Sốt rét là căn bệnh phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có gần 290 triệu người mắc bệnh Sốt rét và hơn 400.000 người chết vì căn bệnh này. Vậy bệnh sốt rét là gì, triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị căn bệnh này như thế nào? Dưới đây, Hoàn Mỹ sẽ giải đáp chi tiết cho bạn!
>> Xem thêm:
- Bệnh Thủy Đậu: Nguyên nhân & Cách điều trị
- Sốt siêu vi: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
- Đau bụng dưới ở phụ nữ: Nguyên nhân và cách điều trị
Bệnh Sốt rét là gì?
Sốt rét là căn bệnh do ký sinh trùng Plasmodium gây ra. Đây là căn bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây từ người này sang người khác qua vết cắn của muỗi bị nhiễm bệnh.
Mọi người đều có khả năng nhiễm bệnh Sốt rét, thậm chí có thể nhiễm cùng lúc hai đến ba loại ký sinh trùng gây bệnh. Bên cạnh đó, khả năng miễn dịch với sốt rét không đầy đủ, do đó có thể bị tái nhiễm ngay. Đặc biệt, bệnh sốt rét ở trẻ em gây tổn thương não và mất máu. Những trẻ sống sót do sốt rét thể não có nguy cơ bị suy giảm nhận thức, rối loạn thần kinh.
>>> Xem thêm: Bệnh quai bị: Triệu chứng & Cách chữa bệnh nhanh nhất
Phân loại bệnh Sốt rét
Bệnh Sốt rét được chia thành hai dạng sau:
Bệnh Sốt rét thông thường
Bệnh Sốt rét thông thường sẽ xuất hiện những triệu chứng ban đầu của bệnh và thường không nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, tùy vào loại ký sinh trùng mà chu kỳ của cơn sốt sẽ khác nhau. Ví dụ, sốt rét do ký sinh trùng Plasmodium vivax gây ra thì thường sốt cách ngày. Nếu sốt rét do Plasmodium falciparum gây ra thì cơn sốt thường nặng, người bệnh sốt thường ngày và có thể bị sốt rét ác tính. Sốt do Plasmodium malariae và Plasmodium ovale gây ra thì cơn sốt có thể cách 3 ngày mới bị 1 lần. Tóm lại, sốt rét thông thường gồm có 3 dạng:
- Cơn Sốt sơ nhiễm: Người bệnh sẽ Sốt cao mấy ngày liền. Những lần tiếp theo triệu chứng của bệnh sẽ điển hình hơn.
- Cơn Sốt điển hình: Người bệnh sẽ trải qua lần lượt 3 giai đoạn:
Giai đoạn rét run: Người bệnh rét run toàn thân, nổi da gà, môi tái, mắt quầng kéo dài khoảng 30 phút – 2 giờ.
Giai đoạn Sốt nóng: Khi cơn rét run bắt đầu giảm, nhiệt độ cơ thể người bệnh nóng dần (có thể lên tới 40 độ C). Người bệnh thở gấp, đau đầu, đau tức vùng gan kèm khát nước, da khô, mặt đỏ ửng. Triệu chứng kéo dài 1 – 3 giờ.
Giai đoạn vã mồ hôi: Thân nhiệt người bệnh giảm nhanh, mạch trở lại bình thường, bắt đầu vã mồ hôi, đỡ nhức đầu nhưng không ngừng khát nước.
Trường hợp người bệnh mang thể ký sinh trùng lạnh thì kết quả xét nghiệm máu có ký sinh trùng Sốt rét nhưng người bệnh không bị sốt và vẫn sinh hoạt bình thường.
>>> Xem thêm: Sốt phát ban: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả
Bệnh Sốt rét ác tính
Bệnh Sốt rét ác tính là khi xuất hiện các biến chứng như hôn mê, rối loạn ý thức, rối loạn thần kinh, đôi khi co giật… Bệnh này thường nặng và có nhiều thể khác nhau.
- Thể não: Người bệnh có dấu hiệu rối loạn ý thức, rối loạn hô hấp, xuất hiện triệu chứng tâm thần, đồng thời còn có thể xảy ra tình trạng suy thận, tiểu ra máu. 80% – 95% ca Sốt rét biến chứng xảy ra ở thể này và số bệnh nhân tử vong chiếm từ 20% – 50%.
