Tin tức y tế

Top 8 nguyên nhân gây mụn bạn cần biết

26/09/2023

Mụn là một dấu hiệu cho thấy tình trạng sức khỏe làn da và cơ thể bạn đang gặp vấn đề. Trong bài viết này, bệnh viện Hoàn Mỹ sẽ tổng hợp top 8 nguyên nhân gây ra mụn phổ biến nhất hiện nay. Từ đó, giúp bạn hiểu rõ hơn về làn da và cơ thể mình.

>>> Tìm hiểu thêm:

Mụn là gì?

Mụn là tình trạng da phổ biến ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là tuổi dậy thì. Mụn thường xuất hiện nhiều ở mặt, lưng, ngực và một số vùng da khác. Dựa vào kích thước, biểu hiện trên da mà mụn được chia thành nhiều loại khác nhau như mụn trứng cá, mụn đầu đen, mụn mủ, mụn viêm, mụn ẩn,… Mụn khiến cho nhiều người mất tự tin và không thoải mái khi giao tiếp với người khác.

8 nguyên nhân gây mụn phổ biến nhất hiện nay

  • Thay đổi nội tiết tố: Hormone trong cơ thể thay đổi ở các giai đoạn như dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt, hoặc phụ nữ trong thời kỳ tiền Mãn kinh có thể gây ra mụn. Sự thay đổi về nội tiết tố kích thích tuyến dầu nhờn trên da, dầu nhờn tiết ra nhiều dẫn đến sự bí tắc ở nang lông khiến da dễ nổi mụn.
  • Da bị nhiễm khuẩn: Vi khuẩn Propionibacterium acnes (P.acnes) thường gây ra Mụn trứng cá trên da. Loại vi khuẩn này có thể làm viêm nhiễm lỗ chân lông và tạo điều kiện cho mụn hình thành.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có chứa thành phần như corticosteroid, testosterone, lithium và nhiều chất kháng sinh, cũng là nguyên nhân dẫn đến nổi mụn khi sử dụng thuốc.
  • Thói quen sinh hoạt không hợp lý: Chế độ ăn uống không lành mạnh như thiếu chất xơ, vitamin và việc nạp quá nhiều thực phẩm giàu carbohydrate (đường, tinh bột), ăn đồ cay, nóng, sử dụng đồ uống có chất kích thích như bia, rượu,.. có thể làm tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn.
  • Căng thẳng: Tình trạng stress, suy nghĩ quá nhiều, mất ngủ hay căng thẳng kéo dài có thể khiến da nổi mụn.
  • Môi trường ô nhiễm: Thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, ô nhiễm không khí, nguồn nước nhiễm phèn,… cũng là tác nhân gây ra tình trạng mụn trứng cá, mụn bọc trên cơ thể.
  • Vệ sinh da không đúng cách: Việc không rửa mặt, rửa mặt qua loa, không tẩy trang kỹ khi trang điểm hoặc thường xuyên chạm/sờ tay lên mặt cũng là một trong những nguyên nhân gây mụn.
  • Sử dụng mỹ phẩm không phù hợp hoặc kém chất lượng: Việc sử dụng mỹ phẩm không phù hợp với loại da hoặc những sản phẩm không rõ nguồn gốc, các loại kem trộn, kem lột da,… có thể chứa các hợp chất gây tắc nghẽn lỗ chân lông, gây kích ứng da, có thể gây mụn hoặc nguy hiểm hơn khiến da bị nhiễm trùng nặng.
Các nguyên nhân gây mụn phổ biến
8 nguyên nhân gây mụn phổ biến (Nguồn: Internet)

Các vị trí mọc mụn nguy hiểm

Dưới đây là một số vị trí mọc mụn nguy hiểm, báo hiệu cho sức khỏe của bạn đang có vấn đề:

