Tin tức y tế

Đau lưng dưới là dấu hiệu bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

16/11/2023

Đau lưng là tình trạng thường hay gặp ở cả nam và nữ, các cơn đau có thể kéo dài dai dẳng và tái phát nhiều lần gây ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc. Tuy nhiên nhiều người cho rằng đau lưng là do làm việc quá sức hoặc do tư thế làm ngồi việc không đúng và chỉ cần nghỉ ngơi là sẽ khỏi. Thực tế, hiện tượng đau lưng dưới có thể là biểu hiện của một bệnh lý nào đó đang âm ỉ tiến triển. Cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị đau lưng hiệu quả nhất trong bài viết dưới đây.

>> Xem thêm:

Đau lưng dưới là gì?

Vùng cột sống thắt lưng bao gồm các đốt sống từ L1 đến L5, hệ thống cơ, gân, dây chằng bao xung quanh. Lưng dưới là vùng có vai trò vô cùng quan trọng với cơ thể con người, nhiệm vụ chính của vùng lưng dưới là nâng đỡ toàn bộ thân trên cơ thể và điều khiển truyền nhận tín hiệu từ não đến chân giúp cơ thể cử động dễ dàng hơn.

Đau lưng dưới có thể là do đau liên quan đến hệ thống cơ, gân, dây chằng, các đốt sống, đĩa đệm,… gây ra các biểu hiện đau lưng dưới bên phải, đau lưng dưới bên trái hay đau lưng vùng dưới gần mông.Tùy vào mức độ đau lưng, tần suất các cơn đau có thể gây đau âm ỉ hoặc đau dữ dội làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người bệnh. 

Đau vùng thắt lưng do các cơ, dây thần kinh ảnh hưởng đến các đốt sống phần thắt lưng
Đau vùng thắt lưng do các cơ, dây thần kinh ảnh hưởng đến các đốt sống phần thắt lưng (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân dẫn đến đau lưng dưới

Có nhiều nguyên nhân gây đau vùng lưng dưới có thể là các yếu tố bên trong hoặc bên ngoài như tư thế làm việc không đúng, do gặp phải những chấn thương bên ngoài,…Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp ở các bệnh nhân đau vùng lưng dưới.

Thoái hóa cột sống

Thoái hóa cột sống là bệnh lý về xương khớp mạn tính do đĩa đệm và các đốt sống bị thoái hóa. Tình trạng này thường gặp ở người lớn tuổi, tuy nhiên hiện nay cũng gặp nhiều ở người trẻ tuổi. Thoái hóa cột sống thường gặp ở những đốt sống chịu lực của cơ thể nhiều nhất như đốt sống cổ và đốt sống ở thắt lưng. Khi bị thoái hóa đốt sống thắt lưng, người bệnh sẽ cảm thấy đau lưng dưới khi cúi người, đứng, ngồi lâu hoặc bưng bê, lao động nặng. Tình trạng bệnh nặng người bệnh sẽ cảm thấy đau lưng dưới gần mông, các cơn đau sẽ dần lan xuống mông, đùi, chân và gây cảm giác tê, châm chích ở chân.

Thoát vị đĩa đệm

Một nguyên nhân gây đau vùng lưng dưới là bị thoát vị đĩa đệm. Khi lớp nhân nhầy ở đĩa đệm bị tràn ra gây chèn ép đến các dây thần kinh gây ra bệnh rễ thần kinh gây đau lưng và lan xuống mông, chân và cả bàn chân. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất trong số các nguyên nhân gây ra đau vùng lưng dưới và đây cũng là nguyên nhân gây bệnh đau thần kinh tọa. Tuy nhiên biểu hiện của đau thần kinh tọa thường xuất hiện đột ngột và cũng tan biến nhanh khiến cho người bệnh chủ quan không thăm khám sớm do đó dễ dẫn đến tình trạng bệnh nặng.

>> Xem thêm: Bệnh loãng xương: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân gây ra triệu chứng đau lưng dưới
Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân gây ra triệu chứng đau lưng dưới (Nguồn: Internet)

Hẹp ống sống

Khi ống sống bị thu hẹp sẽ chèn ép, gây áp lực lên tủy sống và rễ thần kinh. Người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng đau vùng lưng dưới và các cơn đau có thể đến và đi rất nhanh khi đi bộ lâu, vận động nhiều, bưng bê đồ nặng.

