Tin tức y tế

Thuốc đau bụng kinh và những lưu ý cần thiết để sử dụng an toàn

15/08/2023

Đối với nhiều nữ giới, thuốc đau bụng kinh là một trong những món đồ quan trọng không thể thiếu trong kỳ đèn đỏ. Nhiều người không thể chịu nổi những cơn co thắt vùng bụng dưới nên bắt buộc phải sử dụng thuốc để làm giảm đau. Nếu thường xuyên phải uống thuốc, liệu bạn đã biết những tác hại khi lạm dụng quá nhiều hoặc lưu ý trước khi sử dụng? Trong bài viết này, Hoàn Mỹ sẽ cùng bạn tìm hiểu kỹ hơn về thuốc giảm đau bụng kỳ kinh nguyệt.

Thông tin khái quát về thuốc đau bụng kinh 

Khi chỉ đau bụng âm ỉ ở mức độ nhẹ, thời gian đau không quá kéo dài, bạn chỉ nên nằm nghỉ ngơi, chườm nước ấm thay vì uống thuốc. Trong trường hợp cơn đau quá dữ dội, kéo dài và liên tục, cản trở mọi hoạt động sinh hoạt thường ngày thì việc sử dụng thuốc giảm đau bụng kinh là điều cần thiết. Cơ chế hoạt động của loại thuốc này như sau:

  • Đối với thuốc có khả năng giãn nở cơ tử cung: Lý do cơ tử cung co thắt đột ngột chủ yếu xuất phát từ thống kinh. Chúng co bóp để đẩy lớp niêm mạc bị bong tróc ra khỏi cơ thể. Uống thuốc sẽ làm ức chế cơn co thắt, từ đó không còn đau bụng.
  • Đối với thuốc ức chế tổng hợp chất Prostaglandin: Đây là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng co thắt tử cung mỗi khi đến kỳ đèn đỏ ở phụ nữ. Uống loại thuốc có khả năng ức chế Prostaglandin sẽ làm giảm mức độ đau đớn mỗi khi tử cung co bóp.

Như vậy, nếu muốn thuốc đau bụng kinh mang đến hiệu quả nhanh chóng thì bắt buộc nó phải đáp ứng tiêu chí cơ bản là giảm tần suất co thắt ở tử cung. Loại thuốc này được chia thành 3 nhóm phổ biến bao gồm:

  • Nhóm thuốc bổ sung nội tiết tố nữ cung cấp hóc môn Estrogen, Progesterone, Dydrogesterone hay Lynestrenol.
  • Nhóm thuốc chống viêm không chứa Steroid (chỉ phù hợp với phụ nữ chưa xảy ra quan hệ tình dục).
  • Nhóm thuốc chống co thắt cơ gồm các thành phần như Dipropylene, Drotaverine, Alverin. Nó có tác dụng làm cơ giãn ra, làm chậm nhịp độ co bóp của cơ, từ đó giảm đau.
Có nhiều loại thuốc giúp giảm tình trạng đau bụng kinh hiệu quả
Có nhiều loại thuốc giúp giảm tình trạng đau bụng kinh hiệu quả (Nguồn: Internet)

Có nên sử dụng thuốc đau bụng kinh? 

Đau bụng kinh (còn gọi là thống kinh) là hiện tượng phổ biến của phụ nữ vào thời kỳ hành kinh. Cấu tạo của tử cung hoàn toàn là cơ (chỉ trừ lớp lót bên trong cùng nội mạc). Mỗi khi đến chu kỳ kinh, để tạo điều kiện cho phôi thai đậu, lớp nội mạc này phát triển thành lớp mô chứa nhiều dưỡng chất và máu. Nếu cơ thể nhận thấy tín hiệu nó đang không mang thai, hóc môn thay đổi làm giải phóng Prostaglandin và giải phóng lớp niêm mạc này ra ngoài. Càng nhiều Prostaglandin thì cơn đau càng rõ.

Thông thường, cơn đau sẽ xuất hiện trước khi hành kinh khoảng 1 đến 2 ngày và kéo dài khoảng 48 giờ. Tuỳ theo thể trạng và sức chịu đựng mà cơn đau của mỗi người sẽ khác nhau. Có người cảm thấy âm ỉ, chỉ cần chườm nóng là đã sinh hoạt bình thường. Cũng có người đau quằn quại và dữ dội. Khi cảm thấy cơn đau đã vượt quá khả năng chịu đựng, việc sử dụng thuốc đau bụng kinh là điều cần thiết.

