Tin tức y tế

Chảy máu cam: Nguyên nhân, cách sơ cứu và phòng ngừa chảy máu mũi

03/10/2023

Chảy máu cam là bệnh lý thường thấy và liên quan đến hệ thống Tai – Mũi – Họng ở các lứa tuổi khác nhau. Chảy máu mũi có nguy hiểm hay không còn tùy thuộc vào biểu hiện thực tế trên cơ thể của từng người. Qua bài viết này, Hoàn Mỹ sẽ chia sẻ thông tin về bệnh lý chảy máu mũi là gì, cũng như nguyên nhân, cách sơ cứu chảy máu mũi kịp thời và phòng ngừa tái phát. 

>>> Xem thêm:

Chảy máu cam là gì?

Chảy máu cam (chảy máu mũi) có tên gọi tiếng Anh là Epistaxis, là bệnh lý do vỡ mạch máu trong niêm mạc mũi, và có thể xảy ra ở một hoặc cả hai lỗ mũi cùng một lúc.

Có hai vị trí chảy máu mũi: chảy máu cam trước (phổ biến hơn) và chảy máu sau. Nguyên nhân gây chảy máu cam trước trong 90% trường hợp thường xuất phát từ khu vực đầu nguồn mạch máu trên vách ngăn mũi phía trước. Do vị trí này nằm ở lối vào của khoang mũi, thường phải đối mặt với biến đổi nhiệt độ nóng – lạnh, độ ẩm cao và thấp, và dễ bị tổn thương. Niêm mạc ở khu vực này trên vách ngăn mũi đặc biệt mỏng, do đó, đây là nơi dễ bị tổn thương và xảy ra chảy máu cam nhiều nhất.

Chảy máu mũi thường xảy ra phổ biến ở trẻ em (từ 2 đến 10 tuổi) và người lớn tuổi (từ 50 đến 80 tuổi). Bệnh lý máu mũi thường không gây nguy hiểm nếu xử lý kịp thời và đúng cách. Trong một vài trường hợp, vị trí chảy máu mũi bất thường hoặc lượng máu chảy nhiều, và không có dấu hiệu thuyên giảm có thể là triệu chứng của một bệnh lý khác và cần đến gặp Bác sĩ để được khám và tìm ra nguyên nhân. Theo thống kê, tình trạng chảy máu mũi mà cần đến sự can thiệp y tế chỉ trong khoảng 6% trường hợp.

Chảy máu mũi là hiện tượng mất máu từ phần mô bên trong mũi
Chảy máu mũi là hiện tượng mất máu từ phần mô bên trong mũi (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân dẫn đến chảy máu cam

Sau đây là những nguyên nhân gây chảy máu mũi phổ biến nhất:

  • Stress: Căng thẳng và lo âu mãn tính có thể gây chảy máu cam ở người lớn. Hơn 40 triệu người là con số do Hiệp hội lo âu và Trầm cảm Hoa Kỳ (ADAA)  đã thống kê ở Mỹ về số lượng những người mắc rối loạn lo âu, có nguy cơ chảy máu mũi mãn tính. Tình trạng căng thẳng kéo dài có hậu quả cho sức khỏe và hành vi, cùng với yếu tố kích thích như mang thai, sợ độ cao, và chấn thương thể chất có thể gây chảy máu cam.
  • Lệch vách ngăn: Sự lệch vách ngăn mũi có thể tạo áp lực không cân đối trên niêm mạc mỏng, gây chảy máu cam.
  • Ngoáy mũi: Ngoáy mũi, hắt xì hơi mạnh và bất kỳ tổn thương vật lý nào đối với vùng niêm mạc mỏng ở vách ngăn mũi cũng có thể là nguyên nhân gây chảy máu.
  • Sử dụng ống thông mũi mãn tính: Sử dụng ống thông mũi trong trường hợp bệnh mãn tính có thể gây tổn thương niêm mạc và dẫn đến chảy máu cam.
  • Chứng nghiện rượu: Việc lạm dụng rượu có thể gây chảy máu cam do tác động tiêu cực lên hệ thống máu.
  • Tăng huyết áp: Trước hết, tăng huyết áp có khả năng làm tăng lượng máu chảy ra trong mỗi lần chảy máu mũi. Sự gia tăng áp lực trong hệ mạch máu có thể gây ra tổn thương mạch máu mỏng ở vùng niêm mạc mũi, dẫn đến việc máu chảy mạnh hơn và khó kiểm soát hơn. Một số thuốc điều trị huyết áp chứa thành phần làm loãng máu, thường là các chất ức chế men đông máu. Việc sử dụng những loại thuốc này có thể làm cho máu trở nên loãng hơn, và làm gia tăng nguy cơ chảy máu mũi cũng như làm cho tình trạng này trở nên khó kiểm soát hơn.
  • Dị tật mạch máu: Sự tồn tại của dị tật mạch máu, cụ thể là các vị trí mạch máu dễ tổn thương, cũng là một trong những nguyên nhân gây chảy máu cam.
  • Bệnh đông máu: Các bệnh liên quan đến đông máu như bệnh von Willebrand và bệnh máu khó đông có thể dẫn đến tình trạng chảy máu cam.
  • Dị ứng: Các Dị ứng như dị ứng thụ động từ môi trường như phấn hoa, bụi, hoặc vi khuẩn có thể gây viêm nhiễm niêm mạc mũi, làm cho niêm mạc trở nên mỏng và dễ tổn thương, dẫn đến chảy máu mũi
  • Thời tiết hanh khô (phổ biến hơn trong những tháng mùa đông): Trong những tháng mùa đông, môi trường thường khô hơn, và không khí có độ ẩm thấp hơn. Môi trường lạnh hanh khô có thể làm cho niêm mạc mũi khô và dễ nứt nẻ, là một nguyên nhân phổ biến gây chảy máu mũi trong thời gian này.
Chảy máu mũi do vách ngăn mũi không đều hoặc thói quen móc mũi
Chảy máu mũi do vách ngăn mũi không đều hoặc thói quen móc mũi (Nguồn: Internet)

