Tin tức y tế

10 tác dụng của hồng sâm đối với sức khỏe, cách dùng hiệu quả

24/08/2023

Hồng sâm thực chất là loại nhân sâm tươi sau quá trình chế biến đặc biệt, giúp bảo quản các hoạt chất có lợi cho sức khỏe. Nhờ thành phần giàu dưỡng chất, loại thảo dược này rất được ưa chuộng, ứng dụng nhiều trong các bài thuốc Đông Y cổ truyền. Trong bài viết sau, Hoàn Mỹ sẽ chia sẻ đến bạn những lợi ích đáng kinh ngạc của hồng sâm, cách sử dụng và bài thuốc phổ biến. 

>> Xem thêm: 

Hồng sâm là gì?

Hồng sâm (Red Ginseng) thực chất là tên gọi của nhân sâm tươi sau khi trải qua quá trình chế biến, nhằm tối ưu hóa hoạt chất và đảm bảo khả năng bảo quản lâu dài. Thông thường, người ta sẽ thu hoạch cây nhân sâm có 6 năm tuổi trở lên, rửa sạch và đem hấp chín bằng hơi nước trong khoảng thời gian từ 50 – 90 phút (tuỳ thuộc vào kích thước của củ sâm) cho đến khi chuyển sang màu đỏ. Quá trình hấp này được xem là đạt chuẩn khi lượng nước trong nhân sâm còn 14%. Sau đó, nhân sâm được đem đi phơi khô trong phòng sấy và phơi nắng trong 4 – 5 ngày.

Hồng sâm chính thống sẽ có lớp vỏ bên ngoài và phần ruột bên trong có màu đỏ hoặc có chút tông vàng, nâu sẫm, cảm giác mềm mịn khi cầm nắm.

>> Xem thêm: Cây mật gấu: Tác dụng và cách dùng sao cho hiệu quả 

Hồng sâm thực chất là nhân sâm sau khi chế biến, tinh lọc để giữ hoạt chất có lợi cho sức khỏe
Hồng sâm thực chất là nhân sâm sau khi chế biến, tinh lọc để giữ hoạt chất có lợi cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

10 tác dụng của Hồng sâm đối với sức khỏe

Dưới đây là những tác dụng tuyệt vời của loại nhân sâm này mang lại cho sức khỏe mà bạn có thể tham khảo:

Cải thiện miễn dịch, tăng sức đề kháng

Theo các nghiên cứu, nhân sâm đỏ sau khi đã qua quá trình hấp sấy có khả năng thúc đẩy các phản ứng miễn dịch thông qua việc điều chỉnh hoạt động của các tế bào miễn dịch và cytokine. Người sử dụng bột hồng sâm có tỷ lệ mắc các triệu chứng cảm lạnh thông thường thấp hơn so với nhóm không sử dụng.

Cải thiện sức khỏe, giảm mệt mỏi

Vị thuốc quý làm từ nhân sâm có khả năng hỗ trợ giảm sự tăng tụ axit lactic – chất gây mệt mỏi cơ bắp sau khi cơ thể đạt đến ngưỡng chịu đựng khi tập thể dục. Đồng thời, chúng cũng thúc đẩy sự sản xuất creatine kinase, một chất cung cấp năng lượng cho cơ bắp. Ngoài ra, thảo dược này còn có khả năng ức chế tiền chất serotonin, một chất gây căng thẳng và mệt mỏi ở hệ thống thần kinh trung ương.

Tăng lưu thông máu, ức chế tập kết tiểu cầu

Loại nhân sâm đã qua chế biến cũng được xác định có khả năng ngăn chặn sự kết tụ của tiểu cầu, ngăn chặn hình thành cục máu đông và cải thiện tuần hoàn máu. Điều này được thực hiện thông qua việc chứa các hợp chất như saponin và ginsenosides, giúp ngăn chặn các chất như TXA 2, thrombin và serotonin gây tạo sự kết tụ của tiểu cầu. 

