Methylprednisolon là một corticosteroid có tác dụng chống viêm, ức chế miễn dịch và điều trị các bệnh tự miễn. Thuốc được sử dụng phổ biến và có công dụng trong điều trị nhiều nhóm bệnh khác nhau. Trong bài viết này, hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu cụ thể về công dụng, cách dùng và một số lưu ý quan trọng khi sử dụng thuốc Methylprednisolon.
>>> Xem thêm:
- Contractubex: Công dụng, liều dùng và một số lưu ý
- Thuốc Salbutamol là gì? Công dụng, lưu ý tác dụng phụ
- Thuốc Acetaminophen có công dụng gì? Cách dùng và một số lưu ý
Methylprednisolon là thuốc gì?
Methylprednisolon là một Glucocorticoid tổng hợp có cấu trúc tương tự Cortisol – một hormone tự nhiên của cơ thể được sản xuất bởi tuyến thượng thận. Methylprednisolon có các dạng thuốc và hàm lượng như sau:
- Thuốc tiêm Methylprednisolon acetate: 20 mg/ml, 40 mg/ml và 80 mg/ml.
- Bột pha tiêm Methylprednisolon natri succinat: hàm lượng 40 mg, 125 mg, 500 mg, 1000 mg và 2000 mg.
- Viên nén: Methylprednisolon 2 mg, 4 mg, 8 mg, 16 mg, 24 mg và 32 mg.
- Dịch treo để thụt trực tràng: Methyprednisolon 40 mg/chai.
Công dụng của thuốc Methylprednisolon
Methylprednisolon có tác dụng chống viêm bằng cách ức chế hoạt tính của các chất trung gian gây viêm như histamin, leukotriene, prostaglandin,… Nhờ đó giảm các triệu chứng viêm nhiễm.
Bên cạnh đó, thuốc Methylprednisolon có công dụng ức chế hoạt động của hệ thống miễn dịch để giúp điều trị các bệnh do phản ứng miễn dịch gây ra. Methylprednisolon còn dùng kèm với một số loại thuốc khác để điều trị tình trạng rối loạn hormone cơ thể.
Cách sử dụng thuốc Methylprednisolon
Chỉ định
Methylprednisolon được chỉ định điều trị rộng rãi trong nhiều loại nhóm bệnh:
- Bệnh nhiễm trùng nặng do vi khuẩn, siêu vi khuẩn: Nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng vách hóa, thương hàn thể nặng, sốt rét ác tính, bạch hầu ác tính, ho gà, quai bị có biến chứng… với mục đích chống sốc, chống viêm, chống phù nề.
- Các bệnh dị ứng: Phản ứng quá mẫn do thuốc, bệnh dị ứng ngoài da, Dị ứng tai mũi họng, dị ứng phổi (hen).
- Chỉ định trong các bệnh hệ thống: Lupus ban đỏ, thấp khớp cấp, viêm đa khớp dạng thấp.
- Điều trị các bệnh về máu: Bệnh bạch cầu cấp, bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.
- Bệnh nội tiết: Quá sản tuyến thượng thận bẩm sinh, suy tuyến thượng thận, quá tiết Androgen, hạ đường huyết.
- Ngoài ra, Methylprednisolon còn được chỉ định trong phẫu thuật ghép các cơ quan.
Chống chỉ định
Thuốc Methylprednisolon chống chỉ định trong những trường hợp sau đây:
- Bệnh loét dạ dày tá tràng.
- Bệnh nhân Suy tim xung huyết, huyết áp cao.
- Bệnh lý tâm thần.
- Bệnh nhân đái đường, suy thận.
- Loãng xương, tăng nhãn áp.
Liều dùng và cách dùng
Đối với người lớn, liều bắt đầu là 6 – 40mg Methylprednisolon mỗi ngày và cần xác định liều lượng sử dụng theo từng cá nhân, độ tuổi, thể trạng bệnh.
- Ðiều trị cơn hen suyễn nặng với người bệnh nội trú: tiêm tĩnh mạch Methylprednisolon 60 – 120 mg/lần, 6 giờ tiêm một lần; sau khi hết cơn hen cấp tính, dùng liều uống 32 – 48 mg hàng ngày. Sau đó giảm dần liều.