  • Giữa hai đầu lông mày và huyệt ấn đường: Gan là cơ quan quan trọng trong quá trình loại bỏ độc tố khỏi cơ thể, và khi xuất hiện mụn ở vùng này báo hiệu gan của bạn đang gặp vấn đề.
  • Huyệt thái dương: Nếu bạn thường xuyên có mụn ở vùng huyệt thái dương thì vấn đề có thể nằm ở túi mật. Khi bạn ăn quá nhiều đồ ăn nhanh hoặc thực phẩm giàu chất béo như thịt bò, ruột động vật,… sẽ khiến cho túi mật hoạt động quá công suất.
  • Mũi: Mụn ở vùng mũi có thể liên quan đến cả vấn đề nội tiết tố và rối loạn tiêu hóa. Sự biến đổi hormone có thể kích thích tuyến dầu trên da hoạt động mạnh hơn và gây ra mụn ở vị trí này. Ngoài ra, mụn ở mũi cũng phản ánh bạn đang gặp một số vấn đề về tiêu hóa ở dạ dày. 
  • Cằm: Khi bạn thấy nhiều nốt mụn lớn và cứng xuất hiện ở vùng cằm, có thể là báo hiệu của sự không ổn định trong hệ sinh sản như buồng trứng hoặc tử cung. Tuy nhiên, nếu mụn chỉ xuất hiện định kỳ hàng tháng trước hoặc sau kỳ kinh nguyệt, thì đó có thể là do sự biến đổi tự nhiên trong hormone và nội tiết, không phải do vấn đề về sức khỏe của bạn.

>>> Tìm hiểu thêm:

Dấu hiệu mọc các loại mụn

Các loại mụn có thể xuất hiện với các dấu hiệu và đặc điểm khác nhau. Dựa theo những biểu hiện trên da thì dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến cho từng loại mụn:

  • Mụn đốm đỏ (Pimple/Papule): Xuất hiện những điểm đỏ hoặc sưng nhỏ trên da, có thể đau hoặc không và thường có đỉnh mụn màu đỏ hoặc trắng ở giữa.
  • Mụn mủ (Pustule): Loại mụn này thường có những nốt sưng đỏ với một đỉnh mụn trắng ở giữa, có thể chứa mủ.
  • Mụn đầu đen (Blackhead): Xuất hiện những đốm đen nhỏ trên da, không sưng và không đau. Loại mụn này thường có màu đen hoặc đen xám ở đỉnh.
  • Mụn đầu trắng (Whitehead): Mụn đầu trắng thường không đau, là những nốt trắng nhỏ hoặc sưng trắng trên da. Loại mụn này nằm dưới lớp biểu bì da nên nhìn không kỹ sẽ khó thấy được nốt mụn.
  • Mụn trứng cá (Cystic Acne): Đây là loại mụn có thể xuất hiện dưới da hoặc trên bề mặt, chứa mủ và nhiễm khuẩn sâu bên trong.
  • Mụn nang lông (Ingrown Hair): Mụn nang lông có thể xuất hiện sau khi cạo hoặc nhổ lông. Lúc này, da trở nên sưng, đỏ, và xuất hiện mụn dưới bề mặt da.
  • Mụn viêm nhiễm (Infected Acne): Mụn đốm đỏ hoặc mụn mủ có dấu hiệu nhiễm khuẩn, có thể sưng và đau những vùng xung quanh nốt mụn.
Dấu hiệu mọc các loại mụn
Dấu hiệu mọc các loại mụn (Nguồn: Internet)

Yếu tố làm tăng nguy cơ gây mụn

Những đối tượng dễ bị mụn bao gồm:

  • Người đang ở tuổi dậy thì.
  • Phụ nữ tiền mãn kinh.
  • Người bị rối loạn nội tiết tố
  • Người thường xuyên căng thẳng, làm việc trong môi trường ô nhiễm.
  • Người da dầu hoặc da nhạy cảm. 
  • Người sử dụng sản phẩm mỹ phẩm kém chất lượng.

Ngoài những đối tượng này thì người bình thường cũng có nguy cơ bị mụn. Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ gây mụn:

