Kẽm là nguồn khoáng chất quan trọng đối với hoạt động sống hàng ngày của cơ thể. Thành phần này trực tiếp tham gia hỗ trợ chức năng miễn dịch, duy trì cấu trúc DNA, protein, giúp kháng viêm, làm chậm lão hóa và tăng tốc độ phục hồi vết thương. Trong bài viết dưới đây, Hoàn Mỹ sẽ tổng hợp đầy đủ thông tin về kẽm, công dụng, nguồn bổ sung từ chế độ ăn, thực phẩm chức năng, cùng tham khảo để cập nhật thêm nhiều kiến thức sức khỏe bổ ích.
>>> Xem thêm:
- Hoa cúc trắng: Đặc điểm, công dụng và một số lưu ý
- Ăn nấm rơm có tốt không? Tác dụng của nấm rơm
- TOP 7 lợi ích của sữa chua ngon miệng, tốt cho hệ tiêu hóa
Kẽm là gì?
Kẽm là khoáng chất vi lượng thiết yếu mà cơ thể không thể tự tổng hợp và đòi hỏi phải được bổ sung từ bên ngoài (chế độ ăn uống, thực phẩm chức năng). Nhu cầu hàng ngày về kẽm rất nhỏ nhưng cung cấp đầy đủ có thể đảm bảo duy trì cấu trúc protein, DNA, điều chỉnh hoạt động của các enzyme trong tế bào, hỗ trợ chức năng miễn dịch, sinh sản, vị giác,…
Công dụng của kẽm đối với sức khỏe
Dưới đây là một số tác dụng của kẽm đối sức khỏe:
Tăng cường hệ miễn dịch
Kẽm đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe hệ miễn dịch. Khoáng chất này có khả năng kích hoạt tế bào lympho T, giúp kiểm soát và điều chỉnh các phản ứng stress oxy hóa một cách hiệu quả. Việc thiếu kẽm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng, cảm lạnh, đặc biệt là ở người cao tuổi.
Tăng tốc độ hồi phục vết thương
Kẽm có tác dụng kích thích sản xuất collagen, hỗ trợ tái tạo tế bào da và thúc đẩy quá trình phục hồi các vết thương trên da. Vi chất này đồng thời cũng giúp bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng oxy hóa, kháng viêm, giúp làm mờ các vết bầm tím một cách hiệu quả. Trong y tế, kẽm được sử dụng như một phương pháp điều trị bỏng, loét.
Làm chậm quá trình lão hóa
Kẽm có khả năng làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể, giảm nguy cơ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD), mất thị lực, viêm phổi, nhiễm trùng,… Một nghiên cứu đã cho thấy, việc bổ sung liều cao carotene, vitamin C, vitamin E và kẽm có thể ức chế sự tiến triển của AMD một cách hiệu quả.
Cải thiện mụn trứng cá
Kẽm có khả năng điều chỉnh ổn định nồng độ testosterone trong cơ thể, giúp cải thiện hiệu quả tình trạng mụn trứng cá. Khoáng chất này cũng trực tiếp tham gia vào quá trình tổng hợp collagen, điều tiết dầu nhờn và kháng khuẩn, từ đó làm giảm nguy cơ hình thành mụn mới. Các nghiên cứu cho thấy, sử dụng kẽm ở dạng bôi ngoài da hoặc bằng đường uống đều mang lại hiệu quả điều trị mụn tích cực.
Kháng viêm
Viêm là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều vấn đề sức khỏe đáng lo ngại như xơ vữa động mạch, viêm khớp,… Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, kẽm hoạt động tương tự như một chất chống oxy hóa, có khả năng kháng viêm mạnh mẽ, từ đó ức chế hoạt động của một số protein gây viêm trong cơ thể.
Ngoài ra, ở nữ giới, khoáng chất này đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển phôi và tất cả các giai đoạn sinh sản. Ở nam giới, kẽm hỗ trợ sinh tinh và phát triển cơ quan sinh dục. Đây cũng là vi chất có tác dụng bảo vệ DNA sinh sản bên trong tinh trùng, là một phần thiết yếu của các enzyme hỗ trợ tinh binh xâm nhập vào trứng.
Triệu chứng khi thừa hoặc thiếu kẽm
Thiếu kẽm
Cơ thể bị thiếu kẽm thường xuất hiện một số triệu chứng điển hình như sau:
- Chậm phát triển.
- Huyết áp thấp.
- Chán ăn.
- Suy giảm miễn dịch.
- Tiêu chảy.
- Xương kém phát triển.
- Phát ban trên da.
- Mất vị giác, khứu giác.
- Da nhợt nhạt.
- Cơ thể mệt mỏi.
- Rối loạn cương dương (ở nam giới).