- Điều trị cơn hen cấp tính: Methylprednisolon 32 – 48 mg/ngày, trong 5 ngày, sau đó điều trị bổ sung với liều thấp hơn trong 1 tuần nếu cần.
- Những bệnh viêm khớp dạng thấp nặng: Dùng Methylprednisolon 0,8 mg/kg/ngày chia thành các liều nhỏ, tiếp tục điều trị củng cố dùng một liều duy nhất hàng ngày, sau đó giảm dần tới liều tối thiểu có tác dụng.
- Viêm loét đại tràng mãn tính: Trường hợp nhẹ thì thụt giữ (80 mg), với trường hợp cấp tính nặng thì uống (8 – 24 mg/ngày).
- Viêm khớp dạng thấp: Bắt đầu dùng 4 – 6 mg Methylprednisolon mỗi ngày. Dùng liều cao hơn trong đợt cấp tính: 16 – 32 mg/ngày, sau đó giảm dần.
- Viêm khớp mãn tính ở trẻ em với các biến chứng đe dọa tính mạng: dùng thuốc Methylprednisolon trong liệu pháp tấn công, liều 10 – 30 mg/kg/đợt (thường dùng 3 lần).
- Hội chứng thận hư nguyên phát: Ban đầu dùng liều Methylprednisolon hàng ngày 0,8 – 1,6 mg/kg trong 6 tuần, tiếp theo giảm dần liều trong 6 – 8 tuần.
- Dị ứng nặng trong thời gian ngắn: Tiêm tĩnh mạch Methylprednisolon 125 mg, 6 giờ tiêm một lần.
- Thiếu máu tan máu do miễn dịch: Tiêm tĩnh mạch 1000 mg/ngày, tiêm trong 3 ngày hoặc uống Methylprednisolon mỗi ngày 64mg. Lưu ý phải điều trị bằng Methylprednisolon ít nhất từ 6 – 8 tuần.
- Dự phòng biến chứng tan máu trước khi truyền máu cho người bệnh có Thiếu máu tan máu: Tiêm tĩnh mạch Methylprednisolon 1000mg.
- Bệnh sarcoid: Dùng Methylprednisolon 0,8 mg/kg/ngày để thuyên giảm bệnh. Liều duy trì từ 8 mg/ngày.
Thuốc Methylprednisolon là một loại thuốc gây ra nhiều tác dụng phụ và hệ quả tiêu cực cho sức khỏe nếu không sử dụng đúng cách. Vì vậy, liều dùng và cách dùng thuốc cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của bác sĩ và dược sĩ tùy vào phác đồ điều trị bệnh lý cụ thể.
Tác dụng phụ của thuốc Methylprednisolon
Khi thời gian dùng thuốc kéo dài trên một tuần thì các tác dụng không mong muốn (ADR) sẽ tăng cả về số lượng và cường độ. Dưới đây là một số ADR của thuốc Methylprednisolon:
Tác dụng phụ thường gặp, tỷ lệ ADR > 1/100:
- Ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương gây mất ngủ, thần kinh dễ kích động.
- Gây khó tiêu.
- Chảy máu cam.
- Lông rậm hơn trước khi sử dụng.
- Hệ nội tiết và chuyển hóa: làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc làm nặng thêm tình trạng của bệnh đái tháo đường.
- Thần kinh cơ và xương: đau khớp.
- Tác động lên mắt: đục thủy tinh thể, glocom.
Tác dụng phụ ít gặp tác động lên các hệ cơ quan trong cơ thể, 1/1000 < tỉ lệ ADR < 1/100:
- Hệ thần kinh trung ương: chóng mặt, loạn tâm thần, u giả ở não, nhức đầu, cơn co giật, ảo giác, thay đổi tâm trạng, mê sảng, sảng khoái.
- Tim mạch: phù, tăng huyết áp.
- Tác dụng lên da: teo da, thâm tím, tăng sắc tố mô.
