Rối loạn nhịp tim là tình trạng bất thường của nhịp tim, có thể gặp ở hầu hết lứa tuổi và xuất hiện bất kỳ thời điểm nào. Tình trạng này gây ra các triệu chứng như khó thở, tức ngực, thậm chí là đột tử ở người bệnh. Vậy, bệnh rối loạn nhịp tim có chữa khỏi được không và làm sao để nhận biết bản thân mắc bệnh? Hãy để Hoàn Mỹ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại bệnh này qua bài viết dưới đây.
>> Xem thêm:
- Huyết áp cao: Triệu chứng, cách điều trị & phòng ngừa
- Huyết áp bình thường là bao nhiêu? Chỉ số huyết áp theo độ tuổi?
- Huyết áp thấp là bao nhiêu? Có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa
Rối loạn nhịp tim là gì
Rối loạn nhịp tim là một bệnh lý về tim mạch gây ra những bất thường ở nhịp tim. Thông thường, người trưởng thành khỏe mạnh có nhịp tim dao động từ 60 đến 90 nhịp mỗi phút. Tuy nhiên, người mắc bệnh có thể xảy ra tình trạng tim đập không đều, tim đập quá nhanh (trên 100 nhịp mỗi phút) hoặc nhịp tim quá chậm (chỉ dưới 60 nhịp mỗi phút).
Người mắc bệnh rối loạn nhịp tim thường cảm thấy tim đập bất thường, lúc nhanh lúc chậm, khó thở, đau ngực, hồi hộp và thậm chí là ngất xỉu. Những triệu chứng này có thể khó nhận biết trong giai đoạn đầu. Theo thời gian, bệnh sẽ trở nên nặng dần khiến cơ tim bị suy yếu và gây tổn thương cho mạch máu.
Bệnh rối loạn nhịp tim có chữa khỏi được không?
Bệnh rối loạn nhịp tim có chữa khỏi được không phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau bao gồm tình trạng bệnh, nguyên nhân gây bệnh, tình trạng sức khỏe và cả chế độ sinh hoạt, luyện tập của người bệnh.
Dạng rối loạn nhịp tim có thể chữa
Người mắc bệnh rối loạn nhịp tim xuất phát từ nguyên nhân bên ngoài tim và không gây tổn hại đến cơ tim thường có thể chữa khỏi khi các yếu tố gây bệnh ban đầu được loại bỏ hoàn toàn.
Những yếu tố gây bệnh rối loạn nhịp tim này thường là bệnh cường giáp, thiếu máu, mất nước, bệnh phổi tắc nghẽn, rối loạn điện giải, dùng chất kích thích hoặc những tác dụng phụ của thuốc điều trị,… Sau khi người bệnh được điều trị khỏi thì nhịp tim sẽ trở lại bình thường và ổn định.
>> Xem thêm:
- Nhịp tim bình thường là bao nhiêu? Chỉ số đo huyết áp và nhịp tim
- Mỡ máu cao: Nguyên nhân, biến chứng và cách điều trị
Dạng rối loạn nhịp tim khó chữa
Dạng rối loạn nhịp tim khó chữa khỏi hoàn toàn thường xuất phát từ vấn đề bệnh lý. Những bệnh lý thường gây rối loạn nhịp tim bao gồm bệnh mạch vành, suy tim, hội chứng Brugada, tổn thương cơ tim và hệ thống điện tim, rối loạn nhịp nguyên phát hoặc rối loạn nhịp tim không rõ lý do,…
Với những trường hợp như vậy, người bệnh rất khó để điều trị khỏi hoàn toàn. Do đó, mục tiêu chính khi điều trị là giúp người bệnh kiểm soát những triệu chứng và điều chỉnh nhịp tim. Tuy nhiên, quá trình điều trị sẽ khó khăn bởi vì tim người bệnh đã bị tổn thương khó có thể phục hồi.
Rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không?
Rối loạn nhịp tim có thể tác động nghiêm trọng đến chức năng bơm máu của tim, dẫn đến tình trạng khó thở, tức ngực và thậm chí là ngất xỉu ở người bệnh. Đặc biệt, bệnh về lâu dài hay trở nặng có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm dưới đây:
- Rung nhĩ: Đây là biến chứng nguy hiểm chiếm tới khoảng 30% ở người mắc bệnh. Khi bị rung nhĩ, nhịp tim tăng và đập nhanh đột ngột lên tới 140 đến 180 nhịp mỗi phút khiến cho máu không thể di chuyển về tâm nhĩ. Hậu quả là dễ hình thành máu đông, gây tắc nghẽn động mạch, thậm chí là đột quỵ não.
- Nhịp nhanh thất: Tình trạng nhịp tim đập nhanh ở tâm thất khiến cho cơ tim co bóp và tiến hành bơm máu nhanh hơn bình thường. Do đó, tâm thất không có đủ thời gian để tích đủ máu trước khi bơm nhát tiếp theo. Người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, khó thở,… và khi nhịp nhanh thất trở nặng thành rung thất, đây sẽ là một dạng rối loạn nhịp tim nguy hiểm.
