Tin tức y tế

Thuốc đỏ là gì? Cách sử dụng thuốc đỏ sát khuẩn vết thương

05/11/2023

Thuốc đỏ là dung dịch sát khuẩn có tác dụng làm sạch và sát trùng bề mặt của vết thương trên da. Dung dịch này có khả năng diệt khuẩn, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và hỗ trợ quá trình hồi phục vết thương. Theo dõi bài viết dưới đây của Hoàn Mỹ để biết được các công dụng cũng như cách dùng thuốc đỏ an toàn và hiệu quả nhất. 

>>> Xem thêm:

  • Thuốc an thần: Công dụng, cách dùng và những lưu ý khi sử dụng
  • Thuốc Modafinil là thuốc gì? Công dụng và lưu ý
  • Sulpiride 50mg là thuốc gì? Công dụng, liều dùng

Các loại vết thương hở thường gặp

Vết thương hở là vùng da bị tổn thương như chảy máu, tấy đỏ, sưng do va đập, bị cắt hoặc bị đâm có thể nhìn thấy được. Dưới đây là các loại vết thương hở phổ biến nhất:

  • Vết trầy xước: Thường xảy ra khi lớp trên cùng của da bị cọ xát với bề mặt thô ráp như mặt đất, mặt đường,.. Vết trầy xước thường không sâu, ít gây đau đớn và hình thành vảy da trong vòng 24 giờ nếu không bị nhiễm trùng.
  • Vết cắt: Đây là loại vết thương do vật sắc nhọn gây ra. Vết cắt tùy thuộc vào độ sâu và kích thước của vết thương mà có thể gây chảy máu nghiêm trọng.
  • Vết rách: Vết rách thường do vật tù gây ra và khiến bề mặt da lởm chởm, không đồng đều. 
  • Vết đâm: Vết thương này thường được gây ra bởi các vụ bạo lực hoặc do dẫm phải gai, đinh nhọn, kim tiêm… Vết đâm có thể làm tổn thương tận sâu bên trong và gây nguy hiểm đến tính mạng.
  • Vết đạn bắn: Đây là loại vết thương đặc biệt, xảy ra khi đạn xuyên vào cơ thể. Việc xử lý vết thương do đạn bắn đòi hỏi sự can thiệp y tế ngay lập tức để kiểm soát chảy máu và nguy cơ nhiễm trùng.

Thuốc đỏ là gì?

Thuốc đỏ là một dung dịch sát trùng và chống nhiễm trùng cho các vết thương nhỏ. Dung dịch này được sử dụng rộng rãi để sát trùng vì khả năng diệt khuẩn, ngăn chặn vi khuẩn phát triển tại vùng vết thương, đồng thời làm khô vết thương và giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn.

Thành phần chính của thuốc đỏ là merbromin, có công thức hóa học là C20H8Br2HgNa2O6. Thuốc sát trùng vết thương này chứa nguyên tố thủy ngân (Hg), một kim loại nặng có thể gây hại cho sức khỏe nếu dùng quá liều hoặc tiếp xúc với da trong thời gian dài. Chính vì vậy, một số quốc gia như Thụy Sĩ, Pháp, Iran, Brazil, Đức và Hoa Kỳ đã ngừng bán thuốc đỏ do lo ngại về tác dụng phụ mà thuốc có thể gây ra. 

Thuốc đỏ là gì?
Thuốc đỏ là gì? (Nguồn: Internet)

Thuốc đỏ có tác dụng gì?

Công dụng chính trong thuốc đỏ là ngăn chặn vi khuẩn phát triển và ngừa nhiễm trùng tại vùng da tổn thương. Đồng thời, sử dụng thuốc đỏ giúp vết thương được làm sạch và giữ vệ sinh cho bề mặt da. Vì vậy, thuốc đỏ thường được sử dụng để sát trùng các vết thương nhẹ, vết bỏng nhẹ và các vết trầy xước trên da.

Việc rửa vết thương rất quan trọng vì điều này có thể giúp loại bỏ vi khuẩn và các tạp chất như bụi bẩn, mảnh vật liệu và các chất gây kích ứng, nhiễm trùng. Nếu vết thương bị viêm, việc rửa sạch cũng giúp loại bỏ dịch viêm, giảm sưng và giúp vết thương hồi phục nhanh hơn. 