Các loại chảy máu cam 

Dựa trên nguồn gốc nguyên nhân gây chảy máu mũi, sẽ chia thành 3 cấp độ khác nhau.

  • Chảy máu điểm mạch Kiesselbach: Đây là loại chảy máu mũi thường xảy ra tại điểm mạch Kisselbach, một vị trí nằm ở lối vào khoang mũi tại vách ngăn mũi trước. Chảy máu này thường có thể kiểm soát dễ dàng và được xem là mức độ nhẹ.
  • Chảy máu do tổn thương động mạch: Loại chảy máu này liên quan đến tổn thương hoặc gãi vào mạch máu trong niêm mạc mũi. Điều này có thể gây chảy máu mạnh hơn và đòi hỏi sự can thiệp để kiểm soát. Đây được xem là mức độ trung bình.
  • Chảy máu lan tỏa do tổn thương mao mạch, máu rỉ khắp niêm mạc mũi: Loại chảy máu này không tập trung ở một điểm cụ thể mà là kết quả của tổn thương mao mạch, khiến máu rỉ khắp niêm mạc mũi. Tình trạng này thường xuất hiện trong các trường hợp bệnh bạch cầu tủy cấp, bệnh ưa chảy máu, thương hàn, Sốt xuất huyết và các bệnh trạng sức khỏe nghiêm trọng. Đây là mức độ nặng và đòi hỏi can thiệp y tế ngay lập tức.
Chảy máu mũi bắt nguồn từ điểm mạch Kisselbach
Chảy máu mũi bắt nguồn từ điểm mạch Kisselbach (Nguồn: Internet)

Chẩn đoán từ vị trí chảy máu cam 

Tình trạng chảy máu cam cũng được chia thành hai vị trí gồm: Chảy máu cam trước (phổ biến) và chảy máu cam sau (ít phổ biến và có khả năng cần được chăm sóc Y tế)

  • Chảy máu mũi trước: Đây là tình trạng máu chảy từ niêm mạc mũi ra mũi trước. Nguyên nhân chính thường liên quan đến việc màng nhầy trong mũi trở nên quá khô hoặc có một tác động lực trực tiếp vào mũi, chẳng hạn như gãi mạnh, ngoáy mũi hoặc va đập. Chảy máu mũi trước thường không nguy hiểm và có thể kiểm soát dễ dàng. Tuy nhiên, có thể gây sự phiền toái và khó chịu cho người bệnh.
  • Chảy máu mũi sau: Đây là tình trạng nghiêm trọng hơn, trong đó máu bắt đầu xuất phát ở phía sau khoang mũi, sau đó chảy xuống miệng và họng. Điều này có thể gây ra triệu chứng như ho khạc hoặc nôn ra máu. Chảy máu mũi sau thường đòi hỏi sự can thiệp y tế nhanh chóng và cần được xem xét cẩn thận. Nguyên nhân chính có thể liên quan đến tổn thương nội tiết hoặc các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, và cần được chẩn đoán và điều trị bởi các chuyên gia Y tế chuyên ngành.
Chảy máu mũi trước thường gặp ở trẻ em
Chảy máu mũi trước thường gặp ở trẻ em (Nguồn: Internet)