Tuy nhiên, đối với những trường hợp bị đau bụng quá sớm và kéo dài dai dẳng, liên quan đến nhiều bệnh lý khác như viêm vùng chậu, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung,… thì uống thuốc giảm đau bụng không còn tác dụng. Lúc này, phương án tốt nhất là bạn nên đến bệnh viện, phòng khám uy tín để kiểm tra và tìm cách điều trị hiệu quả nhất.

>> Xem thêm: Metronidazol: Tác dụng, liều dùng thuốc Mg và lưu ý sử dụng

Một số loại thuốc đau bụng kinh hiện nay 

Hiện nay, thuốc giúp giảm đau bụng kinh an toàn gồm có 4 loại chủ yếu dưới đây: 

Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) 

Nhắc đến thuốc đau bụng kinh thì NSAIDs luôn là loại thuốc đầu tiên được kể tên. Cơ chế hoạt động của nó là giảm mức độ tiết Prostaglandin – chất trung gian được tạo ra vào mỗi kỳ kinh để kích thích quá trình tử cung co bóp. Nhược điểm của loại thuốc này là có thể kích ứng với dạ dày, gây ra một số phản ứng với những loại thuốc khác. Người có tiền sử bị thận, hen suyễn, tim, trào ngược hay viêm loét dạ dày cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để hạn chế tác dụng phụ.

Trong số những loại thuốc không chứa steroid thì Cataflam là nổi bật nhất. Thành phần của thuốc bao gồm Natri của Diclofenac. Một lưu ý nếu bạn muốn sử dụng thuốc này là khi uống với liều lượng cao hoặc trong thời gian dài, bạn có nguy cơ đối mặt với những tác dụng phụ nữ tăng men gan, tiêu chảy, buồn nôn, giảm chức năng thận, đau vùng thượng vị. Ngoài ra, bạn không được sử dụng Cataflam cùng với Aspirin, thuốc chống đông máu Heparin.

Ngoài ra, Mefenamic acid cũng là loại thuốc kháng viêm không Steroid được đánh giá cao. Lưu ý khi uống thuốc này là bạn không nên sử dụng thường xuyên và đặc biệt không kéo dài liên tục quá 7 ngày. Điều này có thể dẫn đến những triệu chứng như thiếu máu, rối loạn tiêu hoá, mẩn ngứa, chóng mặt, buồn ngủ,… 

Đặc biệt, Mefenamic acid còn được chống chỉ định với phụ nữ mang thai, người bị bệnh hen suyễn, có tiền sử bị động kinh hay mẫn cảm với thành phần của thuốc. Người dùng tuyệt đối không sử dụng chung với Aspirin, thuốc chống đông.

Thuốc kháng viêm Cataflam không chứa steroid
Thuốc kháng viêm Cataflam không chứa steroid (Nguồn: Internet)

Thuốc giảm đau 

Thành phần cơ bản của thuốc giảm đau là chất Paracetamol, có khả năng làm dịu cơn đau. Nếu bạn chỉ cảm thấy âm ỉ vùng bụng dưới hoặc được chỉ định không được uống nhóm thuốc NSAIDs, bạn có thể sử dụng thuốc này. Theo khuyến cáo, để tăng hiệu quả giảm đau, các bạn nên phối hợp sử dụng Paracetamol và Caffeine (cần có sự cho phép của bác sĩ).

>> Xem thêm: Vitamin C: Tác dụng, liều dùng, cách uống đúng

Thuốc giảm đau chứa Paracetamol cũng có khả năng hạn chế cơn đau bụng
Thuốc giảm đau chứa Paracetamol cũng có khả năng hạn chế cơn đau bụng (Nguồn: Internet)

Thuốc chống co thắt 

Một loại thuốc đau bụng kinh thuộc nhóm thuốc chống co thắt bao gồm:

