Tin tức y tế

Cúm A có lây không? Lây qua đường nào và mức độ nguy hiểm

21/09/2023

Cúm A là một loại virus gây bệnh ở người và có khả năng gây ra các biến chứng nguy hiểm với cơ thể. Cúm A/H1N1 có thể tấn công mạnh vào đường hô hấp và nghiêm trọng hơn, nó có thể dẫn đến viêm phổi và suy đa tạng. Cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu bệnh cúm A có lây không, cũng như mức độ nguy hiểm của loại cúm này nhé.

>>> Bài viết cùng chủ đề:

  • Tràn dịch màng phổi: Nguyên nhân và cách điều trị bệnh
  • Virus RSV là gì? Nguyên nhân và cách phòng bệnh cho trẻ mà bạn nên biết
  • Suy hô hấp: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán & điều trị 

Virus cúm A là gì?

Cúm A là một loại bệnh được gây ra bởi virus cúm A và được chia thành nhiều chủng khác nhau. Đây là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính có thể ảnh hưởng đến cả người trưởng thành và trẻ em. Bệnh cúm thường bắt đầu khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm A/H1N1 và xuất hiện vào mùa lạnh, thời điểm giao mùa. Đặc điểm của cúm A/H1N1 là tốc độ lây lan nhanh, dễ dàng truyền từ người này sang người khác. Vì vậy, chúng ta không nên xem nhẹ bất kỳ dấu hiệu nào của căn bệnh đường hô hấp này.

>>> Xem thêm: Hướng dẫn nhận biết biểu hiện cúm A ở người lớn, trẻ em

Cúm A có lây không? Virus cúm A ảnh hưởng đến sức khỏe
Virus cúm A gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe (Nguồn: Internet)

Phân biệt các loại cúm A

Cúm A được phân thành các loại sau:

  • Cúm A/H1N1: còn được gọi là “cúm lợn” – một loại cúm xuất phát từ lợn, có tốc độ lây lan rất nhanh và có khả năng bội nhiễm. Nó có thể gây ra viêm phổi nặng, suy đa tạng và dẫn đến tử vong.
  • Cúm A/H5N1: là một loại virus có khả năng gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia cầm. Cúm A/H5N1 có thể lây từ gia cầm sang người và khi bị nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 60% (Theo world health organization).
  • Cúm A/H3N2: Virus cúm A/H3N2 thuộc một nhóm virus gây ra bệnh ở động vật như chim, lợn và con người. Virus này trải qua sự biến đổi di truyền và kháng nguyên nên xuất hiện nhiều biến thể khác nhau.
  • Cúm A/H7N9:  Cúm A/H7N9 bắt nguồn từ virus cúm trong gia cầm và một số loài chim. Nó có khả năng lây nhiễm cho con người, gây ra các trường hợp viêm phổi nặng và lây lan nhanh.

Bệnh cúm A/H1N1 có lây không?

Cúm A/H1N1 có khả năng lây nhiễm rất nhanh và dễ dàng. Virus cúm A/H1N1 tồn tại ở nhiều môi trường khác nhau và sống sót trên các bề mặt, quần áo và đồ dùng trong thời gian khá dài. 

Loại virus này có khả năng lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua các bề mặt mà virus đã tiếp xúc. Do đó, cúm A/H1N1 lây lan rất mạnh mẽ, đặc biệt là trong các môi trường đông người như trường học, nơi làm việc, và các địa điểm công cộng khác.

Bệnh cúm A/H1N1 lây lan rất nhanh
Cúm A/H1N1 có khả năng lây nhiễm rất nhanh và dễ dàng (Nguồn: Internet)

Biểu hiện nhận biết cúm A

Người nhiễm virus cúm A (H1N1) có thể xuất hiện các dấu hiệu như: 

  • Sổ mũi.
  • Ho.
  • Sốt.
  • Nghẹt mũi. 
  • Hắt xì.
  • Viêm họng.
  • Đau đầu. 
  • Mệt mỏi. 
  • Ớn lạnh. 
  • Đau mỏi cơ thể. 