Cách xử lý khi bị chảy máu cam 

Khi phát hiện tình trạng chảy máu cam, người bệnh cần áp dụng ngay các biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả. Bởi, dù có mức độ nguy hiểm không cao thì việc mạch máu bị vỡ, máu chảy ra bên ngoài cũng khiến cuộc sống của người bệnh bị gián đoạn, tạo cảm giác lo sợ và khó chịu. Dưới đây là các cách xử trí an toàn khi bị chảy máu cam: 

  • Ngồi thẳng lưng, nghiêng đầu và cơ thể chúi về phía trước để ngăn chặn hiện tượng máu chảy ngược lại vào cổ họng, gây buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Lưu ý, không nằm ngửa hoặc hướng đầu lên trời trong trường hợp này. 
  • Sử dụng khăn bông mềm hoặc khăn giấy sạch để thấm máu và loại bỏ phần máu chảy ra bên ngoài mũi. 
  • Cố gắng hít thở đều đặn bằng miệng.
  • Dùng ngón tay cái và ngón trỏ để kẹp chặt cánh mũi vào phần cứng trong mũi để tạo áp lực ngăn máu chảy.
  • Sử dụng túi chườm đá đặt lên đầu mũi để giúp co mạch máu hiệu quả hơn.
  • Sau khi máu đã ngừng chảy, lưu ý, không thổi hoặc cọ vào mũi trong vài ngày. 
Cúi người và chúi đầu về phía trước để ngăn máu chảy ngược vào trong
Cúi người và chúi đầu về phía trước để ngăn máu chảy ngược vào trong (Nguồn: Internet)

Biện pháp phòng ngừa chảy máu cam 

Chảy máu mũi có thể không gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng khiến người bệnh cảm thấy không thoải mái, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày. Tốt nhất, việc phòng ngừa tình trạng này cần được áp dụng. 

  • Sử dụng nước muối sinh lý để làm sạch mũi 2 – 3 lần mỗi ngày để làm ẩm đường hô hấp mũi.
  • Dùng máy tạo ẩm không khí trong phòng ngủ để hạn chế tình trạng chảy máu mũi do không khí bị khô.
  • Tránh thổi hơi quá mạnh vào mũi.
  • Hắt hơi bằng miệng để giảm áp lực lên khoang mũi.
  • Loại bỏ thói quen ngoáy mũi hoặc đưa vật cứng vào mũi. 
  • Hạn chế việc sử dụng các loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ chảy máu như aspirin và ibuprofen.
  • Thăm khám bác sĩ nếu nhận thấy không thể kiểm soát được các triệu chứng Dị ứng mũi bằng thuốc.
  • Hạn chế hút thuốc lá bởi đây là nguyên nhân khiến mũi bị khô và dễ bị kích thích. 
Làm sạch mũi bằng nước muối sinh lý
Làm sạch mũi bằng nước muối sinh lý (Nguồn: Internet)

Câu hỏi thường gặp: 

Chảy máu cam nên uống gì? 

Sau khi bị chảy máu mũi, bạn nên bổ sung đủ nước cho cơ thể. Một số loại nước uống thích hợp bao gồm nước trái cây, đặc biệt là nước có nhiều vitamin C như cam, chanh, ổi. Các loại vitamin sẽ giúp bổ sung, tăng cường sản sinh collagen, giúp các mạch máu ở mũi trở nên vững chắc và khỏe mạnh hơn, hạn chế bị kích thích do những tác nhân đến từ bên ngoài môi trường. 

Chảy máu cam không ngừng phải làm sao?

Nếu gặp phải hiện tượng chảy máu mũi liên tục, không ngừng trong thời gian dài. Hoặc, người bệnh có các triệu chứng khác kèm theo như chóng mặt, chảy máu từ các vết thương khác trên cơ thể thì tốt nhất nên gọi ngay cấp cứu và đến cơ sở Y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. 

Trên đây là tổng hợp một số thông tin quan trọng liên quan đến tình trạng chảy máu cam và các cách làm ngưng máu chảy hiệu quả ngay tại nhà. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có thêm nhiều kiến thức mới trong vấn đề chăm sóc sức khỏe của hệ thống Tai – Mũi – Họng để hạn chế những bệnh về đường hô hấp, nâng cao sức khỏe chung. Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, mời bạn truy cập Tin tức y tế. Ngoài ra, đừng quên liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc. 

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.