Tin tức y tế

Phẫu thuật thay khớp gối: Quy trình, kỹ thuật và chi phí thực hiện

17/08/2023

Phẫu thuật thay khớp gối là phương pháp điều trị đang được ứng dụng rộng rãi, giúp phục hồi khả năng vận động của đầu gối sau các tổn thương nghiêm trọng. Kỹ thuật này cho thấy độ an toàn và hiệu quả cao, tuy nhiên vẫn rất khó tránh khỏi một số biến chứng nhất định. Cùng Hoàn Mỹ cập nhật những thông tin quan trọng về thay khớp đầu gối trong bài viết dưới đây nhé!

>>> Xem thêm:

Thay khớp gối là gì?

Thay khớp gối là kỹ thuật loại bỏ phần khớp đầu gối bị tổn thương và thay thế bằng khớp nhân tạo làm từ vật liệu nhựa kết hợp với kim loại. Mục đích chủ yếu là giúp cải thiện tình trạng sưng đau do viêm khớp. Hầu hết các trường hợp phải thực hiện phẫu thuật đều đang gặp phải tình trạng viêm khớp nghiêm trọng, phần sụn đã bị bào mòn, bề mặt rỗ, không còn bằng phẳng. Dẫn đến tình trạng đau, cứng và mất ổn định khớp gối. Trong khi các phương pháp điều trị nội khoa đã không còn hiệu quả, thay khớp là phương án tối ưu nhất.

Thay khớp gối là kỹ thuật loại bỏ phần khớp đầu gối bị tổn thương
Đây là một trong những phương án điều trị tối ưu trong trường hợp khớp bị tổn thương (Nguồn: Internet)

Chỉ định đối tượng thay khớp gối

Thời điểm cần thay khớp đầu gối là khi bệnh lý viêm khớp tiến triển nặng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng di chuyển và vận động hàng ngày của bệnh nhân. Một số trường hợp khác cũng có thể được bác sĩ chỉ định thực hiện phẫu thuật bao gồm:

  • Mất ngủ, không thể sinh hoạt bình thường do viêm khớp gối gây đau nhức dữ dội.
  • Không thể tự đi lại và chăm sóc bản thân.
  • Đầu gối bị viêm, sưng mạn tính.
  • Đau đầu gối từ trung bình đến nặng kể cả khi nghỉ ngơi, cả ngày lẫn đêm. 
  • Viêm và sưng đầu gối mãn tính không cải thiện khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc.
  • Biến dạng đầu gối như đầu gối cong vào trong hoặc cong ra ngoài.
  • Triệu chứng viêm và sưng đau đầu gối không cải thiện sau khi áp dụng các phương pháp điều trị khác như uống thuốc chống viêm, tiêm cortisone, vật lý trị liệu,…

Phẫu thuật thay khớp gối không có giới hạn tuyệt đối về độ tuổi hoặc cân nặng. Trong đó, bệnh nhân trong độ tuổi từ 50 – 80 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất.

>>> Xem thêm:

Chỉ định thay khớp gối với các trường hợp viêm khớp tiến triển nghiêm trọng
Chỉ định thay khớp gối với các trường hợp viêm khớp tiến triển nghiêm trọng (Nguồn: Internet)

Phương pháp giúp chẩn đoán tình trạng khớp gối 

Để chẩn đoán tình trạng khớp gối, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm sau đây:

  • Chụp X-quang
  • Chụp cộng hưởng từ
  • Chụp cắt lớp vi tính
  • Đo mức độ loãng xương.

Người bệnh cũng cần mô tả về triệu chứng, mức độ đau khớp gối. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng và phạm vi chuyển động khớp gối thông qua một số động tác gấp, duỗi, đi bộ,… Tất cả sẽ hỗ trợ đưa ra chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng tổn thương khớp gối đang gặp phải. 

xét nghiệm chẩn đoán trước khi tiến hành thay khớp đầu gối
Người bệnh cần thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán trước khi tiến hành thay khớp đầu gối (Nguồn: Internet)

Biến chứng, rủi ro có thể xảy ra sau khi phẫu thuật thay khớp gối

Dưới đây là một số biến chứng có thể xảy ra trong và sau khi phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo, người bệnh nên lưu ý: 

Tai biến trong phẫu thuật

Tai biến trong phẫu thuật thay khớp đầu gối thường rất ít khi xảy ra. Một số trường hợp hiếm gặp có thể gặp phải các vấn đề sau:

  • Tổn thương động mạch ở chân (động mạch khoeo)
  • Tổn thương thần kinh, đặc biệt là thần kinh hông khoeo ngoài
  • Gãy xương đùi hoặc xương chày
  • Bong chỗ bám của gân bánh chè
  • Đứt gân cơ tứ đầu đùi.