- Thể đái huyết cầu tố: Bệnh nặng do tan huyết ồ ạt. Người bệnh Sốt thành cơn dữ dội, đau lưng, vàng da, nôn mửa, trụy tim mạch… Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng như thiếu oxy cấp, huyết sắc tố giảm mạnh, đi tiểu có màu đỏ nâu sau đó chuyển sang màu cà phê.
- Thể giá lạnh: Người bệnh ra nhiều mồ hôi, tụt huyết áp, da xanh, toàn thân lạnh.
- Thể phổi: Người bệnh khó thở, tím tái, khạc ra bọt màu hồng.
- Thể gan mật: Người bệnh buồn nôn, vàng da vàng mắt, phân và nước tiểu cũng có màu vàng.
- Thể tiêu hóa: Người bệnh nôn nhiều, đau bụng, tiêu chảy cấp, thân nhiệt giảm.
Triệu chứng của Sốt rét
Tùy vào loại ký sinh trùng truyền bệnh mà người bệnh sẽ xuất hiện các dấu hiệu Sốt rét thông thường hoặc ác tính. Người bị sốt rét có những dấu hiệu như đau đầu, ho, mệt mỏi, tiêu chảy, đau cơ, sốt, ớn lạnh, thở nhanh thường là dấu hiệu của sốt rét thông thường và không nguy hiểm đến tính mạng. Một số trường hợp, người bệnh bị suy nhược, thiếu máu, phình to lách, người xanh xao… Nếu Sốt điển hình, người bệnh sẽ trải qua giai đoạn rét run – sốt – vã mồ hôi.
Trong khi đó, Sốt rét ác tính chủ yếu do Plasmodium falciparum gây ra và có độ nguy hiểm cao. Bệnh khiến người bệnh mê sảng, nói nhảm, tiêu chảy, sốt cao liên tục, đau đầu dữ dội, da xanh, thiếu máu, xuất huyết, co giật toàn thân, suy thận… Nếu không điều trị kịp thời có nguy cơ dẫn đến tử vong rất cao.
Nguyên nhân gây bệnh
Tác nhân gây ra bệnh Sốt rét ở người thuộc chi Plasmodium. Chúng có 5 loài: Plasmodium falciparum, Plasmodium ovale, Plasmodium malariae, Plasmodium knowlesi và Plasmodium vivax. Trong đó, P.falciparum và P.vivax là hai loại nguy hiểm nhất. P.ovale và P.malariae cũng gây bệnh nhưng khả năng gây tử vong ít hơn. Riêng P.knowlesi gây sốt rét ở loài khỉ nhưng cũng có thể gây bệnh nặng ở người.
Ký sinh trùng Sốt rét chỉ tồn tại trong cơ thể muỗi truyền bệnh và máu người. Muỗi Anopheles là trung gian truyền bệnh chính. Có 422 loài Anopheles, 70 loài trong số đó có khả năng truyền bệnh và 40 loài là muỗi truyền bệnh chính. Ở Việt Nam có 15 loài Anopheles truyền bệnh, trong đó Anopheles minimus, Anopheles epiroticus và Anopheles dirus là 3 loài truyền bệnh chính.
Sau khi muỗi truyền bệnh đốt và hút máu người bệnh có giao bào, giao bào cái và đực sẽ kết hợp trong dạ dày muỗi tạo thành noãn. Noãn đi vào và tạo thành kén ở mặt ngoài dạ dày. Đây là nơi ký sinh trùng phát triển tạo thành thoa trùng. Khi kén vỡ sẽ giải phóng hàng ngàn ký sinh trùng non. Chúng tập trung trong tuyến nước bọt của muỗi. Sau 10 ngày, ở nhiệt độ môi trường từ 20-300C, ký sinh trùng hoàn thành chu kỳ phát triển trong cơ thể muỗi và có thể truyền bệnh đến khi muỗi chết. Ở nhiệt độ này, muỗi có thể sống được 4 tuần.
Con người là ổ chứa duy nhất của ký sinh trùng gây Sốt rét. Máu dự trữ nhiễm ký sinh trùng sốt rét có thể truyền bệnh trong vòng ít nhất 1 tháng.