  • Sự gia tăng lượng dầu trên da: Nếu tuyến dầu trên da của bạn sản sinh quá nhiều dầu, đặc biệt là trên khuôn mặt, có thể làm tăng nguy cơ gây mụn.
  • Sự thay đổi hormone: Sự biến đổi hormone trong cơ thể, như trong giai đoạn dậy thì, thai kỳ, tiền kinh nguyệt, hay sử dụng các loại thuốc chứa hormone, kháng sinh cũng có thể ảnh hưởng đến sự tiết dầu nhờn trên da, gây bít tắc lỗ chân lông và làm tăng nguy cơ mụn.
  • Sử dụng sản phẩm chăm sóc da không phù hợp: Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da không phù hợp với loại da của bạn hoặc chứa các thành phần có thể gây kích ứng da cũng có thể gây ra mụn. 
  • Tích tụ bã nhờn và tế bào da chết: Khi tế bào da chết và bã nhờn tích tụ trên bề mặt da, chúng có thể làm da bị bít tắc và làm tăng nguy cơ bị mụn.
  • Áp lực và căng thẳng: Áp lực và căng thẳng từ cuộc sống có thể khiến sinh hoạt bị thay đổi, dẫn đến không ngủ được, ngủ quá ít hoặc sinh hoạt không lành mạnh. Điều này có thể gây ra sự tăng sản xuất hormone cortisol, có thể ảnh hưởng đến làn da và làm tăng nguy cơ mụn.
  • Thức ăn và chế độ ăn uống: Một số nghiên cứu đã cho rằng việc bạn nạp vào cơ thể quá nhiều thức ăn chứa lượng đường cao (đồ ngọt) hoặc thức ăn có nhiều dầu mỡ (đồ chiên rán, đồ ăn vặt,…) sẽ làm tăng sự sản sinh của mụn trên da. 
  • Tiếp xúc với vi khuẩn và chất cặn bã nhờn: Việc bạn thường xuyên sờ tay lên mặt sẽ khiến da tiếp xúc với nhiều vi khuẩn. Hoặc việc bạn không thường xuyên vệ sinh dụng cụ trang điểm cũng gián tiếp làm da tiếp xúc với nhiều vi khuẩn gây hại cho da, có thể làm tăng nguy cơ gây mụn.
  • Di truyền: Nếu trong gia đình bạn có người mắc mụn trứng cá, mụn bọc thì bạn cũng có nguy cơ bị mụn cao hơn so với những người bình thường

Biến chứng khi trị mụn sai cách

Ngày nay, có rất nhiều sản phẩm và phương pháp tự điều trị mụn tại nhà, việc này giúp những ai đang bị mụn có thể tiết kiệm chi phí điều trị. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nếu điều trị sai cách, không hợp thuốc hoặc mua nhầm thuốc chứa corticoid, thuốc rượu,… Dưới đây là một số biến chứng phổ biến khi trị mụn sai cách:

  • Tình trạng da tồi tệ hơn: Sử dụng sản phẩm không phù hợp hoặc quá nhiều sản phẩm trị mụn có thể làm cho tình trạng da của bạn trở nên xấu hơn. Da có thể trở nên khô, kích ứng, hoặc bị viêm nhiễm nếu bạn sử dụng các sản phẩm quá mạnh hoặc chứa các thành phần gây kích ứng da.
  • Sẹo và vết thâm: Tàn dư của việc tự nặn mụn không đúng cách hoặc bị mụn quá nặng có thể dẫn đến tình trạng sẹo và vết thâm trên da.
  • Nhiễm trùng da: Nếu bạn tự nặn mụn hoặc không làm sạch tay cẩn thận trước khi tiếp xúc vùng da mụn thì sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng da. Nhiễm trùng da có thể gây sưng, đỏ, đau.
  • Da trở nên nhạy cảm: Sử dụng các sản phẩm hoặc phương pháp trị mụn quá mạnh có thể làm cho da trở nên dễ kích ứng.

>>> Xem thêm: 10 cách trị thâm mụn nặng hiệu quả nhanh nhất

Phương pháp điều trị mụn

Phương pháp điều trị mụn thường phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của mụn và loại da của bạn. Dưới đây là một số cách trị mụn đối với 2 tình trạng trên da: 

Trường hợp mụn nhẹ

  • Sử dụng sản phẩm chăm sóc da hợp lý: Chọn các sản phẩm làm sạch da nhẹ và không chứa các thành phần gây kích ứng. Sản phẩm chứa acid salicylic hoặc benzoyl peroxide có thể giúp làm giảm mụn nhẹ.
  • Rửa mặt hàng ngày: Rửa mặt hai lần mỗi ngày bằng nước ấm và sữa rửa mặt có độ pH từ 5.5 – 6.5 hoặc nước muối sinh lý.
  • Giữ da ẩm: Bạn nên sử dụng kem dưỡng da không chứa dầu để duy trì độ ẩm cho da. Khi da bạn đủ ẩm sẽ không dẫn đến hiện tượng tiết dầu nhiều trên da.
  • Tránh tiếp xúc với vi khuẩn: Hạn chế sờ tay lên mặt hoặc nặn mụn mọi lúc mọi nơi, khi tay chưa được rửa sạch.