Một số biến chứng sớm 

Một số biến chứng sớm có thể xảy ra bao gồm:

  • Nhiễm khuẩn: Hầu hết các ca phẫu thuật đều có thể gặp phải tình trạng này. Theo đó, người bệnh có thể bị đau đớn, sốt, chảy dịch vết mổ, sưng to đầu gối,… Trong trường hợp nhiễm khuẩn, bác sĩ cần tiến hành cấy vi khuẩn, điều trị bằng kháng sinh và tiếp tục theo dõi. Nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng, người bệnh có thể cần phẫu thuật lại để làm sạch khớp gối.
  • Tắc mạch: Đây là tình trạng hình thành các cục máu đông trong tĩnh mạch, có nguy cơ dẫn đến thuyên tắc phổi, thậm chí là tử vong đột ngột. Để hạn chế biến chứng này, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng thuốc chống đông dự phòng.
  • Một số biến chứng khác: Cứng gối, máu tụ trong gối,…

Biến chứng muộn 

Người bệnh sau khi thay khớp gối nhân tạo có thể gặp phải một số biến chứng muộn như sau:

  • Nhiễm khuẩn muộn: Nếu người bệnh gặp phải tình trạng nhiễm khuẩn muộn, bác sĩ có thể chỉ định thay khớp mới. Hiện nay có nhiều loại khớp gối chuyên biệt được sản xuất dành riêng cho phẫu thuật thay lại khớp gối. 
  • Cứng khớp và một số biến chứng cơ học khác: Nhiều trường hợp phải thay lại khớp mới nếu khớp trước đó không vững, bị mòn hoặc lỏng lẻo.
biến chứng sau phẫu thuật thay khớp đầu gối
Người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng nhất định sau phẫu thuật thay khớp đầu gối (Nguồn: Internet)

Những việc cần làm trước khi thực hiện thay khớp gối

Dưới đây là những việc người bệnh cần làm trước khi thực hiện thay khớp gối nhân tạo khoảng 2 tuần:

  • Nói với bác sĩ về loại thuốc đang sử dụng, bao gồm cả thực phẩm chức năng, thuốc không kê đơn, thảo dược,… 
  • Bác sĩ có thể yêu cầu ngưng dùng một số loại thuốc gây cản trở quá trình đông máu như aspirin, ibuprofen, naproxen, warfarin, clopidogrel,…
  • Người bệnh có thể cần ngưng dùng một số loại thuốc có khả năng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc ức chế hệ thống miễn dịch bao gồm ethotrexate, etanercept,…
  • Trao đổi với bác sĩ nếu bị mắc bệnh tim, tiểu đường để biết tỷ lệ an toàn khi thực hiện phẫu thuật.
  • Trao đổi với bác sĩ nếu đã uống nhiều rượu trước phẫu thuật (hơn 1 – 2 ly/ ngày).
  • Ngưng hút thuốc lá để tránh ảnh hưởng đến quá trình phục hồi xương và vết thương.
  • Trao đổi với bác sĩ nếu cơ thể đang bị cảm lạnh, cúm, sốt, bùng phát mụn rộp hoặc các trường hợp bệnh lý khác đang mắc phải trước phẫu thuật. 
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc có nên tập vật lý trị liệu trước phẫu thuật hay không. 
  • Tập sử dụng nạng, khung tập, xe lăn đúng cách.
  • Không vận động, làm việc quá sức. 