Những triệu chứng này có thể gây nhầm lẫn với Cảm cúm thông thường. Do đó, nhiều người có thể chủ quan và không thực hiện xét nghiệm cũng như điều trị kịp thời. Ngoài ra, khi người mắc cúm A có bệnh trở nặng thì xuất hiện các triệu chứng như: 

  • Khó thở
  • Tức ngực nghiêm trọng. 
  • Cảm giác bồn chồn. 
  • Khó chịu.
  • Nôn mửa nhiều. 
  • Kén ăn uống.
  • Tiêu chảy.

>>> Tìm hiểu thêm:

Những đối tượng dễ mắc bệnh cúm A

Dưới đây là những đối tượng có nguy cơ cao mắc  bệnh cúm A:

  • Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi: Sức đề kháng của trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn toàn, làm cho trẻ dễ mắc bệnh cúm và gặp các biến chứng nghiêm trọng.
  • Phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai có thể có đề kháng kém, nên cúm A/H1N1 và A/H5N1 có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng đối với thai kỳ và sức đề kháng của mẹ bầu.
  • Người bị suy giảm miễn dịch: Những người có hệ thống miễn dịch yếu hoặc đang dùng thuốc làm suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc cúm và gặp biến chứng nghiêm trọng.
  • Người già: Người già, đặc biệt là người trên 65 tuổi, thường có hệ miễn dịch suy yếu và dễ mắc cúm A. Bên cạnh đó, có khả năng gặp các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi.
  • Những người sức khỏe yếu và sức đề kháng kém: Bất kỳ ai có sức đề kháng yếu hoặc đang mắc các bệnh lý khác như tiểu đường, bệnh tim mạch hoặc bệnh phổi cũng có nguy cơ mắc bệnh cúm.

Cúm A có lây không?

Đường lây nhiễm của bệnh cúm như thế nào?

Các con đường lây nhiễm chính của virus cúm A:

  • Đường hô hấp: Virus cúm A có thể lây nhiễm khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện. Những giọt nước bọt chứa virus bay vào không khí và có khả năng lây lan sang người khỏe mạnh thông qua hít thở.
  • Đường tiếp xúc: Người khỏe mạnh có thể bị nhiễm virus cúm A/H1N1 thông qua tiếp xúc hoặc chạm vào các bề mặt, vật dụng đã tiếp xúc với người mắc bệnh. Ví dụ, chạm tay vào khăn giấy của người bệnh, sử dụng chung đồ dùng cá nhân như bát đũa, ly uống nước, có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus cúm A.
Cúm lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp
Cúm A có lây không? Bệnh cúm A lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với nước bọt của người bệnh (Nguồn: Internet)

Thời điểm dễ bùng phát dịch bệnh

Cúm A có thể bùng phát vào thời điểm gần mùa đông, khi thời tiết lạnh hoặc trong thời điểm giao mùa khi thời tiết thay đổi. Tuy nhiên hiện nay, có dấu hiệu của cúm A bùng phát không phụ thuộc vào thời gian cụ thể. Vì vậy, chúng ta  cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và không nên chủ quan với bệnh cúm A ở người lớn và trẻ em.

Mức độ nguy hiểm của bệnh cúm A

Cúm A có nguy hiểm không? Cúm A là một căn bệnh truyền nhiễm có mức độ nguy hiểm cao:

  • Lây lan nhanh và khó kiểm soát: Virus cúm có tốc độ lây lan nhanh và dễ dàng lây nhiễm từ người này sang người khác. Việc nhầm lẫn dấu hiệu cúm A/H1N1 với cảm thông thường làm cho người bệnh chủ quan và không tự cách ly, khiến bệnh lây nhanh và khó kiểm soát.
  • Nhiều biến chứng phức tạp: Cúm A/H1N1 có thể gây ra nhiều biến chứng phức tạp và nguy hiểm, đặc biệt đối với các nhóm người dễ mắc bệnh và có bệnh nền. Trẻ nhỏ, người già và những người có hệ miễn dịch yếu có khả năng gặp các biến chứng nghiêm trọng như suy hô hấp, viêm phổi, viêm màng não và bội nhiễm. Điều này có thể dẫn đến hậu quả nặng nề và khó điều trị.