- Rung thất: Đây là hiện tượng tim đập nhanh đến mức khiến cho cơ tâm thất chỉ rung lên mà không kịp co bóp. Từ đó, huyết áp tụt đột ngột, máu không được truyền đến các cơ quan quan trọng khác của cơ thể. Bệnh nhân bị rung thất phải được cấp cứu khẩn cấp, nếu không tim sẽ ngừng đập dễ dẫn đến tử vong.
Dưới đây là những triệu chứng bệnh rối loạn nhịp tim trở nặng và báo hiệu mức độ nguy hiểm ở người bệnh:
- Đau thắt ngực: Người bệnh rối loạn tim mạch kèm theo bệnh lý về tim mạch khác như mạch vành, Thiếu máu cơ tim thường sẽ gặp những cơn đau thắt ngực ở vùng ngực trái. Sau đó, đau tức ngực có thể lan tới hàm, cổ, vai và vùng cánh tay trái.
- Đánh trống ngực, hồi hộp: Khi tim đập nhanh đột ngột làm cho lồng ngực rung lên, người bệnh sẽ cảm thấy rất hồi hộp và khó chịu bên trong lồng ngực.
- Đau đầu, mệt mỏi, khó thở, ngất xỉu: Khi tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh thường bị tụt huyết áp và lượng máu lên não giảm, gây mệt mỏi, đau đầu, choáng váng, thậm chí là khó thở và ngất xỉu.
Tùy thuộc vào tình trạng phát hiện bệnh sớm hay trễ mà bệnh rối loạn nhịp tim có chữa khỏi được không. Vì vậy, cần để ý những triệu chứng kể trên để kịp thời điều trị.
Làm thế nào để chẩn đoán rối loạn nhịp tim?
Bác sĩ có thể tiến hành chẩn đoán rối loạn nhịp tim thông qua những thông tin sau:
- Hỏi về tiền sử bệnh.
- Khám các triệu chứng lâm sàng và đo nhịp tim.
- Tiến hành Điện tâm đồ (ECG) để thực hiện chuẩn đoán tín hiệu điện tim.
- Theo dõi Điện tim Holter để ghi lại hoạt động của tim.
- Siêu âm tim để xác định những bất thường về cấu trúc, kích thước và chuyển động tim nếu có.
- Dùng máy ghi điện tâm đồ cấy dưới da để phát hiện nhịp tim bất thường.
- Thực hiện chụp X-quang ngực phẳng để thấy được hình ảnh của tim giúp phát hiện các bất thường
- Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm khác giúp loại trừ những bệnh lý có triệu chứng gần tương tự như test gắng sức, xét nghiệm bàn nghiêng hoặc xét nghiệm loại trừ những bất thường liên quan đến tuyến giáp có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim,…
Những biện pháp giúp kiểm soát nhịp tim hiệu quả
Bệnh rối loạn nhịp tim có chữa khỏi được không cũng phụ thuộc vào chế độ sinh hoạt và tập luyện của người bệnh. Việc dùng thuốc hoặc các biện pháp can thiệp giúp làm ổn định nhịp tim cũng có thể là nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim.
Vì vậy, thiết lập một chế độ sinh hoạt và tập luyện lành mạnh sẽ giúp bạn kiểm soát nhịp tim hiệu quả. Đặc biệt là đối với những người mắc bệnh rối loạn nhịp tim kèm theo rối loạn thần kinh thực vật. Những người này thường cảm thấy lo lắng, bất an dẫn đến căng thẳng và mất ngủ.
Dưới đây là những cách đơn giản, dễ thực hiện trong cuộc sống hằng ngày để giúp nhịp tim bình ổn hơn:
- Ngủ đủ giấc: Thiết lập cho mình thói quen ngủ đủ giấc, đi ngủ trước 11 giờ đêm và kéo dài đủ từ 6 đến 8 tiếng mỗi ngày. Một giấc ngủ trưa ngắn cũng sẽ giúp bạn nạp năng lượng hiệu quả.
- Tập luyện thể dục thường xuyên: Luyện tập thể dục, thể thao đều đặn qua các bộ môn như đi bộ, đạp xe, yoga hay ngồi thiền tối thiểu 30 phút hằng ngày. Những bài tập hít thở sâu có hiệu quả tốt cho việc điều hòa nhịp tim.
- Chế độ ăn lành mạnh: Cần bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất như trái cây và các loại rau xanh. Bên cạnh đó, nên hạn chế nạp vào cơ thể các loại thực phẩm chứa nhiều muối, dầu mỡ và đường, đặc biệt là đồ chiên xào.
- Bỏ ngay thói quen xấu: Bỏ thói quen uống cà phê, rượu, bia,.. nhất là thói quen hút thuốc lá vì đây cũng là lý do khiến nhịp tim thiếu ổn định.
Thông qua bài viết trên, thắc mắc về bệnh rối loạn nhịp tim có chữa khỏi được không đã được giải đáp chi tiết, giúp ích cho bạn trong việc theo dõi tình trạng của bản thân. Để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích cho sức khỏe, hãy truy cập vào trang Tin tức y tế. Liên hệ ngay đến số HOTLINE để được tư vấn miễn phí các vấn đề liên quan đến sức khỏe hoặc đặt lịch TẠI ĐÂY để được thăm khám tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.