Loãng, gãy xương

Bệnh loãng xương xảy ra khi khối lượng và chất lượng của xương bị giảm và làm tăng nguy cơ gãy xương khi gặp chấn thương cho dù là chấn thương mức độ nhẹ. Loãng xương thường gặp ở người cao tuổi, phụ nữ mãn kinh, người suy dinh dưỡng. Đau lưng dưới ở nữ là triệu chứng thường gặp khi có dấu hiệu của bệnh loãng xương và gãy xẹp đốt sống là một biến chứng nguy hiểm của bệnh loãng xương.

Cột sống bị chấn thương

Các vận động di chuyển, tập luyện thể dục, thể thao trong cuộc sống hàng ngày có thể bị chấn thương dẫn đến đau lưng dưới. Biểu hiện của chấn thương cuộc sống có thể nhẹ như các cơn đau do căng cơ hoặc nghiêm trọng hơn là do thoát vị đĩa đệm, gãy đốt sống. Ngoài ra các chấn thương dẫn đến bong gân nhưng không làm trật khớp hay gãy xương làm ảnh hưởng đến dây chằng và khi vận động, di chuyển sẽ tạo ra các cơn co thắt ở lưng làm cho người bệnh cảm thấy đau tức vùng lưng dưới.

Từ bệnh ung thư

Đau vùng lưng dưới có thể xuất phát từ bệnh Ung thư di căn đến một vùng cột sống thắt lưng. Biểu hiện đau lưng do ung thư thường gây đau âm ỉ trong thời gian dài, đau nhiều khi về đêm, các cơn đau có thể lan xuống mông, chân, bàn chân. Ở người lớn tuổi có tiền sử bệnh ung thư, nếu sụt cân không rõ nguyên nhân, điều trị không thuyên giảm thì nguyên nhân có thể là do ung thư di căng cột sống thắt lưng. 

Bệnh phụ khoa

Tình trạng đau thắt lưng ở nữ giới cũng có thể là do bệnh phụ khoa gây ra. Khi đau lưng đi kèm các triệu chứng như kinh nguyệt không đều, chảy máu âm đạo thì có thể do mắc các bệnh phụ khoa như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung.

Đau lưng dưới ở nữ có thể là do mắc bệnh phụ khoa
Đau lưng dưới ở nữ có thể là do mắc bệnh phụ khoa (Nguồn: Internet)

Viêm ruột thừa

Khi có biểu hiện của cả đau lưng dưới và đau bụng dưới dữ dội, cơn đau xảy ra đột ngột và đi kèm với sốt, buồn nôn thì có thể bạn đã bị viêm ruột thừa.

Viêm tụy

Biểu hiện của viêm tụy là đau ở vùng thượng vị và đi kèm với nôn ói nhiều. Tuy nhiên viêm tụy cũng có thể gây ra các cơn đau ở vùng lưng dưới, do đó bạn cần thăm khám để được chẩn đoán đúng nguyên nhân.

Vấn đề ở thận

Nguyên nhân những cơn đau vùng lưng dưới cũng có thể là do các vấn đề của thận gây ra. Sỏi thận là một trong những nguyên nhân gây đau vùng lưng dưới và vùng hông kèm với các triệu chứng như đi tiểu lắt nhắt, tiểu ra máu, tiểu đau,…

>> Xem thêm:

Đau vùng lưng dưới do bị thoát vị đĩa đệm
Đau vùng lưng dưới do bị thoát vị đĩa đệm (Nguồn: Internet)

Đau lưng dưới có triệu chứng gì?

Triệu chứng thường gặp hầu hết ở người bị đau lưng dưới là các cơn đau từ lưng rồi lan dần xuống mông, chân, bàn chân gây cảm giác tê, châm chích khó chịu. Ngoài ra tình trạng này cũng có thể lan ra hai bên vùng cơ cạnh cột sống gây cảm giác đau khi cúi, ngồi, vận động nhiều.