Dưới đây là những việc cần làm vào ngày phẫu thuật:

  • Không ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì trong vòng từ 6 – 12 giờ trước khi phẫu thuật thay khớp đầu gối.
  • Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Quy trình, kỹ thuật phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo

Trong quá trình thay khớp gối nhân tạo, phần sụn và xương bị hỏng sẽ được loại bỏ khỏi khớp gối và thay thế bằng vật liệu nhân tạo. Những mảnh nhựa, kim loại này sẽ được đặt vào các vị trí sau đây trong khớp gối:

  • Đầu dưới của xương đùi: Bộ phận thay thế bằng kim loại sẽ được đặt vào phần đầu dưới của xương đùi.
  • Đầu trên của xương ống chân (xương chày): Bộ phận thay thế bằng kim loại và nhựa sẽ được đặt vào đầu trên của xương ống chân, hay còn gọi là xương chày. 
  • Mặt sau của xương bánh chè: Bộ phận thay thế bằng nhựa cứng sẽ được đặt vào mặt sau của xương bánh chè.

Người bệnh hoàn toàn không cảm thấy đau trong suốt quá trình phẫu thuật. Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định một trong hai phương pháp gây mê sau đây:

  • Gây mê toàn thân: Người bệnh sẽ ngủ trong suốt quá trình phẫu thuật và không cảm thấy đau.
  • Gây tê tủy sống hoặc gây tê ngoài màng cứng: Thuốc tê được tiêm vào vùng dưới thắt lưng, làm cho bệnh nhân buồn ngủ nhưng không ngủ hoàn toàn, không cảm thấy đau. 

Sau khi người bệnh được gây mê, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường trên đầu gối dài khoảng 20 – 25 cm. Các bước thực hiện kế tiếp bao gồm: 

  • Bước 1: Di chuyển xương bánh chè ra khỏi vị trí ban đầu.
  • Bước 2: Cắt đầu xương đùi và xương ống chân (cẳng chân) của để lắp bộ phận thay thế.
  • Bước 3: Cắt mặt dưới của xương bánh chè để chuẩn bị bề mặt lắp bộ phận thay thế.
  • Bước 4: Cố định hai phần của khớp gối nhân tạo vào xương, một phần gắn vào phần cuối của xương đùi, phần còn lại gắn vào xương ống chân bằng đinh vít hoặc xi măng sinh học.
  • Bước 5: Gắn mặt dưới của xương bánh chè bằng xi măng sinh học.
  • Bước 6: Sửa chữa các cơ, gân xung quanh khớp gối mới và đóng vết mổ.

Ca phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo thường kéo dài khoảng 2 giờ. Bộ phận thay thế luôn có cả phần nhựa và kim loại. Một số trường hợp có thể sử dụng thêm các vật liệu khác, chẳng hạn như gốm. 

Hầu hết các trường hợp sau phẫu thuật thay khớp đầu gối thành công đều nhận thấy triệu chứng sưng đau được cải thiện đáng kể. Phạm vi cử động, khả năng vận động cũng có nhiều chuyển biến rất tích cực. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý không nên hoạt động quá sức để tránh gặp phải các vấn đề không mong muốn. Cụ thể, việc vận động mạnh có thể làm tăng tốc độ bào mòn khớp, khiến khớp bị lỏng lẻo và gây đau đớn. Do đó, người bệnh được khuyến khích tham gia các bộ môn nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ, khiêu vũ, đi xe đạp,… thay cho chạy bộ, nhảy cao, nhảy xa,… 

Quy trình mổ thay khớp đầu gối diễn ra trong phòng phẫu thuật
Quy trình mổ thay khớp đầu gối diễn ra trong phòng phẫu thuật (Nguồn: Internet)

Lưu ý sau khi phẫu thuật thay khớp gối

Sau khi phẫu thuật thay khớp đầu gối nhân tạo, người bệnh cần nghỉ ngơi trong phòng phục hồi một thời gian ngắn. Thời gian ở lại bệnh viện sẽ tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người, bệnh nhân có thể tập đi lại sau 2-3 ngày và xuất viện sau 5-7 ngày, có nhiều trường hợp có thể về nhà trong ngày. 

