Tin tức y tế

Nhận biết bệnh sỏi thận – Cách phòng tránh và điều trị

07/08/2023

Sỏi thận – bệnh lý đường tiết niệu phổ biến, gặp ở mọi đối tượng với nhiều triệu chứng đặc trưng liên quan đến quá trình bài tiết. Nếu không điều trị kịp thời, sỏi sẽ tăng kích thước và tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng. Cùng tìm hiểu thông tin về dấu hiệu và cách phòng, điều trị bệnh theo chia sẻ của Thầy thuốc ưu tú, BS CKII. Nguyễn Văn Truyện – Phó Khoa Ngoại – Sản – Liên chuyên khoa, Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai dưới đây.

Hình mô tả những viên sỏi hình thành trong thận (Nguồn: Internet)

Ở giai đoạn đầu, khi sỏi thận mới xuất hiện ở dạng hạt sạn, triệu chứng của bệnh gần như không có hoặc đã xuất hiện nhưng không đặc trưng. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn này thường do khám sức khỏe tổng quát hoặc định kỳ (thường 6 tháng – 1 năm/lần).

Để điều trị sớm, cần chú ý nếu thấy cơ thể xuất hiện một số triệu chứng sau đây:

  • Đau vùng hông lưng, đau vùng dưới sườn. Đau có thể lan xuống bụng dưới, bộ phận sinh dục ngoài và mặt trong đùi.
  • Đau kèm đi tiểu buốt, tiểu gắt do sỏi di chuyển xuống niệu quản và bàng quang.
  • Tiểu gấp, tiểu liên tục do sỏi ở miệng niệu quản hay ở niệu quản nội thành bàng quang.
  • Tiểu ra máu do sự cọ xát của sỏi khi di chuyển xuống dưới.
  • Buồn nôn, nôn mửa do tác động tiêu cực của sỏi tới đường tiêu hóa.
  • Cảm giác ớn lạnh, tăng thân nhiệt do sỏi thận gây Nhiễm trùng đường tiết niệu trên.
  • Cơ thể suy nhược, mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng khi sỏi phát triển lớn hơn.

Phòng tránh bệnh sỏi thận, bạn có thể thực hiện các cách sau đây:

  • Uống đủ nước mỗi ngày để làm loãng nước tiểu và ngăn ngừa kết tinh của các chất có khả năng tạo sỏi. Bạn nên uống từ 2 đến 2.5 lít nước mỗi ngày, hoặc nhiều hơn nếu bạn hoạt động nhiều hoặc ở nơi có khí hậu nóng. Bạn cũng có thể uống nước ép cam hoặc chanh, vì chúng chứa axit citric, có thể ngăn chặn sỏi canxi hình thành.
  • Ăn nhạt. Cắt giảm lượng muối trong khẩu phần ăn, vì muối có chứa natri, có thể làm tăng lượng canxi trong nước tiểu và gây sỏi thận. Bạn nên hạn chế ăn các loại thực phẩm giàu natri như thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh, bim bim, khoai tây chiên….
  • Hạn chế đạm động vật, vì protein từ động vật có thể làm tăng tính axit của nước tiểu và gây sỏi axit uric. Bạn không nên tiêu thụ quá 150g thịt các loại mỗi ngày, và nên ưu tiên đạm thực vật thường có trong các loại đậu.
  • Cân đối hai nhóm dưỡng chất chứa canxi và oxalat, vì oxalat có thể liên kết với canxi trong nước tiểu và tạo thành sỏi canxi oxalat. Bạn không nên kiêng canxi hoàn toàn, mà nên bổ sung canxi qua các thực phẩm như sữa, sữa chua, phô mai,… Bạn cũng nên giảm lượng thực phẩm giàu oxalat như rau bina, socola, khoai lang, cà phê, củ cải, đậu phộng,…

Các phương pháp điều trị bệnh sỏi thận

Sau khi thăm khám người bệnh, nếu bác sĩ nghi ngờ bạn có bệnh sỏi thận, bạn sẽ được chỉ định một số xét nghiệm cần thiết như:

  • Xét nghiệm máu: tổng phân tích tế bào máu, Ure máu, Creatinine máu,…
  • Xét nghiệm nước tiểu.
  • Chẩn đoán hình ảnh: chụp MSCT bụng – tiểu khung, chụp X-quang không chuẩn bị (còn gọi là chụp KUB), siêu âm bụng.