>> Xem thêm: Tam thất có tác dụng gì? Công dụng của tam thất đối với sức khỏe

Uống bột nhân sâm đỏ giúp cải thiện sự lưu thông máu, hệ miễn dịch
Uống bột nhân sâm đỏ giúp cải thiện sự lưu thông máu, hệ miễn dịch (Nguồn: Internet)

Cải thiện đường huyết

Một trong những tác dụng quan trọng của hồng sâm là khả năng hỗ trợ điều trị đái tháo đường. Nhờ hàm lượng ginsenoside cao gấp 3 lần so với nhân sâm thông thường, kích thích tuyến tụy sản xuất insulin, từ đó giúp kiểm soát đường huyết và cải thiện tình trạng kháng insulin.

Chống oxy hóa hiệu quả 

Nhân sâm đỏ giúp giảm thiểu gốc tự do, hạn chế quá trình oxy hóa, lão hóa da. Hàm lượng saponin – một chất chống oxy hóa mạnh mẽ đã điều chỉnh hoạt động của các enzyme chống oxy hóa như SOD, catalase và GPX, đồng thời gia tăng các chất chống oxy hóa nội sinh như glutathione.

>> Xem thêm: Giảo cổ lam là gì? Tác dụng của giảo cổ lam đối với sức khỏe 

Hồng sâm giúp cải thiện trí nhớ

Với các hợp chất ginsenosides có tác dụng kích thích quá trình tạo và giải phóng acetylcholine, thảo dược thiên nhiên chế biến từ nhân sâm tươi còn có khả năng cải thiện trí nhớ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người mắc bệnh Alzheimer sau khi sử dụng vị thuốc quý hiếm này với liều 4,5g/ngày hoặc 9g/ngày đã ghi nhận cải thiện đáng kể về khả năng ghi nhớ so với bình thường.

Nhân sâm tươi sau khi qua chế biến giữ được nhiều hoạt chất có lợi cho não bộ
Nhân sâm tươi sau khi qua chế biến giữ được nhiều hoạt chất có lợi cho não bộ (Nguồn: Internet)

Hồng sâm giúp giảm mỡ máu

Một số loại saponin có trong hồng sâm như Rb1, Rb2, Rc, Rd, Re và Rl có khả năng giảm mỡ trong máu, xuống cân bằng cách hạn chế sự tích tụ chất béo trong cơ thể. Đặc biệt, chúng có khả năng cải thiện tình trạng tăng lipid máu bằng việc giảm lượng LDL Cholesterol – chất gây tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Nhờ đó, con người khi sử dụng có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch như xơ vữa động mạch, cao huyết áp, tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim.

Hồng sâm giúp chống ung thư 

Thảo dược quý hiếm này đã được chứng minh có thể ức chế sự phát triển của tế bào Ung thư như ung thư phổi và ung thư trực tràng. Tác dụng này xuất phát từ hàm lượng các ginsenoside dồi dào có khả năng kháng tế bào ung thư, hỗ trợ điều trị và giảm nguy cơ mắc ung thư hiệu quả.

>> Xem thêm: Đặc điểm, công dụng trị bệnh của cây duối

Hồng sâm giúp cải thiện sức khỏe nam giới

Nhờ hàm lượng ginsenosides phong phú, hồng sâm gây kinh ngạc với khả năng thúc đẩy sản xuất oxit nitric – hợp chất hỗ trợ sự giãn nở các mạch máu. Điều này đặc biệt quan trọng ở thể hang dương vật, giúp cải thiện khả năng cương cứng.

Cải thiện giấc ngủ, chứng Rụng tóc và khô miệng

Nhân sâm màu đỏ còn có tác dụng cải thiện chất lượng và hiệu suất giấc ngủ, giúp người bệnh có giấc ngủ sâu hơn và kéo dài thời gian ngủ. Ngoài ra, đối với phụ nữ trong giai đoạn tiền Mãn kinh và mãn kinh, hồng sâm có khả năng giảm tình trạng khô miệng, tăng độ dày tóc và kích thích mọc tóc.

