toàn tại hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc. Đừng quên truy cập vào trang Tin tức y tế để cập nhật thêm nhiều thông tin chăm sóc sức khỏe răng miệng hữu ích.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.