Triệu chứng đau thắt lưng khi ngồi làm việc
Triệu chứng đau thắt lưng khi ngồi làm việc (Nguồn: Internet)

Những đối tượng có nguy cơ bị đau lưng dưới

  • Độ tuổi: Đau vùng lưng dưới thường sẽ xuất hiện ở người có độ tuổi từ 30 đến 50 tuổi và tăng dần theo độ tuổi. Khi lớn tuổi bệnh loãng xương càng gia tăng dẫn đến dễ bị gãy xương, chất lỏng ở đĩa đệm hao hụt dần làm giảm khả năng nâng đỡ của các đốt sống.
  • Người ít luyện tập thể dục: Không vận động nhiều, không luyện tập thể dục dẫn đến cơ lưng và cơ bụng bị yếu đi và làm giảm khả năng nâng đỡ cơ thể với cột sống.
  • Phụ nữ mang thai: Khi mang thai khung xương chậu sẽ thay đổi để đáp ứng trọng lượng và kích thước của thai nhi. Các áp lực gây lên khung xương chậu sẽ gây đau lưng dưới và sau khi sinh triệu chứng này cũng sẽ dần hết.
  • Người béo phì: Khi tăng cân quá đà sẽ dẫn đến áp lực nâng đỡ của cột sống cho trọng lượng cơ thể và gây ra đau vùng lưng dưới.
  • Đau lưng do yếu tố công việc: Các công việc đòi hỏi phải nâng, đẩy, mang, vác, kéo mạnh lâu dài có thể ảnh hưởng đến cột sống gây đau lưng. Công việc văn phòng ngồi nhiều, không hoạt động thường xuyên, ngồi sai tư thế cũng là nguyên nhân gây đau thắt lưng.
Người ít vận động, thừa cân dễ có nguy cơ đau vùng lưng dưới
Người ít vận động, thừa cân dễ có nguy cơ đau vùng lưng dưới (Nguồn: Internet)

Biến chứng của đau lưng dưới

Đau vùng lưng dưới nếu để kéo dài không kịp thời thăm khám và điều trị có thể dẫn đến các biến chứng gây nguy hại cho sức khỏe. Chèn ép tủy sống là biến chứng nguy hiểm nhất, người bệnh có thể bị liệt cơ, mất cảm giác, tiêu tiểu không tự chủ được.

Đau lưng dưới cấp tính nếu không được điều trị kịp thời sẽ chuyển sang mãn tính. Các cơn đau kéo dài sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống, có thể dẫn teo cơ, chân, di chuyển khó khăn, tăng tỷ lệ tàn tật. Đồng thời để bệnh kéo dài dẫn đến khó điều trị bệnh, chi phí điều trị cao, tốn nhiều thời gian.

Đau lưng dưới có thể dẫn đến bị teo cơ, liệt chân
Đau lưng dưới có thể dẫn đến bị teo cơ, liệt chân (Nguồn: Internet)

Phương pháp chẩn đoán

Hiện nay có nhiều phương pháp để chẩn đoán bệnh đau lưng dưới, cụ thể:

  • Chụp X-Quang: Chụp X-Quang cho thấy các bất thường ở cột sống vùng thắt lưng như gai cột sống, xơ xương dưới sụn, gãy xương đốt sống, trượt đốt sống,…
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu trong trường hợp đau vùng lưng dưới do nghi ngờ nguyên nhân gây viêm, nhiễm trùng hoặc ung thư.
  • Chụp MRI: Đây là phương pháp chẩn đoán có độ chính xác cao có thể phát hiện các bất thường ở mô mềm như cơ, dây chằng, đĩa đệm.
  • Chụp CT: Chụp CT sẽ cho thấy kết quả các đốt xương sống ở nhiều vị trí khác nhau từ đó phát hiện các tổn thương bên trong xương cột sống.
  • Đo điện cơ EMG: Phương pháp này sẽ đo các xung điện do các dây thần kinh tạo ra để xác định sự chèn ép dây thần kinh do thoát vị đĩa đệm hay do hẹp ống sống.
  • Đo mật độ xương: Nguyên nhân gây đau vùng dưới lưng có thể là do loãng xương. Do đó phương pháp đo mật độ xương nhằm mục đích xác định nguyên nhân gây đau lưng có phải do loãng xương gây ra hay không.
Phương pháp chụp X-Quang để phát hiện ra bất thường ở cột sống
Phương pháp chụp X-Quang để phát hiện ra bất thường ở cột sống (Nguồn: Internet)