>>> Xem thêm: Sốt xuất huyết: Triệu chứng và cách điều trị tại nhà
4 đường lây truyền bệnh Sốt rét
Ký sinh trùng gây ra bệnh không thể tồn tại ở môi trường bên ngoài. Do đó, bệnh có thể lây truyền qua đường máu với 4 phương thức:
- Muỗi truyền: Con đường chủ yếu khiến bệnh lây lan.
- Truyền máu: Một số trường hợp, người nhiễm ký sinh trùng Sốt rét nhưng không biết và hiến máu cho người khác.
- Truyền từ mẹ sang con: Tình huống này khá hiếm gặp.
- Tiêm chích: Bơm tiêm dính máu có chứa ký sinh trùng Sốt rét.
Đối với bệnh có nguy cơ bị Sốt rét
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Sốt rét bào gồm:
- Những người có điều kiện kinh tế xã hội và dân trí thấp
- Vùng có tập quán, phong tục lạc hậu
- Người đi du lịch, dân di cư vào vùng Sốt rét
- Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người cao tuổi, thai phụ.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh
Tổ chức Y tế thế giới – WHO cho biết số ca tử vong do Sốt rét ở châu Phi chiếm khoảng 94%. Đối với những nơi có điều kiện kinh tế phát triển hơn, căn bệnh này có thể để lại những biến chứng nguy hiểm như:
- Sốt rét thể não: Các mạch máu nhỏ không thể lưu thông đến não do chứa đầy ký sinh trùng dẫn đến tổn thương não (thường gặp ở trẻ em). Người bệnh có dấu hiệu rối loạn hành vi, giảm nhận thức, co giật và hôn mê.
- Phù phổi: Cơ thể người bệnh chứa các dịch tiết gây khó thở, phù phổi.
- Suy nội tạng: Suy gan, suy thận… khiến cơ thể rơi vào tình trạng nguy kịch.
- Thiếu máu: Cơ thể không có đủ hồng cầu để đưa oxy đi nuôi mô trong cơ thể.
- Hạ đường huyết: Người bệnh rơi vào hôn mê, thậm chí tử vong do bệnh, đồng thời do tác dụng phụ của thuốc quinine.
Chẩn đoán bệnh Sốt rét
Trong một số trường hợp, người mắc bệnh có biểu hiện giống với bệnh cảm cúm, thương hàn, Sốt xuất huyết Dengue độ I, nhiễm trùng máu, áp xe gan… Do đó, việc xét nghiệm máu sẽ giúp người bệnh chẩn đoán chính xác nhất tình trạng sức khỏe. Các phương pháp xét nghiệm đó là:
- Nhuộm Giemsa: Đây được xem là tiêu chuẩn vàng để xác định ký sinh trùng Sốt rét. Lam máu nhuộm Giemsa được soi bằng kính hiển vi quang học.
- Nhuộm nhanh AO: Máu của người bệnh được soi dưới kính hiển vi huỳnh quang.
- Phương pháp Quantitative Buffy Coat soi kính hiển vi huỳnh quang.
- Test chẩn đoán nhanh dựa trên phương pháp miễn dịch sắc ký phát hiện kháng nguyên ký sinh trùng gây bệnh trong trong máu.
- Phương pháp sinh học phân tử PCR: Phương pháp này có thể phát hiện ký sinh trùng/mm3 máu, đồng thời giúp chẩn đoán Sốt rét tái nhiễm hoặc tái phát.
- Phát hiện kháng thể kháng bệnh: Phương pháp liên kết men miễn dịch và huỳnh quang gián tiếp đều có thể phát hiện kháng thể trong huyết thanh bệnh nhân.
Cách điều trị bệnh Sốt rét
Bệnh nặng có thể khiến sức khỏe xuống dốc nhanh và gây tử vong chỉ trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, nếu người bệnh điều trị đúng cách sẽ giúp hồi phục tốt, điều kiện là chẩn đoán sớm và điều trị sớm. Cụ thể như sau:
Điều trị bệnh Sốt rét thông thường
- Điều trị cắt cơn Sốt đối với người nhiễm Plasmodium vivax:
- Chloroquine chia thành 3 ngày điều trị (tổng liều 25mg/kg cân nặng): Hai ngày đầu uống 10 mg/kg cân nặng, ngày thứ 3 uống 5 mg/kg cân nặng.