Thiếu kẽm là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm, đái tháo đường, tim mạch, Alzheimer, Wilson,…
Đối tượng có nguy cơ cao bị thiếu kẽm:
- Người bị rối loạn tiêu hóa.
- Người ăn chay.
- Người mắc bệnh hồng cầu hình liềm
- Người nghiện rượu.
- Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú.
- Trẻ được bú mẹ hoàn toàn.
Thừa kẽm
Thừa kẽm cũng gây ra nhiều vấn đề sức khỏe đáng lo ngại, triệu chứng phổ biến nhất có thể kể đến như:
- Đau bụng.
- Tiêu chảy.
- Buồn nôn, nôn.
- Nhức đầu.
- Chóng mặt.
- Mệt mỏi.
Hàm lượng kẽm dư thừa trong cơ thể ảnh hưởng đến nồng độ của các khoáng chất khác như đồng, sắt, magie, canxi,… Ngoài ra, chức năng tim cũng có nguy cơ bị suy giảm, gây ra đau tim, đau thắt ngực.
>>> Xem thêm:
- Cây thù lù: Phân loại, công dụng và một số lưu ý
- 12 tác dụng bất ngờ của quế đối với sức khỏe
- Kali có vai trò gì đối với sức khỏe? Cách bổ sung kali hiệu quả
Nguồn thực phẩm dinh dưỡng bổ sung kẽm
Dưới đây là một số loại thực phẩm có hàm lượng kẽm cao nhất, người bệnh nên cân nhắc thêm vào chế độ ăn hàng ngày:
- Sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai,…
- Thủy, hải sản có vỏ.
- Thịt đỏ, thịt gia cầm.
- Các loại đậu (đậu xanh, đậu hà lan, đậu lăng,…).
- Các loại hạt (hạt lanh, hạt vừng, hạt bí,…).
- Quả hạch.
- Trái cây và rau quả xanh.
- Bột yến mạch.
- Socola đen.
Những lưu ý khi bổ sung kẽm
Dưới đây là một số lưu ý quan trọng nên cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo bổ sung kẽm cho người lớn, trẻ nhỏ đúng cách, đạt hiệu quả cao:
Đối tượng nên bổ sung kẽm:
Những người có thể được khuyến khích nên bổ sung kẽm bao gồm:
- Người có vấn đề về sức khỏe đường ruột, khó hấp thụ kẽm từ thực phẩm hàng ngày.
- Những người được xét nghiệm chẩn đoán thiếu kẽm.
- Những người mắc bệnh Wilson.
- Trẻ em bị tiêu chảy.
Lưu ý: Những người khỏe mạnh và ăn uống bình thường không cần bổ sung kẽm bằng thực phẩm chức năng.
Tác dụng phụ của thực phẩm chức năng bổ sung kẽm:
Thực phẩm chức năng bổ sung kẽm có thể gây ra tác dụng phụ ở một số đối tượng nhất định. Triệu chứng thường gặp gồm:
- Nhức đầu.
- Giảm độ nhạy về vị giác, khứu giác.
- Đau bụng.
- Buồn nôn, nôn
- Tiêu chảy.
- Khó tiêu.
- Mệt mỏi.
Liều lượng khuyến nghị:
- Trẻ từ 7 tháng đến 3 tuổi: 5mg/ngày
- Trẻ em từ 4 -13 tuổi: 10mg/ngày
- Người lớn: 15mg/ngày
- Phụ nữ đang mang thai: 15 – 25mg/ngày.
Lưu ý: Trên đây là liều dùng tham khảo, cần sự tư vấn của bác sĩ về liều dùng cụ thể cho từng thể trạng và tình trạng bệnh, không tự ý sử dụng hay ngừng thuốc.
Một số lưu ý quan trọng khác:
- Không bổ sung kẽm nhiều hơn mức khuyến nghị để tránh xảy ra tác dụng phụ cấp tính.
- Kẽm cũng có thể gây phản ứng tương tác với một loại thuốc như: thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng, penicillamine (thuốc làm dịu chứng viêm khớp, thuốc lợi tiểu thiazide,…)
- Không tự ý sử dụng các chất bổ sung khoáng chất này liều cao trừ khi có chỉ định từ bác sĩ.
Trên đây là tổng hợp các thông tin quan trọng liên quan đến kẽm, vai trò đối với sức khỏe, triệu chứng thừa/ thiếu kẽm và hướng dẫn bổ sung đúng cách từ thực phẩm tự nhiên, thực phẩm chức năng đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất. Hy vọng qua bài viết này, người bệnh đã có thêm nhiều kiến thức hữu ích để chủ động chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh. Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, mời bạn truy cập Tin tức y tế. Ngoài ra, đừng quên liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.