Dâu tây là một loại trái cây giàu vitamin C, có nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe như khả năng chống oxy hóa, bảo vệ sức khỏe tim mạch. Bên cạnh đó, dâu tây còn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại. Trong bài viết này, Hoàn Mỹ sẽ cung cấp những thông tin về thành phần dinh dưỡng, lợi ích và những lưu ý khi sử dụng dâu tây.
>>> Xem thêm:
- Những lợi ích sức khỏe khi sử dụng cây chó đẻ
- Hạt chia có công dụng gì? Liều lượng sử dụng thích hợp
- Bật mí những công dụng tuyệt vời của thốt nốt
Thành phần dinh dưỡng của quả dâu tây
Dâu tây là một loại trái cây chủ yếu bao gồm nước và chứa ít lượng calo. Dưới đây là thông tin chi tiết về giá trị dinh dưỡng có trong 100gr quả dâu tây tươi:
- Năng lượng: 32 calo
- Nước: 91% (do lượng nước chiếm phần lớn khối lượng)
- Protein: 0,7 gram
- Carbohydrate: 7,7 gram
- Đường: 4,9 gram
- Chất xơ: 2 gram
- Chất béo: 0,3 gram
Dâu tây chứa nhiều chất xơ và đường tự nhiên. Đặc biệt, chất xơ có thể giúp cải thiện tiêu hóa và đường huyết. Các thành phần dinh dưỡng chính của loại quả này bao gồm:
- Carbohydrate (Carbs): Dâu tây chứa ít carbs, chủ yếu chứa đường đơn như glucose, fructose và sucrose.
- Chất xơ: Chất xơ chiếm khoảng 26% hàm lượng carb, có nhiều lợi ích cho tiêu hóa, cải thiện vi khuẩn ruột, giúp giảm cân và bảo vệ sức khỏe.
- Vitamin và khoáng chất: Loại quả này rất giàu vitamin C, mangan, folate (vitamin B9), kali, sắt, đồng, magiê, phốt pho, vitamin B6, K và E. Các khoáng chất và vitamin này đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng của cơ thể và có lợi cho sức khỏe tim mạch.
- Anthocyanin: Dâu tây chứa hơn 25 loại anthocyanin khác nhau, với loại Pelargonidin là phổ biến nhất. Anthocyanin rất tốt cho sức khỏe tim mạch và có khả năng bảo vệ tim mạch khỏi các vấn đề liên quan.
- Ellagitannin và axit ellagic: Loại quả này chứa các chất chống oxy hóa phenolic, bao gồm ellagitannin và axit ellagic có khả năng chống vi khuẩn và giúp giảm nguy cơ ung thư.
Tác dụng đối với sức khỏe của trái dâu tây
Nhiều chất chống oxy hóa
Dâu tây không chỉ là một loại trái cây thơm ngon mà còn chứa các chất chống oxy hóa và vitamin có lợi cho sức khỏe. Anthocyanin và các hợp chất chống oxy hóa phenolic có trong loại quả này giúp bảo vệ tế bào khỏi sự tổn thương do các gốc tự do và tác nhân oxi hóa gây ra.
Bảo vệ sức khỏe tim mạch
Quá trình oxy hóa có thể gây tổn thương cho mạch máu và tham gia vào sự hình thành các mảng bám trong động mạch, tăng nguy cơ bị đau tim, đột quỵ và các bệnh tim mạch khác. Chất chống oxy hóa trong dâu tây đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tim mạch bằng cách ức chế quá trình oxy hóa LDL, hay cholesterol xấu và hạn chế quá trình oxy hóa lipid.
Giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính
Anthocyanin và axit ellagic trong dâu tây cung cấp lợi ích cho sức khỏe bằng cách chống lại oxy hóa và ngăn ngừa sự phát triển của các bệnh liên quan. Bên cạnh đó, các chất này làm giảm tác hại của gốc tự do dẫn đến viêm và phát triển bệnh mãn tính.
Ổn định đường huyết
Axit ellagic đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định đường huyết bằng cách làm chậm quá trình tiêu hóa tinh bột. Điều này giúp kiểm soát tốt hơn sự gia tăng hàm lượng đường trong máu sau khi ăn, đặc biệt ở những người mắc bệnh tiểu đường.