- Artesunat chia làm 7 ngày điều trị (tổng liều 16 mg/kg cân nặng): Ngày 1 uống 4 mg/kg cân nặng, từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 uống 2 mg/kg cân nặng (không dùng thuốc Artesunat cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu, trừ trường hợp Sốt rét ác tính)
- Quinin sulfat điều trị trong ngày, chia 3 lần uống trong ngày, liều 30 mg/kg/24 giờ.
- Điều trị cắt cơn Sốt đối với người nhiễm Plasmodium falciparum:
- Thuốc phối hợp có dẫn xuất artemisinin: Thuốc viên Arterakine hoặc CV artecan (40mg dihydroartemisinin + 320mg piperaquine phosphat)
- Liều dùng: Dưới 3 tuổi, ngày đầu 1 viên, hai ngày sau mỗi ngày 1/2 viên. Từ 3 đến 7 tuổi, ngày đầu tiên dùng 2 viên, hai ngày sau mỗi ngày dùng 1 viên. Từ 8 đến 14 tuổi, ngày đầu dùng 3 viên, hai ngày sau dùng mỗi ngày 1,5 viên. Từ 15 tuổi trở lên, ngày đầu dùng 4 viên, hai ngày sau mỗi ngày uống 2 viên. Phụ nữ mang thai tuyệt đối không dùng trong 3 tháng đầu.
- Điều trị chống tái phát và lây lan:
- Primaquine viên 13,2mg chứa 7,5mg bazơ.
- Liều dùng: 0,5mg bazơ/kg cân nặng/ 24 giờ. Trường hợp do Plasmodium falciparum, dùng thuốc điều trị 1 ngày. Trường hợp do Plasmodium vivax, dùng thuốc điều trị 10 ngày liên tục. Không dùng primaquine cho phụ nữ có thai, trẻ em dưới 3 tuổi, người thiếu men G6PD và người mắc bệnh gan.
- Điều trị bệnh Sốt rét ác tính
- Người bệnh dùng Artesunat tiêm tĩnh mạch
- Liều dùng: Giờ đầu 2,4 mg/kg cân nặng, 24 giờ sau tiêm nhắc lại 1,2 mg/kg cân nặng, tiếp đó mỗi ngày tiêm 1 liều 1,2 mg/kg cân nặng cho đến khi người bệnh có thể uống thuốc và uống đủ 7 ngày.
Cách phòng tránh bệnh
- Tuyên truyền phòng chống bệnh Sốt rét
- Khi bị bệnh, người bệnh cần đến trạm y tế để được chẩn đoán và điều trị
- Ngủ màn kể cả ở nhà hoặc trong rừng
- Làm nhà xa rừng, phát quang bụi rậm, đồng thời khơi thông cống rãnh quanh nhà, vớt rong rêu trên mặt nước
- Diệt muỗi bằng cách tẩm màn với hóa chất diệt muỗi, phun tồn lưu mặt trong tường vách trước mùa mưa
- Thoa kem xua muỗi
- Uống thuốc dự phòng
- An toàn khi truyền máu, đặc biệt với người có tiền sử mắc bệnh Sốt rét hoặc sống trong vùng sốt rét.
Trên đây, bài viết đã giải đáp về vấn đề sốt rét là gì cũng như làm rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị khi mắc căn bệnh này. Hy vọng, thông tin trên hữu ích cho bạn trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, đặc biệt là khi mùa mưa sắp đến. Để cập nhật thêm các kiến thức về sức khỏe, mời bạn truy cập Tin tức y tế. Nếu có nhu cầu cần giải đáp thắc mắc về vấn đề sức khỏe, bạn có thể liên hệ qua HOTLINE để được tư vấn miễn phí hoặc truy cập TẠI ĐÂY để đặt lịch hẹn trực tiếp với đội ngũ bác sĩ tại Hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.
>>> Xem thêm:
- Nhiễm ký sinh trùng – 8 Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa
- Giời leo: Nguyên nhân & cách điều trị bệnh triệt để, hiệu quả
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.