Cúm A có mức độ nguy hiểm cao, lây lan nhanh, khó kiểm soát và có nhiều biến chứng phức tạp. Do đó, những người thuộc các nhóm nguy cơ mắc cao cần việc tìm hiểu và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, để bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa sự lây lan của virus cúm A.

>>> Xem thêm: Virus cúm B: Chúng khác với cảm lạnh thông thường như thế nào?

Cách điều trị và phòng bệnh cúm A

Phương pháp điều trị

  • Cách ly: Cúm A có phải cách ly không là câu hỏi nhiều người quan tâm. Câu trả lời là có, bệnh nhân cúm A cần được cách ly để ngăn ngừa lây truyền cho người khác. Trong giai đoạn đầu, việc điều trị các triệu chứng như sốt, đau họng và mệt mỏi là điều cần thiết. Không sử dụng kháng sinh tùy ý mà chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Cách điều trị cúm A tại nhà: Các trường hợp nhẹ và ít triệu chứng có thể tự điều trị tại nhà với sự theo dõi và hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu bệnh chuyển nặng hoặc khó kiểm soát, cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Cách phòng bệnh

Phòng ngừa lây nhiễm virus cúm A là rất quan trọng để bảo vệ bản thân và ngăn ngừa sự lây lan trong cộng đồng. Hãy tuân thủ những hướng dẫn sau để phòng bệnh cúm A:

  • Tránh nơi đông người: Trong mùa dịch hoặc khi có dấu hiệu cúm, hạn chế tham gia các sự kiện hoặc nơi đông người để giảm nguy cơ tiếp xúc với người bệnh.
  • Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi: Sử dụng khăn giấy hoặc tay để che miệng và mũi khi ho, hắt hơi. Sau đó vứt khăn giấy vào thùng rác ngay sau khi sử dụng.
  • Rửa tay thường xuyên: Rửa tay bằng xà phòng hoặc sử dụng chất tẩy rửa có cồn sau khi tiếp xúc với người bệnh và các bề mặt tiềm ẩn virus.
  • Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng: Tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng mà không rửa tay trước đó, vì đây là con đường tiếp xúc với virus và có thể truyền nhiễm.
  • Sử dụng dung dịch sát khuẩn đường mũi và họng: Dung dịch sát khuẩn có thể giúp loại bỏ virus cúm khỏi đường mũi và họng.
  • Tập luyện và ăn uống đủ chất: Duy trì lối sống lành mạnh, tập luyện thể dục đều đặn và ăn uống đủ chất để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
  • Tránh tiếp xúc và dùng chung đồ dùng cá nhân: Hạn chế tiếp xúc với người mắc cúm A/H1N1 và không nên dùng chung đồ dùng cá nhân.
  • Vệ sinh nhà cửa: Vệ sinh và khử trùng các bề mặt, đồ dùng cá nhân thường xuyên. Đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc khi có dấu hiệu của cúm A/H1N1 trong cộng đồng.
  • Tiêm vắc-xin: Hãy đi tiêm vắc-xin ngừa cúm hằng năm theo lịch trình và đủ mũi để tăng khả năng phòng ngừa cúm.

Tuân thủ những biện pháp này có thể giúp bạn ngăn ngừa sự lây nhiễm của virus cúm A/H1N1 và bảo vệ sức khỏe của bản thân, cộng đồng.

Cúm A là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp do virus cúm A gây ra. Đây là một căn bệnh thường gặp và có khả năng gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Nếu bạn hoặc ai đó trong gia đình có triệu chứng cúm A, nên tự cách ly để ngăn lây nhiễm cho người khác và nếu triệu chứng trở nên nghiêm trọng, cần đến tham khám bác sĩ kịp thời.

Hy vọng với bài viết trên, Hoàn Mỹ đã giúp bạn hiểu hơn về câu hỏi cúm A có lây không, cách điều trị nó như thế nào. Để đặt lịch khám tại Hoàn Mỹ, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Đừng quên theo dõi chuyên mục tin tức y tế để cập nhật những kiến thức chăm sóc sức khỏe hữu ích khác nhé.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.