- Hệ nội tiết và chuyển hóa: hội chứng Cushing, chậm lớn, không dung nạp glucose, ức chế trục tuyến yên – thượng thận, giảm kali máu, nhiễm kiềm, vô kinh, tăng glucose huyết, giữ natri và nước.
- Hệ tiêu hóa: buồn nôn, nôn, loét dạ dày, chướng bụng, viêm loét thực quản, viêm tụy.
- Thần kinh – cơ và xương: loãng xương, gãy xương, yếu cơ.
- Phản ứng quá mẫn.
Thuốc Methylprednisolone ít khi gây ra các phản ứng Dị ứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, cần gọi cấp cứu ngay nếu người dùng có các dấu hiệu như chóng mặt, khó thở, phát ban, ngứa hoặc sưng (đặc biệt là lưỡi, mặt và cổ họng).
Tương tác thuốc
Methylprednisolon có thể tương tác với một số loại thuốc như:
- Ức chế chuyển hóa glucocorticoid qua CYP3A4: nhóm kháng sinh Macrolid (erythromycin, clarithromycin), nhóm kháng nấm azole (ketoconazol, itraconazole), nhóm thuốc kháng HIV (ritonavir), nhóm thuốc chẹn kênh Canxi (diltiazem), Isoniazid.
- Làm tăng độc tính của thuốc: các thuốc hạ Kali máu (thiazid), nhóm thuốc giãn cơ (kháng cholinesterase).
Bên cạnh đó, một số thuốc sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc Methylprednisolon khi kết hợp cùng như:
- Thuốc chống động kinh (phenytoin, phenobarbital), kháng sinh rifampicin gây cảm ứng chuyển hóa Methylprednisolon.
- Antacid làm giảm hấp thu Methylprednisolon qua đường uống.
Cách xử lý khi dùng thuốc quá liều
Khi sử dụng thuốc Methylprednisolon liều quá cao trong thời gian dài, có thể làm tăng chức năng vỏ tuyến thượng thận và ức chế tuyến thượng thận. Những triệu chứng quá liều bao gồm biểu hiện hội chứng Cushing (toàn thân), loãng xương (toàn thân) và yếu cơ (toàn thân).
Trong những trường hợp này, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn cách xử lý sao cho an toàn, hiệu quả.
>>> Xem thêm:
- Strepsils: Thành phần, công dụng và một số lưu ý
- Thuốc Triamcinolone: Công dụng, cách dùng và một số lưu ý
- Cảm xuyên hương là thuốc gì? Công dụng, liều dùng và một số lưu ý
Lưu ý thận trọng khi sử dụng thuốc Methylprednisolon
Lưu ý chung
- Để tránh nguy cơ suy thượng thận cấp, tuyệt đối không ngừng thuốc đột ngột sau khi điều trị dài ngày, kể cả khi dùng ở liều rất thấp.
- Sử dụng thận trọng ở người bệnh loãng xương, rối loạn tâm thần, loét dạ dày – tá tràng, đái tháo đường, suy tim, tăng huyết áp và trẻ đang lớn.
- Phải sử dụng thận trọng thuốc Methylprednisolon toàn thân cho người cao tuổi, trong thời gian ngắn nhất với liều thấp nhất có thể.
Lưu ý đối với phụ nữ có thai và cho con bú
- Phụ nữ mang thai dùng thuốc Methylprednisolon toàn thân kéo dài có thể khiến thể trọng của trẻ sơ sinh giảm nhẹ. Việc sử dụng thuốc ở người đang mang thai đòi hỏi phải cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro có thể xảy ra với mẹ và con.
- Thuốc Methylprednisolon có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ nên cần cẩn trọng khi dùng.
Bài viết trên đây của Hoàn Mỹ đã cung cấp đầy đủ thông tin cơ bản về thuốc Methylprednisolon. Để cập nhật thêm thông tin về các loại thuốc hoặc phương pháp điều trị bệnh, truy cập ngay chuyên mục Tin tức y tế. Hoặc bạn cũng có thể liên hệ ngay đến HOTLINE hoặc đặt hẹn lịch trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.