Trường hợp bị mụn nặng

  • Tìm đến chuyên gia da liễu: Nếu bạn bị mụn nặng, bạn nên tới các cơ sở da liễu uy tín hoặc tìm bác sĩ da liễu để được tư vấn và lên phác đồ điều trị riêng.
  • Sử dụng thuốc trị mụn: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc trị mụn mạnh hơn như retinoid, antibiotic đặc trị, hoặc isotretinoin (một loại thuốc trị mụn nặng). Bạn nên sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.
  • Các phương pháp thẩm mỹ: Trong trường hợp sẹo mụn hoặc tình trạng da trở nên nặng nề, bạn có thể cân nhắc sử dụng các phương pháp thẩm mỹ như laser therapy, microdermabrasion, hoặc chemical peel để làm mờ vết sẹo và cải thiện tình trạng da.
  • Thay đổi lối sống: Cân nhắc thay đổi chế độ ăn uống, giảm căng thẳng, tăng cường vận động, sinh hoạt lành mạnh và ngủ sớm để cải thiện tình trạng da.

Lưu ý, điều trị mụn là một quá trình kéo dài. Bạn phải kiên nhẫn và thường xuyên cập nhật tình trạng da với chuyên gia da liễu để điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bị mụn là một vấn đề da phổ biến, và không phải lúc nào cũng cần gặp bác sĩ ngay. Dưới đây là một số tình huống khi bạn cần suy xét việc tìm đến sự tư vấn từ bác sĩ da liễu:

  • Mụn nặng: Nếu thì trạng mụn của bạn bị khá nặng, tức là mụn đỏ sưng, mụn mủ, hoặc mụn đầu đen phát sưng rộng, bạn nên gặp bác sĩ da liễu. Mụn nặng có thể gây sưng to, viêm nhiễm, và để lại sẹo nếu không được điều trị đúng cách.
  • Sẹo sau mụn: Nếu da bạn bị để lại sẹo rỗ, sẹo lõm sau khi nặn mụn, bạn nên tìm đến bác sĩ da liễu để được tư vấn về cách điều trị sẹo và làm dịu da.
  • Mụn tự phát: Nếu bạn tự nhiên mọc mụn hoặc tự mọc sẹo, nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra và phát hiện kịp thời các tình trạng da khác.
  • Mụn kéo dài hoặc tái phát: Nếu bạn gặp tình trạng bị mụn trong khoảng thời gian dài hoặc mụn tái phát sau khi đã điều trị, bạn nên tìm đến chuyên gia da liễu để xem xét liệu trình điều trị khác hoặc kiểm tra xem có vấn đề nào khác ẩn sau đó.
  • Mụn ở vùng nhạy cảm: Nếu mụn xuất hiện ở vùng nhạy cảm như mắt, miệng, hoặc vùng da nhạy cảm khác, bạn nên gặp bác sĩ để tránh tác điều trị sai cách, ảnh hưởng xấu lên những vùng da này.
  • Gặp tác dụng phụ khi sử dụng sản phẩm chăm sóc da hoặc thuốc: Nếu bạn có triệu chứng nghiêm trọng như sưng to, đỏ mắt, nổi mẩn, hoặc ngứa quá mức sau khi sử dụng sản phẩm chăm sóc da hoặc thuốc, bạn cần ngưng sử dụng và đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

Ngoài ra, hãy nhớ luôn duy trì chế độ chăm sóc da hằng ngày bằng cách sử dụng sản phẩm phù hợp với loại da của bạn,. Nếu bạn còn lo lắng hoặc không chắc chắn về tình trạng da của mình, hãy hỏi thăm bác sĩ da liễu để được tư vấn và điều trị chính xác.

Trên đây là những thông tin chi tiết về nguyên nhân gây ra mụn, hy vọng sẽ hữu ích với mọi người. Để giải quyết vấn đề về mụn, điều quan trọng là phải hiểu rõ nguyên nhân, loại mụn và cách điều trị.Hãy truy cập ngay chuyên mục Tin tức y tế để cập nhật những tin tức y tế mới nhất. Nếu bạn muốn được tư vấn miễn phí về mụn hoặc các vấn đề sức khỏe khác tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, vui lòng gọi theo số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.