Tin tức y tế

Lợi ích sức khỏe của cà chua và những tác hại

15/11/2023

Cà chua không chỉ là một loại quả mọng ngon miệng mà còn chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Trong bài viết dưới đây, Hoàn Mỹ sẽ giúp bạn tìm hiểu những công dụng của quả cà chua cùng những lưu ý quan trọng khi sử dụng loại thực phẩm quen thuộc này.

>>> Xem thêm:

  • 12 tác dụng bất ngờ của quế đối với sức khỏe
  • Bật mí công dụng của cây huyết dụ trong y học

Thành phần dinh dưỡng của cà chua

Cà chua là một nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, với 87% chất xơ trong cà chua là dạng không hòa tan bao gồm hemicellulose, cellulose và lignin.

Ngoài ra, cây cà chua cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng như:

  • Vitamin C: Một quả cà chua cung cấp khoảng 20mg vitamin C. Đây là một chất chống oxy hóa hiệu quả, giúp bảo vệ tế bào khỏi sự hủy hoại của các gốc tự do.
  • Kali: Một khoáng chất quan trọng giúp kiểm soát huyết áp và bảo vệ sức khỏe tim mạch.
  • Vitamin K1 (Phylloquinone): Đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu và giúp ngăn ngừa loãng xương.
  • Folate (Vitamin B9): Tham gia vào sự phát triển của mô và chức năng tế bào, đặc biệt cần thiết cho phụ nữ mang thai.
  • Vitamin A: Là vi chất thiết yếu cho sự phát triển và duy trì sức khỏe của mắt.
  • Một số khoáng chất khác: canxi, sắt, magie, phốt pho, kẽm…
Thành phần dinh dưỡng của cà chua
Trong cà chua có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng khác nhau (Nguồn: Internet)

Tác dụng của cà chua

Hỗ trợ tim mạch

Có nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, hai dưỡng chất quan trọng trong cà chua bao gồm lycopene và beta-carotene có khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ ở nam giới. 

Ngoài ra, các dưỡng chất khác trong cà chua cũng giúp bảo vệ thành mạch máu và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Những lợi ích này đều có tác động tích cực đến sức khỏe tim mạch ở cơ thể người.

Ngăn ngừa ung thư

Chất chống oxy hóa trong cà chua và các sản phẩm từ cà chua có thể giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư như Ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi và ung thư dạ dày. 

Nồng độ carotenoid cao trong cà chua cũng giúp tạo thành một lớp bảo vệ mạnh mẽ chống lại sự phát triển của Ung thư vú.

Cải thiện thị lực

Cà chua chứa lượng lớn vitamin A và vitamin C. Đây là hai loại vitamin quan trọng trong việc cải thiện thị lực, ngăn ngừa bệnh thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể. Bên cạnh đó, các chất chống oxy hóa như lutein, lycopene và zeaxanthin trong cà chua cũng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt.

Cải thiện lượng đường trong máu

Cà chua giúp kiểm soát lượng đường trong máu nhờ hàm lượng carbohydrate thấp. Chất xơ và khoáng chất crom trong cà chua cũng giúp duy trì sự ổn định của đường huyết, giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Giúp xương chắc khỏe

Trong cà chua có chứa hàm lượng vitamin Kcanxi giúp giảm viêm nhiễm và phòng chống bệnh loãng xương, đặc biệt là ở người cao tuổi.

Làm đẹp da

Ăn cà chua hàng ngày có thể giúp giảm đến 40% nguy cơ bị cháy nắng. Các chất chống oxy hóa trong cà chua cũng giúp ngăn chặn quá trình lão hóa da, giúp duy trì làn da trẻ đẹp và tươi mới.

Hỗ trợ giảm cân.

Cà chua thường được coi là thực phẩm quan trọng trong chế độ ăn kiêng, bởi nó chứa ít chất béo, không có cholesterol và hàm lượng chất xơ cao. Từ đó giúp bạn thấy no lâu hơn, giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ quá trình giảm cân một cách hiệu quả và lành mạnh.

>>> Xem thêm:

  • Lợi ích của nghệ đối với sức khỏe và một số lưu ý
  • TOP 9 lợi ích bất ngờ khi ăn nho đối với sức khỏe
Tác dụng của cà chua
Cà chua không chỉ để hỗ trợ sức khoẻ mà còn hỗ trợ cho làm đẹp (Nguồn: Internet)

Tác dụng phụ của cà chua

Cà chua là một loại thực phẩm an toàn và hiếm khi gây ra tình trạng dị ứng. Tuy nhiên, những người có Dị ứng với phấn hoa nguy cơ cao sẽ bị dị ứng với cà chua và có thể xuất hiện tình trạng như ngứa trong miệng, ngứa cổ họng,…

Lưu ý khi ăn cà chua

Dưới đây là những lưu ý quan trọng khi ăn cà chua:

  • Không ăn quá mức: Mặc dù cà chua rất lành mạnh, nhưng nếu ăn quá nhiều có thể gây ra tiêu chảy hoặc gặp một số vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu. 
  • Không ăn cà chua chưa chín: Cà chua chưa chín hoặc còn xanh thường có chứa alkaloid – chất gây ra ngộ độc thực phẩm.
  • Không ăn cà chua khi đói: Ăn cà chua khi dạ dày đang rỗng có thể tạo phản ứng với axit dạ dày, gây khó tiêu. Điều này có thể dẫn đến viêm loét dạ dày về lâu dài.
  • Làm sạch trước khi ăn: Trước khi ăn cà chua, nên ngâm và rửa sạch, đặc biệt là khi bạn ăn sống. Điều này giúp loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn và các tạp chất trên bề mặt cà chua.

Cách bảo quản cà chua 

Dưới đây là một số cách bảo quản cà chua sau khi mua:

  • Bảo quản ở nơi mát, tránh ánh sáng mặt trời: Để đảm bảo sự tươi ngon, hãy để cà chua ở nơi thoáng mát và khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp.
  • Bảo quản trong tủ lạnh: Để kéo dài thời gian bảo quản, nên để cà chua trong ngăn rau củ của tủ lạnh. 
  • Đông lạnh: Nếu bạn có quá nhiều cà chua và không thể sử dụng hết trong thời gian gần, có thể để bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh. Lưu ý hãy rửa sạch và cắt cà chua thành miếng trước khi đóng gói và đặt trong túi đông lạnh.
  • Làm nước cà chua hoặc Sốt cà chua: Có thể làm nước cà chua hoặc Sốt cà chua từ cà chua tươi. Thành phẩm nên được bảo quản trong tủ lạnh hoặc đông lạnh để sử dụng trong nhiều món ăn.
  • Sấy khô cà chua: Nếu bạn muốn bảo quản cà chua một thời gian dài, bạn có thể sấy khô chúng. Cà chua sấy khô rất tiện lợi và có thể sử dụng trong nhiều món ăn.
Cách bảo quản cà chua 
Thực hiện các biện pháp bảo quản để giữ cho chúng tươi ngon trong thời gian dài (Nguồn: Internet)

Trên đây là tất cả công dụng và cách dùng cà chua tốt cho sức khỏe mà Hoàn Mỹ chia sẻ đến bạn. Để biết thêm nhiều thông tin y tế hữu ích, hãy truy cập Tin tức y tế. Đồng thời nếu cần tư vấn và khám bệnh, vui lòng gọi đến số HOTLINE của hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.