  • Alverin: Có khả năng hướng cơ, giúp ức chế cơn co thắt tử cung được sinh ra do chất Acetylcholine. Thuốc được chống chỉ định với người huyết áp thấp. Mặc dù được bán ở nhiều tiệm thuốc nhưng bạn cũng cần có sự chỉ định của bác sĩ trước khi dùng.
  • Hyoscinum: Đây cũng là loại thuốc chống co thắt. Nó hoạt động bằng cách gây tê liệt thần kinh giao cảm, từ đó bạn sẽ không còn thấy đau đớn. Một số tác dụng phụ thuốc có thể gây ra là bí tiểu, da bị dị ứng, miệng khô, tim đập nhanh. Thuốc được chống chỉ định với người bị hẹp môn vị, rối loạn tiền liệt tuyến.
Thuốc Alverin chống co thắt tử cung
Thuốc Alverin chống co thắt tử cung (Nguồn: Internet)

Thuốc tránh thai 

Nhiều người thường bất ngờ với khả năng giảm đau bụng kinh của thuốc tránh thai hàng ngày bên cạnh làm biện pháp kế hoạch hoá gia đình. Khi uống thuốc, hóc môn trong cơ thể được ổn định, quá trình rụng trứng bị cản trở nên lớp niêm mạc tử cung cũng không thể phát triển. Từ đó, lượng Prostaglandin được sản xuất ít hơn và cải thiện tình trạng đau bụng.

Thuốc tránh thai có thể gây ra những tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn, tăng cân do cơ thể giữ nước, thay đổi tâm trạng, đau ngực,… Mặc dù mức độ nguy hiểm không quá cao nhưng bạn cần trao đổi kỹ với bác sĩ để sử dụng đúng liều lượng, đảm bảo an toàn.

>> Xem thêm: Uống thuốc tránh thai khẩn cấp có gây hại không? Nên sử dụng như thế nào?

Uống thuốc tránh thai hàng ngày giúp giảm đau bụng kinh
Uống thuốc tránh thai hàng ngày giúp giảm đau bụng kinh (Nguồn: Internet)

Tác hại của việc lạm dụng thuốc đau bụng kinh

Việc sử dụng thuốc đau bụng kinh có cả mặt lợi và mặt hại. Mặc dù nó giúp người dùng đỡ đau nhức nhưng khi uống quá liều lượng trong thời gian dài, cơ thể sẽ đối mặt với những hậu quả như:

  • Cao huyết áp: Hội tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo, uống thuốc giảm đau làm tăng chỉ số huyết áp lên gấp hai lần. 
  • Cơ thể phụ vào thuốc: Vì khi sử dụng liên tục thuốc chứa chất an thần, cơ thể có nguy cơ bị nghiện. Dần dần, vào mọi chu kỳ kinh tiếp theo, cơ thể không thể chịu đựng được với cơn đau nếu không có thuốc.
  • Gây tổn thương gan: Theo nhiều nghiên cứu, uống thuốc giảm đau bụng kinh lâu dài làm rối loạn chức năng gan, rối loạn chức năng thận.
  • Dạ dày bị kích ứng: Một số trường hợp có thể làm tổn thương lớp niêm mạc trong dạ dày, gây xuất huyết dạ dày. Mức độ nặng hay nhẹ phụ thuộc vào thể trạng và tần suất sử dụng của mỗi người.

Một số tác hại khác mặc dù ít gặp nhưng cũng rất nguy hiểm bao gồm:

  • Rối loạn máu
  • Da bong tróc, phồng rộp
  • Suy gan cấp tính
  • Phát ban, mọc mụn mủ, viêm da dị ứng
  • Làm giảm lượng tiểu cầu, giảm bạch cầu hạt và giảm bạch cầu trung tính.

>> Xem thêm: Thuốc ngủ và những lưu ý quan trọng bạn không nên bỏ qua

Nổi phát ban là một trong số những tác hại nếu lạm dụng thuốc giảm đau bụng kinh
Nổi phát ban là một trong số những tác hại nếu lạm dụng thuốc giảm đau bụng kinh (Nguồn: Internet)

Những lưu ý trước khi sử dụng thuốc 

Trước khi uống thuốc, bạn cần lưu ý đến những vấn đề dưới đây: 