Ngoài các vết thương nhẹ, thuốc đỏ cũng có thể sử dụng trong các trường hợp đặc biệt như sát trùng dây rốn ở trẻ sơ sinh, sát trùng vết loét dây thần kinh hoặc vết loét bàn chân ở bệnh nhân bị tiểu đường.

Tác dụng phụ của thuốc đỏ

Thành phần chính của thuốc đỏ là merbromin – chất khử trùng tại chỗ chứa thủy ngân. Quá liều thủy ngân do sử dụng thuốc đỏ có thể dẫn đến một loạt các biến chứng xấu như sau:

  • Rối loạn tiêu hóa, cảm thấy buồn nôn, nôn, đau bụng và tiêu chảy.
  • Bị ảnh hưởng đến hệ thần kinh và cơ bắp, yếu cơ, phối hợp động tác kém, tê bì tay chân.
  • Khả năng nói, nghe, nhìn bị giảm, các triệu chứng tâm thần như mất ngủ, rối loạn nhịp tim, mất khả năng cảm xúc xuất hiện thường xuyên.
  • Da xuất hiện nổi mẩn đỏ, sưng và bị bạch biến, có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu như kiến bò dưới da.
  • Tổn thương thận và giảm trí thông minh.
Tác dụng phụ của thuốc đỏ
Dùng thuốc đỏ quá liều có thể gây buồn nôn (Nguồn: Internet)

Các bước dùng thuốc đỏ sát trùng vết thương hở

Để sử dụng thuốc đỏ sát trùng vết thương hở một cách an toàn và hiệu quả, bệnh nhân có thể tham khảo các bước sau:

Làm sạch vết thương, loại bỏ bụi bẩn

Làm sạch vết thương hở là bước quan trọng đầu tiên. Sử dụng nước muối sinh lý (Natri Clorid 0,9%) hoặc nước sạch để rửa vùng bị thương một cách nhẹ nhàng. Cần loại bỏ dị vật, bụi bẩn hoặc các tạp chất trên vết thương ngay lập tức để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng.

Cầm máu

Nếu vết thương đang chảy máu, sử dụng vải sạch hoặc băng gạc để băng bó vùng vết thương. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng mất máu, đồng thời giúp vùng bị thương khô ráo và sạch sẽ. Lưu ý là cần phải thay băng gạc mỗi ngày để đảm bảo vệ sinh.

Dùng thuốc đỏ sát trùng vết thương

Sau khi vết thương đã được cầm máu bằng băng gạc, sử dụng thuốc đỏ sát trùng thấm lên bông gòn sạch và bôi nhẹ nhàng lên vùng bị thương. Chờ đến khi phần thuốc đỏ và vết thương khô lại tự nhiên.

Băng bó vết thương

Đối với các vết thương lớn, cần tiến hành băng bó bằng gạc sạch sau khi đã sát trùng. Việc che kín vết thương làm hạn chế vi khuẩn vi trùng xâm nhập, đồng thời giúp vết thương nhanh lành. Không nên băng bó quá chật vì điều này sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu.

Lưu ý: Việc sử dụng thuốc đỏ sát trùng và chăm sóc vết thương cần phải được thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì sản phẩm. Nếu vết thương trở nên đỏ, sưng hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, cần đến ngay  cơ sở y tế để được kiểm tra kịp thời.

>>> Xem thêm:

  • Motilium là thuốc gì? Công dụng, liều dùng
  • Thuốc kháng sinh: Phân loại, công dụng, cách dùng, tác dụng phụ
  • Thuốc kháng sinh Azithromycin là gì? Công dụng và lưu ý
Các bước dùng thuốc đỏ sát trùng vết thương hở
Băng bó vết thương bằng gạc sạch sau khi sát trùng (Nguồn: Internet)

Các loại dung dịch sát khuẩn phổ biến

Hiện nay, có rất nhiều loại dung dịch sát khuẩn trên thị trường mà người bệnh có thể lựa chọn như:

Nước muối sinh lý

Nước muối sinh lý là một dung dịch muối natri clorid 0.9%. Nồng độ muối trong dung dịch này tương đương với nồng độ của dịch cơ thể con người (máu, nước mắt,…) trong tình trạng hoạt động sinh lý bình thường.

Nước muối sinh lý được sử dụng như một dung dịch rửa hoặc ngâm, có tác dụng làm sạch, đảm bảo vệ sinh và ổn định điện giải trong quá trình chăm sóc vết thương. Người bệnh có thể đổ trực tiếp nước muối sinh lý lên vùng vết thương hoặc ngâm bông gòn, băng gạc trong dung dịch này sau đó bôi lên vùng bị thương.