Các cách điều trị đau lưng dưới

Chăm sóc tại nhà

Phương pháp tự chăm sóc tại nhà thường được áp dụng trong vòng 72 giờ từ khi cơn đau xuất hiện. Sau 72 giờ chăm sóc tại nhà nếu các cơn đau không thuyên giảm người bệnh nên đến các cơ sở y tế để thăm khám. Một số cách chăm sóc tại nhà có thể kể đến: 

  • Tạm ngưng các hoạt động thể chất mạnh tuy nhiên không nên nằm nghỉ hoàn toàn mà thay vào đó vẫn duy trì các hoạt động ở mức độ nhẹ.
  • Chườm lạnh để giảm cơn đau lưng.
  • Có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau không cần kê đơn của bác sĩ như ibuprofen, acetaminophen 
  • Đổi tư thế nằm nghiêng, cong đầu gối và đặt gối giữa 2 chân nếu như nằm ngửa cảm thấy khó chịu. Khi nằm ngửa thoải mái có thể dùng gối đặt dưới đùi để làm giảm áp lực lên vùng lưng sẽ làm giảm đau tức vùng lưng.
  • Tắm và massage bằng nước ấm ở vùng lưng để làm giảm tình trạng cứng cơ ở lưng. 

Phẫu thuật

Bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật đối với trường hợp đau lưng dưới nghiêm trọng mà các phương pháp điều trị khác không đạt hiệu quả hoặc tình trạng bệnh tiến triển xấu có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau mà có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau như phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, phẫu thuật bơm xi măng trong điều trị xẹp đốt sống,…

Vật lý trị liệu

Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu có mục đích tăng cường sức mạnh cho cơ lưng, cơ bụng để hỗ trợ cột sống nâng đỡ cơ thể. Phương pháp vật lý trị liệu nên được thực hiện thường xuyên ngay cả khi hết đau lưng nhằm để ngăn ngừa bệnh tái phát.

Thực hiện các bài tập trị liệu để tăng sức mạnh cơ lưng và cơ bụng hỗ cột sống nâng đỡ cơ thể
Thực hiện các bài tập trị liệu để tăng sức mạnh cơ lưng và cơ bụng hỗ cột sống nâng đỡ cơ thể (Nguồn: Internet)

Biện pháp phòng ngừa bị đau lưng dưới

Để ngăn ngừa các nguy cơ đau vùng lưng dưới nên chú ý một số điều sau:

  • Khi nâng đồ vật nặng, cần mở rộng hai chân, ngồi xổm gập khớp gối và khớp háng giữ lưng thẳng, dùng tay di chuyển đồ vật sát bụng căng cơ bụng đứng dậy từ từ rồi nâng đồ vật lên. 
  • Khi ngồi làm việc lâu dài nên chọn ghế ngồi có độ cao phù hợp, đứng lên vận động sau 1h ngồi liên tục. Sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý tránh để bị stress, căng thẳng liên tục.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ như canxi, magie, kali trong bữa ăn hàng ngày, luyện tập phù hợp để kiểm soát cân nặng của cơ thể tránh thừa cân, béo phì gây áp lực lên cột sống.
  • Khám sức khỏe tổng quát định kỳ để tầm soát bệnh phát hiện bệnh sớm để kịp thời điều trị. 
Tập luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng thường xuyên để phòng tránh đau lưng
Tập luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng thường xuyên để phòng tránh đau lưng (Nguồn: Internet)

Bên trên là những chia sẻ về nguyên nhân, dấu hiệu của tình trạng đau lưng dưới mà nhiều người mắc phải. Hãy tăng cường rèn luyện thể dục thể thao để tăng cường sự dẻo dai cho cơ thể ngăn ngừa bị đau lưng. Để biết thêm nhiều thông tin sức khỏe hãy truy cập trang Tin tức y tế của Hoàn Mỹ mỗi ngày. Bấm ngay HOTLINE để được tư vấn kịp thời hoặc liên hệ ngay TẠI ĐÂY để nhận được hỗ trợ từ các bác sĩ tại tất cả hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ trên cả nước.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.