  • Nếu uống thuốc giảm đau bụng không kê đơn, bạn nên uống trước khi hành kinh từ 1 đến 2 ngày. Đồng thời, bạn hãy duy trì uống trong 2  đến 3 ngày đầu của chu kỳ.
  • Mặc dù tác dụng giảm đau của thuốc đến khá nhanh chóng nhưng chị em không nên dùng thuốc quá liều, không tự ý sử dụng khi chưa được bác sĩ chỉ định vì nó sẽ gây ra nhiều tác hại xấu.
  • Khả năng giảm đau sẽ đến nhanh nhưng không kéo dài lâu. 
  • Không uống thuốc trong và sau khi ăn để hạn chế tình trạng kích ứng đường tiêu hoá.
  • Nếu có tiền sử bệnh lý, bạn cần tham khảo thật kỹ ý kiến của bác sĩ để sử dụng thuốc an toàn, không gây nguy hiểm đến tính mạng hay ảnh hưởng quá trình sinh sản sau này. 
  • Uống thuốc đúng liều lượng và hướng dẫn được ghi trên bao bì thuốc.
  • Phụ nữ dưới 16 tuổi không uống thuốc Mefenamic acid và Cataflam.
Bạn cần uống thuốc đúng liều lượng và chỉ định của bác sĩ
Bạn cần uống thuốc đúng liều lượng và chỉ định của bác sĩ (Nguồn: Internet)

Gợi ý một số cách giảm đau bụng kinh

Nếu có thể chịu đựng cơn đau hoặc thực hiện các phương án khác thay vì dùng thuốc đau bụng kinh vẫn sẽ tốt cho cơ thể hơn. Một số biện pháp có thể giúp bạn làm dịu cơn đau như:

  • Xây dựng cuộc sống lành mạnh, ăn uống khoa học và cân bằng dinh dưỡng (ăn đầy đủ các nhóm chất và vitamin; hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, thức ăn nhanh; hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá, caffeine,…)
  • Tập luyện thể dục thể thao đều đặn, vừa sức khi trong thời kỳ hành kinh
  • Nghỉ ngơi điều độ, không thức khuya, ngủ đủ giấc để tạo tâm lý thoải mái
  • Dùng túi chườm nước nóng, miếng dán ấm bụng kết hợp với massage quanh bụng và thắt lưng để giảm đau
  • Châm cứu, bấm huyệt
  • Khám phụ khoa định kỳ
  • Uống thảo dược tự nhiên như đậu đen, nghệ, ngải cứu, gừng,… Mặc dù không tạo ra tác dụng tức thì nhưng nó an toàn hơn với sức khỏe
  • Sử dụng biện pháp TENS (kích thích điện dây thần kinh qua da): Thiết bị TENS gồm có những miếng dán dính lên da, mỗi miếng đều có điện cực. Chúng tạo ra dòng điện với nhiều mức độ khác nhau, kích thích dây thần kinh. Khi TENs hoạt động, chúng nâng cao tín hiệu đau, tăng cường quá trình giải phóng endorphin (chất giảm đau tự nhiên).

Hy vọng rằng bài viết này đã cung cấp cho bạn thêm góc nhìn cụ thể và chi tiết về thuốc đau bụng kinh. Việc nắm vững cách sử dụng, tác hại và lưu ý sẽ giúp bạn an tâm hơn trong khi uống và hạn chế xảy ra những tình huống đáng tiếc vì sự thiếu hiểu biết. Để cập nhật thêm kiến thức y học thường thức, vui lòng truy cập chuyên mục Tin tức y tế. Bạn đừng quên liên hệ với Hệ thống các Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc qua số HOTLINE hoặc đặt lịch khám TẠI ĐÂY.

Câu hỏi liên quan:

Uống thuốc đau bụng kinh có bị vô sinh không?

Việc uống thuốc giảm đau bụng kinh có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đối với cơ thể như rối loạn kinh nguyệt, rối loạn nội tiết tốt, ngăn cản quá trình rụng trứng, hạn chế khả năng thụ thai. Tuy nhiên, chưa có cuộc nghiên cứu nào khẳng định loại thuốc này gây vô sinh. Mặc dù vậy, bạn cũng không nên chủ quan mà cần tìm hiểu kỹ về thuốc trước khi uống, cũng như không lạm dụng thuốc.

Ai không nên sử dụng thuốc đau bụng kinh?

Những đối tượng được khuyến cáo không nên uống thuốc là người bị u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu,…

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.