>> Tham khảo thêm: Đặc điểm của sâm bố chính và công dụng hữu ích bạn chưa biết 

Các tác dụng khác

Ngoài các lợi ích tuyệt vời trên, nhân sâm đỏ còn có một số công dụng khác như:

  • Giảm nguy cơ mắc Bệnh gan nhiễm mỡ không phải do rượu
  • Giảm tình trạng béo phì
  • Bảo vệ gan
  • Ngăn ngừa loãng xương
  • Tăng cường chức năng tiêu hóa.

Đối tượng nên sử dụng Hồng sâm

Sản phẩm nhân sâm sau khi qua quá trình chế biến được đảm bảo an toàn và phù hợp cho nhiều đối tượng khác nhau, bao gồm:

  • Người mong muốn tăng cường sức đề kháng, cải thiện sức khỏe, đặc biệt sau khi ốm dậy.
  • Người già và người ở độ tuổi trung bình có nhu cầu hỗ trợ trong việc quản lý bệnh tiểu đường, mức mỡ máu và các vấn đề về tim mạch.
  • Những người đang trong quá trình điều trị Ung thư hoặc muốn hỗ trợ trong việc đối phó với căn bệnh này.
  • Người cao tuổi quan tâm đến việc tăng cường khả năng tư duy và trí nhớ.
  • Phụ nữ có mong muốn làm đẹp da, chống lão hóa da một cách tự nhiên.
  • Phụ nữ đang quan tâm đến việc cải thiện sức khỏe và tăng cường ham muốn.
  • Phụ nữ mong muốn kiểm soát cân nặng, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh Ung thư và béo phì.
  • Nam giới muốn tăng cường sức khỏe và sinh lý nam.
  • Nam giới có thói quen sử dụng rượu bia muốn bảo vệ gan khỏi tác động tiêu cực của chất này.
  • Trẻ em cần tăng cường sức đề kháng và cải thiện sức khỏe.

Những ai không nên uống Hồng sâm

  • Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú
  • Trẻ em dưới 1 tuổi không nên sử dụng
  • Người đang gặp tình trạng viêm loét dạ dày cấp tính hoặc có hiện tượng xuất huyết
  • Người có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa
  • Người có tiền sử bị tai biến mạch máu não do xuất huyết vì có thể tăng nguy cơ máu chảy nhanh.

Cách dùng Hồng sâm hiệu quả 

Hồng sâm có thể được biến đổi thành nhiều hình dạng khác nhau để phù hợp với sở thích và cách sử dụng của từng người.

  • Dạng củ: Có thể thái lát và ngâm trong mật ong, thái lát để pha trà, ngậm trực tiếp, hoặc sử dụng trong các món ăn hàng ngày như gà hầm sâm, cháo,…
  • Dạng bột: Pha vào nước uống như trà, trộn với mật ong để tạo thành viên hoàn, hoặc kết hợp với các dược liệu khác như kỷ tử, lộc nhung,…
  • Dạng nước: Sử dụng bằng cách uống trực tiếp từ các túi đã chế biến theo hướng dẫn.

>> Xem thêm: Dầu hoa anh thảo: Công dụng, cách dùng có thể bạn chưa biết

Cách dùng nhân sâm đỏ tùy theo từng dạng cụ thể
Cách dùng nhân sâm đỏ tùy theo từng dạng cụ thể (Nguồn: Internet)

Một số bài thuốc sử dụng Hồng sâm

Nhờ vào hàm lượng dưỡng chất dồi dào, nhân sâm đỏ được ứng dụng rất nhiều trong các bài thuốc dân gian Đông Y:

Bài thuốc trị huyết áp thấp

Nguyên liệu: Hồng sâm 3g, kỷ tử 20g, 2 đùi gà tươi, hành tươi, rau sống, đường trắng, 150ml rượu, bột mì vừa đủ ăn.

Cách thực hiện:

  • Thái nhân sâm đỏ thành miếng mỏng và ngâm trong rượu trong 3 ngày.
  • Rán vàng đùi gà, sau đó phi thơm hành và gừng.
  • Hầm gà rán vàng cùng kỷ tử và sâm đã ngâm cho đến khi mềm.
  • Thêm một chút bột mì để làm cho món hầm có độ sánh hơn.
  • Nên ăn khi món còn nóng.