Phòng ngừa ung thư
Dâu tây chứa chất chống oxy hóa anthocyanin có thể ức chế sự phát triển của tế bào Ung thư ở con người. Hơn nữa, loại quả này còn làm giảm nguy cơ mắc các loại ung thư như ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư da. Dâu tây được xem như là một “liều thuốc” tự nhiên giúp bảo vệ sức khỏe và chống lại sự xâm nhập của tế bào ung thư.
Làm đẹp da
Dâu tây có khả năng làm chậm quá trình lão hóa da bằng cách ngăn chặn sự tổn thương do các gốc tự do gây ra. Đặc biệt, axit ellagic trong quả giúp bảo vệ da khỏi tác động xấu của tia tử ngoại làm tình trạng lão hóa da diễn ra nhanh chóng.
Hỗ trợ giải độc và tốt cho hệ tiêu hóa
Chất xơ có trong dâu tây giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh bằng cách ngăn ngừa táo bón, cân bằng độ pH và giảm viêm nhiễm trong ruột. Điều này có ích cho quá trình giải độc của cơ thể, giúp loại bỏ các chất độc tố và đảm bảo rằng đường tiêu hóa hoạt động một cách hiệu quả.
Ngoài ra, dâu chứa một lượng lớn vitamin A và vitamin C cần thiết cho quá trình giải độc. Các chất này giúp trung hòa và loại bỏ các độc tố gây tổn thương do gốc tự do quá mức, giảm nguy cơ viêm nhiễm và rối loạn tiêu hóa.
Hàm lượng mangan trong dâu tây cao
Hàm lượng mangan dồi dào trong quả dâu tham gia vào quá trình hoạt động của hệ thần kinh và giúp duy trì sức khỏe não bộ. Việc bổ sung đủ mangan trong chế độ ăn uống có thể giúp bảo vệ hệ thần kinh khỏi các rối loạn như bệnh Parkinson và bệnh động kinh.
Ngăn ngừa thiếu máu, tốt cho phụ nữ mang thai
Dâu tây là một nguồn cung cấp vitamin B9 vô cùng quý báu, đặc biệt quan trọng cho sức khỏe thai kỳ và sự phát triển của thai nhi. Chất này đảm bảo các tế bào và mô trong cơ thể hoạt động bình thường.
Việc tiêu thụ đủ lượng axit folic trước và trong khi mang thai có thể giúp ngăn ngừa một số dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Ngoài ra, folate cũng giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu, một tình trạng phổ biến trong thai kỳ do nhu cầu sắt tăng lên.
Những ai không nên ăn dâu tây?
Dâu tây có nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp loại quả này không nên sử dụng cho một số đối tượng. Dưới đây là một số trường hợp cần cân nhắc trước khi ăn dâu tây:
- Người mắc bệnh dạ dày: Những hạt nhỏ trong dâu tây thường gây ra kích ứng niêm mạc dạ dày, đồng thời tính axit của loại quả này cũng có thể dẫn đến đau dạ dày.
- Người bị cao huyết áp: Dâu tây có thể tương tác với một số loại thuốc dùng để điều trị cao huyết áp, đặc biệt là các loại thuốc chứa hóa chất ở mức cao. Điều này có thể gây trở ngại cho các chức năng của thận.
- Người bị dị ứng: Loại quả này có thể gây Dị ứng đối với một số người, đặc biệt là những người có tiền sử bị dị ứng. Triệu chứng dị ứng có thể bao gồm da bị mẩn đỏ và ngứa. Tuy nhiên, dị ứng dâu tây thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, ít phổ biến ở người lớn.
Lưu ý khi sử dụng dâu tây
- Chọn những quả dâu dầy đặn, chắc và có màu đỏ đậm. Sau khi được thu hoạch, chúng không còn khả năng chín thêm nữa.
- Dâu tây có thể dùng ăn ngay khi còn tươi hoặc cũng được sử dụng làm nguyên liệu chế biến các loại mứt, thạch, siro, sinh tố và món tráng miệng.
Trên đây là tổng hợp những thông tin về những lưu ý, lợi ích của dâu tây đối với sức khỏe. Hy vọng qua bài viết, Hoàn Mỹ có thể mang đến nhiều kiến thức bổ ích cho bạn. Nếu bạn muốn cập nhật thêm nhiều kiến thức sức khỏe hữu ích khác, hãy truy cập vào mục Tin tức y tế tại website. Để đặt lịch khám tại hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, vui lòng gọi đến HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.