Sỏi thận được điều trị như thế nào? (Nguồn: Internet)

Tùy thuộc vào loại sỏi và nguyên nhân tạo sỏi, phương pháp điều trị có thể khác nhau ở mỗi người bệnh.

  • Dùng thuốc giảm đau như Diclofenac để làm giảm cơn đau quặn thận do sỏi thận gây ra. Bạn cũng có thể dùng nhóm thuốc chẹn alpha như Tamsulosin để giúp làm giãn các cơ trong niệu quản và thúc đẩy sỏi ra ngoài nhanh và ít đau hơn.
  • Thực hiện tán sỏi ngoài cơ thể, là phương pháp điều trị không xâm lấn, dùng sóng xung kích hoặc sóng siêu âm để phá vỡ các viên sỏi thành các mảnh sỏi nhỏ hơn và dễ dàng thoát ra ngoài qua đường tiểu tự nhiên. Tiểu ra các mảnh sỏi nhỏ, vụn sỏi. Phương pháp này chỉ áp dụng cho các viên sỏi có kích thước nhỏ hơn 2 cm và không quá cứng. Không phải loại sỏi nào cũng có thể điều trị bằng tán sỏi ngoài cơ thể.
  • Thực hiện tán sỏi thận nội soi ống mềm: đây cũng là 1 phương pháp ít xâm lấn, có thể lựa chọn điều trị sỏi thận nhỏ hơn 2 cm. Phương pháp này hoàn toàn không có vết mổ, máy nội soi tiếp cận sỏi theo đường tự nhiên, ngược dòng từ niệu đạo, qua bàng quang, lên niệu quản, vào thận tiếp cận sỏi và dùng Laser tán vỡ sỏi. Các mảnh sỏi vỡ ra sẽ được lấy ra ngay, nhưng thường tự đào thải theo đường tiểu khi đi tiểu.
  • Thực hiện nội soi tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ (mini-PCNL), là phương pháp điều trị ít xâm lấn. Phẫu thuật viên niệu khoa phải tạo 1 đường hầm nhỏ vào thận qua vết rạch da khoảng 8 mm ở vùng hông lưng và dùng máy nội soi thận kích cỡ nhỏ để tiếp cận và tán vỡ các viên sỏi bằng laser hoặc sóng siêu âm. Phương pháp này có thể áp dụng cho các viên sỏi thận có kích thước lớn hơn 2 cm và ở vị trí niệu quản đoạn lưng.
  • Hiện nay, với sỏi thận phức tạp, có thể điều trị kết hợp giữa tán sỏi nội soi ngược dòng ống mềm và phẫu thuật nội soi lấy sỏi qua da đường hầm nhỏ trong cùng một lần phẫu thuật. Đây là xu hướng mới của thế giới hiện nay.
  • Thực hiện mổ nội soi hông lưng hoặc mổ hở, là phương pháp điều trị xâm lấn. Phẫu thuật viên dùng dao mổ để mở quả thận và lấy ra các viên sỏi. Hiện ít áp dụng và chỉ áp dụng cho các trường hợp sỏi quá lớn, quá khó, không thể thực hiện các phương pháp ngoại khoa không hoặc ít xâm lấn nỏi trên.

Tại Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai, các phương pháp điều trị sỏi thận như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi ngược dòng ống mềm, mini-PCNL được thực hiện thường quy với kết quả rất tốt. Để được tư vấn chi tiết hơn về các phương pháp điều trị sỏi thận, bạn có thể chủ động liên hệ qua hotline 025139158569 hoặc https://m.me/HoanMyITODongNai?ref=dat_lich_kham_BS để được hỗ trợ đặt lịch hẹn với bác sĩ. Đặc biệt, bệnh viện đang có chương trình giảm 1.000.000đ khi điều trị sỏi thận diễn ra từ nay đến hết ngày 30/09/2023.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.