Nguy cơ đông máu sẽ tăng lên sau phẫu thuật thay khớp, để ngăn ngừa biến chứng này, người bệnh cần cân nhắc một số lưu ý sau:

  • Người bệnh được khuyến khích ngồi dậy và đi lại bằng nạng hoặc khung tập ngay sau khi phẫu thuật.
  • Bác sĩ phẫu thuật có thể kê đơn thuốc làm loãng máu hoặc tiêm vào tĩnh mạch sau khi phẫu thuật. Tùy thuộc vào thời gian đi bộ, thể trạng và nguy cơ hình thành cục máu đông, người bệnh có thể cần dùng thuốc này trong vài tuần sau phẫu thuật. 
  • Thực hành các bài tập thở thường xuyên và tăng dần mức độ hoạt động của mình.
  • Tập vật lý trị liệu theo lời khuyên của bác sĩ để tăng khả năng vận động của đầu gối.
  • Thực hiện một số biện pháp theo chỉ định của bác sĩ để tránh ứ đọng máu trong tĩnh mạch chân, ngăn nguy cơ hình thành cục máu đông. 
chăm sóc theo chỉ định sau phẫu thuật thay khớp gối
Thực hiện các biện pháp chăm sóc theo chỉ định của bác sĩ để vết mổ nhanh phục hồi (Nguồn: Internet)

Câu hỏi liên quan đến phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo

Độ tuổi nào có thể thay khớp gối được?

Phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo không giới hạn tuyệt đối về độ tuổi. Trong đó, người bệnh từ 50 – 80 tuổi thường chiếm tỷ lệ cao nhất. Ngoài ra, những tiến bộ của công nghệ thay khớp hiện nay còn có thể cho phép phẫu thuật đối với lứa tuổi thiếu niên và người trên 100 tuổi. 

Thay khớp gối bao lâu thì đi được? 

Sau khi phẫu thuật thay khớp gối khoảng 3 tháng thì người bệnh có thể đi lại và vận động gần như bình thường. Sau 12 tháng, bệnh nhân có thể cảm nhận khớp nhân tạo  hoạt động một cách tự nhiên, giống như một phần của cơ thể 

Chi phí thay khớp gối có bảo hiểm y tế là là bao nhiêu? 

Chi phí thay khớp gối đã được bảo hiểm y tế chi trả rơi vào khoảng 60 đến 80 triệu một lần phẫu thuật. Nếu bệnh nhân không có bảo hiểm y tế, mức chi phí có thể lên đến 60 đến 120 triệu tính từ khi nhập viện đến sau phẫu thuật.  

Tuổi thọ của khớp gối nhân tạo 

Tuổi thọ của khớp gối nhân tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tuy nhiên thường kéo dài từ 10 đến 15 năm. Với điều kiện người bệnh thực hiện đúng các phương pháp tập luyện, chế độ vận động phù hợp sau phẫu thuật và chăm sóc, theo dõi khớp gối thường xuyên theo lời khuyên của bác sĩ. 

Thay khớp gối ở bệnh viện nào tốt nhất? 

Với kinh nghiệm hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực y khoa, bệnh viện Hoàn Mỹ được các bệnh nhân tin tưởng và lựa chọn là đơn vị hàng đầu trong việc cung cấp các dịch vụ liên quan tới phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo. Bệnh viện Hoàn Mỹ sở hữu đội ngũ y bác sĩ dày dặn kinh nghiệm và được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực thay khớp gối. Bên cạnh đó, bệnh viện còn sử dụng các công nghệ, phương pháp và quy trình tiên tiến nhất để đảm bảo kết quả tốt cho bệnh nhân.  

Bị cứng khớp gối sau phẫu thuật phải làm sao?  

Cứng khớp gối là một triệu chứng khá phổ biến hậu phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo. Người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp sau đây để giảm cứng khớp và nhanh chóng khôi phục độ linh hoạt của khớp gối: Vật lý trị liệu, sử dụng công cụ hỗ trợ hoặc tập các bài tập cải thiện tình trạng cứng khớp như nâng thẳng chân, bài tập cơ tứ đầu, bài tập gập khớp gối…

Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin cơ bản về kỹ thuật thay khớp gối. Hy vọng qua bài viết, bạn đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích, từ đó lên kế hoạch chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt để trải qua ca phẫu thuật thay khớp gối thành công. Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, mời bạn truy cập Tin tức y tế. Ngoài ra, đừng quên liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại Hệ thống các Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc. 

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.