Bài thuốc giúp giảm mệt mỏi

Nguyên liệu: Sâm đỏ 3g, hoàng kỳ 9g, đương quy 9g, trần bì 3g, bạch linh 9g, chích thảo 3g.

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch các nguyên liệu và sắc với lượng nước vừa đủ để dùng trong ngày.
  • Sắc cho đến khi nước còn 2/3, sau đó chia thành 3 lần uống trong ngày.
  • Có thể sắc lại lần thứ 2, nhưng lần này chỉ sắc còn 1/3 để uống.

Bài thuốc cải thiện trí nhớ

Nguyên liệu: Đương quy 9g, nhân sâm đỏ 6g, thục địa 9g, bạch truật 6g, chích thảo 6g, táo đỏ 2 quả, 3 lát gừng mỏng.

Cách thực hiện:

  • Sấy khô các nguyên liệu và nghiền thành bột mịn.
  • Hòa tan bột với nước ấm và uống hết trong ngày.

Bài thuốc cải thiện chức năng sinh lý

Nguyên liệu: Sâm đỏ 3g, mật ong 15g.

Cách thực hiện:

  • Thái hồng sâm thành miếng mỏng, sau đó đun cùng với một lượng nước vừa đủ. Khi còn 1/3 nước, thêm mật ong vào và khuấy tan.
  • Nước sau khi pha chia thành 3 lần và uống hết trong ngày.
  • Cần uống hết trong ngày.

>> Xem thêm: Cây đinh lăng – Công dụng trong việc điều trị bệnh

Trong một số trường hợp, nhân sâm đỏ có thể xảy ra các phản ứng phụ nếu dùng quá liều hoặc sử dụng lâu dài, cụ thể như:

Tác dụng phụ của Hồng sâm

  • Mất ngủ
  • Một số người có thể cảm thấy nóng do cơ địa chưa thích nghi.

Ngoài ra, các phản ứng phụ ít phổ biến bao gồm:

  • Tăng nhịp tim
  • Rối loạn kinh nguyệt
  • Đau đầu, chóng mặt
  • Tăng huyết áp
  • Rối loạn tiêu hóa.

Nếu bạn gặp bất kỳ phản ứng phụ nào, nên theo dõi tình trạng và nếu các triệu chứng trở nên nặng hơn, bạn nên ngừng sử dụng và tìm kiếm ý kiến từ người có chuyên môn.

>> Xem thêm: Tác dụng của cây tầm bóp là gì? Cách sử dụng hiệu quả 

Lưu ý khi sử dụng Hồng sâm

Để đảm bảo an toàn khi sử dụng, bạn nên lưu ý những điều sau đây:

  • Không nên dùng hồng sâm cho phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 1 tuổi
  • Không dùng cho người đang mắc các bệnh về gan mật, hoặc các vấn đề đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, viêm loét dạ dày cấp…
  • Cần trọng khi dùng cho những người có tiền sử bị tai biến mạch máu não do xuất huyết não
  • Không nên sử dụng nhân sâm đỏ như một loại thuốc chính để điều trị các bệnh lý tự miễn, Ung thư hay các vấn đề chuyển hóa khác.
  • Bệnh nhân đang bị Sốt hoặc cảm lạnh ngừng sử dụng sâm đỏ trong thời gian bệnh
  • Nên tránh sử dụng đồng thời với các thực phẩm chứa cafein, vì có thể tăng tính kích thích của cafein đối với cơ thể.
Cẩn trọng khi dùng nhân sâm đỏ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe
Cẩn trọng khi dùng nhân sâm đỏ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Phía trên là những thông tin chi tiết về tác dụng sức khỏe của hồng sâm và cách sử dụng hiệu quả. Để cập nhật thêm các kiến thức y học thường thức khác, mời bạn truy cập Tin tức y tế. Liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

>> Xem thêm:

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.