Thuốc đỏ

Thuốc đỏ chứa chất khử trùng tại chỗ là merbromin, một hợp chất muối disodium organomercuric và fluorescein. Thuốc đỏ được sử dụng để tiệt trùng và bảo vệ vùng vết thương giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và thúc đẩy quá trình lành vết thương. Ngoài ra, dung dịch sát khuẩn này còn chống lở loét, giúp vết thương khô nhanh, ngăn ngừa tác động tiêu cực của vi khuẩn và nấm.

Trước khi sử dụng thuốc đỏ, hãy làm sạch vùng vết thương bằng nước sạch hoặc dung dịch muối sinh lý. Sau đó, sử dụng bông tẩm thuốc đỏ chấm hoặc bôi nhẹ nhàng  lên vùng bị thương. Cuối cùng là băng bó vùng vết thương nếu cần thiết.

Oxy già

Nước oxy già là một dung dịch không màu của hydrogen peroxide trong nước với các nồng độ khác nhau: 1,5%, 3%, 6%, 27% và 30%. Nước oxy già được sử dụng để sát trùng vùng da, vết thương, vết loét, nhỏ tai để loại bỏ Ráy tai và điều trị viêm tai có mủ. Ngoài ra, oxy già còn được dùng để rửa niêm mạc, điều trị viêm miệng cấp, súc miệng khử mùi, làm sạch ống chân răng và hốc tủy răng.  

Trước khi sử dụng nước oxy già, hãy rửa kỹ vết thương với nước sạch để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất khác trên bề mặt vết thương. Sau đó, dùng nước oxy già với nồng độ phù hợp (thường là nước 1,5-3% hoặc dạng gel 1,5%) để đổ lên vết thương và dùng bông gòn thấm bớt. Tránh đổ nước oxy già vào vùng da non hoặc da nhạy cảm.

Cồn 70 độ

Cồn 70 độ (ethanol) là dung dịch pha loãng chứa 70% cồn, được sử dụng để để làm sạch, tiệt trùng dụng cụ y tế hoặc sát trùng vết thương. Tuỳ vào mục đích mà cách sử dụng cồn 70 độ sẽ có sự khác biệt như:

  • Để sát trùng vết thương: Tẩm bông vào cồn rồi bôi lên vùng vết thương cần sát trùng.
  • Để sát trùng dụng cụ y tế: 
    • Tẩm bông vào cồn rồi lau sạch các dụng cụ y tế. 
    • Ngâm trực tiếp các dụng cụ y tế trong dung dịch cồn 70 độ để khử trùng.
    • Đổ cồn ra một vật dụng kim loại rồi châm lửa để diệt khuẩn (lưu ý: không đổ cồn trực tiếp vào ngọn lửa đang cháy để tránh nguy cơ bỏng và hỏa hoạn).

Betadine

Dung dịch sát khuẩn Betadine là một sản phẩm y tế chứa hoạt chất povidone-iodine (povidon-iod 1% hoặc 10%). Betadine có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, virus, nấm trên da và các vùng bị tổn thương. 

Betadine có thể sử dụng để:

  • Súc miệng/súc họng: Lấy khoảng 20 – 30ml dung dịch Betadine Gargle and Mouthwash 1% để súc miệng súc họng trong 30 giây hoặc 2 phút.
  • Sát khuẩn vết thương trên da: Bôi trực tiếp Betadine Antiseptic Solution 10% lên vùng da tổn thương và vùng xung quanh từ 3-5cm nhiều lần trong ngày. Sau khi khô, dung dịch sẽ tạo thành 1 lớp phim dễ dàng rửa sạch bằng nước.
  • Vệ sinh ngoài âm hộ: Pha loãng Betadine Vaginal Douche 10% theo tỷ lệ 1 nắp chai (15ml) với 500ml nước sạch để ngâm rửa vùng kín ngoài âm hộ.

Trên đây là cách sử dụng thuốc đỏ sát khuẩn vết thương mà Hoàn Mỹ đã hướng dẫn chi tiết. Đối với các vết thương nghiêm trọng, người bệnh có thể gọi đến số HOTLINE của hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY để có phương pháp chữa trị kịp thời. Ngoài ra, đừng quên truy cập vào mục Tin tức y tế tại website để không bỏ lỡ các thông tin y tế mới nhất. 

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.